Monday, August 24, 2015

Tawada Yōko - Celan đọc tiếng Nhật

Có một số người cho rằng văn ‘hay’ thì thực sự không thể dịch được. Trước khi biết đọc tiếng Đức, tôi nhận thấy ý nghĩ này an ủi làm sao vì tôi hoàn toàn không thể cảm nhận được văn học Đức, đặc biệt là văn học giai đoạn hậu chiến. Tôi đã nghĩ tôi nên học ngay tiếng Đức và đọc những tác phẩm này trong bản gốc và rồi vấn đề của tôi với văn học Đức có thể sẽ tự tan biến.

Dù vậy, có những ngoại lệ, như những bài thơ của Paul Celan, mà tôi phát hiện thấy hoàn toàn lôi cuốn ngay cả trong bản dịch tiếng Nhật. Hết lúc này tới lúc khác nảy ra trong tôi ý thắc mắc có thể nào những bài thơ của ông lại không kém chất lượng bởi chúng thuộc loại khả dịch. Khi thắc mắc về ‘tính khả dịch’ của một tác phẩm, tôi không định nói rằng một bản sao hoàn hảo của một bài thơ có thể tồn tại trong một ngoại ngữ hay không, mà là bản dịch của nó có thể tự mình là một tác phẩm văn học hay không. Bên cạnh đó, sẽ là thiếu sót nếu tôi chỉ nói rằng những bài thơ của Celan là khả dịch. Đúng hơn, tôi có cảm giác rằng chúng đang chăm chú nhìn vào tiếng Nhật.

Sau khi tôi học đọc được văn học Đức trong nguyên gốc, tôi nhận ra rằng ấn tượng của mình chưa từng hão huyền. Tôi đã bị chiếm ngự còn hơn trước đó bởi câu hỏi vì sao những bài thơ của Celan có thể vươn tới một thế giới khác vốn nằm ngoài tiếng Đức. Đó hẳn phải có một vực sâu giữa những ngôn ngữ mà tất cả từ ngữ sa vào.

Một câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi của tôi đến với tôi sau này một cách đầy bất ngờ. Một hôm Klaus-Rüdiger Wöhrmann gọi điện thoại cảm ơn tôi vì bản sao ông đã nhờ tôi làm giúp. Đó là một bản sao bản dịch tiếng Nhật tập thơ Von Schwelle zu Schwelle [Từ ngưỡng tới ngưỡng] của Celan. Người dịch tập thơ là Mitsuo Iiyoshi, qua bản tiếng Nhật của ông mà tôi được làm quen với văn bản của Celan. Khi Wöhrmann nói với tôi rằng bộ-thủ ‘môn’ [cửa] [‘tor’ trong tiếng Đức, ‘gate’ hay ‘gateway’ trong tiếng Anh] đóng vai trò quyết định trong bản dịch này, một ý tưởng loé qua đầu tôi: Chính xác bộ-thủ này đã thể hiện ‘tính khả dịch’ của văn chương Celan.

Một bộ-thủ là cái gì đó giống như ‘thành phần chính’ của một chữ tượng hình [một chữ tượng hình là một kí hiệu được viết ra biểu hiện toàn bộ một khái niệm hơn là một âm như một kí tự của bảng chữ cái]. Cũng có những chữ tượng hình chỉ là một bộ-thủ, ví dụ ‘môn’ , nhưng hầu hết chúng đều có những thành phần bổ sung. Mọi chữ có chứa bộ-thủ ‘môn’ đều có gì đó liên quan đến khái niệm ‘môn’ trên một cấp độ ngữ nghĩa. Chắc chắn rằng, ý nghĩa của bộ-thủ và chữ tượng hình với tư cách là một tổng thể đôi khi khác biệt so với một chữ khác đến nỗi mối kết nối không thể được nhận ra nếu không có sự trợ giúp của tự điển. Và khi đang đọc, bạn không suy nghĩ về ý nghĩa từng thành phần riêng lẻ của từng chữ mà nắm bắt toàn bộ kí hiệu như một chỉnh thể. Vì lí do này, điều chưa từng xảy đến với tôi là suy nghĩ về vai trò của một bộ-thủ trong tác phẩm của Celan. Chỉ cái nhìn chăm chú thông suốt đến từ bên ngoài mới có thể thu hút sự chú ý của tôi dành cho điều này.

