B
Nếu
ông chấp nhận cảnh nô lệ thể xác, thì ít ra ông sẽ không tán thành cảnh nộ lệ của
tinh thần, đúng chứ?
A
Xin
đừng hiểu lầm nhau. Tôi không chấp nhận cảnh nô lệ thể xác nếu xét đó như một
phần của các nguyên tắc trong xã hội. Tôi chỉ bảo rằng thà người bại trận bị bắt
làm nô lệ còn hơn bị giết, ở trường hợp y chuộng mạng sống hơn tự do.
Tôi
bảo rằng kẻ da đen bán mình là một kẻ dại, bảo rằng người cha da đen bán đi đứa
con của mình là một kẻ rợ, nhưng bảo rằng tôi là một người rất hiểu lẽ đời khi
mua anh da đen kia và cho anh ta làm việc ở đồn điền mía đường của tôi. Cái tôi
bận lòng đến là anh ta phải khoẻ mạnh để có thể làm việc. Tôi sẽ lấy lòng nhân
mà đối đãi với anh ta, và tôi sẽ đòi hỏi lòng cảm kích từ anh ta y như từ con
ngựa của tôi, mà đối với nó tôi có bổn phận cho ăn yến mạch nếu tôi muốn nó có
ích dụng gì đối với tôi. Tôi ở vào vị thế đối với con ngựa của mình cũng tương
tợ như Chúa trời đối với con người vậy. Nếu Chúa trời cho con người sống đôi ba
phút ở cái chuồng thế gian này, thì rõ ràng ngài cần chu cấp thức ăn cho con
người, bởi lẽ thật phi lí nếu ngài ban cho con người cái tài cảm thấy đói và một
cái bao tử, rồi lại quên cho con người ăn.
C
Lỡ
như kẻ nô lệ ấy không ích dụng gì đối với ông thì sao?
A
Tôi
sẽ cho anh ta được tự do vô điều kiện, cho dù anh ta có phải đi làm thầy tu
chăng nữa.
B
Nhưng
mà ông nghĩ gì về cảnh nô lệ của tinh thần?
A
Cảnh
nô lệ của tinh thần theo ý ông là sao?
B
Ý
tôi là cái quán lệ mà bởi đó tinh thần của bọn trẻ con được định hình nên y như
những người đàn bà ở Caraïbe xoa bóp đầu con họ vậy; bởi đó mồm miệng của chúng
trước tiên được dạy cách lầm bầm mấy thứ vô nghĩa mà bản thân chúng ta hay giễu
cợt; bởi đó chúng bị xui khiến để tin vào những thứ vô nghĩa ngay khi chúng bắt
đầu có lòng tin; là cái quán lệ mà bởi đó mọi chăm nom được thực hiện đến mức
làm cho một đất nước trở nên ngu muội. nhát gan và mọi rợ; sau rốt, là cái quán
lệ mà bởi đó pháp luật được thông qua hòng ngăn con người ta viết, nói và cả
suy nghĩ, hơi giống như vở kịch kia trong đó Arnolphe muốn cái bàn duy nhất
trong nhà là của mình y mà thôi, và muốn biến Agnès thành một kẻ ngu dốt hòng
có thể lấy làm vui thú với cô ta.1
A
Nếu
có pháp luật như thế ở Anh, hoặc tôi sẽ ủ một âm mưu hòng trừ bỏ nó, hoặc tôi sẽ
tháo chạy khỏi hòn đảo của tôi mãi mãi, sau khi phóng hoả nó trước tiên.
C
Nhưng
mà cũng tốt khi một người không cất tiếng lòng mình. Ông không nên buông lời nhục
mạ bằng những điều ông viết, hoặc những điều ông nói, đối với bộ luật đó mà nhờ
chúng bảo vệ ông mới tận hưởng được sự sung túc, sự tự do, và tất thảy những thứ
dịu ngọt của đời.
A
Rõ
là không rồi, và kẻ bội phản khinh suất phải bị trừng phạt; nhưng bởi lẽ sự viết
có thể bị lạm dụng, nên con người ta cần phải bị cấm làm điều đó? Tôi không
thích điều gì khác hơn việc ông bị khiến cho câm lặng để ngăn ông khỏi phải có
những lí lẽ tồi tệ. Người ta bị cướp ngoài phố, liệu có cần phải cấm họ không
được đi trên phố vì lẽ đó? Người ta nói những thứ ngu ngốc và xấc xược, nhưng
liệu có cần phải cấm nói? Ở xứ chúng tôi, mọi người đều có thể viết ra điều họ
nghĩ với mọi nguy nan tự chịu lấy; đấy là cách duy nhất để nói với đất nước của
họ. Nếu đất nước ấy thấy ông nói năng xuẩn ngốc, nó sẽ la ó ông; nếu thấy nói
kiểu dấy loạn, nó sẽ trừng phạt ông; nếu thấy nói năng khôn ngoan và cao thượng,
nó sẽ yêu mến ông và tưởng thưởng ông. Quyền tự do nói với người ta thông qua
ngòi bút của một người là điều được thiết định ổn thoả ở Anh, cũng như ở
Ba-lan, ở vùng Liên hợp tỉnh [Verenigde Provinciën] và gần đây nhất là ở Thuỵ-điển,
tại đó chúng tôi được người ta phỏng theo. Điều đó sẽ có ở Thuỵ-sĩ; mà không có
nó Thuỵ-sĩ không đáng có tự do. Không có sự tự do thuyết minh điều ta nghĩ, thì
sẽ không có tự do giữa con người.
