He, whose long wall the wand’ring Tartar bounds...
– Dunciad III, 76
Cách đây mấy ngày tôi đọc được rằng người đàn ông ra lệnh cho việc xây dựng Bức tường thành Trung-hoa dài gần như vô hạn chính là vị Hoàng-đế đầu tiên, Thuỷ Hoàng-đế, cũng ông này ra chiếu chỉ đốt toàn bộ sách vở được viết trước thời ông. Hai nhiệm vụ to lớn này – năm sáu trăm lí (legua) tường đá để ngăn chặn bọn rợ, và việc huỷ bỏ lịch sử, tức là quá khứ, một cách triệt để - là công việc của cùng một người, và, ở một ý nghĩa nào đó, thì đó là đặc tính của ông ta, và việc không thể cắt nghĩa được là chuyện đó đã thoả mãn tôi đồng thời làm tôi phiền muộn. Điều tra nguyên do cho cảm xúc đó chính là mục đích của bài viết này.
Về mặt lịch sử, chẳng có gì bí ẩn về hai cách thức này. Vào cùng thời những cuộc chiến tranh của Hannibal, Thuỷ Hoàng-đế, vị vua nhà Tần, đã chinh phục cả sáu vương quốc và đặt dấu chấm hết cho thể chế phong kiến; ông ta xây tường bởi vì tường chính là sự phòng vệ; ông đốt sách bởi vì địch thủ của ông có thể viện dẫn sách vở để ca ngợi các tiên đế. Đốt sách và dựng thành là những công việc thường thấy của các ông hoàng; thứ độc đáo duy nhất về Thuỷ Hoàng-đế là cái mức độ mà ông tiến hành. Ít nhất thì đó là ý kiến của các nhà Hán học, nhưng tôi tin rằng cả hai hành động kia là một thứ gì đó còn hơn cả sự phóng đại và cường điệu của những thiên hướng bé mọn. Rào quanh một khu đất trồng trái cây hoặc một khu vườn là điều thường thấy, nhưng rào cả một đế quốc thì không vậy. Đó cũng không phải là vấn đề nhỏ khi bắt buộc cả một dân tộc có truyền thống nhất hạng phải từ bỏ kí ức của quá khứ, dù là thần thoại hay có thực. Niêu đại của Trung-hoa đã được ba ngàn năm (và trong đó bao gồm các vị như Hoàng Đế và Trang tử và Khổng tử và Lão tử) khi Thuỷ Hoàng-đế lệnh rằng lịch sử sẽ bắt đầu với ông.
Thuỷ Hoàng-đế đã phát vãng mẹ ông vì tội dâm đãng; những người theo truyền thống thì nhìn nhận thứ công lí nghiêm khắc này là hành động bất hiếu; có lẽ Thuỷ Hoàng đế muốn xoá bỏ những cuốn sách kinh điển vì những cuốn sách đó chỉ trích ông; Thuỷ Hoàng đế có lẽ muốn trừ bỏ đi toàn bộ quá khứ để trừ bỏ đi một kí ức đơn lẻ: nỗi nhục nhã của mẹ ông ta. (Không khác mấy một vị vua nọ, ở Judea, người đã giết toàn bộ trẻ con chỉ đế giết một đứa trẻ.) Phỏng đoán này khá vững, nhưng điều đó không cho ta biết gì về bức tường thành, một mặt khác của một huyền thoại. Thuỷ Hoàng đế, theo các sử gia, đã cấm nhắc đến cái chết, và tìm kiếm linh đơn giúp bất tử và tự giam mình trong một cung điện mang tính hình tượng với số phòng tương đương với số ngày trong năm; những sự kiện này gợi ý rằng bức tường trong không gian và ngọn lửa trong thời gian chính là những rào cản ma lực có ý ngăn chặn cái chết. Tất cả mọi thứ đều muốn tiếp tục tồn tại trong thực thể của chính nó, Baruch Spinoza viết như vậy; có lẽ vị Hoàng đế và các thầy pháp của ông tin rằng sự bất tử là thứ nội tại và cho rằng sự thối rữa không thể thâm nhập được vào một vùng khép kín. Có lẽ Hoàng đế muốn tái tạo lại khởi đầu của thời gian và tự gọi mình là Thuỷ (đầu tiên) để thực sự là người đầu tiên, và gọi mình là Hoàng đế để một cách nào đó như là Hoàng Đế, vị vua truyền thuyết đã sáng chế ra chữ viết và la bàn. Cũng chính Hoàng Đế là người, theo như cuốn Lễ kí, gán mọi sự vật bằng cái tên thực của chúng; tương tự vậy, Thuỷ Hoàng đế đã nói một cách khoe khoang, trên những bản khắc chữ hiện vẫn còn tồn tại, rằng mọi vật dưới thời cai trị của ông ta đều có tên gọi phù hợp với chúng. Ông mộng về việc thiết lập một vương triều bất tử; ra chiếu chỉ rằng những người kế vị ông ta sẽ được gọi là Nhị Hoàng đế, Tam Hoàng đế, Tứ Hoàng đế, và cứ thế đến bất tận… Tôi đã nói về một dự định ma lực; có thể cho rằng xây tường và đốt sách không phải là những hành động xảy ra cùng một lúc. Do vậy (tuỳ vào thứ tự mà ta chọn) chúng ta sẽ có hình ảnh một vị vua bắt đầu bằng việc phá huỷ và rồi đành chịu việc bảo tồn; hoặc hình ảnh một vị vua vỡ mộng đã cho phá huỷ những gì mà ông ta từng bảo vệ. Cả hai điều ước đoán đó đều kịch tính; nhưng theo như tôi biết thì chúng thiếu đi những nền tảng lịch sử. Herbert Allen Giles cho biết rằng những ai giấu sách đều bị in thanh sắt nóng lên người và bị xử phải làm việc cho đến chết để dựng bức tường thành dài vô tận kia. Ý này ủng hộ hoặc cho phép có một diễn giải khác. Có lẽ bức tường là một ẩn dụ; có lẽ Thuỷ Hoàng đế trừng phạt những người tôn sùng quá khứ phải lãnh lấy một công việc mênh mông như chính cái quá khứ, một việc cũng xuẩn ngốc và vô dụng. Có lẽ bức tường là một thách thức và Thuỷ Hoàng đế nghĩ rằng, “Loài người yêu quá khứ và chống lại tình yêu đó là điều mà ta cũng như những kẻ đao phủ của ta không thể làm được, nhưng một ngày kia sẽ xuất hiện một người cũng cảm thấy như ta, và y sẽ phá huỷ bức tường của ta, như ta đã tiêu huỷ sách, và y sẽ xoá kí ức của ta và trở thành cái bóng và hình ảnh phản chiếu của ta và sẽ không hay biết gì.” Có lẽ Thuỷ Hoàng đế xây tường quanh đế quốc của ông vì ông biết rằng đế quốc này rất mỏng manh, và tiêu huỷ sách vì ông biết chúng là những cuốn sách thiêng, nhưng cuốn sách dạy bảo những gì mà toàn thể vũ trụ này dạy bảo hoặc để dạy bảo cái lương tâm của mọi con người. Có lẽ việc đốt thư viện và việc xây tường là hai hành động, bằng một cách bí mật nào đó, xoá bỏ nhau.
Một bức tường vững chãi, ở thời điểm này và ở toàn bộ mọi thời điểm, phủ một hệ thống hình bóng của nó lên những vùng đất mà tôi sẽ không bao giờ thấy được, nó chính là bóng của César, người đã lệnh cho những xứ sở đáng tôn kính nhất phải thiêu đốt đi quá khứ của chính mình; cái ý tưởng đó là cái làm chúng ta lay động, ra khá xa những phỏng đoán mà nó cho phép. (Đức tính của nó có thể nằm trong sự tương phản giữa xây dựng và phá huỷ, ở quy mô khổng lồ.) Khái quát hoá lại, chúng ta có thể suy ra được rằng tất cả các hình thức đều có đức tính ở tự thân chúng và không phải ở trong một “nội dung” tưởng tượng. Điều đó ủng hộ lí thuyết của Benedetto Croce; vào năm 1877, Pater đã cho rằng mọi hình thức nghệ thuật đều có khát vọng muốn giống âm nhạc, vốn chỉ là hình thức chứ không còn gì khác. Âm nhạc, những trạng thái hạnh phúc, thần thoại, những gương mặt hao mòn theo thời gian, những lúc chạng vạng nào đó và những nơi chốn nào đó, thảy muốn nói cho ta nghe về một điều gì đó, hoặc đã nói cho ta nghe một điều gì đó mà ta lẽ ra không nên đánh mất, hoặc chuẩn bị nói cho ta nghe điều gì đó; trạng thái sắp đến đó của một sự mạc khải vẫn chưa lộ ra, có lẽ, là một hành vi mĩ cảm (hecho estético).
[1950]
Nguồn:
Borges, Jorge Luis. (1999). The Wall and the Books. Selected Non-fictions. Biên tập bởi Eliot Weinberger. Penguin.
No comments:
Post a Comment