Friday, August 13, 2021

Viet Thanh Nguyen - Những năm chiến tranh

 Lời người dịch:

Truyện ngắn ‘War Years’ của Viet Thanh Nguyen là một truyện nằm trong tập The Refugees, với ấn bản Việt ngữ xuất bản chính thức ở Việt-nam dưới nhan đề Người tị nạn (dịch giả Phạm Viêm Phương chuyển ngữ). Tuy vậy trong ấn bản Việt ngữ này, truyện ngắn ‘War Years’, vì một số nguyên do dễ đoán và dễ hiểu, đã bị cắt bỏ hoàn toàn. Cách đây ít lâu, trên báo Văn nghệ xuất hiện bản dịch truyện ngắn này (dịch giả Võ Hương Quỳnh chuyển ngữ), thế nhưng đó là một bản dịch bị cắt xén và kiểm duyệt khá nhiều (chưa kể việc bản dịch đó nhiều chỗ dịch sai hoặc thiếu chính xác). Sau đó tôi có liên hệ với bác Phạm Viêm Phương, gợi ý bác nên đăng công khai bản dịch của mình lên một trang mạng nào đó, cho độc giả đọc được trọn vẹn nguyên văn không bị xén và kiểm duyệt. Thế nhưng bác chối từ, vì lẽ bản quyền không phải của bác. Tôn trọng ý bác, và cũng muốn độc giả đọc được bản dịch trọn vẹn, nên tôi quyết định dịch lại truyện này và đăng bản dịch của tôi ở nơi đây, với tư cách cá nhân chia sẻ cho thân hữu và độc giả nói chung. Bản dịch Việt ngữ này của tôi được thực hiện và đăng lên với sự đồng ý của tác giả Viet Thanh Nguyen.

 

***

 

Trước khi bà Hoa sấn vào đời chúng tôi vào mùa hè năm 1983, mấy chuyện má tôi làm chẳng thứ gì khiến tôi thấy ngạc nhiên. Vòng xoay thường nhật của má cũng dễ đoán biết như vòng quay trái đất vậy, bắt đầu bằng chuyện má gõ cửa phòng tôi mỗi sáng, lúc sáu giờ, sáu giờ mười lăm, và sáu giờ ba mươi, cho đến khi tôi chịu thức dậy. Khi tôi ló mặt ra khỏi phòng ngủ, má đã thay đồ xong xuôi hết, lúc nào cũng mặc áo cánh ngắn tay cùng chiếc váy nhiều mảng màu nhạt hợp tông. Má có bảy bộ đồ như thế, và nếu má mặc bộ tím hồng, tôi biết bữa đó là thứ Hai. Trước khi đi, má tắt đèn, kiểm tra bếp lò, chèn lưới sắt đen che chắn cửa sổ, luôn luôn thực hiện theo trình tự đó, và sau đó, ở trong xe, lệnh cho tôi khoá cửa lại.

Khi ba tôi lái chiếc Oldsmobile và tôi ngồi băng ghế sau đọc truyện tranh, má lo trang điểm. Vào lúc chúng tôi tới đường St. Patrick mười phút sau đó, má đã trang điểm xong, vệt phấn hồng trên đôi má hoà cùng lớp kem nền. Nước hoa là nhát cuối, một pha ấn xịt vào hai bên cổ của má. Cái mùi ngầy ngật của hoa dành dành ám lên người tôi vào lớp học hè của cô Korman, một nơi mà suốt bảy giờ mỗi ngày, tôi nói chỉ mỗi tiếng Anh. Tôi thích trường học, ngay cả trường học hè. Đó tựa hồ chuyến nghỉ mát xa nhà, và vào lúc ba giờ, lòng tôi luôn thất vọng tí chút khi đi bộ qua bốn khối nhà đến cửa tiệm tạp hoá do ba má tôi sở hữu, tiệm New Saigon Market, một nơi mà tiếng Anh gần như không ai nói còn tiếng Việt thì inh ỏi bên tai.

Má và ba hiếm khi rời chỗ của mình, chỗ hai máy tính tiền nằm cạnh bên lối vào New Saigon. Khách lúc nào cũng tới chật tiệm, một trong vài nơi ở San Jose mà người Việt có thể mua mấy món cơ bản và gia vị của quê nhà, gạo lài và đại hồi, nước mắm và ớt đỏ tươi. Người ta cứ kì kèo với má về mọi thứ không thôi, bắt đầu từ đường phèn, thứ mà tôi vờ là đá kryptonite vàng, và kết thúc bằng đủ loại thịt trong tủ đông, từ sườn heo và cá da trơn với đôi mắt vẫn còn ánh lên tia sáng cho đến mấy sợi sách bò dai cùng mấy túi tim gà, nhỏ nhắn và mềm mềm tựa như nấm mỡ.

“Bộ nhà mình không bán phần ăn TV được sao?” có lần tôi hỏi. Thật dễ để nói phần ăn TV bằng tiếng Việt do ti-vi là chữ chỉ đến máy truyền hình, nhưng chẳng có từ tiếng Việt nào cho mấy thứ khác mà tôi muốn. “Còn bologna thì sao?”

“Hả?” Má nhíu lông mày lại. “Nếu má không nói được từ đó, khách họ chả mua đâu. Giờ thì đi đóng dấu giá cả lên đống lon đồ hộp kia đi.”

“Bọn họ cứ đòi giá rẻ hơn.” Tôi đã mười ba, bắt đầu đủ can đảm nói lên điều mà tôi nghi ngờ nãy giờ, rằng má đâu phải lúc nào cũng đúng. “Sao cái gì họ cũng kì kèo hết vậy? Sao họ không trả tiền theo đúng giá ghi ở đó đi?”

“Mày tính thành cái đứa lúc nào cũng trả tiền theo cái giá người ta đòi hả? má hỏi gặng. “Hay là thành cái đứa quyết tìm hiểu xem món đó thực sự đáng giá nhiêu?”

Tôi không chắc. Tất cả những gì tôi biết là ở New Saigon, phần việc của tôi mỗi buổi chiều là niêm yết giá cho đồ hộp và các gói hàng. Tôi đang quỳ, lục tìm hộp mực đóng dấu ở cái kệ sau lưng má, thì lúc đó bà Hoa tự giới thiệu mình. Giống má, bà ấy cũng gần năm mươi và mặc đồ đơn sắc, áo khoác trắng, quần trắng và giày trắng, với cặp kính mát mắt lồi ra che khuất đi khuôn mặt. Khi má bỏ mấy món hàng vào túi, bà Hoa nói, “Tui đang đi quyên góp quỹ cho cuộc chiến chống cộng sản đó bà chị”. Tôi biết mấy điều cơ bản về lịch sử xứ chúng tôi cũng rõ như tôi biết câu chuyện về Adam và Eve vậy: hồi năm 1975 cộng sản hành quân từ Bắc Việt vào xâm chiếm Nam Việt, xua chúng tôi đi, khiến chúng tôi băng vượt qua cả Thái Bình Dương đến California. Tôi không có kí ức gì về cuộc chiến tranh đó, nhưng bà Hoa nói những người khác chưa quên. Một toán quân du kích gồm các cựu binh Nam Việt bấy giờ đang tập luyện trong những khu rừng nhiệt đới ở Thái-lan, sửa soạn triển khai một cuộc phản công nhằm vào nước Việt-nam thống nhất. Kế hoạch là khích động những người dân khổ sở để họ chống lại đám cộng sản cai trị, cổ động một cuộc cách mạng và hồi sinh nền cộng hoà của miền Nam.

