Monday, June 17, 2013

Tanizaki Jun'ichirō – Chuyện nhà vệ sinh Nhật-bản

Cứ mỗi lần tôi được người ta cho xem một nhà vệ sinh cũ kĩ, được chiếu sáng lờ mờ, và phải nói thêm, sạch đến mức hoàn hảo, ở một ngôi đền tại Nara hoặc Kyoto, tôi lại ấn tượng với những phẩm tính nổi bật của kiến trúc Nhật-bản. Phòng khách có thể có những nét duyên dáng của mình, nhưng nhà vệ sinh Nhật thực sự là nơi an tịnh tinh thần. Nó luôn nằm ở vị trí tách biệt với khu nhà chính, ở cuối hành lang, trong một bụi cây thơm ngát mùi lá và rêu. Không có từ nào có thể diễn tả được cảm giác đó khi ta ngồi trong vùng sáng lờ mờ, đắm mình trong ánh sáng yếu ớt được phản chiếu từ shoji [cánh cửa], chìm trong trầm tư mặc tưởng hay nhìn chăm chăm ra khu vườn. Tiểu thuyết gia Natsume Soseki xem những chuyến đi vào buổi sáng đến nhà vệ sinh là một lạc thú tuyệt vời, “một khoái cảm sinh lí” như cách ông gọi. Và hẳn nhiên không thể có nơi nào tận hưởng lạc thú này tốt hơn một nhà vệ sinh Nhật-bản mà tại đó, bao quanh là những bức tường trầm lặng và tấm gỗ có những lớp vân thanh mảnh, ta nhìn ra bầu trời xanh lam và những chiếc lá xanh lục.

Như tôi đã nói, có những điều kiện tiên quyết nhất định: mức độ lờ mờ, sự sạch sẽ tuyệt đối, và yên tĩnh hoàn toàn đến mức ta có thể nghe tiếng muỗi vo ve. Từ một nhà vệ sinh như thế tôi thích việc lắng nghe tiếng mưa rơi dịu dàng, đặc biệt nếu nó là nhà vệ sinh của thời Kanto, với những cửa sổ dài, hẹp nằm ngang mặt sàn; ở đó với cảm giác thân mật như thế ta có thể lắng nghe những giọt mưa rơi từ mấy chiếc lá và những ngọn cây, thấm vào đất khi chúng chảy qua bệ của cái lồng đèn bằng đá và làm sạch đám rêu xung quanh những phiến đá lót đường. Và nhà vệ sinh là nơi hoàn hảo để lắng nghe tiếng rúc rích của bọn côn trùng hay tiếng chim hót, để nhìn lên mặt trăng, hay để hưởng lấy bất kì khoảnh khắc xúc động nào trong số những khoảnh khắc đánh dấu thời điểm giao mùa. Tôi hồ nghi đây là nơi các thi sĩ haiku suốt bao thế hệ đã bắt gặp được vô vàn ý tưởng cho mình. Quả thực, theo lẽ nào đó ta có thể khẳng định rằng trong tất thảy các yếu tố kiến trúc Nhật-bản, nhà vệ sinh là nơi mang tính thẩm mĩ nhất. Tổ tiên của chúng tôi, vốn làm thơ về mọi thứ trong đời, đã chuyển hoá cái mà đúng ra hẳn là căn phòng bẩn thỉu nhất trong nhà để trở thành nơi tao nhã hơn bất kì chỗ nào khác, ngập tràn những mối liên hệ trìu mến với vẻ đẹp tự nhiên. So với những người Tây phương, vốn xem nhà vệ sinh là nơi hoàn toàn dơ bẩn và tránh cả việc đề cập nó trong những cuộc đàm luận trang trọng, chúng tôi hiểu biết hơn nhiều và chắc chắn có được phẩm vị tinh tế hơn. Tôi phải thừa nhận nhà vệ sinh Nhật có chút bất tiện khi muốn đi vào đó lúc nửa đêm, nó được thiết lập tách khỏi khu nhà chính như nào giờ, và vào mùa đông thì ta luôn có nguy cơ bị nhiễm lạnh. Song, như thi sĩ Saito Ryoku đã nói “phong nhã là thứ giá lạnh”. Tốt hơn là nơi đó nên lạnh lẽo như ở ngoài trời; hệ thống sưởi hơi nước của nhà vệ sinh kiểu Tây phương trong khách sạn là thứ khó chịu nhất.


