Monday, February 5, 2018

Lydia Davis - Bọn chuột

Bọn chuột sống giữa bốn bức tường nhà chúng tôi nhưng không quấy rầy nhà bếp. Chúng tôi lấy làm hài lòng nhưng không thể hiểu nổi tại sao chúng không vào bếp nhà chúng tôi, nơi chúng tôi đã đặt bẫy, như chúng vào bếp nhà hàng xóm. Mặc dù chúng tôi lấy làm hài lòng, nhưng chúng tôi cũng bực, bởi bọn chuột cư xử như thể có gì đó bất ổn ở bếp nhà chúng tôi. Điều làm cho việc này còn rối trí hơn nữa chính là chuyện nhà chúng tôi kém ngăn nắp hơn nhiều so với mấy căn nhà hàng xóm. Có nhiều thức ăn nằm đây đó trong bếp, nhiều mẩu vụn trên các kệ bếp và mấy mảnh hành tây bẩn thỉu bám vào chân tủ bếp. Thực tế có quá nhiều thức ăn rơi vãi trong bếp đến mức tôi chỉ có thể nghĩ rằng chính bọn chuột sẽ bị điều đó hạ gục. Trong một căn bếp ngăn nắp, quả là thách thức cho chúng để có thể tìm đủ thức ăn đêm này qua đêm nọ để sống cho đến lúc xuân về. Chúng kiên nhẫn săn lùng và nhấm nháp giờ này qua giờ nọ đến khi thoả ý. Tuy vậy, trong bếp nhà chúng tôi, chúng lại đối diện với một thứ quá ư vượt tầm mức so với kinh nghiệm của chúng đến nỗi chúng không thể đương đầu chuyện đó. Chúng có thể đánh bạo ra ngoài một mấy bước, nhưng rồi cảnh tượng và mùi bao trùm nhanh chóng khiến chúng chạy trở lại vào mấy cái hốc, lòng thấy khó chịu và lúng túng trước sự tình rằng chúng không thể bới tìm thức ăn như việc cần phải làm.

Đoàn Duy chuyển ngữ
Sài-gòn,
2018.02.05
Nguồn:
Davis, Lydia. (2001). Mice. Almost No Memory. Picador.


Friday, February 2, 2018

Christopher Goscha – Historical Dictionary of the Indochina War (1945-1954) – Các hiệp định Genève

Hội nghị Genève năm 1954 được xếp vào hàng những cuộc hội họp quốc tế quan trọng nhất trong lịch sử hệ thống quốc tế thời hậu Thế chiến II.
Cái chết của Joseph Stalin vào tháng Ba 1953 và vụ ngừng bắn tại Triều-tiên vài tháng sau đó là hai sự kiện mở đường cho mối quan hệ hữu hảo giữa Đông và Tây mà trước đó vốn rất căng bức ở khắp nơi trên địa cầu. Chiến tranh Triều-tiên nổ ra vào tháng Sáu năm 1950 đã thử thách khả năng của quân đội Liên hợp quốc do Mĩ dẫn dắt trong việc chống lại quân đội Trung-quốc và [Bắc] Triều-tiên do Xô-viết hậu thuẫn. Kể từ năm 1950, Trung-quốc và ở chừng mực ít hơn là Xô-viết đã hỗ trợ quân lực Việt-nam Dân chủ Cộng hoà chống lại quân của Liên hiệp Pháp, do Mĩ hậu thuẫn. Khi Stalin qua đời và súng ngừng bắn ở Triều-tiên, giới lãnh đạo mới trỗi lên ở Xô-viết đã tỏ bày tường minh rằng họ muốn giảm mối căng bức cả ở châu Âu lẫn châu Á để tập trung vào những vấn dề kinh tế nội bộ. Hoà hoãn là một cách để xúc tiến quá trình này. Đồng minh Trung-quốc của họ cũng có cùng quan điểm này. Chiến tranh Triều-tiên đã cho thấy Bắc-kinh bị rút cạn nguồn nguyên liệu lẫn nhân lực. Công cuộc tái cơ cấu triệt để về kinh tế và xã hội theo đường hướng cộng sản, bao gồm cuộc cải cách ruộng đất đã làm đất nước này suy kiệt. Bị Hoa-kì cô lập về đường ngoại giao, giới lãnh đạo Trung-quốc cũng cảm thấy rằng một hội nghị quyền bính lớn ở châu Á sẽ cho phép họ có kết cuộc được gia nhập dàn hợp tấu các quốc gia trên trường quốc tế. Xô-viết cũng đồng thuận với ý đó.
Người Pháp và người Anh đồng ý rằng đó là thời điểm chín muồi nhằm thuyên giảm mối căng bức trong hệ thống quốc tế. Năm 1953, tổng thống Pháp Joseph Laniel hiểu rằng Pháp không thể chu cấp cho Chiến tranh Đông-dương được nữa khi xét đến việc tạo dựng các mối cam kết quân sự với tuyến phòng thủ Tây Âu. Giữa năm 1953, Laniel điều Henri Navarre đến Đông-dương để tạo các điều kiện quân sự cần thiết nhằm hướng đến việc kết thúc trong danh dự cuộc Chiến tranh Đông-dương trên bàn đàm phán. Thuyên giảm mối căng bức với Đức là điều đầu tiên trong danh sách các chủ đề cần bàn thảo, khi những bộ trưởng ngoại giao của Pháp, Anh quốc, Xô-viết và Mĩ tề tựu ở Berlin vào đầu năm 1954. Tuy nhiên, tại Berlin, họ đã quyết định rằng cuộc họp kế tiếp, tổ chức ở thủ đô Genève của Thuỵ-sĩ, sẽ bàn thảo về hai điểm nóng toàn cầu trong hệ thống quốc tế, đều nằm ở châu Á—Triều-tiên và Đông-dương.