“Lính mình cần mình ủng hộ đó”, bà Hoa nói. “Và bọn tui cần những công dân tốt như bà đóng góp.”

Má tôi cọ cổ chân này vào cổ chân kia, đôi vớ ni-lông kêu sột soạt. Một đường may bị hở ở chỗ sau gối, nhưng má cứ mang tiếp cái vớ ấy đến khi đường rách đó thít vào chỗ gót chân. “Phải mà tui giúp được, bà Hoa à, nhưng thời buổi giờ khốn khó”, má nói. “Khách hàng tiệm tui cắt giảm mọi thứ, do tình hình suy thoái và xăng tăng giá. Còn cô con gái nhà tui đang học đại học. Học phí của nó giống như khoản đặt cọc mua nhà mỗi năm vậy.”

“Tui cũng vất vả tính toán thu chi cân đối.” Bà Hoa gỡ ra rồi cài vào cái chốt bạc trên ví của bà. Một sợi vàng mảnh bao quanh ngón áp út của bà, và lớp sơn đỏ trên các ngón tay bà thì bóng loáng như nước sơn mới trên xe ô-tô. “Nhưng người ta hay nói lắm. Bà có nghe chuyện bà Bình chưa? Người ta nói bả thân cộng, và mọi sự là do bả hà tiện không muốn cho gì hết. Thậm chí họ còn nói đến chuyện tẩy chay tiệm của bả nữa.”

Má biết bà Bình, chủ cửa tiệm làm đẹp Les Amis nằm cách đó vài dãy nhà xa xa phía tây ở ngay khu trung tâm, nhưng rồi má đổi chủ đề sang chuyện tiết trời ẩm thấp tháng Sáu và giá vàng. Bà Hoa đồng tình về chuyện nhiệt độ, miệng cười mỉm phô ra một hàm răng trông thấy ớn. Bà liếc qua nhìn tôi trước khi buông ra câu này cho má nghe lúc sắp về: “Hãy nghĩ về vụ này đi nha bà chị. Lấy lại quê hương mình chính là việc làm cao cả mà tất cả chúng ta nên tự hào đặng giành được.”

“Đồ ngu”, má lầm bầm sau khi bà Hoa về. Khi chúng tôi lái xe về nhà buổi tối đó theo đường Tenth Street, má kể lại chuyện lúc nãy cho ba nghe, do ba bận bịu chỗ máy tính tiền quá nên không nghe được mẩu đàm thoại ấy. Khi má nhắc đến quân du kích, tôi hình dung họ là một đám người râu ria chưa cạo, bị muỗi cắn luôn, tóc tai thì rối bời, quân phục thì rằn ri tơi tả, sống nương nhờ nước mưa, heo rừng và đám bọ rệp; một đám người tập các kĩ năng đánh giáp lá cà bằng cách đâm lưỡi lê vào trái mít. Từ băng ghế sau, tôi hỏi, “Má tính đưa cho bà Hoa bao nhiêu vậy?”

“Không một xu”, má đáp. “Cái đó là trò tống tiền.”

“Nhưng họ đang đánh với cộng sản mà”, tôi nói. Cũng có tiếng như người Trung-quốc và Bắc Triều-tiên, với đám người Cuba và Sandinista đang doạ tiến vào và xâm lấn từ phía nam biên giới chúng tôi, như Tổng thống Reagan đã giải thích trên chương trình World News Tonight. “Sao mình không nên giúp họ vậy?”

“Chiến tranh kết thúc rồi”. Giọng má ra điều mệt mỏi. “Không còn đánh nhau gì nữa đâu.”

Tôi thấy bực mình, do sự xuất hiện của bà Hoa chứng tỏ cuộc chiến chưa kết thúc, bởi bà ta bằng cách nào đó đã dõi theo nhà tôi từ Sài-gòn cũ sang Sài-gòn mới này. Hơn nữa, tôi có đọc tờ Newsweek ở phòng khám nha khoa và biết là chúng tôi đang ở giữa một trận đánh miên trường chống lại đế quốc Liên-xô xú ác. Nhưng nếu câu trả lời của má làm tôi thấy rầu rầu, thì câu trả lời của ba làm tôi còn rầu hơn nữa.

“Chiến tranh có thể kết thúc rồi”, ông nói, ngón út đang ngoáy lỗ tai, “nhưng bỏ chút tiền dỗ dành chắc sẽ làm cuộc sống nhà mình dễ chịu hơn đó.”

Má chẳng nói gì, chỉ gõ gõ ngón tay lên chỗ tựa tay. Tôi biết má sẽ có cách lo liệu ba, một người đàn ông hói đầu có những cử động khoan thai và đôi mắt nhẫn nại của loài rùa. Khuya hôm đó, khi đang cầm li nước hối hả đi từ bếp vào phòng mình, tôi nghe tiếng má đang ra sức thuyết phục ba ở đằng sau cánh cửa đóng chặt. Khi đó chẳng phải lúc nghe lóm. Gần đây chúng tôi có đọc truyện “The Fall of the House of Usher” trong lớp học của cô Korman, và nỗi sợ thấy một người chưa chết ở hành lang tối khiến tôi lao nhanh ngang qua cửa phòng ba má, ngay lúc má nói, “Tui từng đối phó với thứ tệ hơn bả nữa.”

Cơn khiếp đảm mạnh hơn lòng hiếu kì. Tôi đóng cửa phòng rồi nhảy vào giường rùng mình, gạt qua bên mớ sách giáo khoa cho lớp hè, cuốn nào cũng được bọc lại bằng loại giấy nâu lấy từ túi mua đồ và trên đó tôi ghi nghệch ngoạc “Math” và “American History”. Có lẽ má đang nói về nạn đói hồi cuối Thế chiến thứ nhì, lúc má mới chín tuổi. Năm ngoái, một phóng sự truyền hình buổi tối nói về nạn đói của dân Ethiopia và phóng sự này làm cho má nhắc đến nạn đói kia trong lúc tôi đang nhổ tóc bạc trên đầu má. “Cả chục đứa bé ở làng má từng bị chết đói đó, mày biết hông?” má nói, dẫu cho tôi hoàn toàn không biết vụ đó. “Người lớn cũng vậy, đôi khi chết ngay ngoài đường. Có hôm má thấy con nhỏ mà má hay chơi chung nó nằm chết ngay cửa.” Má trầm ngâm im lặng khi nhìn chăm chăm vào một chỗ nào đó trên tường nằm ngay trên tivi, còn tôi không nói gì cả. Mấy chuyện kiểu này má cứ kể suốt thôi, và lần nào thì tôi cũng bị xao lãng này nọ chẳng hỏi được gì. Má thưởng tiền cho mọi sợi tóc bạc tôi tìm thấy và tôi cứ mải mê kiếm tìm, mỗi sợi tóc bạc giúp tôi có thêm năm xu tích cóp để mua tập tiếp theo của bộ Captain America.

