Cái chết của Joseph
Stalin vào tháng Ba 1953 và vụ ngừng bắn tại Triều-tiên
vài tháng sau đó là hai sự kiện mở đường cho mối quan hệ hữu hảo giữa Đông và
Tây mà trước đó vốn rất căng bức ở khắp nơi trên địa cầu. Chiến
tranh Triều-tiên nổ ra vào tháng Sáu năm 1950 đã thử thách
khả năng của quân đội Liên hợp quốc do Mĩ dẫn dắt trong việc chống lại quân đội
Trung-quốc và [Bắc] Triều-tiên do Xô-viết hậu thuẫn. Kể từ năm 1950, Trung-quốc
và ở chừng mực ít hơn là Xô-viết đã hỗ trợ quân lực Việt-nam Dân chủ Cộng hoà
chống lại quân của Liên hiệp Pháp,
do Mĩ hậu thuẫn. Khi Stalin qua đời và súng ngừng bắn ở Triều-tiên, giới lãnh
đạo mới trỗi lên ở Xô-viết đã tỏ bày tường minh rằng họ muốn giảm mối căng bức
cả ở châu Âu lẫn châu Á để tập trung vào những vấn dề kinh tế nội bộ. Hoà hoãn
là một cách để xúc tiến quá trình này. Đồng minh Trung-quốc của họ cũng có cùng
quan điểm này. Chiến tranh Triều-tiên đã cho thấy Bắc-kinh bị rút cạn nguồn
nguyên liệu lẫn nhân lực. Công cuộc tái cơ cấu triệt để về kinh tế và xã hội
theo đường hướng cộng sản, bao gồm cuộc cải cách ruộng đất đã làm đất nước này
suy kiệt. Bị Hoa-kì cô lập về đường ngoại giao, giới lãnh đạo Trung-quốc cũng
cảm thấy rằng một hội nghị quyền bính lớn ở châu Á sẽ cho phép họ có kết cuộc
được gia nhập dàn hợp tấu các quốc gia trên trường quốc tế. Xô-viết cũng đồng
thuận với ý đó.
Người Pháp và người Anh đồng ý rằng đó là
thời điểm chín muồi nhằm thuyên giảm mối căng bức trong hệ thống quốc tế. Năm
1953, tổng thống Pháp Joseph Laniel hiểu
rằng Pháp không thể chu cấp cho Chiến tranh Đông-dương được nữa khi xét đến
việc tạo dựng các mối cam kết quân sự với tuyến phòng thủ Tây Âu. Giữa năm
1953, Laniel điều Henri Navarre đến Đông-dương để tạo các điều kiện quân sự cần
thiết nhằm hướng đến việc kết thúc trong danh dự cuộc Chiến tranh Đông-dương
trên bàn đàm phán. Thuyên giảm mối căng bức với Đức là điều đầu tiên trong danh
sách các chủ đề cần bàn thảo, khi những bộ trưởng ngoại giao của Pháp, Anh
quốc, Xô-viết và Mĩ tề tựu ở Berlin vào đầu năm 1954. Tuy nhiên, tại Berlin, họ
đã quyết định rằng cuộc họp kế tiếp, tổ chức ở thủ đô Genève của Thuỵ-sĩ, sẽ
bàn thảo về hai điểm nóng toàn cầu trong hệ thống quốc tế, đều nằm ở châu
Á—Triều-tiên và Đông-dương.
Giống như Mĩ, Trung-quốc dấn sâu vào cả hai
cuộc xung đột đó, và do vậy họ kì vọng mình sẽ có vai trò quan trọng trong
quyết nghị của các nước. Xô-viết hỗ trợ cho nỗ lực này của Trung-quốc, và Anh
quốc, trước đó vốn đã chính thức công nhận Trung-quốc cộng sản, cũng có xu
hướng đồng thuận. Tuy nhiên, người Mĩ tiếp tục chối từ không công nhận Cộng
hoà Nhân dân Trung-hoa (CHNDTH), chặn lối Trung-quốc không
cho vào Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc và chặn cả toan tính của Trung-quốc
muốn giữ vai trò cường quốc thứ năm chủ trì những cuộc hội đàm sắp diễn ra ở
Genève để bàn về vấn đề châu Á. Nếu Liên bang Xô-viết không làm cho Trung-quốc
cộng sản được công nhận như một trong những cường quốc chính thức ở Genève,
người Mĩ lại đồng ý bốn cường quốc chính có thể mời đại biểu do họ chọn ra.
