Bài nói chuyện vào năm 1997 ở buổi ăn mừng việc trùng tu Thư viện Hạt Multnomah của Portland.
Một thư viện là một tâm
điểm, một chốn thiêng đối với một cộng đồng; và tính thiêng của nó nằm ở chỗ ai
cũng vào được, ở chỗ nó công cộng. Đó là chốn của mọi người. Tôi nhớ đến một số
thư viện, một cách sống động và đầy hân hoan, như là thư viện của tôi vậy
– những thành tố làm nên đoạn đường đời đẹp nhất của tôi.
Thư viện đầu tiên tôi biết rõ là cái nằm ở Saint Helena, California, thuở ấy còn là một thị trấn nhỏ, an bình và đậm chất Ý. Thư viện đó là loại thư viện nhỏ thuộc quỹ Carnegie, trát vữa trắng, lạnh mát và im lìm vào những buổi chiều tháng Tám đổ lửa lúc mẹ tôi để anh trai tôi và tôi ở đó trong khi bà ghé qua tiệm Guigni và tiệm Tosetti. Karl và tôi đi khắp căn phòng cho trẻ em, tựa như những quả phi đạn tầm chữ vậy. Sau khi anh em chúng tôi đọc hết mọi thứ, bao gồm cả mười ba quyển truyện phiêu lưu của một cậu bé thám tử mập, thì chúng tôi phải được phép đi vào Phía Người lớn. Việc đó thật khó đối với mấy vị thủ thư. Họ cảm thấy như họ đang lôi bọn nhóc tì chúng tôi vào một căn phòng đầy dục tình, chết chóc và đám người lớn quái lạ như Heathcliff và nhà Joad; và thực tế là họ đúng quái lạ. Bọn tôi hàm ơn rất mực.
Rắc rối duy nhất với thư
viện Saint Helena là mỗi lần lấy sách bạn chỉ có thể lấy năm cuốn và chúng tôi
chỉ vào thị trấn một lần mỗi tuần. Do đó bọn tôi lấy mượn mấy quyển sách thật dày
đặc, ý tôi là năm trăm trang sách chữ nhỏ chia thành hai cột, như cuốn The
Count of Monte Cristo (Bá tước Monte Cristo) vậy. Sách mỏng không tốt
– hai ngày truy hoan rồi sau đó đói meo những ngày còn lại trong tuần – không gì
ngoài kệ sách trong nhà nông trại, và chúng tôi có thể kể lại mọi thứ trong đó
vào lúc mười tuổi. Tôi tưởng tượng bọn tôi là những kẻ duy nhất ở Thung lũng
Hapa, vốn thường dùng gậy dài đánh vào đầu nhau đồng thời la lên, “Gã kia!
Trúng ngươi rồi!” – “Sao cơ, đồ béo, nghĩ là
ngươi băng qua cầu này được sao?” Karl thường vào vai Robin Hood bởi anh ấy lớn
hơn, nhưng ít nhất tôi cũng không bao giờ phải trở thành Maid Marian.
Tiếp theo trong đời tôi
là chi nhánh của Thư viện Berkeley gần trường Garfield Junior High, nơi những
kí ức thân thương nhất của đời thuộc về người bạn Shirley, người dẫn tôi đến kệ
N và bảo, “Ở đó có nhà văn này tên là E. Nesbit và cậu PHẢI đọc cuốn tên là Five Children and It,” và má ơi, cậu ấy nói đúng. Vào năm lên lớp tám, tôi kiểu như len vào phòng cho người
lớn. Mấy vị thủ thư vờ không để ý tới. Nhưng khi tôi đến quầy đăng kí mượn sách
cho người lớn, mang theo một quyển tiểu sử dày, ít tiếng tăm viết về Huân tước
Dunsany, tựa như một thánh tích, tôi nhớ vẻ mặt của vị thủ thư ấy. Vẻ mặt ấy rất
giống với vẻ mặt của viên thanh tra hải quan Hoa-kì ở Seattle, nhiều năm sau
đó, khi anh ta mở va-li tôi ra và thấy miếng pho-mát Stilton – không phải
một miếng nguyên đàng hoàng, mà là bề mặt hư mốc meo, một miếng thừa đã bốc
mùi, cái mà người bạn Barbara của bọn tôi ở Berkshire bằng tấm lòng thân ái
nhưng dại dột đã gửi tới chồng tôi. Viên hải quan đó nói, “Đây là cái
gì?”
“Ờ, là pho-mát Anh,” tôi
đáp.
Anh ta là người đàn ông
cao, da đen có giọng nói trầm. Anh ta đóng va-li lại rồi bảo, “Cô à, nếu cô muốn
nó, cô có thể có nó.”
Và vị thủ thư kia cũng để
cho tôi lấy quyển Huân tước Dunsany.
