Bởi anh
đã có lối chơi vô hồn trong trận mở màn gặp Bỉ, nhiều người khi ấy băn khoăn huyền
thoại về Maradona từ đâu mà ra và tại sao nó vẫn còn kéo dài. Sau trận
Argentina–Hungary, trận mà ngôi sao nhỏ người này sáng ngời từ đầu chí cuối với
màn trình diễn kĩ năng tưng bừng, thì chẳng còn ai mang lòng hồ nghi gì nữa:
Maradona là Pelé của thập niên 1980. Hơn cả thế: anh là một trong những vị thần
sống mà con người tạo nên nhằm tôn thờ chính họ thông qua những vị thần này.
Trong một thời kì vốn sẽ ngắn ngủi như một định mệnh – bởi
đây là triều đại tuyệt đối nhất và thoáng chốc nhất – anh chàng Argentina này
giờ đây, đối với hàng triệu người khắp thế giới, chính là những gì mà Pelé,
Cruyff, Di Stéfano, Puskas và một vài cầu thủ khác từng là, cũng trong thời khắc
uy nghi ngắn ngủi nhất: sự hiện thân của bóng đá, vị anh hùng vốn là tượng
trưng của môn thể thao này. Hàng triệu peseta, theo như lời đồn, được Barcelona
trả để có chữ kí của anh, chính là một bằng chứng rõ rệt cho thấy Maradona đã
tiếp lãnh tấm áo trọng trách này, và xét đến cái cách anh chơi trước đội
Hungary, World Cup này sẽ cho thấy Barça đã có một vụ đầu tư tốt. Mười triệu
đô-la là khoản tiền lớn để trả cho một con người trần mắt thịt giản đơn có nhiệm
vụ đá đi quả bóng, nhưng chẳng là gì nếu cái họ mua là một huyền thoại.
Maradona là một huyền thoại vì anh chơi bóng theo lối diệu kì, cũng là vì tên anh và khuôn mặt anh ngay lập tức được khắc chạm vào kí ức và vì, bởi một lí do nào đó không thể đoán giải nổi vốn không liên hệ gì đến lí trí, anh thoạt nhìn có vẻ thông minh và dễ mến. Liệu ấn tượng này có liên hệ gì đến kích cỡ của anh? Trong trận gặp Hungary, lúc xem anh hoạt động chống chọi trước những hậu vệ chủng người Magiar to cao, những người trông thảm hại khi không thể kềm chân anh, người ta có ấn tượng khoan khoái rằng ở đó tồn tại điều phải lẽ vốn có; rằng trong bóng đá cũng vậy, đúng ra kĩ năng mới là thứ quan trọng hơn sức lực, rằng khi nói đến việc đá quả bóng thì điều trọng yếu ở đây không nằm ở sức mạnh, mà nằm ở trí tưởng tượng và ý tưởng.
Tuy vậy, mặc cho kích cỡ nhỏ bé, Maradona không làm người ta ấn
tượng về một con người mảnh mai. Anh trông rắn chắc và khoẻ, có lẽ vì anh có
đôi chân mạnh mẽ, với cơ bắp cuồn cuộn, vốn có thể đương chịu mà không dính chấn
thương trước những pha tắc bóng thô bạo của hậu vệ đối phương, dẫu cho họ to
khoẻ dường nào. Khuôn mặt đó của anh, với vẻ ngây thơ mộng mơ như trẻ con, dường
như chất chứa toàn những ý hướng tốt đẹp, là một ưu điểm tuyệt vời khi xét đến việc
vòi điều anh muốn từ những sinh vật hai chân đang nản lòng vốn có nhiệm vụ kèm
anh, bởi quả đúng thật là khi anh cần tấn công và chơi cứng rắn, anh có thể làm
vậy bằng một thể lực dường như không tương thích với vóc người anh.
Thật không dễ xác định lối chơi của Maradona. Nó quá đỗi phức
tạp đến mức mỗi tính từ được dùng để miêu tả nó cần phải được cho thêm một sắc
thái ý nghĩa. Anh không sáng rỡ và có kiểu diễn tuồng, như ngài Pelé cao ngạo,
nhưng anh hiệu quả hết sức khi anh đóng những cú sút mãnh liệt vào khung thành
từ những góc khó ngờ đến hoặc khi, bằng một đường chuyền ngắn chuẩn xác như một
định lí, anh phát động một cuộc tấn công khôn cưỡng, đến nỗi thật bất công khi
không cho anh là một cảnh ngoạn mục, một cầu thủ biến một trận đấu thành một buổi
triển lãm về thiên tư cá nhân (hoặc thành một buổi ‘độc tấu’, như một nhà phê
bình đã có ngôn từ rất thích đáng về trận đấu của anh trước Hungary).