Điều này cho phép Trung-quốc tham gia vào hội nghị quốc tế lớn đầu tiên của
mình, trong khi người Mĩ có thể tránh việc công nhận sự tồn tại của CHNDTH.
Dẫu vậy, mối quan hệ Đông-Tây năm 1953-1954 có hữu hảo cũng mặc lòng, sự
phân kì Trung-Mĩ đã phủ cái bóng dài khắp cả hội nghị và cả những cuộc đàm phán
suốt từ đầu chí cuối, như Laurent Césari đã chứng tỏ. Quốc vụ khanh Mĩ John
Foster Dulles đã chỉ đạo các viên chức ngoại giao của mình tránh ngồi cùng bàn
với Trung-quốc, cũng như không được bắt tay với kẻ thù (chủ nghĩa McCarthy lên
dần đến cao trào vào giữa năm 1954). Bộ trưởng bộ ngoại giao Trung-quốc Chu Ân
Lai không bao giờ quên việc Dulles đã từ chối bắt bàn tay vươn ra của ông trong
suốt kì Hội nghị Genève.
Trước đó ở Berlin, Dulles đã đồng ý đưa
Đông-dương vào chương trình nghị sự vì hai nguyên do chính. Đầu tiên, ông muốn
tránh chứng kiến việc chính quyền diều hâu của Pháp dưới sự lãnh đạo của Joseph
Laniel và Georges Bidault sẽ
bị thay thế bằng một chính quyền chuộng hoà bình, một chính quyền vốn có thể
chịu nhượng bộ trước yêu sách của cộng sản hoặc tổ chức những cuộc bầu cử mà có
thể dẫn đến kết cuộc cộng sản chiếm lĩnh bàn đàm phán trong “yên bình”. Dulles
còn đồng ý để cho Hội nghị Genève tiếp tục bàn về Đông-dương với hi vọng rằng
ông ấy có thể khiến cho chính quyền Laniel thúc đẩy việc phê chuẩn của Cộng
đồng Phòng vệ Âu châu (European Defense Community—EDC),
vốn là mối quan tâm hàng đầu đối với người Mĩ trong nỗ lực kiềm lại Liên bang
Xô-viết ở châu Âu. Ngoài việc “tứ cường cộng Trung-quốc”, hội nghị còn có những
nước trọng yếu ở Đông-dương mà có liên can đến cuộc chiến [Đông-dương]: Khối
các quốc gia liên kết Việt-nam, Lào và Kampuchea (Les etats-associés
d’indochine), cùng Việt-nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). VNDCCH đã nỗ lực để được
các nhà nước liên hiệp ở Lào và Kampuchea chấp nhận ở Genève, nhưng không
thành. Ấn-độ cũng tham gia không chính thức với đại diện là Krishna
Menon, chuyên gia của Ấn-độ về Đông-dương và là chỗ thân tín
của Jawaharlal Nehru.
Xô-viết và Anh quốc, hai đồng chủ tịch của
hội nghị, ngầm đồng ý không để sự tuyệt giao Trung–Mĩ lao ra khỏi tầm kiểm soát
trong suốt thời gian đàm phán. Đối với Chu Ân Lai, ông muốn có một giải pháp
dành cho cuộc Chiến tranh Đông-dương nhằm ngăn Mĩ không thay thế Pháp ở mạn
phía nam Trung-quốc, khi ông lo lắng trước việc Eisenhower bành trướng mạng
lưới đồng minh, và ông nhận biết thực tế rằng vấn đề Triều-tiên sẽ không được
giải quyết và người Mĩ sẽ không sớm rời bỏ Nam Triều-tiên. Chu trước đó đã bắt
đầu hình thành chính sách “chung sống hoà bình” (和平共处 hoà bình cộng xứ)
với những quốc gia phi cộng sản ở châu Á nhằm trung lập hoá Đông-dương và khu
vực châu Á hậu thuộc địa phi cộng sản để chống lại những toan tính của Mĩ trong
việc chuyển những nước này thành những đồng minh trị an tập thể với mục đích
kiềm hãm và có lẽ còn có mục đích “đẩy lùi” (rolling back) Trung-quốc cộng sản.