Những ngày những đêm dần trôi đi, má không bao giờ nói đến bà Hoa, nhưng bà ấy làm cho má lòng dạ không yên. Má bắt đầu nói chuyện trong lúc chúng tôi ghi chép sổ sách buổi tối, lúc mà má thường tập trung hoàn toàn vào việc tính toán các hoá đơn trong ngày. Chúng tôi làm việc ở bàn ăn, đếm tiền mặt, sắp tiền xu vào các cuộn giấy có kích cỡ bằng cây pháo, và đóng dấu địa chỉ của tiệm New Saigon lên mặt sau của mấy tờ chi phiếu cá nhân, tem thực phẩm trông như tờ tiền của trò Cờ tỉ phú và mấy tờ phiếu mua hàng màu vàng của chương trình Viện trợ cho gia đình có con nhỏ. Khi tính tổng bằng cái máy tính cơ um ủm bự hơn cái điện thoại quay số nhà mình, tôi không bao giờ nhìn phím. Tôi thuộc nằm lòng vị trí mọi con số. Đó là lúc duy nhất mà tôi giỏi môn toán.

Khi chúng tôi tính toán ngày hôm đó, má thuật lại tin đồn về các cựu binh Nam Việt không chỉ tổ chức toán quân du kích ở Thái-lan mà còn có một mặt trận bí mật tại đây ở Hoa Kì, mục đích nhằm lật đổ phe cộng sản. Rầu rĩ hơn những tin đồn là việc một bọn tập kích vô danh nào đó đã đánh bom văn phòng biên tập của một tờ báo tiếng Việt tại Garden Drove (ông này chết), trong khi một vị biên tập viên khác bị bắn chết cùng vợ mình ở ngay lối ra vào căn hộ của họ ở Virginia (bọn sát nhân này chưa hề bị bắt). “Mấy ông đó chỉ nói công khai những điều mà người ta hay nói riêng với nhau”, má nói, thấm ướt ngón tay chỗ miếng bọt biển. “Làm lành với phe cộng sản có lẽ không tồi tệ đến mức đó.”

Tôi ghi ra các con số vào một quyển sổ cái, tuyệt nhiên không ngước lên. Ba và tôi mặc quần đùi áo thun làm việc, còn má chỉ mặc mỗi váy ngủ vải trơn màu xanh lá, không mặc áo ngực. Má không để ý thấy bộ ngực mình đung đưa giống như đám cỏ chân ngỗng ở vũng nước cạn, làm tôi thấy ngượng mỗi khi thấy hai quầng vú thẫm màu buồn sầu với hai núm vú to cỡ ngón trỏ của tôi. Bộ ngực của má chẳng giống gì với bộ ngực của bọn con gái lớp tôi, hoặc như tôi hình dung trong những lần tưởng tượng vốn đã được chứng thực vào tuần trước đó lúc tôi trông thấy núm vú của Emmy Tsuchida qua khoảng hở giữa hai nút áo, hồng và nhỏ gọn, y như cục gôm trên cây viết chì trên tay tôi. Ánh nhìn vẫn không ngước lên khỏi quyển sổ cái, tôi nói, “Nhưng má lúc nào cũng nói cộng sản là đám người xấu mà.”

“Ô hô!” ba cất giọng kèm tiếng cười nắc nẻ. “Vậy là mày có chú ý ha. Đôi khi ba không biết nổi đằng sau cái kiếng của mày có gì nữa đó.”

“Bọn cộng sản thì ác.” Má lật đếm xấp giấy bạc hai mươi đô. Má chưa từng học xong tiểu học, ông ngoại buộc má ở nhà chăm em, ấy thế mà má có thể dùng tay đếm tiền rồi cộng nhẩm các con số trong đầu còn nhanh hơn tôi làm trên máy tính. “Chuyện đó rõ quá mà. Chúng đâu có tin vào Chúa và chúng cũng đâu tin vào tiền bạc.”

“Nhưng đi lấy tiền người khác thì chúng tin đó”, ba nói. Ba thường nói về cửa hàng phụ tùng xe ô-tô của mình, mà theo lời mấy chú tôi kể thì tiệm đó chẳng còn phụ tùng nào để bán khi để cho cộng sản sở hữu. Nhà tôi từng sống ở tầng trên cửa hàng, và đôi lúc tôi tự nhủ liệu một đứa cộng sản con có nằm trên giường tôi không, và nếu vậy, thì cộng sản sẽ đọc loại sách gì, coi loại phim nào. Captain America thì khỏi nói rồi, nhưng nó hẳn phải coi Luke Skywalker đọ kiếm ánh sáng với Darth Vader. Tôi đã xem Star Wars hàng tá lần bằng cuộn băng video, nếu ai đó túng thiếu đến độ không xem được phim đó dẫu chỉ một lần, thì cái đất nước mà người đó sống chắc chắn cần có một cuộc cách mạng. Nhưng má có lẽ không đồng tình. Má gói cuộn giấy quanh xấp bạc hai mươi đô và nói, “Má ghét đám cộng sản cũng y như bà Hoa vậy, nhưng bả đang đánh một cuộc chiến không cách gì thắng nổi. Má sẽ không vụt tiền vào mấy chuyện chẳng ra sao này.”

Ba kết thúc buổi nói chuyện này bằng cách đứng dậy và gom hết mớ giấy bạc, tiền xu, chi phiếu và tem thực phẩm cho vào hết cái cặp nhựa vinyl mà ba hay mang mỗi sáng đến Ngân hàng America. Ba má giữ một phần tiền lời trong ngân hàng, quyên tặng một phần cho nhà thờ và gửi một phần về cho bà con ở Việt-nam, những người theo định kì lại gửi cho nhà tôi mấy bức thư mỏng trong đó chứa dày đặc đủ điều phiền muộn, mà má tóm tắt lại cho tôi thành một điệu giản đơn là không thực phẩm và không tiền bạc, không trường lớp và không hi vọng gì. Trải nghiệm của mấy người bà con cùng trải nghiệm của ba má là điều khiến cho ba má tin rằng không đất nước nào miễn nhiễm với thảm hoạ, và do vậy họ lén cất một phần tiền lời ở nhà, phòng trường hợp một tai ương kinh khiếp nào đó phá sập hệ thống ngân hàng Mĩ. Má dùng bọc nhựa gói các cục giấy bạc trăm đô lại và dùng băng keo dán chúng ở mặt dưới nắp két nước của bồn cầu, rồi mấy thẻ vàng cỡ bằng thẻ đeo cổ chó thì được nhét vào trong thùng gạo, rồi mấy vòng ngọc bích, dây chuyền vàng 24 karat và mấy cái nhẫn kim cương thì được cất trong cái két sắt loại cơ động không bắt lửa, xong giấu cái két này trong khoảng trống đệm giữa hai tầng trong nhà. Để đánh lạc hướng bọn trộm, má để mồi nhử, đặt mấy bình thuỷ tinh chứa đầy xu ở chỗ cao trên kệ sách cạnh cửa trước, và một cặp vòng đeo tay bằng vàng trên đầu tủ quần áo của má.