Nhưng có thể nào trong tập thơ mỏng này, những chữ tượng hình sử dụng bộ-thủ ‘môn’ lại liên tục xuất hiện ở những giao điểm then chốt nhất này? Đây không thể là một sự trùng hợp được, dù những trùng hợp có thể tồn tại trong văn học, nhưng không phải trong sự đọc một tác phẩm văn học. Thắc mắc về ý định của tác giả không giúp được gì cho chúng ta: Không thể nào Celan lại bí mật học tiếng Nhật và đã cố ý viết theo lối mà trong bản dịch tiếng Nhật bộ-thủ ‘môn’ sẽ trở thành một kí hiệu chủ chốt.

Bộ-thủ ‘môn’ xuất hiện hai lần trong nhan đề tập thơ Von Schwelle zu Schwelle. Chữ ‘quắc’ [‘schwelle’ hay ‘ngưỡng’] có chứa bộ-thủ ‘môn’. Trong trường hợp này không khó để đoán được nền tảng chung giữa ý nghĩa của bộ-thủ và ý nghĩa của kí hiệu như một tổng thể. Cả hai trường hợp đều dính líu tới một ranh giới. Nhưng ngay nhan đề này đã cho thấy rằng một giao điểm của những ranh giới là không được chủ định: vấn đề không phải là về vượt qua một ranh giới đặc thù mà là về lang thang từ một ranh giới đến ranh giới khác.

Trong bài thơ đầu của tập thơ, một chữ tượng hình chứa bộ-thủ ‘môn’ nữa xuất hiện: ‘văn’ . ‘Ich Hörte Sagen’ [‘Tôi nghe nói’] là nhan đề bài thơ này, bắt đầu với câu:

 

Ich hörte sagen, es sei

im Wasser ein Stein und ein Kreis

und über dem Wasser ein Wort,

das den Kreis um den Stein legt.

 

I heard it said there was

a stone in the water and a circle

and above the water a word

that placed the circle around the stone.

 

[Tôi nghe nói có

một viên đá trong nước và một vòng tròn

và bên trên nước một từ

đặt vòng tròn quanh viên đá.]

 

Trong kí hiệu ‘nghe’ [văn], bạn thấy một cái ‘tai’ [nhĩ] bên dưới cái ‘cổng’ [môn]. Theo kí hiệu này, nghe nghĩa là đứng ở ngưỡng cổng giống như một cái tai. Trong đoạn thơ kế tiếp ‘tôi’ thấy một hình dáng khác không còn đứng ở ngưỡng cổng nữa mà sải bước băng qua nó:

 

Ich sah meine Pappel hinabgehn zum Wasser,

ich sah, wie ihr Arm hinuntergriff in die Tiefe,

ich sah ihre Wurzeln gen Himmel um Nacht flehn.

 

I saw my poplar go down to the water

I saw how its arm reached down into the depths

I saw its roots pleading skywards for night.

 

[Tôi thấy cây dương của mình đi xuống nước

tôi thấy cánh tay nó vươn xuống đáy ra sao

tôi thấy rễ nó hướng lên trời cầu xin đêm.]

 

Thế giới ở dưới nước là sau ngưỡng. ‘Tôi’ trong bài thơ thấy ‘cây dương’ nhúng sâu vào thế giới không thân thuộc của nước ra sao, nhưng ‘tôi’ vẫn là một kẻ quan sát và không vội theo nó.

 

Ich eilt ihr nicht nach,

ich las nur vom Boden auf jene Krume,

die deines Auges Gestalt hat und Adel,

ich nahm dir die Kette der Sprüche vom Hals

und säumte mit ihr den Tisch, wo die Krume nun lag.