Ngay trước khi tới Genève, chính khách Trung-quốc đã kí một thoả thuận với
Nehru về vấn đề Tây-tạng, góp phần vào cuộc quá trình hữu hảo giữa hai nước
khổng lồ Á châu. Trong một loạt cuộc đàm phán cùng Ấn-độ từ tháng 12 năm 1953
đến tháng 6 năm 1954, Trung-quốc trấn an Ấn-độ và các nước láng giềng phi cộng
sản vừa giải thuộc địa, cho thấy các ý định hoà bình dưới hình thức “năm nguyên
tắc cùng nhau chung sống hoà bình” hay còn gọi Panchsheel.
Xô-viết cũng nhiệt tình giúp giảm mối căng
bức ở châu Á nhằm đạt được hoà hoãn với các quốc gia phi cộng sản chống thuộc
địa đang nổi lên ở phương Nam khi quá trình giải thuộc địa trên đà hướng về
phía tây trên trục Nam-Nam (South-South axis; hàm chỉ trục các nước đang phát
triển – ND) và tiến vào Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Tạo điều kiện cho Paris có lối thoát danh dự ra khỏi cuộc Chiến tranh
Đông-dương cũng có thể giúp Xô-viết gây áp lực cho người Pháp phá tan EDC và
chống lại việc tái vũ trang của Đức, mà về mặt địa chính trị thì đây vốn là vấn
đề quan trọng hơn nhiều so với Đông-dương. Người Anh cũng muốn giảm các mối
căng bức và mối đe doạ thế chiến, vốn sẽ đặt Anh quốc – thay vì Hoa-kì – trên
hoả tuyến hạt nhân của Xô-viết. Winston Churchill thậm chí hi vọng rằng Hội
nghị Genève có thể chuẩn bị nền tảng cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa các
cường quốc để cho ra “hiệp ước Locarno mới”.
Phạm Văn Đồng là người đại diện cho VNDCCH,
lúc ấy đang chiến tranh với Pháp ở Đông-dương kể từ giai đoạn 1945–1946. Mặc
cho họ thắng trận Điện-biên-phủ ngày 7 tháng Năm, nhưng giới cộng sản Việt-nam
lúc này đồng ý tập trung nỗ lực cho mặt trận ngoại giao, cùng hợp tác với
Xô-viết và Trung-quốc. Gần một thập niên chiến tranh đã gây ra bao tổn hại cho
người dân và quân đội Việt-nam, và giới lãnh đạo VNDCCH biết điều đó. Người
Việt thắng trận đánh quan trọng ở Điện-biên-phủ, nhưng không hẳn đã thắng cuộc
chiến. Giống như Trung-quốc, họ cũng lo âu rằng người Mĩ sẽ thay thế người Pháp
nếu không đạt được một hiệp định.
Ngày 8 tháng Năm, cái ngày sau khi
Điện-biên-phủ sụp đổ, hội nghị Genève đã tiếp tục bàn về vấn đề Đông-dương.
Không có gì ngạc nhiên khi Pháp và VNDCCH chọn hai vị thế mở màn không khoan
nhượng. Được Xô-viết bật đèn xanh để dẫn dắt việc giải quyết vấn đề nhạy cảm
này ở châu Á, Chu Ân Lai ngay lập tức bắt tay vào việc mang hai bên lại với
nhau để cùng tìm ra giải pháp chính trị chấp nhận được. Ông bắt đầu bằng việc
yêu cầu hai bên tham chiến cùng ngồi xuống trong một cuộc họp riêng ngày 17
tháng Năm để bàn thảo về vấn đề chữa chạy thương binh ở Điện-biên-phủ. Cũng vào
ngày đó, bộ trưởng ngoại giao Xô-viết Viatcheslav Molotov đề xuất việc ra mắt
các buổi đàm phán về vấn đề đình chiến.