Việc má sợ bị cướp đã được chứng tỏ là chính đáng hồi tháng Mười năm ngoái, vào một buổi tối thứ Ba không có gì để nhớ nếu không xảy ra vụ này, khi mà có người gõ cửa. Ba đang ở trong bếp lúc ấy, vừa mới bật bếp lò, còn tôi đến chỗ cửa trước mấy bước rồi mới tới má, lúc này đã mặc váy ngủ rồi. Khi dòm qua lỗ nhỏ trên cửa, tôi thấy một gã da trắng nói, “Tôi có thư cho ông đây”. Nếu hắn nói bằng tiếng Việt hay tiếng Tây-ban-nha, tôi sẽ không bao giờ mở cửa, nhưng vì hắn nói tiếng Anh, nên tôi mở. Hắn dùng tay trái đẩy cửa để vào nhà, một tay thanh niên ngoài hai mươi với mái tóc dài rẽ ngôi có màu rơm để lâu ngày, đủ dài để phớt qua cổ áo khoác jean sờn rách. Hắn không cao hơn má bao nhiêu, vóc người mảnh khảnh,; khi nói thì giọng hắn rít lên nghe như tiếng đế giày cao su đi trên sàn phòng gym vậy.

“Lùi lại”, hắn bảo. Trán hắn mướt đẫm mồ hôi, và trên tay phải hắn là một khẩu súng. Ngay cả khi nhiều thập niên đã trôi đi, tôi vẫn còn thấy rõ khẩu súng ấy, một khẩu súng lục nòng đen 22 li mà hắn đang vung vẩy trước mặt với bàn tay run run khi hắn bước qua ngưỡng cửa, đá vào mớ giày dép mà chúng tôi để ở đó và quên đóng cửa lại. Sau này má kết luận rằng hắn là đồ nghiệp dư, có lẽ là một thằng nghiện đang vật vã cần tiền. Hắn chĩa khẩu súng qua tôi, hướng vào má, rồi nói, “Bà hiểu tiếng Anh chứ? Ngồi xuống sàn!”

Tôi lùi lại, còn má giơ hai tay lên trời, kêu, “Không, không, không!” Ba đã xuất hiện, đứng khoảng giữa đường từ phòng bếp đến cửa trước, và hắn nhắm súng vào ba, nói, “Ông kia, ngồi xuống”. Ba quỳ xuống, giơ hai bàn tay lên cao. “No shoot (Đừng bắn)”, ba nói bằng tiếng Anh, giọng ba yếu ớt. “No shoot, please.”

Trước đó tôi chưa bao giờ thấy ba quỳ bên ngoài nhà thờ, và tôi chưa bao giờ thấy má người run run giật giật vì sợ. Cảm giác thương xót ngập tràn trong tôi; tôi biết đây không phải lần đầu cũng không phải lần cuối ai đó hạ nhục ba má như thế này. Như thể biết tôi nghĩ gì, hắn chĩa súng vào tôi mà không nói tiếng nào, còn tôi cũng quỳ xuống luôn. Chỉ mỗi má không hạ mình trong thế quỳ, lưng má tựa vào tường còn khuôn mặt má, vừa mới tẩy trang, trông trắng bệch. Bộ ngực má nhấp nhô đằng sau lớp váy ngủ, tựa như hai cái đầu của cặp lươn sinh đôi, khi má cứ nói không liên tục. Hắn vẫn nhắm súng vào tôi khi hỏi, “Bà đó bị gì vậy nhóc?”

Khi má hét lên, âm thanh đó làm tê cứng mọi người ngoại trừ má. Má phóng tới phía hắn, dùng bàn tay đẩy súng sang bên rồi dùng vai tông hắn khi má chạy ra ngoài. Hắn loạng choạng đụng vào kệ sách cạnh cửa, làm ngã đổ bình thuỷ tinh chứa đầy xu. Rớt xuống đất, bình tan tành, tung toé nào là đồng một xu, đồng năm xu và đồng mười xu, mấy xu này lẫn với mảnh thuỷ tinh. “Chúa ơi” gã nói. Khi hắn xoay sang phía cửa, ba nhảy tới và lao mình tới húc lưng hắn, đẩy hắn qua ngưỡng cửa rồi sau đó đóng sầm cửa lại. Bên ngoài, khẩu súng nổ một tiếng nho nhỏ đanh gọn, viên đạn dội trên vỉa hè và găm vào bức tường kế bên hộp thư, chỗ mà mấy tiếng sau đó một viên cảnh sát sẽ moi nó ra.

Một sáng Chủ nhật nọ trước khi chúng tôi đi nhà thờ, má quết keo Brylcreem và dùng lược Ace màu đen để chải tóc tôi thật mượt rồi rẽ ngôi giữa. Tôi thất kinh trước vẻ ngoài của mình, giống như Alfalfa trong phim Little Rascals, nhưng không phản đối lời nào, cũng như lần đó tôi đã không nói gì với má sau khi cảnh sát đưa má từ nhà hàng xóm về lại nhà. “Tui đã cứu mạng cả nhà đó, ông đúng chết nhát!” má la ba, còn ba thì cười ỉu xìu với viên trung sĩ cảnh sát đang viết báo cáo lúc chúng tôi ngồi ở bàn ăn. Tôi thì má kéo tai rồi nói, “Má đã nói sao về việc mở cửa cho người lạ hả? Sao mày chẳng bao giờ nghe má hết?” Khi viên trung sĩ cảnh sát bảo tôi dịch lại, tôi xoa lỗ tai và nói, “Bà ấy chỉ đang sợ thôi, ông cảnh sát.”

Cảnh sát không bao giờ bắt được gã đó, và sau một thời gian thì không còn lí do gì để nhắc đến hắn nữa. Dẫu vậy, thảng hoặc tôi lại nghĩ về hắn, đặc biệt vào những buổi sáng Chủ nhật trong khi làm lễ misa lúc mà tôi đứng lên từ tư thế quỳ. Chính khi ấy tôi nhớ làm sao mà mình nhấc gối đứng dậy để thấy má xông tới chạy ngang qua cửa sổ phòng khách, đi chân không trên vỉa hè trước mặt bao người ngồi trong xe hơi, hai bàn tay giơ cao lên trời và chỉ mặc mỗi váy ngủ trong ánh chiều chạng vạng, miệng la mấy tiếng gì đó tôi không nghe ra. Má đã cứu cả nhà, và chẳng phải sự cứu rỗi luôn là thông điệp từ cha Định, cha xứ của chúng tôi, đó sao? Theo lời má, cha Định đã bước sang tuổi trung niên lúc mà cha dẫn cả đoàn người, bao gồm ba má tôi, đi từ miền bắc Việt-nam vào miền nam hồi năm 1954, sau khi phe cộng sản đã đá văng người Pháp và chiếm nửa phía bắc của đất nước. Diệu kì thay, cha Định vẫn còn nhiều tóc hơn ba tôi, một nhúm sợi tóc bạc ánh lên bên dưới đèn đương soi sáng khung cửa sổ kính màu. Giọng cha run run khi cha nói, “Nhân danh Cha, Con và Thánh Thần”, và trong lúc cha giảng đạo thì tôi không kềm được cơn ngủ gật trên băng ghế có tựa lưng cứng, nhớ đến núm vú của Emmy Tsuchida và lòng chỉ trông mong đến lúc xong lễ misa.

