Sunday, December 5, 2010

Jorge Luis Borges - Bức tường và sách

 He, whose long wall the wand’ring Tartar bounds...
Dunciad III, 76


Cách đây mấy ngày tôi đọc được rằng người đàn ông ra lệnh cho việc xây dựng Bức tường thành Trung-hoa dài gần như vô hạn chính là vị Hoàng-đế đầu tiên, Thuỷ Hoàng-đế, cũng ông này ra chiếu chỉ đốt toàn bộ sách vở được viết trước thời ông. Hai nhiệm vụ to lớn này – năm sáu trăm lí (legua) tường đá để ngăn chặn bọn rợ, và việc huỷ bỏ lịch sử, tức là quá khứ, một cách triệt để - là công việc của cùng một người, và, ở một ý nghĩa nào đó, thì đó là đặc tính của ông ta, và việc không thể cắt nghĩa được là chuyện đó đã thoả mãn tôi đồng thời làm tôi phiền muộn. Điều tra nguyên do cho cảm xúc đó chính là mục đích của bài viết này.

Về mặt lịch sử, chẳng có gì bí ẩn về hai cách thức này. Vào cùng thời những cuộc chiến tranh của Hannibal, Thuỷ Hoàng-đế, vị vua nhà Tần, đã chinh phục cả sáu vương quốc và đặt dấu chấm hết cho thể chế phong kiến; ông ta xây tường bởi vì tường chính là sự phòng vệ; ông đốt sách bởi vì địch thủ của ông có thể viện dẫn sách vở để ca ngợi các tiên đế. Đốt sách và dựng thành là những công việc thường thấy của các ông hoàng; thứ độc đáo duy nhất về Thuỷ Hoàng-đế là cái mức độ mà ông tiến hành. Ít nhất thì đó là ý kiến của các nhà Hán học, nhưng tôi tin rằng cả hai hành động kia là một thứ gì đó còn hơn cả sự phóng đại và cường điệu của những thiên hướng bé mọn. Rào quanh một khu đất trồng trái cây hoặc một khu vườn là điều thường thấy, nhưng rào cả một đế quốc thì không vậy. Đó cũng không phải là vấn đề nhỏ khi bắt buộc cả một dân tộc có truyền thống nhất hạng phải từ bỏ kí ức của quá khứ, dù là thần thoại hay có thực. Niêu đại của Trung-hoa đã được ba ngàn năm (và trong đó bao gồm các vị như Hoàng Đế và Trang tử và Khổng tử và Lão tử) khi Thuỷ Hoàng-đế lệnh rằng lịch sử sẽ bắt đầu với ông.