Có một số người cho rằng văn ‘hay’ thì thực sự không thể dịch được. Trước khi biết đọc tiếng Đức, tôi nhận thấy ý nghĩ này an ủi làm sao vì tôi hoàn toàn không thể cảm nhận được văn học Đức, đặc biệt là văn học giai đoạn hậu chiến. Tôi đã nghĩ tôi nên học ngay tiếng Đức và đọc những tác phẩm này trong bản gốc và rồi vấn đề của tôi với văn học Đức có thể sẽ tự tan biến.
Dù vậy, có những ngoại lệ, như những bài thơ của Paul Celan,
mà tôi phát hiện thấy hoàn toàn lôi cuốn ngay cả trong bản dịch tiếng Nhật. Hết
lúc này tới lúc khác nảy ra trong tôi ý thắc mắc có thể nào những bài thơ của
ông lại không kém chất lượng bởi chúng thuộc loại khả dịch. Khi thắc mắc về
‘tính khả dịch’ của một tác phẩm, tôi không định nói rằng một bản sao hoàn hảo
của một bài thơ có thể tồn tại trong một ngoại ngữ hay không, mà là bản dịch của
nó có thể tự mình là một tác phẩm văn học hay không. Bên cạnh đó, sẽ là thiếu
sót nếu tôi chỉ nói rằng những bài thơ của Celan là khả dịch. Đúng hơn,
tôi có cảm giác rằng chúng đang chăm chú nhìn vào tiếng Nhật.
Sau khi tôi học đọc được văn học Đức trong nguyên gốc, tôi nhận ra rằng ấn tượng của mình chưa từng hão huyền. Tôi đã bị chiếm ngự còn hơn trước đó bởi câu hỏi vì sao những bài thơ của Celan có thể vươn tới một thế giới khác vốn nằm ngoài tiếng Đức. Đó hẳn phải có một vực sâu giữa những ngôn ngữ mà tất cả từ ngữ sa vào.