Wednesday, June 22, 2011

Tawada Yōko - Châu Âu là Tây phương?

 “Truyền thống” và “hiện đại”: hai từ ưa thích của người dẫn chương trình ở trong một cái hộp thường được biết đến với cái tên “truyền hình”.

 

Tôi có vài cái hộp trong căn hộ của mình. Một cái gọi là tủ lạnh. Nó kêu um ủm suốt ngày đêm nhưng chẳng nói gì cả. Một cái hộp khác gọi là máy giặt và nó thường phát rồ. Tuy thế, cái thứ ngôn ngữ phát ra từ máy truyền hình thì còn điên hơn nhiều.

Tên của một trong những nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất Nhật-bản là “National”. Một cái tên lạ đối với một công ti, phải không? Thế mà cái tên đó có lẽ rất phù hợp bởi vì nó là hiện thân hoàn hảo cho tâm tình quốc gia nảy nở trong thập niên 1920, thời điểm công ti được thành lập. Sau đó nó đi đến chỗ biểu hiện niềm tự hào về sản xuất công nghiệp, một lối tự hào thay thế cho cái lòng tự hào nát tan ở quốc gia này sau Thế chiến II. Kết thúc chiến tranh không làm cho căn cước dân tộc bị tan rã. Nhân danh của cả quốc gia, mọi người bị thúc ép phải tái thiết đất nước và tạo ra sự sung túc. Sau đó, quốc gia đến chỗ có một nghĩa khác nữa; nó trở thành một cộng đồng chịu trách nhiệm cho lịch sử. Khi tội ác, tức cuộc Thế chiến, được tiến hành nhân danh một quốc gia, thì quốc gia đó sau chiến tranh chịu trách nhiệm cho cuộc chiến đó, phải tiếp tục tồn tại, cho dù sự tự do thoát khỏi khái niệm về quốc gia là điều ao ước của mọi người muôn nơi.

Tôi mua truyền hình ở Đức. Công ti làm ra nó có tên là “Grundig”, không phải “abgrundig” (lối chơi chữ tiếng Đức: Grundig chỉ sự thấu suốt, và abgrundig có nghĩa là sâu như vực thẳm…). Ở Đức không có công ti nào gọi là “National”. Cái tên đó sẽ không gây nên ấn tượng tốt cho khách hàng.

Giống như từ “quốc gia”, từ “Đức” được dùng cách cẩn trọng hoặc thậm chí còn bị tránh đi. Tuy vậy, có hai chủ đề mà ở đó lòng tự hào về quốc gia được phép và cả hai đều là những mảng đời mà đàn ông say sưa mê mải: xe hơi và bóng đá.

Thậm chí đối với một trí thức người Đức luôn biết tự phê phán mình, một người thường xuyên phê phán chính đất nước mình, anh ta cũng cảm thấy bị nhục mạ nếu bạn bảo rằng xe hơi Đức thuộc hàng chất lượng rất kém.

Nhục mạ người Nhật thì dễ hơn. Họ không chỉ tự hào về xe hơi Nhật, mà còn tự hào về Walkman hoặc thậm chí đôi khi còn tự hào về máy giặt Nhật. Ngay cả tôi, vốn không có chút ham muốn trở thành người quốc gia chủ nghĩa, và cũng chẳng biết gì về chuyện nội trợ, cũng sẽ bị nhục mạ nếu ai đó phê phán cái máy giặt Nhật-bản. Tôi thích máy giặt sản xuất bởi công ti Đức Bosch hơn bởi vì họ có quỹ tín thác, ngoài những việc khác ra còn là quỹ trợ cấp văn chương đương đại. Dù vậy không máy giặt nào có thể xoá bỏ vết nhơ nhớp nháp còn lại vốn bị kích khởi bởi ý tưởng về quốc gia.