 

I didn’t hurry after it,

I merely gathered from the ground the crumb

that has the shape of your eye and nobility

I took the chain made of proverbs from your neck

and draped it about the table where the crumb now lay.

 

[Tôi đã không vội theo nó,

tôi chỉ lượm lặt trên đất mảnh vụn

mang hình dáng mắt em thanh cao

tôi lấy xâu chuỗi làm bằng những cách ngôn từ cổ em

và choàng nó quanh bàn nơi mảnh vụn giờ nằm.]

 

‘Tôi’ không đi xuống nước nhưng vẫn ở ngưỡng đeo đuổi một trò chơi kì ảo: Viên đá và vòng tròn được sao lại với sự trợ giúp của ‘mảnh vụn’ và ‘xâu chuỗi’ và như vậy hình ảnh nói đến hiển hiện bên dưới nước được lặp lại ở trên bàn.

Trò chơi kì ảo này có hiệu ứng của một tiến trình phiên dịch. Người dịch sao lại hình ảnh tồn tại bên dưới nước trên bàn viết. Cây dương, mặt khác, lại không phải là một người dịch. Hình hài của nó biến mất trong nước.

Nếu người ta đánh đồng thế giới không thân thuộc bên dưới nước với lãnh địa của những người chết, thì trò chơi kì ảo này có thể là một bản dịch ngôn ngữ của người chết thành văn. Người dịch nghe thấy lời người chết và đọc nó [y có lượm lặt nó – auflesen – như lượm những mầm sống từ mặt đất hay đọc nó – lesen – như đọc một chữ viết hay không?] và đặt nó trên bàn viết, nói cách khác là y viết. Cây dương mặt khác lại không hề viết. Nó tan biến dưới nước như một người nữ đang chết dần: Und sah meine Pappel nicht mehr [‘Và không thấy lại cây dương nữa’].

Sự nghe đóng một vai trò quan trọng xuyên suốt chuỗi thơ đầu trong tập thơ này, được đặt nhan đề là ‘Sieben Rosen Spater’ [‘Bảy Bông hồng Sau’]. Với tôi nó hiện ra như thể tất cả những bài thơ này đang nhắc nhở tôi rằng sự nghe không thể được suy ngẫm tách rời khỏi một ngưỡng. Đây là điều tôi đã hiểu ra khi tôi đang còn sống chuyên biệt bên trong tiếng Nhật. Chữ tượng hình ‘văn’ [nghe] nắm bắt được tri thức này mà không cần cái ý thức của tôi về nó. Có một câu nói có lẽ cũng thuộc về tri thức này. Đó là: Monzen no kozoo narawanu kyoo o yomu [‘Cậu bé sống trước cửa một ngôi đền có thể đọc thuộc lòng lời kinh mà không cần học’]. Với tôi, cậu bé người không vào bên trong ngôi đền và vẫn đứng ở cổng là hiện thân của người đang nghe. Nhưng giờ tôi đã bắt đầu tư duy theo tiếng Đức khá thường xuyên, tôi thường liên kết động từ ‘nghe’ [‘hören’] với ‘thuộc về’ [‘zugehören’] đến nỗi khi nghe điều gì đó tôi lại cảm thấy cần vội theo một tiếng nói không thân quen và không đứng nguyên ở ngưỡng cổng.

Càng cao độ tập trung đọc, ấn tượng của tôi rằng những bài thơ của Celan đang chăm chú nhìn vào tiếng Nhật càng trở nên mạnh hơn. Nhà thơ hẳn phải cảm thấy được cái nhìn chăm chú của bản dịch ném từ tương lai lên văn bản gốc. Thú vị thay, không thể giải thích được khả năng nhận biết cái chìn chăm chú này của Celan bằng cách viện dẫn kiến thức của ông về tiếng Nhật. Chắc chắn phải có một năng lực kêu gọi một hay một số hệ thống tư duy thuộc ngôn ngữ khác trong tiến trình viết vốn nằm ngoài cái ngôn ngữ đặc thù được sử dụng [trong trường hợp này là hệ thống chữ tượng hình Trung-hoa như được bảo tồn đến nay trong tiếng Nhật, chẳng hạn] và năng lực khiến cho sự hiện diện của chúng được cảm nhận trong văn bản.