Maradona làm rối lên sự phân chia mà ta tưởng là hợp lẽ giữa
lối bóng đá khoa học, kiểu Âu châu điển hình với lối bóng đá nghệ sĩ, kiểu Mĩ
Latin. Tiền đạo Argentina này cùng lúc là cả hai điều này mà cụ thể thì không
là điều nào hết; anh là một hỗn hợp lạ kì, trong đó trí tuệ và trực giác, sự
tính toán và sự sáng ý luôn có mặt ở cuộc chơi. Như đã xảy ra trong văn chương,
Argentina đã sản sinh một phong cách bóng đá vốn là sự biểu hiện kiểu Mĩ Latin
theo cách đậm chất Âu nhất.
Nếu trong những trận tiếp theo, Maradona chơi như cách anh
chơi trước Hungary, tổ chức những đợt tấn công của đội mình bằng mức hiệu quả
tương tự vậy, quyết giành lấy quả bóng bằng nguồn sinh lực tương tự vậy, sút
bóng và đánh đầu về phía khung thành bằng sức mạnh và độ chuẩn xác tương tự vậy
và thậm chí còn lùi về trợ giúp hậu vệ đội mình, thì không còn hồ nghi gì nữa,
bất luận kì cùng Argentina chơi tốt thế nào, anh cũng sẽ là anh hùng của giải
vô địch này (và của nhiều năm sắp tới).
Người ta cần những anh hùng đương thời, những sinh thể mà họ
có thể biến thành thần linh. Không đất nước nào thoát được quy luật này. Có học
thức hay ít học, giàu hay nghèo, theo tư bản hay theo xã hội chủ nghĩa, mọi xã
hội đều cảm thấy có nhu cầu phi lí tính này để tôn phong những thần tượng bằng
xương bằng thịt và thắp nhang cho họ. Chính khách, quân nhân, minh tinh điện ảnh,
vận động viên, kẻ bịp bợm, dân chơi, thánh nhân và phường đạo tặc hung hãn thảy
đều được nâng lên bệ thờ của lòng mến mộ đại chúng và được biến thành một thứ
sùng bái tập thể, cái mà người Pháp có hình ảnh ví von thật hay: họ gọi đó là
’những quái vật thiêng liêng’. Ấy mà, cầu thủ bóng đá là những con người ít có hành
vi đắc tội nhất, những người mà ta có thể trao cho chức phận thần tượng này.
Hết sức rõ ràng, họ lành tính hơn muôn phần so với chính
khách hay chiến binh, những người mà sự tôn sùng của đám đông trong tay họ có thể
trở thành một vũ khí đáng sợ, và sự sùng bái cầu thủ không bị nhiễm lấy cái chướng
khí của tệ phù phiếm luôn vây quanh sự tôn phụng một minh tinh điện ảnh hoặc đời
sống thấp kém của xã hội. Sự sùng bái ngôi sao bóng đá cứ có đó bao lâu mà tài
năng của anh vẫn còn đó và tàn phai khi tài năng phai tàn. Nó thật ngắn ngủi do
các ngôi sao bóng đá sớm cháy rụi đi trong màn lửa xanh lục nơi cầu trường còn
những tín đồ của túc cầu giáo thì không thể nào nguôi ngoai nổi: trên khán đài,
tiếng vỗ tay sớm nhường chỗ cho những tiếng giễu cợt.
Trong số những màn sùng bái thì đây là màn ít gây xa cách nhất
bởi lẽ mến mộ một cầu thủ là mến mộ một thứ rất gần với thi ca thuần khiết hoặc
hội hoạ trừu tượng. Đó là việc mến mộ hình thức vị hình thức, không cần bất kì
nội dung nào mà ta có thể nhận diện được bằng lí tính. Những đức tính của môn
bóng đá – kĩ năng, độ linh hoạt, tốc độ, kĩ thuật tinh luyện, sức mạnh – không
thể có mối liên hệ rõ ràng với những thái độ xã giao gây nguy hại hoặc hành vi
thiếu nhân tính. Bởi lẽ đó, nếu ta cần phải có những anh hùng, thì Maradona
muôn năm.
La Coruña, 19 tháng Sáu 1982
Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản
Anh văn của John King
Sài-gòn, 2020.12.02
Nguồn:
Vargas Llosa, Mario. (1996). Maradona
and the Heroes. Making Waves. Farrar, Straus and Giroux.
No comments:
Post a Comment