Hầu hết chúng ta đều tự nhủ liệu mình có thể tìm ra một định nghĩa thực thụ về tính Bỉ lậu. Bởi nhìn chung thật khó để huỷ hoại, hay thậm chí phản kháng, một thứ mà ta không thể định nghĩa. Tôi hồ nghi, thoạt đầu, rằng ta có thể phát hiện, trong trường hợp từ này, một điều khó khăn hiện có khi nhìn vào vô số những từ hiện đại. Chúng được sáng chế sau thời của học thuyết và định nghĩa. Chúng may lắm thì có được tính nghệ thuật và chứa chan cả bầu không khí. Chúng bắt đầu tượng trưng cho những ấn tượng mạnh vốn khá là thực, nhưng lại tượng trưng chúng như những biểu tượng, đôi khi có tính thơ, đôi khi tuỳ tiện và ngẫu nhiên. Và tôi khá thích thú chuyện rằng, trong trường hợp của tính Bỉ lậu và những kí hiệu khác bằng ngôn từ, ta có thể thấy rằng sự điều tra này đã kết thúc một cách quái lạ. Khi ta thực sự đặt thành từ ngữ cái thứ mà ta có ý nói qua từ đặc thù này, có lẽ ta thấy được rằng nó là một từ thiếu chính xác hết sức vốn dành cho nó.
Do đó tính Bỉ lậu (Vulgarity), như một thói xấu mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy khá là sinh động (tôi có thể hình dung vậy) trong bao sự vụ và tập tục quanh ta, lại không thực sự có nối kết với từ vulgus cổ xưa; càng không nối kết với cụm profanum vulgus [đám đông thường tình]. Nhân quần có những thói xấu riêng mình, nhưng nó không nhất định là bỉ lậu. Khối nhân loại này có những nhược điểm riêng mình, nhưng ta không nhất định phải cảm thấy những nhược điểm đó như là hành vi bỉ lậu. Cái thứ đặc thù mà ta có ý nói, hoặc đúng ra là cái thứ tôi có ý nói, khi tôi dùng từ này, là một thứ gì đó tinh tế hơn nhiều và cố nhiên độc hại hơn nhiều. Nhưng tôi thực sự không biết bất kì từ nào khác dành cho nó. Tôi có thể dễ dàng đưa ví dụ về nó từ báo giới, nhưng việc này hẳn sẽ là một cách khá rẻ tiền và bất công cho việc lấp đầy mấy trang sách trong cuốn sách này. Do vậy, bằng sự hấp tấp đúng nghĩa trong việc thí nghiệm này, tôi sẽ thử nêu ra bản chất thực sự của cái thứ mà tôi gọi là tính Bỉ lậu; và tôi ước gì mình biết được một cái tên tệ hơn dành cho nó.
Cái mà tôi ý nói Bỉ lậu là thế này. Khi sáu người đàn ông đứng dậy và ta bất thần thấy rằng một trong số họ là một người lùn, thì ta giật mình thấy y bị kìm lại quá đỗi. Ta chỉ nhận ra y bị kìm lại vì y đứng dậy; vì y trương bản thân mình ra đến chiều cao hết mức. Khi trí óc của một người tự nó trương ra, để nhằm phô ra, ấy thế vẫn bị kìm lại, đó chính là sự mở bày mà tôi có ý nói. Chính bằng hành vi phô ra mà ta thấy được gần như chẳng có gì để phô. Khi ai đó tìm cách gây ấn tượng với ta, dù là bằng trí lực hay lòng tự tin, hoặc bằng tri thức về thế giới, hoặc bằng quyền uy, hoặc bằng tính nhã nhặn, hoặc thậm chí bằng thi ca và năng lực lí tưởng hoá (ideality), và ngay ở chính cái hành vi làm vậy đã cho thấy y có những ý tưởng thấp thỏi về thảy mọi sự này – đó là tính Bỉ lậu. Nói cách khác, một thứ chỉ bỉ lậu khi cái tối hảo của nó lại là thứ hạ tiện.