Nhan đề bài thơ thứ ba, ‘Leuchten’ [‘Bóng thoáng’] chứa chữ tượng hình ‘thiểm’ [thoáng], vốn cũng bao gồm bộ-thủ ‘môn’. Ở đây chúng ta thấy một ‘người’ [nhân] đang đứng bên dưới một cái ‘cổng’ [môn]. Tôi chưa từng thôi nghĩ ngợi làm sao sự kết hợp của một cái cổng và một con người lại có thể sinh ra một bóng thoáng hay bừng sáng. Có lẽ ai đó đứng dưới một cái cổng [hay ở một ngưỡng] sẽ đặc thù dễ đón nhận một bóng thoáng từ một cõi vô hình. [Ý tưởng này đã được xác nhận khi tôi tiếp tục đọc.]

Cần nói thêm rằng tôi cảm nhận được điều gì đó kết nối mạnh mẽ từ leuchten [‘bóng thoáng’] trong tiếng Đức với chữ tượng hình này: Nó gây ấn tượng cho tôi rằng từ ich [‘tôi’] xuất hiện gọn ghẽ ngay giữa từ tiếng Đức leuchten khi bạn đọc rõ nó lên. Từ ich tuy nhiên không xuất hiện trong bài thơ này, chỉ có mir [‘với tôi’], du [‘em’] và uns [‘với chúng ta’]. Chỉ trong bóng thoáng này ‘tôi’ mới xuất hiện trong một loé chớp nhanh, trong một khoảnh khắc chóng vánh, bị phân mảnh.

Nếu tôi hình dung một bài thơ như một máy thu tia sáng, sẽ trở nên vô nghĩa khi đi tìm cái gì đó ‘đặc trưng Đức’ trong một bài thơ tiếng Đức. Vì những gì nó thu nhặt luôn ngoài nó và không bao giờ là bản thân bài thơ. Có lẽ cũng có một số bài thơ tiếng Đức được làm bằng thổ nhưỡng Đức. Nhưng những bài thơ cuốn hút tôi nhất là những bài tương ứng với những tinh tú của các ngoại ngữ và những lối nghĩ rằng chúng trước đây chưa từng hội ngộ ngay lúc chúng được sáng tác. Ở đây tôi đang diễn tả những hệ thống tư duy thuộc ngôn ngữ khác như những tinh tú vì mỗi kí hiệu bên trong chúng cũng giống như một ngôi sao chiếu ánh sáng của nó lên bản gốc. Khi đọc bài thơ ‘Strähne’ [‘Những lọn tóc’], bạn có thể hình dung rằng trong khi miệng một nhà thơ có thể chứa đựng cát đất, thì những từ ngữ của y lại không thể. Cái miệng này cảm giác được ánh sao và nói lên những lời lẽ khác với ngôn ngữ thân quen.

 

Niedergehn hier die Fernen,

und du,

ein flockiger Haarstern,

schneist hier herab

und rührst an den erdigen Mund.

 

Going down here the distant ones,

and you,

flake-like, a hairy star

are snowing down here

and touching the earthen mouth.

 

[Xuống đây đi những tinh tú xa xôi,

và em,

như đóm loé, một ngôi sao toả sáng

đang mưa tuyết nơi này

và chạm vào miệng đất.]