Chính trong đám đông chen chân ra cửa nhà thờ vào một hôm Chủ nhật nọ, vài tuần sau vụ trộm đột nhập, bà Hoa khều khuỷu tay má tôi. “Bà chị không thích bài giảng của cha sao?” bà Hoa nói. Đôi mắt bà ấy dẹt ra nom thật kì khôi, như thể được vẽ lên khuôn mặt vậy. Lưng má cứng đơ, và má gần như không xoay đầu lại khi nói, “Tui thích bài giảng đó lắm”.

“Bà chị, tui chưa nghe bà chị nói gì về vụ góp tiền đó nha. Tuần sau chắc được ha? Tôi sẽ ghé sang.” Bà Hoa lúc này mặc đồ nghiêm trang, trong bộ áo dài nhung sẫm có thêu một đoá sen vàng trên ngực. Thời tiết mùa hè hẳn là nóng chịu không nổi, nhưng hai bên thái dương bà ấy lại không có giọt mồ hôi nào. “Từ giờ đến đó thì đọc cái này nghen.”

Bà ấy rút ra một tờ giấy khỏi ví, cũng là cái ví giả da cá sấu với cái chốt bạc mà tôi thấy hồi tuần rồi, và đưa tờ giấy cho tôi. Bản in rô-nê-ô này bằng tiếng Việt, thứ tiếng tôi không đọc được, nhưng tấm ảnh nhoè đã nói hết mọi thứ, đám đàn ông hốc hác đứng nghiêm thành hàng quân ngũ bên dưới bóng dừa, mặc đúng những bộ quân phục rằn ri mà tôi từng hình dung.

“Thằng nhỏ đẹp trai đó”. Giọng điệu bà Hoa nghe thiếu thật tình. Bà ấy mang đúng đôi giày cao gót màu trắng mà tôi từng thấy trước đó. “Mà bà chị nói là có con gái đương học đại học phải không?”

“Ở Bờ Đông.”

“Harvard? Yale?” Đó là hai trường duy nhất ở Bờ Đông mà người Việt biết. Má, vốn không phát âm được tên Bryn Mawr, đã trả lời, “Một trường khác”.

“Con bé học gì vậy? Luật? Y khoa?”

Má cúi mắt xuống vẻ hổ thẹn khi trả lời, “Triết học”. Má đã la rầy chị Loan trong suốt kì nghỉ Giáng sinh, nói là chị đang phí hoài chuyện học. Ba đồng ý, nói rằng, “Ai cũng cần bác sĩ hay luật sư, nhưng triết gia thì ai mà cần? Chúng ta có thể hỏi xin cha xứ cho lời khuyên miễn phí mà.”

Bà Hoa lại mỉm cười rồi nói, “Tuyệt trần!” Sau khi bà ấy đi khỏi, tôi trao bản in rô-nê-ô đó cho má, xong má nhét vào ví. Trong bãi đậu xe, chật ních nào xe nào người, má nhéo ba rồi nói, “Tui sẽ đi theo bà Hoa. Ông và thằng Long tự coi cửa tiệm mấy tiếng nhen.”

Ba nhăn mặt và láy tay xoa đầu. “Vậy chính xác thì bà tính làm gì?”

“Bả biết chỗ nhà mình làm việc. Tui cá là bả biết chỗ nhà mình sống. Nếu tui cũng biết về bả giống vậy thì mới công bằng phải hông?”

“Được rồi.” Ba thở dài. “Mình đi thôi con.”

“Con muốn đi cùng má.”

“Mày đi nữa hả?” ba lầm bầm.

Tôi tò mò về bà Hoa, và giúp má chỉ là cái cớ để không phải ngồi cả buổi sáng ở tiệm New Saigon. Hai má con tôi lái chiếc Oldsmobile theo dõi bà ấy, đi vể phía nam. Bà Hoa lái chiếc sedan Datsun nhỏ có màu vàng của lòng đỏ trứng, với nhiều lớp rỉ sét nằm chỗ đây chỗ kia. Đặt lên trên chiếc Datsun là Đức Mẹ Đồng Trinh Mary, hình ảnh bà trên bảng đồng hồ phản chiếu trong kính chắn gió, mờ mờ như mấy tấm ảnh màu phai nhạt chụp ở Việt-nam. Tấm tôi thích là tấm chụp một đôi trẻ tuổi miệng mỉm cười đang ngồi trên triền dốc cỏ um tùm phía trước một nhà thờ miền quê màu hồng. Ba đeo kiếng mát khi đang ôm má, còn má thì mặc áo dài màu quả đào cùng chiếc quần lụa màu kem, mái tóc dày của má được đánh phồng lên.

“Năm xu”, má nói, rẽ trái vào đường Story Road. Tưởng má muốn dịch sang tiếng Anh, tôi nói, “Một nickel?”

“Năm xu là tiền lời cho một lon xúp.” Khi má lái xe, má cứ hay đặt chân lên thắng, chứ không lên chỗ bàn đạp ga. Đầu tôi nảy tới nảy lui trên chỗ tựa đầu giống như trái banh cột vào một mái chèo. “Một pound thịt heo thì mười xu, mười pound gạo thì hai mươi lăm xu. Bà đó bả muốn má đưa năm trăm đô, nhưng nhà mình vật lộn kiếm từng xu ra sao thì mày thấy rồi chớ?”

Uh-huh”, tôi đáp, từ nách tôi chảy xuống mấy giọt mồ hôi. Nhiều chục năm sau này khi nhìn lại, tôi tự nhủ liệu má lúc ấy có đang phóng đại không hay là tôi lúc này đang phóng đại, kí ức của tôi gắng sức phác nên cuộc sống của nhà tôi trông ra sao thuở đó. Nhưng tôi chắc chắn là khi tôi hạ kiếng cửa sổ xuống và vung tay ra ngoài lướt gió, thì má nói, “Xe buýt mà chạy ngang thì nó rứt luôn cánh tay mày đó”. Tôi rụt tay vào lại và thở dài. Tôi mong mỏi về một người đàn bà từng là má ngày xưa trong tấm ảnh cũ, cái lúc mà hai chị em tôi còn chưa sinh ra và chiến tranh chưa xảy ra, cái lúc mà ba má sở hữu được tương lai. Đôi khi tôi cố hình dung má hồi ấy trông ra sao, cái hồi mà má nhỏ hơn thế nữa, hồi chín tuổi, và tôi không sao hình dung ra. Không có ảnh chụp, má ở hình hài một con bé là người không còn tồn tại ở bất cứ nơi đâu, có lẽ ngay cả trong tâm trí má cũng không. Còn hơn cả mấy người bị chết trong nạn đói kia, chính cái ý nghĩ về bà má của tôi không còn nhớ nổi mình trông ra sao lúc còn bé là điều làm tôi thật buồn sầu.

