Một nhà hiền triết Hi-lạp, khi được hỏi cớ sao ông lại khóc
cho cái chết của con mình, bởi lẽ nỗi thống khổ ấy chỉ uổng công, đã đáp: “Tôi
khóc chính vì duyên do đó.” Và câu trả lời trở thành lẽ minh trí của ông. Chỉ
có hạng biện sĩ mới buông lời đoạn ngôn rằng chúng ta, với đôi mắt chứa cả nguồn
châu lệ, không bao giờ cần nhượng lối cho chúng. Hẳn là thiếu minh trí khi
không làm thế vào một số dịp nào đó. Nỗi thống khổ tháo mở chúng trong những
lúc tâm trạng ấm nồng. Những cơn bùng lên đầu tiên có thể cay đắng và nặng
lòng; nhưng mảnh đất mà tại đó chúng tuôn xuống hẳn sẽ xấu đi nếu thiếu chúng.
Chúng làm tươi mát cơn nóng sốt của tâm hồn – nỗi sầu bi khô héo nó gây nứt nẻ
dung nhan thành những luống cày, và khiến cho ta có thể bị “những cơn rung chuyển
xác thịt” tệ hại nhất đời mình.
Có những nỗi thống khổ, thật vậy, rất lớn, đến mức nếu cho
chúng mấy ngõ thoát hơi thường tình nào đó tức là ta sẽ lâm vào cảnh dễ bị lật
nhào. Những nỗi này ta đúng hơn cần phải gia cường bản thân nhằm kháng lại, hoặc
chịu khuất tòng mà lòng câm nín và vô cảm, để cho chúng vượt qua ta, như lữ
khách vượt qua cơn gió sa mạc. Nhưng ở chỗ mà ta cảm thấy những giọt nước mắt sẽ
làm ta nhẹ lòng, quả là thứ triết lí mê lầm nếu bản thân phủ nhận ngay cả luồng
tươi mát ban đầu ấy; và quả là sự yên ủi mê lầm khi bảo với người đời rằng vì họ
không thể ngăn được điều ấy, họ đừng nên bận lòng đến nó. Cách đúng đắn là, để
họ tận lực đương đầu nỗi thống khổ vốn không sao tránh được, và cố lấy lí trí dằn
lòng xuống để mà dỗ êm nỗi niềm ấy. Có những nỗi bi thương êm dịu trong chính bản
chất của chúng đến mức sự tình hẳn là sẽ tồi tệ hơn cả cái kiểu cách anh hùng lầm
lạc khi chối từ không nhỏ lệ cho chúng. Thuộc loại này là những cái chết của những
đứa bé. Những trạng huống đặc biệt có thể khiến cho tình cảnh ít nhiều thích hợp
cho việc buông lung mình trong cơn bi thương dành cho sự mất mát của một đứa
con nhỏ; nhưng, nhìn chung, người ta đừng nên làm nữa cái chuyện khuyên bảo những
bậc cha mẹ rằng họ cần kiềm nén những giọt lệ đầu tiên ở một cảnh như thế, chi
bằng khuyên họ kiềm nén nụ cười của mình đối với đứa trẻ còn sống, hoặc khuyên
họ buông mình theo bất kì niềm cảm thông nào khác. Đó là lối cầu trợ đến cùng một
sự mềm yếu êm dịu; và những sự cầu trợ như thế không bao giờ được thực hiện
hoài công. Mục đích của chúng là giúp ta được tha bổng khỏi những mối ràng buộc
nghiêm khốc hơn do nỗi ưu phiền – thoát khỏi chuyện trói buộc cái tinh thần đó vào
một ý niệm sầu bi.