 

Tia sáng từ ngôi sao vẫn chưa hiển hiện ở đây. Chưa cho tới khi người dịch đến ban cho tia sáng một hình thể để cuối cùng nó trở nên hữu hình. Nhưng làm sao tiến trình này lại có thể được thấu hiểu một cách tạm thời? Thời gian ví sẽ ra sao trong đó bản dịch có thể rọi những tia sáng của nó lên bản gốc? Trong dòng đầu của bài thơ thứ năm ‘Mit Äxten Spielend’ [‘Chơi với rìu’], từ stunden [‘hours’ | ‘những giờ’] xuất hiện, bản dịch của nó một lần nữa sử dụng một chữ tượng hình có chứa bộ-thủ ‘môn’. Từ hour 時間 [thời gian] được ghép bởi ‘thời’ và ‘gian’ [khoảng không ở giữa]. Trong kí hiệu thứ hai [gian], một người nhìn thấy ‘mặt trời’ [nhật] bên dưới một cái ‘cổng’ [môn]. Trong thể trước đây của kí hiệu này, đó là mặt trăng chứ không phải mặt trời bên dưới cái cổng. Ánh trăng chiếu xuyên qua khe cổng mở hé: Đó là cách người ta hình dung một khoảng không ở giữa ngay lúc ấy.

 

Sieben Stunden der Nacht, sieben Jahre des Wachens:

mit Äxten spielend,

liegst du im Schatten aufgerichteter Leichen

–o Bäume, die du nicht fällst! –,

zu Häupten den Prunk des Verschwiegenen,

den Bettel der Worte zu Füßen,

liegst du und spielst mit den Äxten –

und endlich blinkst du wie sie.

 

Seven hours of night, seven years of waking:

playing with axes,

you lie in the shadow of propped-up corpses

–o trees that you do not fell!,–

at your head the pageantry of the unspoken,

at your feet the beggary of words,

you lie there, playing with the axes–

and at last you are shiny like them.

 

[Bảy giờ của đêm, bảy năm của thức tỉnh:

chơi với rìu,

mi nằm trong bóng của những thây bị dựng

–ôi những cây mà mi không chặt! –,

ở đầu mi cảnh lộng lẫy của điều không nói,

cảnh bần cùng của ngôn từ ở chân mi,

mi nằm đó, chơi với rìu –

và rốt cuộc mi bóng loáng như chúng.]

 

‘Mi’ này cũng bóng loáng như những cái rìu, điều đó nói lên rằng nó không phát ra những tia sáng của riêng mình mà ‘rốt cuộc’ tiếp nhận một thứ ánh sáng từ bên ngoài khiến nó bóng loáng. ‘Mi’ này có thể là một bài thơ đã một thời đợi chờ ánh sáng của bản dịch. Bài thơ này nằm như một chiếc cầu giữa ‘cảnh lộng lẫy của điều không nói’ và ‘cảnh bần cùng của ngôn từ’. Trong lối này, bài thơ là một khoảng không ở giữa. Một không gian tương tự phía trên một ngưỡng cổng cũng xuất hiện trong bài thơ ‘Gemeinsam’ [‘Chung’]:

 

Da nun die Nacht und die Stunde,

so auf den Schwellen nennt,

die eingehn und ausgehn,

 

Since now the night and the hour

there upon the threshold names those

who go in and go out,

 

[Bởi vì giờ đây đêm và thời gian

trên ngưỡng cổng kia gọi tên

những ai đi vào và đi ra,]

 

Cuộc hội ngộ của bản gốc với bản dịch của nó xảy ra trong lúc cấu thành văn bản chứ không phải lúc sau. Điều này chỉ có thể được hiểu nếu người ta hình dung cấu tạo này không phải như một điểm đơn độc trên một tuyến thời gian liên tục mà là như hiện hữu trong một khoảng không ở giữa trên một ngưỡng cổng. Khoảng không ở giữa không phải là một căn phòng đóng kín, nó là không gian bên dưới một cái cổng.

