Mấy năm trước,
tôi nghe nói nhà nhân học Brasil Roberto da Matta có một bài giảng xuất sắc
trong đó ông giải thích rằng tính phổ biến đại chúng của bóng đá – mà ngày nay
vẫn còn mãnh liệt như nào giờ – biểu thị khát vọng thiên bẩm của con người ta về
tính hợp pháp, tính bình đẳng và tự do.
Lập luận của ông khôn khéo và thú
vị. Theo ông, công chúng xem môn bóng đá như là biểu tượng cho một xã hội kiểu
mẫu, được cai quản bằng những luật lệ rõ rệt và giản đơn, là những thứ mà ai
cũng hiểu và tuân theo và là những thứ, nếu chúng bị vi phạm, sẽ dẫn khởi ngay
hình phạt cho bên phạm lỗi. Ngoại trừ việc là một vũ đài công bình, sân bóng đá
là một không gian bình quyền vốn loại trừ tất cả sự ưu ái và đặc quyền. Tại
đây, trên bãi cỏ được đánh dấu bằng những vạch kẻ trắng, mọi người đều được trọng
thị bởi chính con người anh ta, bởi kĩ năng, lòng cống hiến, sự sáng tạo và
tính hiệu quả của anh ta. Tên tuổi, tiền bạc và sức ảnh hưởng không hệ trọng gì
khi ta xét đến chuyện ghi bàn và được nhận tràng vỗ tay hay tràng huýt sáo từ
trên khán đài. Hơn nữa, cầu thủ bóng đá thực thi hình thức tự do duy nhất mà xã
hội có thể cho phép các thành viên của mình nếu nó không tan rã: được làm bất kì
việc gì họ thấy vừa ý miễn là việc đó không bị cấm đoán một cách tường minh bởi
những điều lệ mọi người đã chấp nhận.
Sau cùng, đây là cái khuấy động
nên những cơn nhiệt cuồng của đám đông, ở khắp thế giới, đổ xô vào sân, dõi
theo bằng sự chú tâm hết mực những trận đấu trên truyền hình và tranh cãi đủ
chuyện về những thần tượng bóng đá: lòng đố kị thầm kín, lòng hoài niệm trong
vô thức về một thế giới—khác với cái thế giới họ sống vốn dĩ đầy sự bất công, bất
bình đẳng và nhũng lạm, bị kìm kẹp trong tình cảnh vô pháp và bạo lực—thay vào
đó sẽ mang đến một thế giới hài hoà, có pháp luật và bình đẳng.
Liệu cái lí thuyết tươi đẹp này
là thật? Ước chi nó vậy, bởi lẽ rõ ràng lí thuyết này là thứ mê hoặc và không điều
gì có thể tạo niềm lạc quan cho tương lai nhân loại hơn chuyện để những xúc cảm
văn minh đó rúc mình trong những cõi bản năng thâm thiết nơi đám đông. Nhưng điều
dễ xảy ra là rằng, như luôn luôn, thực tại thường vượt qua lí thuyết, chứng tỏ
lí thuyết là thứ bất toàn. Bởi vì lí thuyết luôn duy lí, hợp luận lí, trí tuệ –
thậm chí cả những lí thuyết đề xuất sự vô lí và sự điên rồ – và trong xã hội và
trong hành vi cá nhân, phi lí trí, cái vô thức và tính tự phát thuần tuý sẽ luôn thủ một
vai trò nhất định. Chúng là thứ vừa không thể tránh né vừa không thể đo lường.
Tôi viết vội mấy dòng này ở một
ghế ngồi trên sân Camp Nou, vài phút trước khi trận Argentina-Bỉ khai diễn giải
World Cup này. Các dấu hiệu thực là thuận lợi: mặt trời sáng rỡ, bầu trời quang
đãng, đám đông ấn tượng nhiều sắc màu đang vẫy cờ Tây-ban-nha, cờ Catalunya, cờ
Argentina và lác đác cờ Bỉ, pháo bông bắn ầm trời, bầu không khí lễ hội, đầy
tinh lực cùng tràng vỗ tay cho điệu vũ địa phương cùng những màn phô diễn các động
tác thể dục vốn là thứ làm nóng cho trận đấu (và được thực hiện ở mức tiêu chuẩn
cao hơn nhiều so với bình thường vào những dịp này).