Trong một nhân nhượng nhằm mục đích xúc tiến
các cuộc đàm phán, ngày 20 tháng Năm Chu Ân Lai tuyên bố rằng tình hình ở Lào
và Kampuchea khác tình hình ở Việt-nam. Nói ngắn gọn, tổng lí Trung-quốc
không ủng hộ liên hiệp các quốc gia cách mạng của VNDCCH ở Đông-dương và sau
rốt sẽ đồng ý rằng quân đội của VNDCCH ở phía tây Đông-dương cũng thuộc hàng
lính ngoại quốc giống quân Pháp và sẽ phải rời khỏi đó. Đây không chỉ là lời
phản hồi lại đòi hỏi của phương Tây, mà còn là một phần kế hoạch của Chu nhằm
giành được sự ủng hộ của Ấn-độ và nhằm trung hoà khu vực này. Khi đẩy lùi yêu sách
của cộng sản Việt-nam đối với Đông-dương, Chu đã chứng tỏ cho bên đối ứng của
Ấn-độ thấy rằng giới cộng sản [Trung-quốc] không còn tìm cách xuất khẩu chủ
nghĩa cộng sản ra ngoài biên giới Việt-nam. Nhượng bộ thứ hai chính là việc
cộng sản Trung-quốc đồng ý chia cắt Việt-nam ở các vĩ
tuyến 13, 14 hoặc 16. Ngày 10
tháng Sáu, khi bàn bạc cùng uỷ hội liên quân, Tạ Quang Bửu đã thông báo bên đối
ứng của Pháp rằng VNDCCH sẵn sàng xem xét ý tưởng tạm thời chia cắt Việt-nam
cho đến lúc tổ chức được tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Tuy vậy, những cuộc đàm phán đó khó lòng tiến
xa hơn thế. Và khi hội nghị về vấn đề Triều-tiên đổ vỡ vào giữa tháng Sáu, mọi
thứ có vẻ rất ảm đạm cho Đông-dương, nơi mà người ta chưa đạt được quyết định
đình chiến. Để ngăn thế bế tắc ngoại giao, ngày 16 tháng Sáu Chu Ân Lai đã
thông báo Anthony Eden rằng
ông ta có thể yêu cầu Phạm Văn Đồng đồng ý rút quân VNDCCH ra khỏi Lào và
Kampuchea. Chuyện này trùng với sự sụp đổ của chính quyền Laniel ngày 13 tháng
Sáu, và Pierre Mendès France, người thay thế Laniel, giống như Chu Ân Lai, cũng
quyết tâm đạt được vụ dàn xếp này. Mendès France nâng tầm vụ này lên bằng cách
tuyên bố rằng ông sẽ đích thân đàm phán ở Genève và sẽ từ nhiệm sau một tháng
nếu không đạt được thoả thuận, và không chỉ thế, ông còn đe doạ chế định việc
tuyển mộ quân dịch và đưa Mĩ vào cuộc nhằm tăng thêm sức ép đối với phía đối
ứng của phe cộng sản để đàm phán thêm nhiều điều nữa. Những bình luận đậm chất
diều hâu của John Foster Dulles về hành động của Mĩ dường như làm cho lời của
Mendè France thêm uy tín. Dù có là chiêu trò hay không, thì đây cũng là điều mà
Trung-quốc, Xô-viết và VNDCCH đều không muốn. Các cộng sự phe cộng sản bắt đầu
chuẩn bị các nhượng bộ nhằm đảm bảo đạt được một thoả thuận.
Các vấn đề nổi trội bao gồm việc xác định
ranh giới chia cắt Việt-nam và việc định ngày cho tổng tuyển cử. Mendès France
muốn vạch ranh giới ở vĩ tuyến 17 để
cho Lào một cửa ngỏ ra biển qua đường số 9. Ông còn muốn tránh đặt định thời
gian biểu chính xác cho các cuộc bầu cử, hi vọng kéo thời gian để Quốc gia
Việt-nam có thể tái hợp, củng cố và cạnh tranh với VNDCCH cho những cuộc bầu cử
toàn quốc trong tương lai. Người Pháp phản đối việc giao quyền hạn ở các khu
vực tập kết cho Pathet Làovà Khmer
Issarak. Về VNDCCH, giới lãnh đạo phản đối việc chấp thuận vĩ
tuyến 17 là giới tuyến, vì họ sẽ phải nhường cho kẻ thù nhiều vùng lãnh thổ
rộng lớn mà VNDCCH đã cai quản từ năm 1945, bao gồm những vùng thuộc Liên khu V
mà trước đó Phạm Văn Đồng đã đảm trách trong suốt quãng thời gian an hoà trong
xung đột Đông-dương.