Bà Hoa rẽ khỏi đường Story Road đi vào một con phố nhỏ, một khu dân cư gồm nhiều nhà trệt với mấy cửa sổ quá sức nhỏ so với bức tường. Mấy chiếc bán tải Ford và xe gầm thấp Chrysler cũ mòn với vành bánh xe mạ crôm đang đậu ở bãi cỏ. Sân trước nhà bà Hoa được lát lại, và chiếc Datsun vàng của bà nhập bọn cùng chiếc Toyota Corolla trắng với một thanh cản bị bẹp và một chiếc Honda Civic xanh lá bị mất một nắp đậy trục bánh xe. Sau khi bà Hoa bước vào, má lái chầm chậm tới để dò xét căn nhà, vốn được sơn một lớp sơn mới rẻ tiền màu ngọc lam sáng, một ga-ra được sửa thành mặt trước cửa tiệm có mấy cánh cửa trượt bằng thuỷ tinh và một biển hiệu nê-ông đỏ chạy chữ NHÀ MAY. Tấm rèm trên cửa sổ tiệm may và mấy tấm màn ở phòng khách đã được kéo lại, phô ra mặt sau màu trắng. Cái gã hôm bữa xông vào nhà tôi hẳn đã dõi theo chúng tôi theo cùng cách như vậy, nhưng má dường như không nhận ra chuyện này. Thay vào đó, giọng bà đầy vẻ đắc ý khi bà nói. “Giờ thì,” bà nói, nhả chân ra khỏi thắng, “ta đã biết bả sống ở đâu.”

Khi bà Hoa đến tiệm New Saigon vào buổi chiều thứ Tư của tuần sau đó, tôi đang ở trên gác xép gỗ mà ba đã đóng ráp lại bên trên chỗ để đồ làm bếp ở phía sau tiệm. Chúng tôi trữ gạo hạt dài ở gác xép đủ để nuôi ăn cả làng, chất gần đụng trần nhà trong mấy túi vải bố chứa mười, hai mươi lăm và năm mươi pound. Mùi gạo lài nghe như mùi tấm thảm sạch nó lan khắp trong không khí khi tôi ngồi cưỡi lên trên một dãy các bao gạo, đọc về thời Tái thiết. Tôi đọc đến phần nói về mấy đám scalawagcarpetbagger đi từ miền Bắc xuống để giúp xây dựng lại miền Nam, hoặc có lẽ là làm trò bịp bợm ở đó, thì lúc ấy bà Hoa đến chỗ cửa, mặc bộ đồ trắng giống lần đầu bà ấy ghé đây.

Theo cái cách mà má nắm chặt hai bên máy tính tiền như thể nó là cái xuồng đang tròng trành trong sóng nước trong lúc bà Hoa nói chuyện với má, thì tôi biết thế nào cũng có chuyện. Tôi leo xuống cầu thang, lách mình băng qua các dãy kệ chất đầy sữa đặc và mì đựng trong giấy bóng kính, bánh phồng tôm và mực khô, trái vải và xoài xanh, cúi đầu xuống né mấy băng giấy vàng bẫy ruồi đang treo lòng thòng trên trần nhà, và ra trước cửa tiệm ngay lúc má đang nói, “Tui sẽ không đưa cho bà xu nào đâu”. Một vết rạn hiện ra ở lớp kem nền của má, một đường nhăn trên má của má chạy từ mũi đến xương hàm. “Tui làm cật lực kiếm tiền. Bà thì làm gì? Bà chả làm gì ngoài chuyện ăn trộm và tống tiền, làm cho ai cũng nghĩ rằng họ vẫn còn có thể đánh trận chiến này.”

Tôi đứng đằng sau một dãy khách hàng, một trong số họ đang đọc bản rô-nê-ô y như bản mà bà Hoa đưa tôi ở nhà thờ. Khuôn mặt bà Hoa trắng bệch ra như bộ đồ vậy, và màu son đỏ bết vào mấy cái răng ố vàng của bà ấy, đang nhe ra trong cơn thịnh nộ. Bà nhìn trừng trừng vào mấy người khách hàng rồi nói, “Mấy người nghe bả nói rồi chớ? Bả không ủng hộ cái chính nghĩa này. Nếu bả không phải cộng sản thì bả cũng xấu xa như cộng sản. Nếu mấy người mua đồ ở đây tức là mấy người đang giúp cộng sản đó.”:

Bà Hoa dộng mớ giấy rô-nê-ô xuống quầy cạnh máy tính tiền, rồi xong bà ấy bỏ về. Má nhìn chăm chăm vào ba ở máy tính tiền đối diện, và chẳng ai nói lời nào khi chiếc Datsun nổ máy lốp bốp bên ngoài. Mấy người khách trước mặt tôi di chuyển ra điều bứt rứt. Trong vòng một tiếng thôi, họ sẽ đến chỗ điện thoại của họ, ai cũng kể lại chuyện cho bạn họ nghe, rồi tới phiên bạn họ thì đi kể cho bạn bè nghe, rồi mấy người đó kể thêm cho nhiều người nữa, cho đến khi mọi người trong cộng đồng đều biết. Má xoay sang mấy người khách với khuôn mặt được sắp xếp các nét cẩn thận giống như con chữ trong mấy bức thư má gửi cho họ hàng, không biểu lộ dấu hiệu âu lo nào, và nói, “Ai kế tiếp?”

Suốt thời gian còn lại trong ngày, má không nhắc gì đến bà Hoa, và tôi tưởng má sẽ cứ mặc kệ bà ấy, hi vọng là bà ấy không trở lại. Nhưng ngay lúc chúng tôi vào xe, má bắt đầu nói về chuyện chống trả, và tôi nhận ra rằng trước đó lòng má âm ỉ hàng giờ, giữ lặng im vì khách hàng thôi. Má sẽ đến chỗ bà Hoa và đòi bà ấy xin lỗi, vì lời cáo buộc của bà ấy sẽ làm má mất uy tín và hại đến chuyện bán buôn, căn cứ vào tinh thần chống cộng nhiệt cuồng sâu đậm của cộng đồng người Việt chúng tôi. Má sẽ kêu bà Hoa là thứ ô nhục và tát bà ấy nếu bà ấy chối. Má sẽ chỉ ra rằng cái chính nghĩa của bà Hoa là thứ vô vọng và tự dối gạt bản thân mà thôi, dùng lập luận khiến bà ấy phát khóc. Khi má tập dượt kế hoạch của mình, ba chẳng nói gì, và tôi cũng vậy. Chúng tôi biết là đừng nên phản đối má, và khi chúng tôi về đến nhà, ba lẳng lặng đi vào sửa soạn bữa tối, như đã được dặn. Má lái xe đến nhà bà Hoa, đưa tôi theo cùng bởi lẽ, má nói, “Có mày ở đó thì bả sẽ không làm trò khùng điên gì.”

