Wednesday, November 24, 2010

Umberto Eco - Làm thế nào để đi du lịch cùng một con cá hồi


Umberto Eco

Làm thế nào để đi du lịch cùng một con cá hồi

Theo như báo chí thì có hai vấn đề gây phiền toái thế giới hiện đại: cuộc xâm lăng của máy tính, và sự bành trướng gây hoang mang của Thế giới thứ ba. Báo chí đã đúng, và tôi biết thế.

Cuộc hành trình của tôi diễn ra chớp nhoáng: một ngày ở Stockholm và ba ngày ở Luân-đôn. Tại Stockholm, tranh thủ một giờ được rảnh, tôi đi mua một con cá hồi hun khói, loại lớn, giá rẻ bèo. Con cá được bọc cẩn thận trong một bì nhựa dẻo, nhưng người ta bảo tôi rằng, nếu tôi di chuyển đây đó, thì người ta khuyên tôi là nên giữ nó trong tủ lạnh. Ha. Thử xem nào.

Hên là, tại Luân-đôn, nhà xuất bản đã đặt phòng cho tôi tại một khách sạn hạng sang: loại phòng có trang bị một tủ minibar. Nhưng khi tới khách sạn, tôi có cảm tưởng mình vừa bước vào một toà công sứ nước ngoài ở Bắc-kinh vào thời kì nổi dậy của Nghĩa-hoà-đoàn: toàn bộ các gia đình đều trú ở ngoài tiền sảnh, du khách quấn mền ngủ giữa mớ hành lí của họ. Tôi hỏi mấy người nhân viên, toàn bộ họ là người Ấn-độ ngoại trừ một số là người Malay, và họ bảo rằng chỉ mới ngày trước, trong cái khách sạn tráng lệ này, người ta đã lắp đặt một hệ thống máy tính và, trước khi mấy lỗi quái lạ được loại bỏ, nó bị hỏng trong hai giờ đồng hồ. Chẳng có cách nào biết được phòng nào có người còn phòng nào thì trống. Tôi phải chờ đợi thôi.

Cho đến chiều thì hệ thống được phục hồi, và tôi xoay xở được vào phòng mình. Thấy lo cho con cá hồi, tôi bỏ nó ra khỏi cái va-li rồi tìm cái tủ minibar.

Thursday, November 18, 2010

J. E. Cirlot - Tính biểu tượng của màu sắc

Biểu tượng về màu sắc là một trong những loại biểu tượng mang tính phổ quát nhất, và được dùng một cách ý thức trong những nghi thức tế lễ, trong các huy hiệu, luyện đan, nghệ thuật và văn chương. Có nhiều sự suy xét liên hệ đến mặt ý nghĩa của màu sắc mà ta có thể nói qua một chút. Có sự phân chia một cách chung chung về măt quang học và về tâm lí học thực nghiệm. Nhóm đầu tiên gồm những màu “tăng tiến” (advancing) và có tính ấm, tương ứng với những cách thức đồng hóa, tính hoạt động và cường độ của màu sắc (gồm các màu đỏ, cam vàng và rộng hơn nữa là màu trắng), và nhóm thứ hai mang tính lạnh, là những màu “lùi” (retreating), tương ứng với những quá trình tách biệt, tính thụ động và quá trình làm suy yếu (gồm các màu xanh dương, chàm, tím và rộng hơn nữa là màu đen), màu xanh lá cây là màu trung gian, chuyển tiếp và trải đều cho cả hai nhóm. Màu sắc có cách dùng phụ khác trong việc đưa vào những mẫu hình vẽ trên huy hiệu. Thứ tự từng dãy của khoảng phạm vi màu sắc chính là điều cơ bản, được tạo thành khi dãy màu sắc (mặc dù trong một cái nghĩa có phần trừu tượng) làm thành một loại tập hợp hữu hạn của các màu sắc hoàn chỉnh, khác biệt nhau và có trật tự. Mối quan hệ dạng thức giữa, một mặt là, một chuỗi sáu hay bảy sắc thái của màu sắc– vì thỉnh thoảng cũng khó mà phân biệt màu xanh với màu chàm, hoặc màu xanh da trời với màu xanh biển – và, ở mặt khác, một chuỗi nguyên âm – có bảy nguyên âm trong tiếng Hi-lạp – cũng như các nốt nhạc trong khung nhạc, mối quan hệ này chỉ ra một sự giống nhau cơ bản giữa ba dãy này với nhau và cũng là giữa chúng với sự phân chia của tầng trời, theo tư tưởng sinh vật học thiên văn cổ đại, thành bảy phần (mặc dù thực tế thỉnh thoảng người ta chia thành chín phần).