Ở Đức, người ta tự hào về xe hơi Đức mặc dù đa số người Đức không thể mua nổi một chiếc BMW hay Mercedes. Tuy nhiên, một lá quốc kì nho nhỏ thì ai cũng mua được. Người ta thậm chí có thể mua một cái ở tiệm tạp hoá. Có mấy cô cậu trẻ tuổi thất nghiệp mà đối với họ cái hình thức xưa cũ của chủ nghĩa quốc gia có thể được biểu trưng bởi những biểu tượng rõ ràng hơn, hơn là niềm tự hào mà những tầng lớp thượng lưu tìm thấy trong những nhãn hiệu Đức xa xỉ vốn quá đắt đỏ đến mức mọi người khó lòng mua nổi. Những người trẻ này nhận ra rằng họ bị loại trừ ra khỏi cảnh sung túc vốn được an bài và chỉ chạm tới được ở cấp độ quốc gia.

Cách đây mấy năm, một điều luật mới được thông qua tại Nhật, quy định rằng lá cờ Nhật phải được treo lên tại mỗi buổi lễ diễn ra ở các trường phổ thông và trường đại học trên đất nước. Điều luật xác định kích cỡ chính xác của lá cờ. Nếu không vậy thì một số người có thể quyết định đi kéo lá cờ còn nhỏ hơn tem bưu điện. Điều luật yêu cầu lá cờ phải được treo lên ngay giữa khán đài, chỗ mà mọi người đều có thể thấy nó. Tại mỗi buổi lễ, mọi người phải hát bài quốc ca ở dạng nguyên gốc. Quả thực trước đó từng có một sự cố là khi ấy một giáo viên dạy nhạc đã chuyển bài quốc ca thành một bản nhạc jazz và đã hát theo điệu jazz đó. Điều luật này kích khởi cuộc thi “Ikkyu-san”. (Ikkyu-san là một Till Eulenspiegel của Nhật). Ví dụ như Ngoại ngữ Học viện ở Tokyo đã treo quốc kì lên như luật chỉ dẫn, với một khác biệt nhỏ: người ta cũng treo lên thêm 110 lá cờ của những quốc gia khác. Điều đó chỉ có thể làm được một lần. Một điều luật “cải tiến” mới quy định rằng không được treo lên thêm lá cờ nào khác.

Chủ nghĩa quốc gia kiểu cũ, giống như lá quốc kì vậy, có thể đã quay trở lại trong vài năm vừa qua bởi vì hình thức thay thế cho chủ nghĩa quốc gia dựa trên các sản phẩm công nghiệp đã không còn tác dụng. Người ta không còn tự hào về những công ti vốn thích sáp nhập với các hãng nước ngoài và sa thải nhân viên của họ. Hơn nữa, hầu hết các công ti không còn thuộc về riêng một quốc gia.

Ở giai đoạn vừa qua, từ “Âu châu” trở nên ngày càng thịnh hành. Nếu tôi bật đài phát thanh thì tôi sẽ nghe được từ đó cứ mỗi mười phút trôi qua. Có một điều luật Âu châu để bảo vệ các đài kỉ niệm, có một cuộc thi nhạc pop Âu châu, và có những cuốn tiểu thuyết Âu châu.

Khi so với từ “Đức”, thì hai từ “Âu châu” và “Tây phương” luôn được xem là tích cực. Từ “Đức” không còn được cần đến nữa. Ngay cả những người cấp tiến hữu khuynh cũng không cần nó. Họ nói đến “người da trắng”, một cụm từ không thích hợp, bởi vì họ thường công kích những di dân Nga gốc Đức mặc dù họ chẳng bao giờ nói xấu những ngôi sao nhạc pop Mĩ gốc Phi. Họ ắt là thích thành kẻ kì thị chủng tộc, nhưng thực tế là họ công kích tàn bạo những ai mà họ buộc tội nghèo.

Người Nhật không thích nói về một “châu Á”. Việc đó nghe như là chủ nghĩa đế quốc của Nhật. Châu Á không phải là một, và thật tốt khi nó không phải vậy. Không có một tông giáo chung, cũng như không một hệ thống chính trị chung, thậm chí cũng không dùng chung một loại gạo. Người Thái hẳn sẽ rất buồn nếu họ phải ăn gạo Nhật, và ngược lại. Từ “Á châu” là đứa con của chủ nghĩa thực dân; sinh ra tại châu Âu, được người Nhật nhận nuôi và ngược đãi, và người Nhật đã từ bỏ nó sau Thế chiến II.