Ngày 23 tháng Sáu, Chu Ân Lai thông báo
Mendès France rằng những vấn đề về bầu cử và chia cắt lãnh thổ sẽ phải được đàm
phán bằng cách này hoặc cách khác nhằm đạt được thoả thuận. Sau đó ông ta rời
hội nghị để hội ý với chính quyền của mình, các nước lân cận trong vùng và với
VNDCCH. Ở châu Á, Chu Ân Lai ghé qua New Delhi, tại đó ông ta trấn an Nehru về
những ý định hoà bình của Trung-quốc cộng sản để đổi lại có được tính trung lập
ngầm hiểu của phe châu Á phi cộng sản. Chu Ân Lai thông báo Nehru rằng hai
vương quốc Lào và Kampuchea sẽ ở thế trung lập, một phần của cái mà ông ta và
Nehru gọi là “Các quốc gia Đông Nam Á kiểu mới”, gồm các quốc gia Á châu hậu
thuộc địa “không liên kết”, phi cộng sản. Sau đó Chu đến thành phố Liễu-châu
(柳州) ở miền nam Trung-quốc, tại đó ông có
cuộc gặp hệ trọng với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Hoàng
Văn Hoan để bàn về chiến lược đàm phán chung quyết sẽ được
thực hiện ở Genève để đạt được thoả thuận cuối cùng. Từ ngày 3 đến 5 tháng Bảy
năm 1954, Chu thuyết phục Hồ rằng việc Mĩ can thiệp trực tiếp là điều có thể
xảy ra, rất nhiều khả năng, nếu các cuộc thương thảo ở Genève không thành.
Chính khách Chu của Trung-quốc nhấn mạnh, một kịch bản như thế sẽ phức tạp hoá
nhiều điều trong cuộc chiến của VNDCCH, đó là chưa đề cập tình hình an ninh của
chính Trung-quốc. Hồ tán thành và hai bên đồng ý điều tiết các chính sách của
họ để có thể đạt được thoả thuận với Mendès France, cơ hội tốt nhất cuối cùng
của họ. Vĩ tuyến 16 được đồng ý là ranh giới chia cắt tạm thời của Việt-nam;
một giải pháp chính trị phi cộng sản được chấp thuận dành cho Kampuchea;
Trung-quốc và Việt-nam sẽ đàm phán kịch liệt để giành lấy các vùng tập trung
cho Pathet Lào tại tỉnh Samneua và Phongsaly ở Lào. Khi về quê nhà, Hồ Chí Minh
thuyết phục thành công Đảng Lao động Việt-nam rằng
tất cả các nhượng bộ này, bao gồm việc chia cắt Việt-nam ở vĩ tuyến 16, đều cần
thiết để đạt được hiệp ước và ngăn Mĩ can thiệp trực tiếp như đã từng làm ở
Triều-tiên năm 1950. Giới cộng sản Việt cũng từ bỏ quyền lên tiếng cho toàn thể
Đông-dương. Như Chu đã báo cáo lại cho chính quyền Trung-quốc vào tháng Tám năm
1954 về cuộc họp ở Liễu-châu, Hồ Chí Minh “đã bày tỏ quan điểm rằng năm nguyên
tắc [chung sống] là điều hoàn toàn thích dụng cho việc củng cố và phát triển các
mối bang giao hữu nghị giữa Việt-nam, Lào và Kampuchea”.
Trong khi đó, Anthony Eden đã có chuyến đi
tới Washington từ 25 đến 28 tháng Sáu, trong thời gian đó ông đồng ý với dự án
của Mĩ nhằm tạo ra Hiệp ước Phòng vệ Đông Nam Á (Southeast Asian Treaty of
Defense), Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á
(South East Asia Treaty Organization) trong tương lai. Các
bên kí kết của hiệp ước này sẽ đảm bảo đạt được giải pháp chung cuộc tại Hội
nghị Genève. Tuy vậy, nếu thoả thuận đình chiến bị vi phạm, các bên kí kết có
thể phản ứng bằng quân sự, thậm chí có thể hành động riêng lẻ nếu liên minh này
không nhất trí. Mặc dù Eden trước đó hi vọng biến ý tưởng về Đông Nam Á thành
một thứ như thoả thuận Locarno Á châu, bao quát chuyện an ninh của những nhà
nước cộng sản và phi cộng sản trong khu vực, nhưng Dulles và giới Cộng hoà của
Hoa-kì từ chối. SEATO của tương lai mở cửa cho những nhà nước trung lập như
Ấn-độ, nhưng không mở ra đối với những nhà nước cộng sản. Đối với Dulles, SEATO
ít nhất ở chừng mực nào đó sẽ là lời hồi đáp đối với những toan tính của Chu
nhằm trung hoà khu vực châu Á phi cộng sản trước ảnh hưởng của Mĩ, do đó giải
thích được lí do tại sao Dulles giận dữ trước đường hướng trung lập của Ấn-độ,
Miến-điện và Indonesia. Ta
không thể nắm được ý nghĩa lịch sử của Genève nếu không đặt nó trong bình diện
toàn cầu rộng khắp.