Lúc má đậu xe ở lối xe ra vào nhà bà Hoa, ngay sau chiếc Datsun, thì khi đó đã tám rưỡi. Bà Hoa mở cửa lúc đang mặc áo cộc tay màu cam và quần cụt in hình bông hoa màu tím. Tóc bà ấy cuộn lại thành một búi còn khuôn mặt bà ấy, thiếu mascara, son môi hay phấn nền thì trông nứt nẻ, lấm tấm rỗ và có mấy vết rạn – một khuôn mặt thuộc về một người đàn bà lớn tuổi hơn. Bộ ngực nhỏ của bà ấy không lớn hơn bộ ngực của Emmy Tsuchida, và một bề mặt bản đồ gồm nhiều đường tĩnh mạch giãn trên cặp đùi và cẳng chân gầy nhom chạy xuống phía dưới đến chỗ mấy ngón chân xương xẩu, những móng tay ngả vàng lấm chấm nhiều vệt đỏ của nước sơn bị bong tróc.

“Bà tới đây làm gì?” bà Hoa hỏi.

“Tui muốn nói chuyện với bà”, má nói. “Bà không tính mời má con tui vào nhà sao?”

Bà Hoa ngần ngừ rồi bước lùi lại với vẻ tức tối. Chúng tôi cởi giày và bước qua đống giày lười, giày sneaker, giày cao gót và dép kẹp nằm xếp chật quanh cửa. Mấy giá treo có bánh xe, treo đầy quần áo nữ, che nguyên cửa sổ, còn hai giường tầng nằm dọc hai bên tường phòng khách. Ở giữa là một cái bàn gấp dài, chất đống một mớ tập vở và sách giáo khoa.

“Nhà tui đang ăn tối”, bà Hoa nói. Những giọng nói khác vang lên trong phòng ăn. Có một màn sương nhiều hạt mỡ li ti lững lờ trong không khí, cùng với mùi vớ ướt có hơi ấm của cơm chín. “Má con bà ăn gì chưa?”

“Rồi.” Nếu má có ngạc nhiên trước thái độ lịch sự của bà Hoa thì má cũng không thể hiện ra. “Tui muốn nói chuyện riêng.”

Bà Hoa nhún vai và dẫn chúng tôi đi ngang qua phòng ăn. Ở chỗ bàn chật kín có tám hay chín người đang ngồi với cái đầu xoay theo lối chúng tôi đi, mấy con bé đầu cắt kiểu úp tô, một nhóm bốn người ông bà nội ngoại, cùng một người đàn ông và một người đàn bà trạc tuổi má, quầng thâm dưới đôi mắt họ rõ đến mức họ trông như thể ai đó đã đấm họ hết lần này đến lần khác. Cảnh chật chội y như vậy trong phòng ngủ của bà Hoa, căn phòng đầu tiên dọc theo hành lang. Một cái bàn công nghiệp có khung thép, một chiếc máy may gắn vào bàn đó, nằm chình ình giữa phòng, còn cái áo dài nhung cùng áo khoác và quần trắng được treo chỗ giường tầng, che khuất cửa sổ. Bà Hoa ngồi xuống cái ghế độc nhất, đằng sau máy may, rồi nói, “Bà muốn gì?”

Má liếc qua cái tủ, cánh cửa tủ đã bị tháo ra để lộ mấy hàng kệ gỗ thông chất đầy cây vải lụa và vải cotton. Một trong hai giá quần áo đằng sau bà Hoa dùng để treo quần áo hằng ngày – quần dài và áo cánh cho nữ, com-lê và sơ-mi cho nam – còn cái giá kia treo đồng phục, những bộ quân phục xanh ô-liu và mấy bộ nguỵ trang có hoa văn là những đốm nâu, đen và xanh ở nhiều sắc độ khác nhau, cùng kiểu đồ được cấp cho đám thuỷ quân lục chiến từng đi giải phóng Grenada cách đây không lâu. Má nói, “Bà may đồng phục cho lính à?”

“Cỡ của người Mĩ quá lớn đối với đàn ông Việt và các tỉ lệ cũng không phù hợp nữa. Hơn nữa các ông muốn tên mình được thêu lên, cùng cấp bậc và đơn vị của họ nữa.” Bà Hoa luồn tay xuống dưới bàn máy may và nhấc ra một hộp bìa cứng, và khi chúng tôi chồm người qua cái bàn để dòm bên trong, chúng tôi thấy mấy túi nhựa loại đựng sandwich trong đó chứa đầy quân hàm và huy hiệu đủ màu của các đơn vị lính Việt. “Một số bộ đồng phục dành cho toán quân du kích ở Thái-lan, còn số khác thì dành cho lính của mình ở đây.”

Tôi tự nhủ liệu có phải bà ấy ý nói đến mặt trận bí mật mà thiên hạ đồn, hay mấy ông lính trạc tuổi ba trở xuống mà tôi từng thấy ở mấy dịp lễ Tết, những cựu binh của quân lực Việt-nam Cộng hoà vốn đã bị bại trận, những người chào đón năm mới bằng việc mặc quân phục và soát vé ở những khu hội chợ nơi diễn ra lễ lạt.

“Chồng bà là lính hả?” má hỏi.

“Ổng là lính biệt kích. CIA thả dù ổng xuống miền bắc hồi năm 1963. Từ đó đến nay tui không nghe tin ổng nữa.” Bà Hoa nói mà không đổi ngữ điệu, áp chặt cái hộp vào ngực. “Thằng con kế nhà tui thì người Mĩ điều sư đoàn của nó sang Lào hồi năm 1972. Nó không bao giờ trở về. Còn thằng con đầu thì nó cũng đi lính luôn. Bọn cộng sản đã giết nó. Tui chôn nó ở Biên-hoà hồi năm 1969. Con gái tui biên thư kể tui nghe là bọn cộng sản đã cạo rách đôi mắt trong bức ảnh đặt trên mộ nó.”

Má lặng im, mấy ngón tay rờ rờ cái áo khoác nguỵ trang rằn ri ở trên giá treo. Một hồi thì má cũng nói, “Tui rất lấy làm tiếc khi nghe chuyện chồng con của bà.”

“Tiếc cho chuyện gì hả?” Giọng bà Hoa rít lên. “Ai nói chồng tui đã chết hả? Chẳng ai thấy ổng chết. Cũng chẳng ai thấy thằng con kế của tui chết. Họ còn sống, và đừng có ai giống bà mà tới đây nói khác đi cho tôi nghe.”