Chính do bản chất của những giọt lệ loại này, nên dẫu cho
chúng có thể tuôn tràn ra dữ dội đến đâu, kì cùng cũng sẽ chảy thành những dòng
nước bình lặng. Ta đâu thể, trong cả đường đời mình, dễ dàng mang lòng đau mà
nghĩ về bất kì người tốt và tử tế nào mà ta đã mất đi. Chính cái bản chất
thiêng liêng nơi phẩm tính của họ là thứ chinh phục nỗi đau và bản thân cái chết;
để biến kí ức về họ thành một niềm hoan khoái; để sống tiếp với mảnh bình yên
nơi trí tưởng tượng trong ta. Chúng tôi lúc này đây đang viết ở chỗ ngay đối diện nơi
chứa ngôi mộ của một người thân thương, đến đỗi không sao bày tỏ được, đối với chúng tôi.
Từ cửa sổ chúng tôi thấy cây cối xung quanh nó, và ngọn tháp nhà thờ. Những cánh đồng
xanh nằm quanh. Những đám mây trôi trên đầu, lúc này cất đi ánh nắng và lúc kia
mang nó trở lại. Những ngọn gió xuân, kêu reo tiếng gọi mùa hè rợp hoa, dẫu vậy
lại gợi nhớ đến vùng đại dương diêu viễn và đầy hiểm nguy, cái mà con tim trong
ngôi mộ kia có nhiều nguyên do để nghĩ tới. Và tuy thế cảnh tượng của chốn này
lại không khiến chúng tôi đớn đau. Trái lại, chính sự hiện hữu của ngôi mộ kia là thứ
làm cho sức mê hoặc của chốn này tăng bội thêm; là thứ kết liên lại với nhau những
niềm hoan khoái thời ấu thơ và thời trưởng thành của chúng tôi; là thứ đặt trong những
ngọn gió một niềm đằm thắm dỗ dành, và đặt lên phong cảnh một niềm hân hoan điềm
tĩnh; là thứ dường như hợp nhất cả trời và đất, cả sự tất tử và sự bất tử, cả bãi
cỏ của nấm mồ và bãi cỏ nơi cánh đồng xanh; và làm cho toàn bộ lòng từ tâm của
tự nhiên có được thêm hình bóng người mẹ. Bản thân nó không ngăn trở chính cái
sự tươi vui. Hạnh phúc là thứ mà kẻ lưu náu trong đó, thông qua mọi sự đời phiền
muộn của người ấy, hẳn sẽ loan truyền. Loan truyền hạnh phúc, và hân thưởng nó,
không chỉ là chuyện truyền tải ước nguyện của người ấy, mà còn làm cho hi vọng
của người ấy thành hiện thực; và sự tươi vui – vốn thoát khỏi những thứ ô uế đơn
thuần, lòng tà tâm và không còn thiếu vắng lòng cảm thông – chỉ là một đứa trẻ
đương chơi quẩn quanh hai đầu gối của người mẹ.
Sự thuần phác và những niềm
thương mến của đứa trẻ mà ta ghi nhớ là thứ còn nương lại chỗ ta thay vì các đức
hạnh vốn sẽ tiêu tan lúc già đi sau này. Trẻ con đâu có mang lấy lòng tự nguyện
tỏ bày tinh thần hữu hảo; chúng đâu có chọn lối tỏ ra tử tế và ngoan đối với
ta; cũng chẳng đứng về phía ta, bằng chính ý lực có nhận thức, trong giờ phút
nghịch cảnh. Nhưng chúng có san sẻ với ta những niềm hoan khoái và những nỗi
đau của chúng, trong chừng mực khả năng chúng làm được; sự trao nhận những hành
vi thiện lành giữa chúng ta, một cách tất yếu, đã bớt phần hoà lẫn cùng những muộn
phiền của thế gian; nỗi sầu đau dấy khởi từ cái chết của chúng là nỗi sầu đau
duy nhất mà ta có thể liên hệ với những kí ức về chúng. Đây là những ý nghĩ hạnh
phúc vốn chẳng thể nào tiêu tan. Sự mất mát của ta luôn có thể khiến chúng làm
ta nặng lòng; nhưng chúng đâu phải lúc nào cũng đớn đau. Do là một phần trong
tính hoà thiện của Tự nhiên mà nỗi đau không lưu tồn tựa như niềm hoan khoái,
vào bất kì thời điểm nào, càng khó lưu tồn hơn khi mà duyên do cho nỗi đau ấy
là từ một sinh mệnh thuần phác. Nụ cười ấy vẫn cứ phản chiếu lên trong kí ức,
như mặt trăng phản chiếu ánh sáng lên chúng ta lúc mà mặt trời tiến vào cõi
thiên đàng.