Trở lại Genève, Chu, Eden, Molotov và Mendès
France dốc sức hơn nữa nhằm đi đến được một thoả thuận trước khi Mendès France
phải đối diện với thời hạn ngày 20 tháng Bảy gần kề. Trước áp lực kinh khủng,
VNDCCH cuối cùng cũng đồng ý rút quân khỏi Lào và Kampuchea và, khác hẳn đề
xuất ban đầu của họ, chấp nhận việc chia cắt Việt-nam ở vĩ tuyến 17, với VNDCCH
đảm trách lãnh thổ phía bắc giới tuyến đó và quân đội của Liên hiệp Pháp ở phía
nam. Quân nhân của VNDCCH ở Kampuchea, Lào và miền nam Việt-nam sẽ tập kết ra
bắc, trong khi người của Quốc gia Việt-nam Liên kết (l'Etat Associé du Vietnam) và quân lực Liên hiệp Pháp
sẽ tập kết vào nam. Các đội quân Khmer Issarak buông vũ khí và được tái hoà
nhập vào các lực lượng hoàng gia hoặc trở về đời sống dân sự. Ở Lào, hai khu
vực tập kết được tạo ra dành cho Pathet Lào ở tỉnh Phongsali và Xamneau
(Sầm-nưa).
Hội nghị phê chuẩn việc thành lập Uỷ
hội Quốc tế về Giám sát và Kiểm soát (International Commission for Supervision
and Control—thường được đề cập là ICC) đối với Việt-nam, Lào và
Kampuchea. Nhóm lãnh đạo của Uỷ hội phản ánh được Chiến
tranh Lạnh thời đó: Ba-lan, Canada và Ấn-độ. ICC được
thiết định nhằm giám sát thoả thuận đình chiến, việc tập kết cán bộ và quân
lính, và giúp tổ chức các cuộc tổng tuyển cử. Lúc này, các cuộc bầu cử được dự
kiến tổ chức vào giữa năm 1956 tên toàn lãnh thổ Việt-nam để quyết định
Việt-nam của thể chế nào, VNDCCH hay Việt-nam Cộng hoà mới
trỗi lên (cho đến tháng Mười 1955 thì vẫn là Quốc gia Việt-nam), sẽ là Việt-nam
thống nhất (thực tế cả hai nhà nước này đều khẳng quyết tính chính danh về lãnh
thổ trên khắp đất nước Việt-nam). Trong những giờ phút đầu tiên của ngày
21-7-1954, Pháp và VNDCCH khởi động thoả thuận đình chiến, chấm dứt cuộc chiến
ở Việt-nam, tiếp theo là những thoả thuận riêng rẽ dành cho Lào và Kampuchea.
Cuộc chiến Đông-dương lần thứ nhất đã đi đến hồi kết.
Hiệp nghị Đình chỉ Chiến sự (Agreement on the
Cessation of Hostilities) bao gồm sáu chương, 47 điều khoản và một phụ lục.
Hiệp nghị đình chiến Genève được kí vào ngày 21 tháng Bảy, với người kí là
Tướng Henri Delteil bên
các lực lượng Liên hiệp Pháp và Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Tạ Quang Bửu bên phía
VNDCCH. Thoả thuận này bắt đầu hiệu lực vào ngày 22-7-1954. Ngày 21 tháng Bảy,
một bản “tuyên bố chung quyết” bao gồm 13 điều khoản đã được ban hành, “ghi
nhận những hiệp định về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh ở Kampuchea, Lào
và Việt-nam và về việc tổ chức kiểm soát và giám sát của quốc tế đối với việc
trù hoạch những hiệp định này”. Cùng với những thoả thuận khác, những điều
khoản này kêu gọi thực hiện những đợt bầu cử vào tháng Bảy 1955 tại Lào và
Kampuchea, và vào tháng Bảy 1956 tại Việt-nam nhằm thiết lập các chính phủ cho
sự thống nhất quốc gia. Điều khoản 4 loại trừ việc quân đội, nhân sự và khí
giới ngoại quốc vào nước Việt-nam, còn Điều khoản 5 ngăn trừ việc thành lập các
căn cứ quân sự ngoại quốc ở đó. Điều khoản 6 lặp lại rằng vĩ tuyến 17 về bản
chất chỉ mang tính chất tạm thời. Giới tuyến đó không thể lập nên đường biên
giới chính trị hoặc lãnh thổ.