Sau đó là tới chính Thư
viện Cộng đồng Berkeley, lành thay chỉ nằm cách trường Berkeley Public High
School có một đôi khu nhà. Trong sâu thẳm lòng mình tôi yêu mến chốn này cũng
ngang với việc chán ghét chốn kia. Tại chốn này tôi là kẻ lưu vong ở xứ Siberia
toàn những quy phạm xã hội cho thanh thiếu niên. Tại chốn kia tôi tự do như ở
nhà. Không có thư viện, hẳn tôi không sống sót nổi ở trường lớp, dẫu sao cũng
không tỉnh táo nổi. Nhưng hồi ấy, bọn thanh thiếu niên toàn lũ rồ.
Tôi khám phá ra những
quyển sách ngoại văn nằm trên tầng ba và không ai lên đó hết, nên tôi chuyển vào
đó. Tôi sống ở đó, nép mình nơi cửa sổ đầy mạng nhện, với quyển Cyrano de
Bergerac, bằng chữ Pháp. Khi ấy tôi chưa biết đủ chữ Pháp để đọc Cyrano,
nhưng điều đó không ngăn tôi được. Đó là lúc tôi nhận thấy rằng bạn có thể đọc
một ngôn ngữ mà bạn không biết nếu bạn đủ yêu quý nó. Bạn có thể làm bất kì thứ
gì nếu bạn đủ yêu quý nó. Tôi đã khóc nhiều ở trên đó, khóc cho Cyrano và những
người khác. Tôi khám phá ra Jean-Christophe, rồi khóc cho ông ấy; và khám
phá Baudelaire, rồi khóc cho ông ấy – chỉ một đứa mười lăm tuổi mới có thể thực
sự hân thưởng Les Fleurs du mal (Ác hoa), tôi nghĩ vậy. Đôi khi
tôi lùng sục tầng dưới, những khu vực sách
Anh ngữ của thư viện và mang về những cây bút như Ernest Dowson – “Ta đã chung thuỷ với nàng, Cynara! theo cách của ta’ – và khóc thêm chút ít. A, đó là những năm tháng đẹp
tươi cho chuyện khóc, và thư viện là một nơi đẹp tươi để vào đó mà khóc. Trong
thầm lặng.
Tiếp theo trong đời tôi
là thư viện đại học nhỏ nhắn, dễ mến của Radcliffe; và sau đó – khi họ quyết định
là tôi có thể được phép vào, dẫu cho tôi mới năm nhất, và còn tệ hơn, một nữ
sinh viên năm nhất – là Thư viện Widener ở Harvard.
Tôi sẽ cho bạn biết định
nghĩa riêng tây của tôi về tự do. Tự do là những đặc quyền tiếp cận kho sách tại
Thư viện Widener.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi
ra ngoài từ mấy kho sách bất tận, tuyệt hảo thì tôi gần như không bước đi cho đặng
bởi đang bưng khoảng hai mươi lăm quyển sách, nhưng tôi đang bay. Tôi xoay người
và nhìn lên những bậc thềm rộng thênh của toà nhà, và tôi nghĩ, Đó là thiên
đàng. Đó là thiên đàng đối với tôi. Thảy mọi con chữ ở thế giới này, và thảy đều
dành cho tôi đọc. Sau rốt cũng có tự do, Chúa ơi, sau rốt cũng có tự do!
Tôi hi vọng các bạn sẽ hiểu
rằng tôi không dẫn lại mấy từ to tát ấy một cách qua loa. Ý tôi là thật thế đấy.
Tri thức thích phóng ta, nghệ thuật thích phóng ta. Một thư viện lớn chính là tự
do.
Do vậy khi ấy, sau một cuộc
tình Paris rồ dại mà chớp nhoáng với Bibliothèque Nationale, tôi tới Portland.
Những năm tháng đầu tiên của chúng tôi ở đây, chúng tôi có hai bé, và tôi ở nhà
với chúng. Màn chiêu đãi tuyệt diệu dành cho tôi, kì nghỉ tôi mong muốn, sự kiện
tôi trông chờ suốt cả tuần hay cả tháng, chính là thuê một người trông trẻ rồi
đi cùng Charles xuống phố và tới Thư viện. Vào ban đêm, dĩ nhiên; chẳng cách
nào đi được vào ban ngày. Một vài tiếng đồng hồ, đến khi Thư viện đóng cửa lúc
chín giờ. Lao mình vào bể chữ, rảo khắp các vùng mông mênh của tâm trí, trèo
lên những ngọn núi của tưởng tượng. Y như đứa trẻ ở Carnegie hay cô sinh viên ở
Widener ngày trước, đó từng là tự do của tôi, đó từng là vui thú của tôi. Và nó
vẫn như vậy.
Niềm vui thú ấy đâu thể
nhượng đi. Nó không được “tư hữu hoá”, không được biến thành đặc quyền khác cho
kẻ được ban đặc quyền. Một thư viện công cộng là một tổ chức tín thác công.
Và tự do đó không được
thoả hiệp. Nó phải sẵn có cho thảy những ai cần nó, tức là mọi người, khi họ cần
nó, và luôn luôn như thế.
Đoàn Duy chuyển ngữ
Nguồn:
Le
Guin, Ursula K. (2004). My Libraries. The Wave
in the Mind: Talks & Essays on the Writer, the Reader & the Imagination.
Shambala.
No comments:
Post a Comment