Tôi bắt đầu xem xét những bài thơ của Celan như những cửa ngõ hơn là những toà nhà trong đó ý nghĩa có thể được tích trữ như một sự sở hữu. Suy nghĩ về điều này, một đoạn văn trong ‘Religiöse Autorität und Mystik’ [‘Thẩm quyền tông giáo và thuyết thần bí’] của Gershom Scholem chợt hiện trong tôi: “Thiên tư của những bản văn chú giải huyền bí trú ngụ trong sự tinh xác dị thường mà với nó chúng khơi nguồn những chuyển hoá từ Kinh thánh thành một thể biểu tượng từ những từ ngữ chính xác của văn bản. Nghĩa đen được bảo tồn nhưng chỉ như một cái cổng mà nhà thần bí vượt qua, tuy nhiên, lại là một cái cổng mà y có thể mở ra cho chính mình nhiều lần lặp đi lặp lại.”

Những từ ngữ của Celan không phải là những vật chứa, chúng là những khai mở. Tôi đi qua cổng mở rộng mỗi lần đọc chúng. Chữ tượng hình ‘khai’ [mở] cũng xuất hiện trong tập thơ này, trong dòng thơ cuối then chốt của bài ‘Ein Körnchen Sands’ [‘Một hạt cát]:

 

und ich schweb dir voraus als ein Blatt,

das weiß, wo die Tore sich auftun.

 

and I waft before you, a leaf

that knows where the gates will open

 

[và tôi thoảng qua trước em, một chiếc lá
vốn biết nơi nào những cái cổng sẽ mở ra]

 

Viết một từ nghĩa là mở ra một cổng. Đọc những con chữ là đọc những từ ngữ, không phải những câu hay âm thanh. Tính khả dịch đầy lôi cuốn của những bài thơ của Celan rất có thể nằm trong nghĩa đen của chúng. Chính Celan cũng thường nói về từ chẳng hạn trong bài thơ đầu tiên:

 

und über dem Wasser ein Wort,

 

and above the water a word,

 

[và trên nước một từ,]

 

hay trong Strähne [‘Những lọn tóc’]:

 

Dies ist ein Wort, das neben den Worten einherging,

ein Wort nach dem Bilde des Schweigens,

umbuscht von Singrün und Kummer.

 

This is a word that walked beside the words,

a word after the image of silence,

hedged-in with creeping myrtle and worry.

 

[Đây là một từ đi bên cạnh những từ,

một từ theo sau hình ảnh của lặng im,
được rào bằng dừa cạn và đau buồn.]

 

Trong bài thơ này, ‘từ’ [‘wort’] được phân biệt rõ với ‘ngôn ngữ’ hay ‘lời nói’ [‘sprache’]: từ mô phỏng sự im lặng, trong khi ngôn ngữ lại làm tổn thương thân thể của nhà thơ:

 

ein Wort, das mich mied,

als die Lippe mir blutet’ vor Sprache

 

a word that avoided me

when my lip was bloody with speech

 

[một từ mà né tránh tôi

khi môi tôi đẫm máu cùng lời]

 

Tôi so sánh những từ ngữ của Celan với những cái cổng và nhớ lại rằng Benjamin [tức Walter Benjamin] có diễn tả sự theo y nghĩa đen trong một bản dịch như một ‘vòm’ [‘arcade’]: “Bản dịch chân chính thì trong mờ; nó không che giấu bản gốc, không ngăn cản ánh sáng chiếu xuống từ trên nó, mà để cho ngôn ngữ thuần khiết – như thể được tăng cường dù bằng phương tiện của chính nó – chiếu sáng lên bản gốc một cách trọn vẹn hơn. Điều này có thể đạt được, trên tất cả, bởi một sự phiên dịch theo nghĩa đen của cú pháp, vốn chứng tỏ từ mới là yếu tố căn bản [Urelement] của người dịch chứ không phải câu. Vì câu là bức tường trước mặt ngôn ngữ của bản gốc, và sự theo y nghĩa đen là vòm.” Một vòm bao gồm, nếu bạn đồng ý, nhiều cổng được đặt hết cái này đến cái khác. Nếu mỗi từ trong những từ ngữ của Celan bao gồm một ‘môn’, thì bài thơ như một toàn thể có thể tương tự một ‘vòm’.