Ở châu Âu, người ta thích nói về ẩm thực Á châu, y khoa Á châu, hoặc về triết học Á châu, bởi vì họ muốn một thứ văn hoá Á châu thống nhất. Nếu họ không vậy, sự tồn tại của văn hoá Âu châu sẽ bị ngờ vực. Tuy nhiên, ở châu Á, vì nhiều lí do khác nhau mà người ta mừng vui khi không có một nền văn hoá Á châu.

Tôi cũng không thể nói về “thế giới Đông phương”. Cái khái niệm “Đông phương” là một khái niệm rất tây-Âu. Từ này được dùng để chỉ vùng Trung Đông, Trung-quốc và Nhật-bản, thỉnh thoảng có cả Nga, và thậm chí cả mấy nước Trung Âu hoặc thuộc Cộng hoà Dân chủ Đức cũ. Cái ý tưởng về “Đông” luôn là cần thiết để khiến cho hình ảnh của “Tây’ trở nên cụ thể. Nghiên cứu Đông phương luận đã tiết lộ điều này từ lâu rồi. Bất kì ai cho rằng phương Đông là hư cấu thì cần phải để ý đến tính cách hư cấu của châu Âu.

Gần đây trong một chương trình phát thanh về đạo Islam tại Đức, người dẫn chương trình nói chính kiến của phái bảo căn Islam (Islamic fundamentalism) không xứng được công nhận là một văn hoá khác bởi vì những người bảo căn đã du nhập ý hệ và chiến lược của họ từ châu Âu. Thực ra là từ Stalin và Hitler. Sau đó, người dẫn chương trình nói về truyền thống dân chủ theo chính trị “Tây phương” như thể là chế độ toàn trị không nằm trong truyền thống đó vậy. Xen giữa hai ý đó, cô ta nói rằng phương Tây không phải lúc nào cũng cư xử theo lối Tây phương, mặc dù cô ta không định nghĩa được thuật ngữ “Tây phương”, và cứ khăng khăng dùng nó. Trái lại, từ “Tây phương” dường như làm cho lập luận của cô ta có cơ sở đảm bảo. Cô ta không dùng thuật ngữ nào khác, ví dụ, như “Âu-Mĩ”, có lẽ vì cô ta muốn loại trừ Nam Mĩ ra. Hơn nữa, thuật ngữ “Tây phương” có thể được dùng để loại trừ những quốc gia ở Đông Âu, đặc biệt là Nga.

Tôi thường tự hỏi tại sao tôi không thể thốt ra dễ dàng những từ “Tây phương” và “Đông phương”. Tôi chẳng có gì chống đối từ “Âu châu”, cho dù tôi hiếm khi dùng từ đó bởi vì đôi lúc nó không nói được gì nhiều. Liệu có một thứ gì gọi là thức ăn Âu châu không? Spaghetti? Người Âu châu, ví dụ như người Na-uy, đã đóng góp vào món pasta Ý truyền thống này nhiều hơn người Trung-quốc chăng? Tôi có nói văn chương “Âu châu”, nếu tôi quá lười liệt kê ra hết từng nước. Từ “Đức” cũng không tương ứng với thực tại. Liệu ngày nay có thể nói về văn chương Đức không? Còn ẩm thực Đức thì sao? Khoai tây không phải bắt nguồn từ Nam Mĩ sao? Dù vậy, tôi thích những từ “Đức” và “Âu châu” hơn “Tây phương” bởi vì chúng buộc tôi suy nghĩ cụ thể hơn. Cụm từ “Tây phương” mặt khác ngấm ngầm chứa đựng một khái niệm ẩn phục. Nó cố bọc lấy cái ý hệ vào trong một bao bì địa lí: bất kì ai ủng hộ cho dân chủ, tự do và chủ nghĩa cá nhân đều được xem là có định hướng Tây phương. Và, nếu người đó xuất thân từ phía tây địa lí, thì họ thuộc về truyền thống của chính họ. Nếu không, họ rời bỏ truyền thống của chính họ. Họ có thể hiện đại đó nhưng họ không hoàn toàn là chính mình.