Tôi nghiền ngẫm hoa văn trên tấm thảm màu be, có hình của con ếch và một cái cây, kẹt ở đó cùng với mùi tỏi và vừng, mồ hôi và kem dưỡng ẩm. Má phá vỡ không khí lặng im bằng cách mở ví ra và lục lọi bên trong. Nghe tiếng giấy sột soạt, tôi biết là má đang mở phong bì chứa tiền bán hàng trong ngày. Má rút ra hai tờ bạc một trăm đô và đặt chúng lên bàn máy may trước mặt bà Hoa, vuốt phẳng lại khuôn mặt của Benjamin Franklin trên mỗi tờ tiền, cùng một động tác dùng lòng bàn tay vuốt tóc tôi trước khi vào nhà thờ.

“Nhiêu đó thôi”, má nói. “Tôi chỉ có bao nhiêu đó.”

Tôi tính số lon xúp, số pound gạo và số giờ má đứng bán để kiếm được hai trăm đô đó, và tôi kinh ngạc trước chuyện má lại đi nộp tiền. Khi bà Hoa nhìn mấy tờ tiền, tôi nghĩ bà ấy có thể đòi năm trăm đô như đã từng yêu cầu, nhưng bà ấy cầm phắt lên hai tờ bạc, gấp chúng lại và thả vào cái hộp trong lòng bà ấy. Khi bà ấy và má nhìn chăm chăm nhau sau đó, tôi đã nghĩ về chuyện cách đây nhiều năm má đã làm thế nào để đưa một ounce vàng cho vợ một ông tướng để hối lộ, cho ba không phải nhập ngũ. Má đã nhắc vụ đó một đêm nọ trước mặt ba khi ba má đang kiểm tra một ounce vàng khác mà họ vừa mới mua, và ba, liếc qua tôi, đã nói, “Mình đừng nói về chuyện đó nữa.” Ba má sẽ xếp vụ bà Hoa này vào cùng loại những thứ tốt hơn đừng nói tới.

“Má con tui tự ra về được”, má nói.

“Bà có thấy là bọn cộng sản không hề thoả mãn với chuyện giết con tôi một lần?” bà Hoa chĩa ánh nhìn vào tôi. “Chúng phá hoại ngôi mộ như thế chính là giết thằng nhỏ hai lần. Chúng không tôn trọng ai cả, ngay cả người chết cũng không.”

Giọng bà ấy trở nên gấp gáp, và khi bà ấy đột ngột chồm tới trước, tôi sợ bà ấy sẽ với tay qua máy may và nắm lấy tay tôi. Tôi dặn lòng mình đừng lùi ra tránh những ngón tay của bà ấy, hai trong số đó đang bị băng lại như thể bà ấy dùng kim tự chọc tay mình. Tôi cảm thấy tôi phải nói gì đó, và thế là tôi nói, “Con rất tiếc”. Tôi có ý nói là tôi rất tiếc về tất cả những chuyện đã xảy ra, không chỉ đối với bà ấy mà còn đối với má, về mọi thứ đang dồn lại mà tôi đâu thể làm gì được. Lời đáp tạ đó không gây nên khác biệt gì cho lắm, nhưng bà Hoa nghiêm nghị gật đầu, như thể hiểu được ý tôi. Bằng giọng dịu bớt, bà ấy nói, “Cô biết là con như vậy.”

Đó là những lời cuối của bà ấy nói với tôi. Bà ấy không nói lời tạm biệt khi má con tôi về, và quả thực còn không nhìn má con tôi nữa, bởi khi má đóng cửa phòng ngủ lại, bà Hoa đang nhìn trân trân vào cái hộp, cái đầu cúi xuống làm lộ ra một đường rãnh chân tóc bạc chạy qua lớp da đầu, tại đó màu tự nhiên của tóc tự bộc lộ mình bên cạnh dải chất nhuộm đen đang phai dần. Đó là một bí mật vụn vặt, nhưng là bí mật mà tôi sẽ nhớ mồn một như cái cảm giác rằng trong khi một số người bị người chết ám ảnh, thì một số người khác lại bị người sống ám ảnh.

Khi má rời khỏi đường cao tốc, má làm tôi ngạc nhiên lần thứ nhì. Má tấp vào bãi đậu xe của cửa hàng 7-Eleven ngay chỗ vừa ra khỏi cao tốc, cách nhà tôi hai dãy nhà, rồi má nói, “Con nãy giờ rất ngoan. Mua gì đãi cho con nhen.” Tôi chẳng biết nên nói gì. Ba má tôi chưa từng cho tôi khoản tiền tiêu vặt nào. Khi tôi xin tiền hồi lớp bốn, ba nhăn mày rồi nói, “Để ba suy nghĩ cái.” Đêm hôm sau ba đưa tôi một danh sách liệt kê nhiều mục chi tiêu bao gồm việc sinh tôi ra đời, cho tôi ăn, cho tôi học và quần áo, tổng số tiền là 24.376 đô. “Số này chưa tính đến chuyện cảm xúc bực dọc, lãi kép hay chi phí cho tương lai”, ba nói. “Giờ thì khi nào con có thể bắt đầu chu cấp tiền cho ba đây?”

Má dừng lại bên dưới mấy cái đèn rực sáng ở cửa ra vào 7-Eleven, móc trong ví ra một tờ năm đô mới cứng, và đưa tiền cho tôi. “Go buy”, má nói bằng tiếng Anh, ra dấu cho tôi đi vào trong. Bất cứ khi nào má nói tiếng Anh, giọng má cao hơn bình thường, như thể thay vì phát ra từ bên trong má thì thứ tiếng ấy ở bên ngoài, ép lấy cổ họng má. “Anything you want.”

Tôi để má chờ ở vỉa hè rồi đi vào, trên tay cầm tờ năm đô trơn bóng như giấy sáp, nhớ cái cách mà đôi môi má di chuyển mỗi khi má dùng các ngón tay của bàn tay này đếm các ngón tay ở bàn tay kia. Cửa hàng 7-Eleven vắng tanh ngoại trừ hai ông người Sikh đứng ở quầy tính tiền, trao cho tôi cái nhìn chán chường rồi quay lại nói chuyện tiếp. Thuốc sát trùng ám mùi không khí. Tôi ngó lơ dãy máy điện tử thẻ và mấy kệ truyện tranh, dẫu cho bìa của cuốn SupermanIron Man bắt lấy ánh nhìn của tôi và tiếng điện tử vo vo bên máy chơi Pac-Man mời gọi tôi. Đi qua kệ đồ tẩy rửa và mấy hộp xúp là gặp hai hàng kệ đầy khoai tây chiên, bánh quy và kẹo. Tôi liếc nhìn các kệ, thấy tia sáng loé của bọc giấy thiếc mạ vàng trên một thanh sô-cô-la, rồi đứng khựng lại. Trong khi nhân viên bán hàng đang trò chuyện với nhau bằng một thứ tiếng tôi không tài nào hiểu nổi, thì tôi do dự, lòng đang ham muốn lấy mọi thứ về nhà nhưng không sao chọn lựa được.

 

Đoàn Duy chuyển ngữ,
Sài-gòn, 2021.08.13

Nguồn:

Nguyen, Viet Thanh. (2017). War Years. The Refugees. Grove Press.


 

1 comment: