Đó
là con gà mái cho buổi ăn trưa Chủ nhật. Vẫn còn sống, bởi vì lúc ấy mới chín
giờ sáng thôi. Nó trông khá yên bình. Nó rúc mình vào góc bếp từ hôm thứ bảy.
Nó không nhìn ai cả và không ai chú ý gì đến nó hết. Thậm chí khi họ chọn con
gà này, cảm nhận sự thân quen nơi cơ thể nó bằng vẻ thờ ơ, họ không thể cho biết
nó đầy đặn hay ốm. Không ai từng đoán được con gà cũng có cảm giác lo âu.
Do đó, thật ngạc nhiên khi họ thấy nó dang rộng đôi cánh ngắn ngủn nhiều lông của mình, phồng ngực lên, và sau hai ba lần cố gắng, nó bay lên bức tường ở sân sau. Nó vẫn còn chần chừ một thoáng – đủ thời gian để người đầu bếp la toáng lên – và ngay sau đó nó đã ở sân hiên nhà hàng xóm, rồi từ nơi đó, bằng một động tác bay vụng về khác, nó lên tới được mái nhà. Ở trên đó con gà, như một món trang trí, đậu tạm nghỉ với vẻ do dự lúc thì đứng bằng chân này, lúc thì chân kia. Gia đình nhà đó hối hả tụ lại và với vẻ sửng sốt họ thấy bữa trưa của mình bật lên trên nền ống khói. Ông chủ nhà, tự nhắc mình về hai chuyện cần phải làm là đôi lúc nên chơi thể thao và cho gia đình một bữa trưa, xuất hiện sặc sỡ khi đang mặc quần bơi và quyết đi theo lối do con gà kia vạch ra: bằng những cú nhảy thận trọng, ông lên được mái nhà nơi có con gà đang chần chừ và run run, rồi nó cấp tốc chọn con đường khác. Màn đuổi nhau giờ đây càng quyết liệt hơn. Từ mái nhà này sang mái nhà nọ, băng qua mấy khu nhà dọc theo con đường. Hầu như không quen với việc tranh đấu tàn bạo thế này để sống còn, con gà phải tự quyết định con đường mình phải theo mà không có sự trợ giúp nào từ đồng loại. Tuy nhiên, người đàn ông nọ lại là kẻ đi săn bẩm sinh. Và bất kể con mồi khốn đốn ra sao, tiếng hò reo chiến thắng sắp sửa diễn ra.
Cô
độc trong cõi sống này, không cha không mẹ, con gà cứ chạy và thở hổn hển, câm
lặng và chăm chú. Đôi khi trong lúc tháo chạy nó đứng lại ở rìa mái nhà nào đó,
thở hồng hộc, và trong lúc ông kia đang hăng hái trèo lên một chỗ nào khác thì
nó có thời gian để nghỉ ngơi một lúc. Và nó trông có vẻ tự do. Ngu ngốc, nhút
nhát, và tự do. Không đắc thắng như một chú gà trống khi bay lượn. Có gì trong
ruột con gà mái khiến nó trở thành một hữu thể? Con gà mái thực ra là một hữu
thể. Đúng là người ta không thể trông cậy vào nó cho bất kì điều gì. Nó thậm
chí cũng không tự lực được như con gà trống vốn tin vào cái mào của mình. Lợi
thế duy nhất của nó là có quá nhiều gà mái đến mức khi một con chết đi, thì con
khác tự động hiện ra, có vẻ ngoài giống hệt đến nỗi đó có thể cùng là một con.
Cuối
cùng, ở một thời điểm khi nó ngừng lại để tận hưởng nỗ lực giành lấy tự do, thì
người đàn ông tới được chỗ nó. Giữa tiếng kêu gào và lông bay tứ tung, nó đã bị
tóm. Ngay lập tức ông ta hồ hởi mang nó đi, xách một bên cánh con gà đi băng
qua mấy mái ngói rồi có đôi chút thô bạo ném nó lên sàn bếp. Vẫn còn thấy chóng
mặt, nó giũ người một chút kèm theo mấy tiếng cục tác khàn khàn và ngập ngừng.
Rồi
chuyện đó xảy ra. Chắc hẳn là do xáo động mà con gà đẻ một quả trứng. Nó ngạc
nhiên và kiệt sức. Có lẽ nó đẻ non. Nhưng kể từ lúc nó chào đời, như thể số mệnh
định sẵn để làm mẹ, con gà đã cho thấy toàn bộ những dấu hiện của việc làm mẹ
theo bản năng. Nó yên vị trên quả trứng và cứ ở đó, thở đều đều khi đôi mắt nhắm
rồi mở. Tim nó, nếu để trên dĩa thì trông rất bé nhỏ, giờ đây phập phồng dưới lớp
lông vũ đang ủ ấm cho quả trứng kia vốn sẽ không bao giờ là thứ gì khác. Chỉ có
cô bé của gia đình nọ ở khung cảnh ấy, và cô bé giúp đỡ tình huống ấy bằng nỗi
lo âu tột độ. Ngay khi cô bé tách mình ra khỏi sự kiện đó, cô nhảy ra khỏi sàn
bếp, vừa chạy ra vừa kêu lớn.
“Mẹ
ơi! Mẹ ơi! Đừng giết con gà, nó đẻ trứng rồi! Con gà yêu quí chúng ta!”
Tất
cả mọi người chạy trở vào lại nhà bếp và ai nấy đều im lặng đứng quanh bà mẹ trẻ.
Ủ ấm cho đứa con, nó không dịu dàng cũng chẳng giận dữ, không vui không buồn;
nó không là gì cả, nó chỉ đơn giản là một con gà mái – một thực tế vốn không gợi
lên bất kì xúc cảm đặc biệt gì. Người cha, người mẹ, người con gái giờ đây đã đứng
đó được một lúc, không nghĩ ngợi về bất kì điều gì đặc biệt. Không ai vuốt ve đầu
con gà. Cuối cùng, người cha quyết định, có chút cộc lốc , “Nếu bà đem con gà
này giết đi, tôi sẽ không bao giờ ăn thịt gà chừng nào mà tôi còn sống!”
“Con
cũng vậy!” cô bé cũng buông ra lời hứa tràn đầy cảm xúc.
Người
mẹ nhún vai, cảm thấy mệt mỏi. Con gà trở thành một phần gia đình mà không nhận
thức được mình được người ta tha mạng. Cô bé khi đi học về, quăng cặp xuống mà
không làm kinh động con gà đang đi loanh quanh nhà bếp. Người cha có lúc vẫn
còn nhớ sự kiện ngày trước. “Và phải nghĩ rằng mình đã khiến nó phải chạy khắp
nơi trong tình trạng đó!”
Con
gà trở thành hoàng hậu ở hộ gia đình này. Mọi người, ngoại trừ nó, đều biết vậy.
Nó chạy tới chạy lui, từ nhà bếp ra ngoài sân hiên ở sau nhà, khai thác hai nguồn
sức mạnh của mình: tính lãnh đạm và nỗi sợ hãi.
Nhưng
khi mọi người im lặng trong căn nhà này và dường như quên đi con gà, thì nó bằng
tính can đảm khiêm nhường của mình lại phồng lên những dấu vết cuối cùng của cuộc
đào thoát vĩ đại kia. Nó đi thành vòng tròn trên cái sàn gạch, cơ thể nó tiến
lên theo sau cái đầu, không hối hả như thể đang ở ngoài đồng không mông quạnh,
mặc dù cái đầu bé nhỏ đã phản bội nó, cứ giật tới giật lui bằng những cử động
rung rung rất nhanh, với nỗi sợ tuổi già của những loài như nó giờ đây đã hằn
sâu lắm rồi. Đôi lúc, nhưng thường là rất hiếm, nó nhớ được làm thế nào mà nó đứng
nổi bật trên nền trời ở rìa mái nhà và sẵn sàng cất tiếng thét. Ở những lúc như
vậy, nó lấp đầy phổi mình bằng luồng không khí ngột ngạt trong nhà bếp và, nếu
những con mái có khả năng gáy, thì nó sẽ không gáy mà sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn
nhiều. Tuy thế, ngay cả những thời điểm đó thì ấn tượng trong đầu trống rỗng của
nó cũng không thay đổi. Khi bay hoặc khi nghỉ ngơi, khi sinh con hoặc trong lúc
mổ thóc, thì cái đầu của nó vẫn là một cái đầu gà mái, tương tự với cái được vẽ
ra từ thuở ban đầu kỉ nguyên. Cho đến một ngày nọ, họ giết nó và ăn thịt nó, và
năm tháng cứ trôi đi.
Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn
Nguồn:
Lispector, Clarice. "The Chicken." Oxford Anthology of the Brazilian Short Story. K. David Jackson chủ biên. New York: Oxford University Press, 2006.
No comments:
Post a Comment