Văn hoá “Tây phương” truyền thống thường được trình hiện như một tuyến phát triển duy nhất. Tuy nhiên, tuyến đó là một hư cấu được vun bồi kĩ càng. Ví dụ như văn hoá Hi-lạp cổ đại được xem như là một phần quan trọng cho dòng giống văn hoá đó trong khi ảnh hưởng từ toán học và khoa học tự nhiên của Ả-rập thì lại bị loại trừ. Tuy nhiên, ở Hamburg, tôi không tìm ra được bất kì dấu vết gì của văn hoá Hi-lạp cổ đại. Trái lại, tại một ngôi đền ở thành phố Nara của Nhật, điểm cuối cùng của Con đường Tơ lụa, người ta có thể tìm thấy một chùm nho trang trí vốn có nguồn gốc từ Hi-lạp. Thứ trái cây bằng đá này vẫn không thối rữa mặc dù nó đã hơn ngàn tuổi và đã xuất hiện được một ngàn năm trước đó. Những nền văn hoá của trái đất này luôn tạo thành một mạng lưới chứ không chỉ một số tuyến song song.

Tôi không thể dùng những thành ngữ như “văn hoá chúng ta” nữa, bởi vì tôi không biết người nào được cho là thuộc về cái “văn hoá chúng ta” này, còn người nào thì không. Tôi chưa bao giờ mơ đến việc miêu tả những truyền thống kịch No hay Butoh thuộc về văn hoá “chúng ta”. Khi tôi dùng những tên đó, tôi không có ý chỉ người Nhật mà ý chỉ những người dự phần vào những bộ môn sân khấu như thế.

Người dẫn chương trình truyền hình đi theo cùng một kịch bản cho ngày hôm nay như mọi ngày trước đó, nền văn hoá “ngoại quốc” nào mà anh ta chuẩn bị trình chiếu cho chúng ta thấy thì có quan trọng gì. Nếu một cô gái ở một đất nước mà người dẫn chương trình nghĩ là nước ngoài và cô gái không có bạn trai, sống với gia đình có một bà mẹ đằm thắm, người ta nói rằng cô gái sống thuận theo truyền thống. Nếu cô ta phải lòng một chàng trai, cự nhau với gia đình và rời khỏi nhà, người ta bảo rằng cô gái bị ảnh hưởng bởi lối hiện đại Tây phương và rời khỏi nhà để sống đời riêng mình.

Khi người Mĩ đến Nhật vào cuối thế kỉ 19, có những điều luật mới được thông qua ở Nhật được thiết kế nhằm hiện đại hoá đất nước. Ví dụ, những khu tắm tập thể công cộng, khoả thân nơi công cộng và tình trạng đồng tính luyến ái, thảy đều bị cấm lần đầu tiên trong lịch sử Nhật-bản. Sự hiện đại hoá này không can hệ gì đến tự do và quyền cá nhân mà liên quan nhiều hơn đến những toan tính thực hiện công nghiệp hoá và quân sự hoá đất nước theo phái Thanh giáo. Sau đó, khi người Nhật chọn nước Phổ làm mô hình cho việc tiếp tục hiện đại hoá, thì cái tâm tính Nhật điển hình nổi lên, vốn mang tính Nhật quá điển hình đến nỗi nó phải được nhập cảng từ Phổ. Nói cách khác, những đặc tính nhất định vốn đã tồn tại trong văn hoá Nhật – chẳng hạn như đạo lí samurai, lối làm việc tập thể của những nông dân trồng lúa, niềm tin vào quyền uy hay lối nghĩ theo tôn ti ­– và đã được chọn như là những yếu tố phù hợp cho thế giới hiện đại và được trao cho lối gia công kiểu Phổ.

Người dẫn chương trình hét vang từ cái hộp truyền hình rằng Mĩ Latin là một khối mâu thuẫn, Đông Á là một khối mâu thuẫn, Ả-rập Saudi là một khối mâu thuẫn, bởi vì hiện đại và truyền thống tồn tại cùng nhau tại những nơi đó. Tuy vậy, thật bình thường khi một đất nước có thể hiện đại hoá mà không cần tiêu huỷ hoàn toàn nền văn hoá tiền công nghiệp. Thậm chí ở Anh, nơi mà quá trình hiện đại hoá bắt đầu rất sớm, thì những hồn ma, truyện kinh dị và yêu thuật vẫn còn tồn tại. Tuy vậy, bởi vì thời hiện đại là phương Tây, nên người dẫn chương trình không bao giờ nói rằng nước Anh là đất nước của những mâu thuẫn.

Có lẽ châu Âu khổ đau nhiều nhất bên dưới chế độ công nghiệp hoặc cuộc khai minh. Để làm dịu nỗi đau thì Tây phương và hiện đại được xem như là đồng nghĩa.

Hẳn là chuyện tốt khi người Đức dùng từ “Tây phương”. Hệ quả là họ sẽ không phải cảm thấy phiền não cách không cần thiết về ảnh hưởng của Mĩ. Nếu không thì người dẫn chương trình sẽ phải tường thuật về chính văn hoá của anh ta theo cùng một cách anh ta gần đây tường thuật về một đất nước ở nơi gọi là thế giới thứ ba: “Buồn làm sao khi mà vì những lí do tài chính, hệ thống đại học truyền thống tuyệt diệu ở Đức phải tiếp dụng hệ thống hiện đại của Mĩ. Điều đó thật sự là quá rầu nhưng tự do cá nhân trên thị trường mở thì quan trọng hơn nhiều so với truyền thống của riêng ta. Điều tương tự cũng có thể nói về việc luật pháp chi phối giờ mở cửa hàng. Thật là quá tốt nếu ai cũng có thể mua đồ bất kì khi nào họ muốn. Mãi cho đến gần đây thì cái tự do ấy chưa từng tồn tại ở Đức do bên giáo hội cấm điều đó. Theo Kinh Thánh thì Chúa không làm việc vào ngày thứ bảy, do vậy loài người cũng không nên làm việc hôm đó. Dù vậy họ dần dần thích phóng chính họ ra khỏi ý niệm truyền thống về ngày Chủ nhật và tận hưởng sự tự do tiêu dùng mà không bị lương tâm ray rứt. Tuy nhiên, một số công dân sẽ tiếp tục khổ đau trước cái khoảng hổng giữa truyền thống và hiện đại.” Đó là kịch bản duy nhất mà người dẫn chương trình dùng khi anh ta tường thuật về những quốc gia phi Tây phương.

Có nhiều hình thức khác nhau của hiện đại. Có nhiều loại máy truyền hình khác nhau. Ta có thể nói về công nghệ Nhật-bản, vốn khác biệt với công nghệ Trung-quốc hay Hoa-kì. Ví dụ, có một nguyên tắc hiển nhiên trong công nghệ Nhật-bản bảo rằng thứ gì càng nhỏ thì càng đẹp. Kết quả là, ở Nhật, người ta sáng chế và sản xuất ra máy thu thanh bán dẫn, Walkman, và những thiết bị nhỏ khác. Tuy nhiên, công nghệ Nhật-bản cũng dễ thích ứng như công nghệ châu Âu. Ngày nay những chiếc xe hơi nhỏ nhất trên thế giới không phải hàng Nhật mà là hàng Âu châu. Hơn nữa máy vi tính lớn nhất thế giới là hàng Nhật và các chuyên gia công nghệ Nhật-bản không hề xấu hổ về nó. Do đó, nói đến công nghệ quốc gia là điều không có ích dụng gì.

Ta cũng có thể nói đến một hình thức dân chủ hay tự do kiểu Nhật nếu người ta không xem chúng như là những đồ án xây dựng, mà thay vào đó là những ngôi nhà thực sự làm bằng gỗ, rơm hoặc đá được xây dựng ở một nơi chốn cụ thể. Nói về sự khác biệt không tương tự như việc ra sức quả quyết về sự tồn tại của tính cách quốc gia.

Đối với sân khấu cũng y vậy. Sân khấu hiện đại của Nhật không chỉ là của người Nhật. Sự tình không đúng khi cho rằng chỉ những đoàn sân khấu đến từ Nhật là của Nhật. Những diễn viên không phải người Nhật có cùng những cơ hội để làm việc với truyền thống Nhật-bản. Những biên giới quốc gia chỉ là đường viền của những thấu kính trên kính hiển vi, được dùng để nghiên cứu chi tiết những hiện tượng đặc thù.