Khi những cây bút như chúng
tôi đây lên tiếng kêu ca về nỗi đau phàm tục (chúng tôi ý nói những cây bút có
cùng ý hướng, mà không ngụ ý, dĩ nhiên, bất kì điều gì về năng lực hay thứ chi
khác), họ bị người ta hiểu lầm là liệu họ có cần phải lên tiếng kêu ca về các nỗi
đau ở đủ mọi dạng loại. Đây hẳn là chuyện không ích chi và kiểu cách đàn bà. Quả
thực họ không vờ rằng nhân loại đừng nên nguyện ước, nếu có thể làm vậy, mình
hoàn toàn thoát được nỗi đau; bởi lẽ người đời gắng công, luôn luôn, muốn biến
nỗi đau thành niềm hoan khoái: hoặc ít nhất tô điểm cái này bằng cái kia, để biến
cái đầu tiên thành một thứ hương vị, và cái sau thành một thứ bồi đắp tinh lực.
Cái phẩm giá thuần hậu của nỗi thống khổ là thứ thực hiện việc này, và, nếu đủ
lẽ minh trí, sẽ nhìn nhận nó. Lòng từ ái vô ngần hướng đến kẻ khác, vốn là việc
buông tính vị kỉ để mà hưởng lấy những niềm hoan khoái, ngay cả khi phải đổi lấy
cái giá nào đó, quả là chỉ tìm cách gia tăng cái tàng khố hạnh phúc của người đời,
dẫu vậy lòng từ ái đó lại bằng lòng, nếu có thể, để cho đặc tính của nó bị nuốt
trọn trong dòng suy tưởng trứ tuyệt như thế. Chúng tôi xa cách với cái ý bảo rằng
nó nên được gọi là sự ích kỉ. Quả thực, chúng tôi ở cách rất xa ý nghĩ như vậy,
hoặc là ý nghĩ về những chữ gây hoang mang như vậy. Nhưng nó cũng không nên được
gọi là nỗi đau lúc nó mang tính bất vị kỉ nhất, nếu mà sự không quan tâm có được
là do lòng thấu hiểu thực sự. Nỗi đau mà ở trong đó sẽ êm lại thành niềm hoan
khoái, tựa hồ sắc thẫm của cầu vồng hoà tan ra thành sắc tươi. Tuy thế dẫu cho
một đường ranh gắt gao hơn được vạch ra giữa nỗi đau và niềm hoan khoái của tâm
trí bất vị kỉ nhất hạng (và thể trạng hư nhược, chẳng hạn vậy, có thể vạch ra
đường ranh đó), thì ta cũng không nên cự cãi liệu nó có góp phần vào cảnh thư
thích vô ngần nơi người đời, và liệu nó có thuộc về một bản chất mà lòng từ tâm
của người đời không thể tránh được. Như bản thân ta, có những nỗi đau nhất định
mà nếu thiếu thì thật khó lòng mường tượng những niềm hoan khoái lớn lao và dễ
làm ta chao đảo. Ta có thể mường tượng rằng các sinh thể khả dĩ được làm cho hạnh
phúc hoàn toàn; nhưng trong kết cấu của ta thì một thứ thuộc nỗi đau có vẻ là một
thành tố cần yếu, để cho những vật chất có thể trở thành ưu thế tinh hảo nhất
có thể, mặc dù chất liệu đất sét của ta, trải qua bao tháng năm và kinh nghiệm,
có thể càng ngày càng được tinh luyện hơn. Ta có thể rũ bỏ phần đất xấu nhất,
dù không phải bỏ hết cái chất liệu đất ấy.