Quốc gia Việt-nam, đứng đầu là Bảo Đại và Ngô
Đình Diệm, nhất quyết phản đối sự chia cắt đất nước và phản đối nghĩa vụ tổ
chức bầu cử vào năm 1956. Vào ngày 21-7-1954, phái viên của Quốc gia Việt-nam
rút lại tuyên bố chính thức phản đối quyết định của Pháp trong việc đồng ý tổ
chức các cuộc bầu cử vào năm 1956 và nhất quyết yêu cầu Liên hợp quốc phải tiến
hành vụ đình chiến này. Quốc gia Việt-nam còn chỉ ra rằng họ “dành cho mình
quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt
Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở”. Người
Mĩ cũng đưa ra một tuyên bố riêng biệt trong đó họ ghi nhận các hiệp định và
công nhận các Điều khoản 1 đến 12, Đáng kể là viên chức ngoại giao của Dulles ở
Genève, Wlater Bedell Smith—người
được điều tới Genève với hi vọng xui khiến người Pháp cứ xúc tiến vụ EDC—đã
không ghi nhận Điều khoản 13 của tuyên bố, vốn cho rằng Washington cần phải
tham gia vào những buổi hội đàm tiếp theo sau nhằm bảo đảm việc áp dụng những
thoả thuận này. Hơn nữa, ông phát biểu rằng về Điều khoản 7, Hoa-kì, giống như
Quốc gia Việt-nam, chỉ chấp thuận việc tổ chức tuyển cử dưới sự kiểm soát của
Liên hợp quốc, chứ không phải dưới quyền của ICC. Như Laurent Césari đã ghi
nhận, việc Mĩ từ chối công nhận Điều khoản 13 đã khẳng định rõ rằng người Mĩ
cũng chống vụ tổ chức tuyển cử giống như Quốc gia Việt-nam.
Mặc dù lúc ấy những thành viên của hội nghị
đã đề cập 13 điều khoản của “tuyên bố chung quyết” như là các “hiệp định”,
nhưng nói đúng ra không có “hiệp định” nào ràng buộc về mặt pháp lí ngoại trừ
ba thoả ước đình chiến hay hưu chiến được kí ngày 20 tháng Bảy. Trong lúc hối
hả đi đến một thoả thuận, những kiến trúc sư của các hiệp định Genève đã tạo
nên một nền hoà bình khiếm khuyết. ICC gần như không có chút thế lực nào cho
việc tiến hành, chứ đừng nói chi đến việc bắt tuân phục, những điều khoản của
tuyên bố tại nơi đề cập. Khối cộng sản, bao gồm VNDCCH, đã đánh cược vào những
cuộc tuyển cử và một giải pháp chính trị, nhưng về mặt pháp lí không điều gì
ràng buộc Quốc gia Việt-nam phải tham gia. Người Mĩ giờ đây kiên quyết dựng lên
một Việt-nam hậu thuộc địa đích thực và phi cộng sản dưới quyền lãnh đạo của
Ngô Đình Diệm. Để hậu thuẫn dự án kiến thiết đất nước như thế này ở tầm mức
quốc tế, vào tháng Chín 1954, Dulles đã tạo lập được SEATO và mở rộng phạm vi
bảo vệ của tổ chức này đến cả ba nhà nước cũ của Đông-dương thuộc Pháp.
Đoàn Duy chuyển ngữ
Sài-gòn, 2018.02.01
Nguồn:
Goscha, Christopher. (2011). Geneva Accords. Historical
Dictionary of the Indochina War (1945–1954): An International and
Interdisciplinary Approach. NIAS Press.
No comments:
Post a Comment