C
Và
nếu ông sinh ra ở thành Rome hiện đại thì sao?
A
Tôi
sẽ dựng một bệ thờ cho Cicéron và Tacite, những vị La-mã cổ xưa; tôi sẽ lên bệ
thờ ấy, đầu đội mũ của Brutus, còn tay cầm cây chuỷ thủ của ông ta, tôi sẽ gợi
nhắc cho người dân nhớ đến những quyền tự nhiên mà họ đã đánh mất; tôi sẽ tái lập
chức Hộ dân quan [Tribunus], tựa như Nicolas Rienzi vậy.
C
Và
ông hẳn sẽ có kết cuộc như ông ta.
A
Có
lẽ; nhưng tôi không sao nói cho ông hay được tôi đã cảm thấy thất kinh đến dường
nào trước cảnh cung thuận của người dân thành Rome ở lần gần đây nhất khi tôi tới
đó; tôi thấy rùng mình trước cảnh tượng những giáo hữu dòng Récollets ở đồi
Capitole. Bốn người đồng hương của tôi thuê một chiếc thuyền để đi vẽ mấy tàn
tích vô dụng nơi Palmyre và Balbec. Tôi nghe lòng mình dẫn dụ cả trăm lần rằng hãy dùng tiền túi trang bị một tá thuyền để phá nát hang ổ của bọn pháp
quan tông giáo [inquisiteur] ở những đất nước mà tại đó con người ta bị lũ quái
thú kia bắt làm nô lệ. Người hùng của tôi là đô đốc Blake. Ông ấy được Cromwell
phái đi kí bản hiệp ước với Jean de Bragance, vua xứ Bồ-đào. Vị quân vương này
có lời tạ tội vì không kí hiệp ước bởi lẽ tay đại pháp quan sẽ không khoan dung
cho những cuộc hiệp đàm với dân ngoại giáo. ‘Để đó cho tôi,’ Blake bảo với ông
ta, ‘y sẽ kí hiệp ước trên tàu của tôi.’ Dinh cơ của tay tu sĩ ấy nằm trên con
sông Tage, đối diện với hạm đội chúng tôi. Đô đốc cho phép mình buông những lời
công kích nóng cả mặt, tay pháp quan đến xin được lượng thứ, và kí bản hiệp ước
ở tư thế quỳ gối. Trong toàn bộ vụ đó, vị đô đốc chỉ mới làm một nửa những điều
ông ấy lẽ ra phải làm; lẽ ra ông ấy phải cấm tất cả bọn pháp quan không được làm
chuyện bạo ngược đối với tâm hồn và thiêu đốt thể xác người ta, tựa như người
Ba-tư, và sau họ là người Hi-lạp và người La-mã, đã cấm người Phi châu tiến
hành tục lệ hiến sinh con người.
B
Ông lúc nào cũng nói năng giống như
một người Anh-đại-lợi.
A
Giống như một con người, và giống như
tất cả mọi người sẽ nói nếu họ dám. Liệu tôi có thể nói cho các ông hay lỗi lầm
lớn nhất của loài người là gì không?
C
Xin hãy nói; tôi muốn hiểu loài của
mình.
A
Lỗi lầm ấy là trở thành những kẻ
ngu muội và hèn nhát.
C
Nhưng tất cả các đất nước đều thể
hiện lòng dũng cảm trong thời chiến.
A
Phải, giống như bọn ngựa run rẩy
trước tiếng trống ban đầu, rồi tiến bước đầy kiêu hãnh khi khép mình vào kỉ luật
của hàng trăm tiếng trống và hàng trăm đòn roi.
Đoàn Duy chuyển ngữ
Sài-gòn, 2018.04.12
Sài-gòn, 2018.04.12
Nguồn:
Voltaire.
(2000). Ninth conversation. On the serfdom of minds. Voltaire: Political Writings. Bản biên tập và bản dịch của David Williams.
Cambridge.
No comments:
Post a Comment