Giờ tôi sẽ vượt qua cổng cuối cùng trong Sieben Rosen Später [‘Bảy Bông hồng Sau’]: Chữ thứ bảy với bộ-thủ ‘môn’: ‘ám’ [‘dunkel’ hay ‘bóng tối’] xuất hiện trong hai trong số những bài thơ, trong ‘Von Dunkel Zu Dunkel’ [‘Từ bóng tối tới bóng tối’] và ‘Der Gast’ [‘Vị khách’]. Liên quan tới cấu tạo của nó, đây là một kí hiệu huyền bí đặc thù, vì ở đây một ‘âm’ đứng bên dưới cái ‘cổng’ [môn] được coi là tạo nghĩa bóng tối. Tôi đọc bài thơ Von Dunkel Zu Dunkel [‘Từ bóng tối tới bóng tối’] của Celan như thể nó chứa đựng một manh mối về cấu tạo của kí hiệu này:

 

Du schlugst die Augen auf – ich seh mein Dunkel leben.

Ich seh ihm auf den Grund:

auch da ists mein und lebt.

Setzt solches über? Und erwacht dabei?

Wes Licht folgt auf dem Fuß mir,

daß sich ein Ferge fand?

 

You opened your eyes – I saw my darkness live.

I see through it down to the bed;

there too it is mine and lives.

Is that a ferry? Which, crossing, awakens?

Whose light can it be at my heels

for a boatman to appear?

 

[Em đã mở mắt – tôi đã thấy cái tối của mình sống.

Nay tôi nhìn qua đó xuống giường;

ở đó cũng nó là của tôi và sống.

Phải chăng đó là một con đò? Mà, vượt qua, làm thức tỉnh?

Ánh sáng ai có thể ở gót tôi

cho một người đưa đò xuất hiện?]

 

Sau khi đọc bài thơ này, tôi giải thích cho chính mình con chữ gây rối trí, ‘ám’ , như sau: Rằng cái vốn không còn có thể đại diện bằng ‘ngôn ngữ’ được nữa, ‘bóng tối’, có lẽ nằm sau cái ‘cổng’, nhưng không thể chăm chú nhìn xuyên qua cái ‘cổng’ này bởi vì một âm thanh đang đứng chặn giữa lối [tức là ‘ngay bên dưới cái cổng’]. Đồng thời, có một nỗi kính sợ rằng có lẽ tiến tới lối vào bóng tối là hoàn toàn không thể nếu như âm thanh này không còn tồn tại nữa. Âm thanh này đang chặn cái ‘cổng’, nhưng nó cũng là trung gian kết nối bên này của cái ‘cổng’ với bên kia. Người ta phải nghe thấy nó, rồi nó sẽ không còn ngăn trở thị kiến của người ta nữa.

Bài thơ ‘Von Dunkel Zu Dunkel’ – vượt trên mọi thắc mắc: Setzt solches über? [‘Phải chăng đó là một con đò?’ hay ‘Một thứ như vậy có vượt qua chăng?’ ‘Nó có chuyển dịch?’] – mời gọi tôi nghĩ ngợi thêm một chút về cấu tạo của một bài thơ và bản dịch của nó. Trong đoạn thơ đầu tiên, một bản dịch vốn chưa tồn tại đang xem xét nhà thơ [‘Em đã mở mắt’], và y cảm nhận được bóng tối bên trong mình. Với sự việc này, bài thơ bắt đầu vận động. Đoạn thơ thứ hai là về chuyến đi tìm một bản dịch. Câu hỏi được nêu ra là một điều như vậy [bóng tối] có thể được chuyển qua [chuyển dịch] hay không, và điều này có thể khiến nó làm thức tỉnh hay không. Thật đáng yêu khi hình dung cái gì đó làm thức tỉnh thông qua bản dịch của nó. Cho tới khi người dịch [người đưa đò] được tìm ra, tác giả cứ đứng đó mất phương hướng, bơ vơ và vô định. Y tự hỏi mình: ‘Ánh sáng ai có thể ở gót tôi cho một người đưa đò xuất hiện?’