Thích phóng con người khỏi khái niệm văn hoá quốc gia, ta có thể tập trung vào vùng miền. “Chúng tôi không muốn văn chương Đức nữa, chúng tôi chỉ muốn văn chương Bayern.” Hầu hết người ta sẽ không thấy lời tuyên bố này là sáng tạo hay đáng lưu tâm. Thế tại sao cũng những người đó lại thấy hấp dẫn khi nghe nói đang có màn trình diễn của một đoàn kịch “truyền thống” đến từ một trong những sắc dân được gọi là thiểu số ở một nơi được gọi là thế giới thứ ba? Người ta cho phép bản thân nói đến truyền thống “thực thụ” của một nền văn hoá nếu họ loại trừ nền văn hoá đó ra khỏi thế giới hiện đại.

Tuy nhiên, trên thế giới ngày nay, mỗi nền văn hoá đều có cái hiện đại riêng mình. Không nền văn hoá nào bị cô lập hoàn toàn. Mỗi nền văn hoá phản ứng – trực tiếp hay gián tiếp, ý thức hay trong tiềm thức – với các hiện tượng xảy ra bên ngoài nó.

Lạ lùng thay, ở Mĩ tôi từng tiếp cận với đặc trưng địa phương nhiều hơn là chủ nghĩa toàn cầu. Nói về điều đó tôi không có ý chỉ những sắc dân thiểu số như người Amische, những người vẫn còn duy trì những đặc điểm Âu châu “thực thụ”, mà thay vào đó là ý chỉ những sinh viên bình thường tại những trường đại học tỉnh lẻ. Họ sống bên ngoài sự toàn cầu hoá ngay tại cùng thời điểm khi mà chúng ta đang trách cứ người Mĩ tiêu huỷ sự đa dạng về văn hoá. Ở Missoula, một sinh viên trường University of Montana đã tự hào trả lời “Không!” khi tôi hỏi cậu ta là có quán café Starbuck nào ở thành phố này không. Hiển nhiên là không phải toàn bộ nước Hoa-kì đều bị Mĩ hoá. Ở Tokio có 141 quán café Starbuck, ở California có 1414, ở Berlin 8, và ở Missoula không có cái nào. Cậu sinh viên đó sinh ra tại Montana, học hành tại đó và muốn làm việc ở đó sau khi học xong. Cậu ta đã từng tới một thị trấn nhỏ của Nhật, nhưng cậu ta chưa bao giờ tới New York. Cậu ta không sống ở Mĩ; cậu ta sống ở Montana. Mối xung khắc giữa văn hoá thành thị và văn hoá tỉnh lẻ đã choán hết tâm trí cậu ta. Thị dân coi khinh những tỉnh lẻ như Montana, nhưng cậu ta thì muốn sống đúng với truyền thống của mình.

Tôi cười khi cậu ta nói về truyền thống ở Montana nhưng thực tế điều cậu ta nói không hề buồn cười. Truyền thống là hư cấu. Nó luôn được sản sinh ra trong sự nhận thức muộn. Nếu nó không được chế tạo ra, thì nó không ở đó. Truyền thống Nhật-bản không kém phần hư cấu so với Montana. Khi chính quyền Nhật vào cuối thế kỉ 19 mở cửa đất nước ra thế giới bên ngoài, họ nhanh chóng khởi động lại những truyền thống Thần đạo cổ xưa vốn không được thực hành trong hơn ba trăm năm. Truyền thống văn hoá là điều cần thiết để hình thành căn cước dân tộc. Trước đó nó là điều không cần thiết bao lâu đất nước chưa tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài.

Bởi truyền thống là hư cấu, không có lí do gì để cảm thấy mối liên kết theo lối di truyền đối với truyền thống. Mọi người có thể tự do lựa chọn cái truyền thống hư cấu họ mong muốn làm việc cùng. Mọi nghệ sĩ có thể làm việc với bất kì yếu tố nào được tìm thấy trên hành tinh này. Nghệ sĩ có thể sản sinh ra điều gì mới và gây hứng thú từ điều đó hay không, phụ thuộc không phải vào nguồn gốc của nghệ sĩ, mà phụ thuộc vào tài năng của nghệ sĩ đó.

Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn của David Duke

Nguồn:
Tawada Yoko. (2005, 20 tháng Chín). Is Europe Western. Kyoto Journal, 61.
Bản online: https://germanhistory-intersections.org/en/migration/ghis:document-123

No comments:

Post a Comment