Dĩ nhiên đây là một thế giới hoan
khoái và hấp dẫn hơn nhiều so với cái thế giới được bỏ lại bên ngoài, đằng sau
những khán đài Camp Nou và đằng sau những con người đang vỗ tay trước những vũ
điệu và những dạng hình được sắp đặt nên bởi hàng tá thanh niên trên sân. Đây
là một thế giới không chiến tranh, giống như những cuộc chiến ở Nam Đại-tây-dương
và ở Libano, những sự kiện mà World Cup này đã giáng xuống vị trí thứ nhì trong
tâm trí hàng triệu người hâm mộ khắp thế giới, những người mà trong hai giờ tới,
giống như chúng tôi ở đây trên khán đài, sẽ không nghĩ gì ngoại trừ những đường
chuyền và những cú sút của 22 cầu thủ Argentina và Bỉ chơi mở màn giải đấu.
Có lẽ lời giải thích cho hiện tượng
phi phàm đương thời này, lòng nhiệt cuồng bóng đá – một môn thể thao được nâng
lên địa vị của một tông giáo phàm tục, có lượng tín đồ lớn nhất thảy – thực tế
ít phức tạp hơn nhiều so với cái mà giới xã hội học và tâm lí học làm ta nghĩ đến,
và chỉ đơn giản rằng bóng đá mang đến cho người ta một thứ mà họ gần như không
thể có được nào giờ: một cơ hội để vui chơi, để lòng hân hoan, để lòng hào hứng,
kích động, để cảm nhận những cảm xúc sôi sục nhất định mà lệ thường hàng ngày
hiếm khi mang đến cho họ.
Lòng muốn vui chơi, muốn hân hoan,
muốn có khoảng thời gian thích ý, là một nguyện vọng chính đáng hết sức, một
quyền lợi cũng hợp lẽ như khao khát có cái ăn và có việc làm. Bởi nhiều nguyên
do, rõ ràng là phức tạp, bóng đá đã lãnh nhận lấy vai trò này ở thế giới ngày
nay với mức thành công lan rộng hơn bất kì môn thể thao nào khác.
Những người chúng tôi, vốn thích bóng đá và có được niềm khoái cảm từ nó, không lấy làm ngạc nhiên chút nào trước chuyện bộ môn này, ở vai trò một loại hình giải trí tập thể, được người đời hoan nghênh rất mực. Nhưng có nhiều người không hiểu thực tế này và, hơn nữa, bài xích và chỉ trích nó. Họ thấy hiện tượng này là thứ đáng bị bài xích bởi lẽ, họ bảo, bóng đá làm cho đám đông bị tha hoá và trở nên bần cùng, khiến họ xao lãng khỏi những vấn đề hệ trọng. Những ai nghĩ như thế này đã quên rằng điều quan trọng là lòng được vui thoả. Họ cũng quên rằng cái tiêu biểu cho một môn giải trí, dẫu cho nó mãnh liệt và cuốn hút dường nào – và một trận bóng hay thì mãnh liệt và cuốn hút vô ngần – chính là ở chỗ nó chỉ là tạm bợ, không siêu việt, vô hại. Một trải nghiệm mà tại đó cái hệ quả tan biến đồng thời với nguyên nhân. Thể thao, đối với những ai mê thích, là lòng yêu mến hình thức, một cảnh quan vốn không vượt thoát ra cái thể chất, cái tri giác, cái xúc động tức thời; một thứ – khác với sách vở hay kịch nghệ, chẳng hạn vậy – vốn dĩ gần như không để lại dấu vết nào trong kí ức và không làm tri thức phong phú lên hay bần cùng đi. Và đây là mặt hấp dẫn của nó: rằng nó gây lòng hưng phấn và trống không. Bởi nguyên do đó, kẻ có trí lự và kẻ thiếu trí lự, kẻ có học thức và kẻ thiếu học thức thảy đều có thể mê thích bóng đá như nhau. Như thế là đủ cho lúc này rồi. Quốc vương đã tới nơi. Hai đội đang ra sân. World Cup chính thức khai mạc. Trận đấu sắp sửa bắt đầu. Viết thế cũng đủ rồi. Ta hãy vui vẻ chút đỉnh.
Barcelona, 13 tháng Sáu 1982
Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn của John
King
Sài-gòn, 2018.12.20
Nguồn:
Vargas Llosa,
Mario. (1996). The empty pleasure. Making
Waves: Essays. New York: Farrar, Straus and Giroux.
No comments:
Post a Comment