Thật đáng yêu rằng điều đó vẫn để mở khi tiến trình viết bắt đầu và khi nó được hoàn tất. Có lẽ tiến trình này sẽ tiếp diễn cho tới khi bài thơ được dịch ra ngôn ngữ cuối cùng.

Trong bất cứ trường hợp nào, thật là một phép màu rằng Celan đã có thể viết ‘Sieben Rosen Später’ [‘Bảy Bông hồng Sau’] mà không có sự trợ giúp của một cuốn tự điển về chữ Trung-hoa. Chính xác có bảy chữ tượng hình khác nhau chứa bộ-thủ ‘môn’ được dùng trong bản dịch: ‘quắc’ [ngưỡng], ‘môn’ [cổng],’văn’ [nghe], ‘khai’ [mở], ‘gian’ [khoảng không ở giữa], ‘thiểm’ [thoáng], ‘ám’ [bóng tối]. Điều này tương ứng với bảy bông hồng hay bảy giờ – con số kì ảo được nhắc đi nhắc lại. ‘Bảy bông hồng’ biểu hiện một chu kì thời gian, như có thể thấy trong câu nói: ‘bảy bông hồng sau’. Trong khi bạn đang đọc, mỗi ‘bông hồng’ mở ra giống như một chữ tượng hình, như một cái ‘cổng’ [môn] hay như một ‘khoảng không ở giữa’ [gian].

Bộ-thủ ‘môn’ là yếu tố hiển hiện trong bản dịch này cho chúng ta thấy tại sao bản dịch cũng hữu hiệu như tác phẩm. Bản dịch không phải là hình ảnh của bản gốc mà đúng hơn là, trong bản dịch một ý nghĩa của bản gốc được ban cấp một hình hài mới [một hình hài được viết ra, trong trường hợp này, chứ không phải một hình hài để âm thanh vang dội bên trong]. Walter Benjamin viết: “Tính khả dịch là một đặc tính căn cốt của một số tác phẩm, vốn không phải để nói lên rằng căn cốt ở chỗ chúng được dịch; mà nó có nghĩa rằng một tạo nghĩa chuyên loại vốn có trong bản gốc sẽ biểu lộ chính mình trong tính khả dịch của nó.”

 

*

 

Ghi chú của người dịch bản tiếng Anh (Susan Bernofsky): Những bản dịch về Celan được sử dụng ở đây là của chính tôi, với ngoại lệ là bài thơ ‘From Darkness to Darkness’ [‘Từ bóng tối tới bóng tối’], được dịch bởi Michael Hamburger. Những bản dịch về Walter Benjamin là của Harry Zohn (được tôi biên tập đôi chút), và những bản dịch về Gershom Scholem là của Ralph Manheim.

 

*

 

Về tác giả và người dịch bản tiếng Anh:

Tawada Yōko là tác giả người Nhật hiện đang sống tại Berlin, Đức. Bà viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Đức.

Susan Bernofsky, đồng chủ tịch của PEN Translation Committee [Uỷ ban Phiên dịch PEN], là dịch giả sáu cuốn sách của tác giả theo chủ nghĩa hiện đại người Thuỵ-sĩ nói tiếng Đức Robert Walser, cũng như những tiểu thuyết của Jenny Erpenbeck, Tawada Yōko, Hermann Hesse, Gregor von Rezzori và những tác giả khác.

 

* 

K.H. dịch từ bản Anh văn của Susan Bernofsky
Nguyễn Tiến Văn hiệu đính

 

Nguồn:

Tawada Yōko. (2013). Celan reads Japanese. The White Review. http://www.thewhitereview.org/features/celan-reads-japanese/

No comments:

Post a Comment