Giờ đây cái tình cảnh chịu mất
đi mấy đứa nhỏ—hay đúng hơn cái khiến ta ý thức được điều đó, cái sự mất mát đôi
lúc xảy ra ấy—dường như là một trong những thức đắng cần yếu được rót vào chén nhân
gian. Ta không có ý rằng mọi người cần phải mất đi một trong những đứa con của
mình để hân thưởng những đứa còn lại, hoặc mọi mất mát cá nhân đều gây khổ não
cho ta theo cùng một tỉ lệ. Nhìn chung ta tránh đi những cái chết của những đứa
bé thơ. Những cái chết này có thể hiếm hoi theo mức ta có thể bày tỏ ra. Nhưng
nếu không cái nào từng xảy ra, ta có thể xem mọi đứa nhỏ như một người đàn ông
hay đàn bà được đùm bọc; và thật dễ hình dung đâu là một thế giới của những
chăm lo và hi vọng trìu mến mà sự đùm bọc này sẽ gây nguy hại. Chính cái ý niệm
về thuở ấu niên sẽ mất đi tính liên tục với ta. Các cô bé và cậu bé sẽ là những
người đàn ông và đàn bà trong tương lai, không phải những đứa trẻ ở hiện tại.
Chúng hẳn sẽ đến được lúc trưởng thành hoàn toàn trong trí tưởng tượng của ta,
và cũng có thể là đàn ông và đàn bà ngay tức thì. Mặt khác, những người mất đi
một đứa bé thơ, xét ra, thì không bao giờ thiếu đi một đứa con bé thơ. Họ là những
người duy nhất mà, theo một nghĩa, giữ được điều đó luôn luôn, và họ mang đến
cho láng giềng họ cùng một ý niệm như vậy. Những đứa trẻ khác lớn lên thành đàn
ông và đàn bà, và lãnh chịu thảy mọi sự đổi thay của người đời. Chỉ mỗi đứa này
được biến thành một đứa trẻ bất tử. Cái chết đã tóm lấy nó bằng bao sự hà khắc từ
tâm, và khiến nó có phúc phần trở thành hình ảnh vĩnh hẳng cho hoa niên và sự
thuần phác.
Thuộc về những đứa trẻ thế này
là những hình hài thân thương nhất vốn ghé lại nơi tâm tưởng và hi vọng của ta.
Chúng luôn là những hình ảnh miệng luôn cười vốn tượng trưng cho niềm hân hoan;
những trang giấy đẹp nhất vốn nán lại ở trí tưởng tượng. Sau cùng, “Thuộc về những
đứa trẻ này là vương quốc thiên đàng”. Bất kể đâu có một xứ vương quốc nhân
từ đến thế và ai ai cũng vào được, bất kể trên trái đất hay ở nơi khác, đó là
những linh hồn hiền hoà hẳn phải ngụ tại xứ ấy. Đến mức giản đơn như thế, hoặc
tương tự vậy, là điều hẳn chúng đạt tới được. Như thế hẳn phải là lòng tự tin sẵn
sàng nơi tâm can chúng và sự sáng tạo nơi tâm tưởng. Và chúng hẳn vô tri trước “nhận
biết về thiện và ác”, đánh mất đi khả năng biện biệt cái vấn đề tự gây ra đó, bằng
cách hân thưởng khu vườn trước mặt chúng, và không lấy làm hổ thẹn về cái từ
tâm và thuần phác.
Đoàn Duy chuyển ngữ
Sài-gòn, 2019.09.28
Nguồn:
Hunt, Leigh; (1887). Deaths
of Little Children. Essays by Leigh Hunt. Walter Scott.
Bản online: https://www.bartleby.com/27/19.html
Bản online: https://www.bartleby.com/27/19.html
No comments:
Post a Comment