Bất kì ai có sở thích về kiến trúc truyền thống hẳn đồng ý rằng nhà vệ sinh Nhật là sự tuyệt mĩ. Tuy thế bất kể những phẩm tính của nó ở một nơi như ngôi đền, nơi đó chỗ ở thì rộng, mà người ở lại rất ít, và mọi người phụ giúp chuyện lau chùi, thì trong một hộ gia đình bình thường, việc giữ nó sạch sẽ không phải là chuyện dễ dàng. Bất luận ta có thể kĩ càng thế nào hoặc ta có thể cọ rửa siêng năng ra sao, thì bụi bẩn vẫn xuất hiện, đặc biệt trên sàn gỗ hay trên sàn tatami. Và do vậy cũng ở đây, nó sẽ trở nên vệ sinh và hiệu quả hơn khi lắp đặt các phương tiện vệ sinh hiện đại – nhà vệ sinh lót gạch và dùng nước dội – mặc dù phải trả giá là ta sẽ phá huỷ toàn bộ mối quan hệ thân thuộc với “phẩm vị” và với “vẻ đẹp của tự nhiên”. Sự bùng sáng từ bốn bức tường trắng khó lòng cho ta có được tâm trạng tận hưởng “khoái cảm sinh lí” của Soseki. Sự sạch sẽ là điều không phủ nhận; mọi ngóc ngách đều trắng tinh. Tuy vậy cần gì phải gợi nhắc ta về vấn đề của chính cơ thể mình theo cách dữ dội đến vậy. Một người đàn bà đẹp, cho dù có làn da mĩ miều như thế nào đi nữa, thì cũng bị coi là không đứng đắn nếu cô ta phô bày cái mông trần hay hai đôi chân trần trước sự hiện diện của người khác; và cực kì thô thiển và khiếm nhã làm sao khi phơi bày nhà vệ sinh ra trước sự soi sáng thừa thãi như vậy. Tình trạng sạch sẽ của cái được thấy chỉ gợi lên những ý nghĩ rõ ràng hơn về cái không được thấy. Ở những nơi như thế sự khác biệt giữa sạch sẽ và dơ bẩn tốt nhất nên để mập mờ, bị che phủ trong bầu không khí tăm tối.

Mặc dù tôi có lắp đặt các phương tiện vệ sinh hiện đại khi xây nhà, nhưng ít nhất thì tôi cũng tránh dùng gạch, và tôi lót sàn nhà bằng gỗ long não. Ở chừng mực như thế tôi cố gắng tạo ra không khí Nhật – nhưng rốt cuộc thứ làm tôi thất vọng là chính cái bồn cầu. Như mọi người đều biết, cái bồn cầu dùng nước dội được làm bằng sứ trắng tinh và có tay gạt làm bằng kim loại sáng loáng. Nếu tôi có thể làm mọi thứ theo ý mình, thì tôi chuộng những món đồ làm bằng gỗ hơn, cho cả nam lẫn nữ. Gỗ được hoàn thiện bằng lớp sơn mài đen sáng bóng là thứ tuyệt vời nhất; nhưng ngay cả với gỗ chưa hoàn thiện, khi nó sẽ thẫm lại và vân gỗ trở nên mờ nhạt hơn qua năm tháng, thì nó cũng có được quyền năng mang lại sự êm ả và dịu nhẹ. Dĩ nhiên, cái tối hậu là chỗ tiểu bằng gỗ cây bìm bìm được lấp đầy bằng những cành tuyết tùng; điều này sẽ mang lại khoái cảm cho thị giác và không cho phép có một tiếng động nào dù là nhỏ nhất. Tôi không đủ điều kiện để buông thả vào những tiêu pha phung phí như vậy. Tôi hi vọng ít nhất có thể có những món gắn ngoài bồn cầu được làm phù hợp với sở thích bản thân, và sau đó sửa chúng lại phù hợp với cơ chế dội nước hiện đại. Nhưng chi phí nhân công làm theo ý mình quá cao đến nỗi tôi không còn lựa chọn nào ngoài cách bỏ đi ý tưởng đó. Không phải tôi phản đối những tiện nghi của nền văn minh hiện đại, dù là đèn điện hay hệ thống sưởi hay nhà vệ sinh, nhưng lúc này tôi quả có tự nhủ tại sao chúng không thể được thiết kế kèm theo một chút suy xét đến những thói quen và sở thích của bản thân chúng tôi.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20130616
Tiêu đề do người dịch đặt ra

Nguồn:
Trích dịch từ Tanizaki Jun'ichirō; In Praise of Shadows; bản tiếng Anh của Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker; New York: 1977.

No comments:

Post a Comment