Đó là nguyên do nhiều thứ thường được gọi là bỉ lậu đối với tôi dường như không bỉ lậu chút nào. Tay diễn hề mũi đỏ, người đàn ông ngồi trên cái nón của mình, câu chuyện đùa về gã say rượu, những dạng này không thuộc loại mà tôi nghĩ đến; quả vậy, họ lại chính là điều trái ngược. Bởi người ngồi trên cái nón của mình thì không đứng dậy. Gã say thì không trương duỗi bản thân mình ra; gã (như lời giải thích của y) đang tận hưởng sự thư thái. Tay diễn hề mũi đỏ đâu có giả vờ đang làm điều tối hảo. Những thứ này có thể có những mối nguy hay nhược điểm của riêng chúng, nhưng chúng đâu có chỉ ra rằng một người thật hạ tiện ngay cả khi ở mức tối hảo của mình. Người ngồi trên cái nón trên sân khấu có thể có được vẻ tôn nghiêm toàn bích khi y ngồi trên ghế nhà mình, hoặc khi cởi nón ra trong nhà thờ. Tay diễn hề mũi đỏ, khi y đeo cái mũi đỏ cùng với cái nón bé nhỏ của mình, có thể trong đời sống riêng tây lại là sự hoà trộn giữa Bayard1 và Socrates. Từ tay Philip say ta có thể viện dẫn đến tay Philip tỉnh. Nhưng ta không thể viện dẫn hơn nữa, nếu ta thấy ngay cả tay Philip tỉnh cũng là một gã lỗ mãng và cục súc. Nếu y hạ tiện lúc ở mức tối hảo của mình, và còn hạ tiện hơn khi y gắng sức gây ấn tượng cho ta bằng sự tối hảo của y, thì ta có một cảm giác nhất định mà tôi không biết gọi bằng tên nào khác. Xem ra khi đó người này vờ là Bayard, và gắng gượng lắm cũng chỉ trở thành Barnum.2 Xem ra khi đó người này đến nhà thờ, và cởi mũ, và dường như quan tâm nhiều về cái mũ hơn là nhà thờ. Xem ra, nói ngắn gọn, khi đó có thứ gì đấy về y vốn có vẻ như làm mọi thứ thành ra hạ tiện và san phẳng mọi thứ y chạm vào; và phần nhiều là khi y chạm vào những thứ đáng giá và được tôn tụng. Do thế tại đó là một gã trước tiên ước muốn chứng tỏ rằng y là một quý ông, và chỉ chứng tỏ được hai điều: trước tiên, rằng y có đủ chất bỉ lậu để mà ưu ái việc trở thành một quý ông hơn là thành một người thường tình; và thứ nhì, rằng y có một quan niệm bị kìm hãm và ngớ ngẩn đến xú lậu ngay cả về cái việc thành một quý ông. Tại đó là một gã ước muốn cho thấy y đã sống trong xã hội tối hảo; và qua việc cho thấy như thế còn cho thấy rằng y không biết đâu là xã hội tối hảo và đâu là tối hoại.
Có nhiều ví dụ ít nghiêm trọng hơn và thường dễ bào chữa hơn, nhưng chính cái chạm đó làm nên khác biệt. Tại đó là một gã luôn tỏ ra khéo xử mà không có tài khéo xử. Tại đó là một gã đùa giỡn ồn ã và cười ngặt nghẽo, và do đó chứng tỏ rằng y không có khiếu hài hước gì. Tại đó là một gã nói rất nhiều về việc hiểu đàn bà, và với mọi từ ngữ đã giúp ta có được sự sáng tỏ khiếp khủng để hiểu y. Tại đó là một gã kể mấy câu chuyện về tính hoà ái diệu kì, và về sự thân tình với những gã giàu sụ mà y quen biết, và qua đó tiết lộ tín ngưỡng thầm kín của y – rằng mấy gã giàu là những vị thần còn y là kẻ may mắn của được sự sủng ái của những vị thần đó. Thảy những gã này đều có cái dấu hiệu mà tôi để cho tiện sẽ gọi là bỉ lậu; cái dấu hiệu rằng họ cho ta cái thước đo của chính họ về đạo đức và tinh thần bằng cách căng duỗi bản thân họ hết mức. Nếu họ hơi chút nới ra và xuề xoà và khiêm nhường, ta hẳn không bao giờ nhìn ra được con người họ. Nếu họ không tỏ ra khôn khéo đến thế, ta hẳn không bao giờ biết được rằng họ là bọn ngu xuẩn. Nếu họ không tỏ ra kiểu cách quý ông đến thế, ta có lẽ không thấy được họ là hạng vô lại.
Nếu tôi có tí chút sự miêu tả nào đó cho cái điều khôn tả này, tôi sẽ yêu cầu độc giả dõi mắt xuống vô số những cột báo hiện thời, và xem liệu tại đó chẳng phải là thứ gây tổn hại cho di sản văn hoá chúng ta hay sao, một thứ bỉ lậu hơn hết bởi lẽ nó chỉ phảng phất. Nó hiếm khi hoặc không bao giờ khiếm nhã, dù xét theo bất kì mức độ nào tại xứ Anh. Có lẽ nó sẽ bớt nguy hiểm nếu nó bớt phần nhã chính. Nó cứ theo một bên của một đường kẻ, nhưng chính cái tư thế giữ thăng bằng trên đường kẻ đó là thứ gây chướng. Như tôi đã nói, theo cảm nhận của mình, cái ý hướng về việc buông lung phóng túng không phải bỉ lậu. Bởi bỉ lậu là một thứ thuộc về những cái nhìn và thậm chí thuộc về những lí tưởng; và con người được phán định theo những giấc mơ của họ.
Đoàn Duy chuyển ngữ
Sài-gòn, 2020.03.15
Chú thích của người dịch:
[1] Bayard ở đây hẳn là Bayard Taylor, thi sĩ Mĩ thế kỉ 19.
[2] Ý chỉ P. T. Barnum (1810–1891).
Nguồn:
Chesterton, G. K. (2011). On Vulgarity. In Defense of Sanity: The Best Essays of G.K. Chesterton. San Francisco: Ignatius Press.
No comments:
Post a Comment