Mấy năm trước,
tôi nghe nói nhà nhân học Brasil Roberto da Matta có một bài giảng xuất sắc
trong đó ông giải thích rằng tính phổ biến đại chúng của bóng đá – mà ngày nay
vẫn còn mãnh liệt như nào giờ – biểu thị khát vọng thiên bẩm của con người ta về
tính hợp pháp, tính bình đẳng và tự do.
Lập luận của ông khôn khéo và thú
vị. Theo ông, công chúng xem môn bóng đá như là biểu tượng cho một xã hội kiểu
mẫu, được cai quản bằng những luật lệ rõ rệt và giản đơn, là những thứ mà ai
cũng hiểu và tuân theo và là những thứ, nếu chúng bị vi phạm, sẽ dẫn khởi ngay
hình phạt cho bên phạm lỗi. Ngoại trừ việc là một vũ đài công bình, sân bóng đá
là một không gian bình quyền vốn loại trừ tất cả sự ưu ái và đặc quyền. Tại
đây, trên bãi cỏ được đánh dấu bằng những vạch kẻ trắng, mọi người đều được trọng
thị bởi chính con người anh ta, bởi kĩ năng, lòng cống hiến, sự sáng tạo và
tính hiệu quả của anh ta. Tên tuổi, tiền bạc và sức ảnh hưởng không hệ trọng gì
khi ta xét đến chuyện ghi bàn và được nhận tràng vỗ tay hay tràng huýt sáo từ
trên khán đài. Hơn nữa, cầu thủ bóng đá thực thi hình thức tự do duy nhất mà xã
hội có thể cho phép các thành viên của mình nếu nó không tan rã: được làm bất kì
việc gì họ thấy vừa ý miễn là việc đó không bị cấm đoán một cách tường minh bởi
những điều lệ mọi người đã chấp nhận.
Sau cùng, đây là cái khuấy động
nên những cơn nhiệt cuồng của đám đông, ở khắp thế giới, đổ xô vào sân, dõi
theo bằng sự chú tâm hết mực những trận đấu trên truyền hình và tranh cãi đủ
chuyện về những thần tượng bóng đá: lòng đố kị thầm kín, lòng hoài niệm trong
vô thức về một thế giới—khác với cái thế giới họ sống vốn dĩ đầy sự bất công, bất
bình đẳng và nhũng lạm, bị kìm kẹp trong tình cảnh vô pháp và bạo lực—thay vào
đó sẽ mang đến một thế giới hài hoà, có pháp luật và bình đẳng.
Liệu cái lí thuyết tươi đẹp này
là thật? Ước chi nó vậy, bởi lẽ rõ ràng lí thuyết này là thứ mê hoặc và không điều
gì có thể tạo niềm lạc quan cho tương lai nhân loại hơn chuyện để những xúc cảm
văn minh đó rúc mình trong những cõi bản năng thâm thiết nơi đám đông. Nhưng điều
dễ xảy ra là rằng, như luôn luôn, thực tại thường vượt qua lí thuyết, chứng tỏ
lí thuyết là thứ bất toàn. Bởi vì lí thuyết luôn duy lí, hợp luận lí, trí tuệ –
thậm chí cả những lí thuyết đề xuất sự vô lí và sự điên rồ – và trong xã hội và
trong hành vi cá nhân, phi lí trí, cái vô thức và tính tự phát thuần tuý sẽ luôn thủ một
vai trò nhất định. Chúng là thứ vừa không thể tránh né vừa không thể đo lường.