Wednesday, November 24, 2010

Umberto Eco - Làm thế nào để đi du lịch cùng một con cá hồi


Umberto Eco

Làm thế nào để đi du lịch cùng một con cá hồi

Theo như báo chí thì có hai vấn đề gây phiền toái thế giới hiện đại: cuộc xâm lăng của máy tính, và sự bành trướng gây hoang mang của Thế giới thứ ba. Báo chí đã đúng, và tôi biết thế.

Cuộc hành trình của tôi diễn ra chớp nhoáng: một ngày ở Stockholm và ba ngày ở Luân-đôn. Tại Stockholm, tranh thủ một giờ được rảnh, tôi đi mua một con cá hồi hun khói, loại lớn, giá rẻ bèo. Con cá được bọc cẩn thận trong một bì nhựa dẻo, nhưng người ta bảo tôi rằng, nếu tôi di chuyển đây đó, thì người ta khuyên tôi là nên giữ nó trong tủ lạnh. Ha. Thử xem nào.

Hên là, tại Luân-đôn, nhà xuất bản đã đặt phòng cho tôi tại một khách sạn hạng sang: loại phòng có trang bị một tủ minibar. Nhưng khi tới khách sạn, tôi có cảm tưởng mình vừa bước vào một toà công sứ nước ngoài ở Bắc-kinh vào thời kì nổi dậy của Nghĩa-hoà-đoàn: toàn bộ các gia đình đều trú ở ngoài tiền sảnh, du khách quấn mền ngủ giữa mớ hành lí của họ. Tôi hỏi mấy người nhân viên, toàn bộ họ là người Ấn-độ ngoại trừ một số là người Malay, và họ bảo rằng chỉ mới ngày trước, trong cái khách sạn tráng lệ này, người ta đã lắp đặt một hệ thống máy tính và, trước khi mấy lỗi quái lạ được loại bỏ, nó bị hỏng trong hai giờ đồng hồ. Chẳng có cách nào biết được phòng nào có người còn phòng nào thì trống. Tôi phải chờ đợi thôi.

Cho đến chiều thì hệ thống được phục hồi, và tôi xoay xở được vào phòng mình. Thấy lo cho con cá hồi, tôi bỏ nó ra khỏi cái va-li rồi tìm cái tủ minibar.

Theo quy tắc, ở những khách sạn thông thường, minibar là một cái tủ lạnh nhỏ chứa hai chai bia, mấy chai rượu mạnh loại mini, một vài hộp nước trái cây, và hai gói đậu phụng. Tại khách sạn này, cái tủ lạnh có cỡ dành cho gia đình và chứa năm mươi chai gồm whisky, rượu gin, Drambuie, Courvoisier, tám Perrier loại lớn, hai Vitellois, và hai Evian, ba chai champagne loại chai một phần hai tiêu chuẩn, nhiều hộp Guinness, một loại bia vàng, bia Hà-lan, bia Đức, mấy chai rượu vang trắng của cả Pháp lẫn Ý, và, ngoài đậu phụng ra, còn có bánh quy giòn nhắm rượu, hạnh nhân, chocolate, và viên sủi bọt Alka-Seltzer. Chẳng còn chỗ cho cá hồi. Tôi lôi ra hai ngăn kéo của tủ quần áo, và trút mấy thứ trong cái tủ lạnh vào, rồi bỏ con cá hồi vô tủ lạnh, và không còn nghĩ về nó nữa. Ngày hôm sau, khi tôi trở về phòng lúc bốn giờ chiều, con cá hồi ở trên bàn, còn tủ lạnh lại bị nhét gần như kín đầy mấy món cao lương mĩ vị. Tôi mở ngăn kéo, và phát hiện rằng mọi thứ tôi giấu ở đó hồi hôm trước vẫn còn nguyên ở đó. Tôi gọi lễ tân và bảo nhân viên thông báo cho người dọn phòng rằng nếu họ thấy tủ lạnh trống thì không phải vì tôi đã dùng hết mấy thứ đó, mà là vì con cá hồi. Anh ta đáp rằng toàn bộ những yêu cầu như vậy phải được đưa vào máy tính trung tâm, nhưng - một tình thế phức tạp hơn nữa – vì hầu hết nhân viên không nói được tiếng Anh, những chỉ dẫn bằng lời không được chấp thuận. Mọi thứ phải được chuyển về ngôn ngữ Basic. Trong khi đó, tôi lấy ra hai ngăn kéo khác, và chất vào đó mấy món mới có trong tủ lạnh, rồi để con cá hồi vào lại.

Ngày hôm sau lúc 4 giờ chiều, con cá hồi quay trở lại nằm trên bàn, và nó đang toả ra cái mùi khả nghi. Tủ lạnh bị nhét đầy các chai lớn chai nhỏ, và bốn cái ngăn kéo của tủ quần áo gợi ra hình ảnh căn mật thất của một tiệm bán rượu lậu vào thời kì đỉnh điểm của Lệnh cấm rượu. Tôi gọi lễ tân lần nữa và họ bảo tôi rằng họ đang gặp vấn đề khác với cái máy tính. Tôi nhấn chuông gọi phục vụ phòng và cố gắng giải thích tình thế của tôi cho chàng thanh niên cột tóc đuôi ngựa; anh ta không thể nói được gì ngoại trừ nói một thứ tiếng, mà theo như một nhà nhân học đồng nghiệp của tôi giải thích sau này, chỉ có tại vùng Kefiristan vào cái thời mà Alessandro Đại đế đi gù nàng Rossane.

Sáng hôm sau, tôi xuống dưới để kí hoá đơn. Nó nhiều khủng khiếp. Hoá đơn cho biết trong hai ngày rưỡi tôi đã tiêu thụ hàng trăm lít Veuve Clicquot, mười lít rượu whisky đủ loại, trong đó có mấy loại single malt hiếm có, tám lít rượu gin, hai mươi lăm lít nước khoáng (cả Perrier lẫn Evian, cộng thêm mấy chai San Pellegrino), một lượng nước trái cây đủ để bảo vệ bọn trẻ con trong chương trình chăm lo UNICEF khỏi mắc bệnh scurvy, và lượng quả hạnh, quả óc chó, và đậu phộng đủ để gây ra nôn mửa tại nơi của bác sĩ Kay Scarpetta. Tôi cố giải thích, nhưng tay nhân viên, với nụ cười đen đúa do ăn trầu đã quả quyết với tôi rằng điều này là do máy tính bảo thế. Tôi yêu cầu luật sư, và họ mang tới cho tôi một trái bơ.

Giờ thì nhà xuất bản của tôi giận dữ và nghĩ rằng tôi là một gã ăn bám kinh niên. Con cá hồi không còn ăn được nữa. Mấy đứa con của tôi khăng khăng là tôi nên cắt giảm việc uống rượu.

1986

Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn của William Weaver 


Nguồn:
Umberto Eco; How to Travel with A Salmon; How to Travel with A Salmon and Other Essays (bản dịch Anh văn của William Weaver); Harcourt Brace & Company, 1994. 

No comments:

Post a Comment