Friday, June 2, 2023

Anne Carson - Bình về phiến đoạn 31 của Sappho

 

Chuyện gì xảy ra nếu tôi bắt đầu một bài luận bàn về những vấn đề tinh thần bằng việc dẫn ra một bài thơ thoạt đầu trông có vẻ không có tính tinh thần chút nào. Phiến đoạn 31 của Sappho như sau:

 

Tôi trông anh dường ngang bằng với thần minh, một người
nào đó đối diện bạn
ngồi và nghe sát
với tiếng nói ngọt

cùng tiếng cười yêu của bạn – ôi nó
làm con tim trong ngực tôi như cất cánh
bởi khi tôi nhìn anh, dẫu một thoáng, không lời nói nào
còn lại trong tôi

không: tiếng nói đứt đoạn và ngọn lửa
mỏng mảnh chạy riết dưới làn da
và trong đôi mắt không thấy gì và tiếng thùm thụp
vang đầy tai

và mồ hôi lạnh tóm lấy tôi và cơn run
siết cả người tôi, xanh tươi hơn cỏ
là tôi và chết đi – hay gần vậy
tôi trông tôi dường như thế.

Nhưng tất cả đều được khích, bởi ngay một người kiệt cùng...

 

Bài thơ này được giữ lại cho ta nhờ công nhà phê bình văn chương cổ đại Longinus, người trích lại bốn khổ thơ hoàn chỉnh kiểu Sappho và sau đó là dòng đầu tiên của cái giống như là một khổ thứ năm và rồi ngắt đi, không ai biết nguyên do. Nhưng bốn khổ đầu dường như lập thành một đơn vị của nhạc và suy tư; ta hãy xét phần suy tư. Nó đến với ta ngập trong ánh sáng nhưng đây là thứ ánh sáng đóng chặt một cách quái lạ của sự phản tỉnh. Sappho dựng lên một khung cảnh bên trong nhà hát nhỏ của tâm trí bà. Nó có vẻ là một kịch bản sắc tình (erotic) nhưng các nhân vật ẩn danh, mối tương quan của họ thì mờ tối. Ta không biết tại sao cô gái lại cười, cũng không biết người đàn ông kia làm chi ở đó, cũng không biết phản ứng của Sappho với họ nó có nghĩa ra làm sao. Sappho dường như ít lưu tâm đến những nhân vật này ở vai trò những cá nhân mà lưu tâm nhiều hơn đến cái hình theo lối kỉ hà học mà họ tạo thành. Hình này có ba đường thẳng và ba góc. Một đường thẳng nối giọng và tiếng cười của cô gái với một người đàn ông đang lắng nghe sát bên. Đường thứ nhì nối cô gái với Sappho. Giữa mắt nhìn của Sappho và người đàn ông lắng nghe kia tạo thành một đường thứ ba. Đây là hình tam giác. Tại sao Sappho muốn dựng lên cái hình này? Thường thức gợi cho thấy đây là bài thơ về sự ghen. “Tình nhân ai nấy cũng tỏ ra những dấu hiệu như thế này”, theo lời Longinus. Vậy nên ta hãy nghĩ sự ghen của tình nhân là cái chi.

Từ này [tức từ ‘jealousy’] phát xuất từ chữ Hi-lạp zelos nghĩa là “nhiệt tâm (zeal)” hoặc “sự truy cầu hăng hái (hot pursuit)”. Một tình nhân ghen là người ham muốn một vị trí nhất định ở trung tâm tình cảm của người thương để rồi phát hiện chỗ đó có người khác chiếm mất rồi. Nếu ghen là một điệu vũ thì nó hẳn sẽ mang mô thức của sự đặt vào và sự dời chỗ. Trọng tâm cảm xúc của nó không ổn định. Ghen là một điệu vũ trong đó mọi người đều dịch di.

Bài thơ của Sappho dưng lên sân khấu cho sự ghen nhưng bà không nhảy điệu ghen đó. Quả thực bà dường như quên hẳn sự hiện diện của những người nhảy cùng sau khổ thơ đầu tiên và chuyển dời ánh đèn rọi vào chính bản thân bà. Và cái ta thấy trong ánh đèn rọi ấy là một cảnh quan thuộc tinh thần không ai ngờ đến. Bởi Sappho miêu tả những khả năng tri giác của chính mình (thị giác, thính giác, xúc giác) vốn bị giản lược hết thành thứ hỏng hóc này đến thứ hỏng hóc nọ; bà bày cho ta thấy những đối tượng của giác quan bên ngoài đang làm rỗng chính chúng; và ở kia trên sân khâu sáng rực ở trung tâm của tri giác của bà xuất hiện – chính cái Là (Being) của bà: “[là] tôi...”, như lời bà ở dòng 15 (“xanh tươi hơn cỏ là tôi”).

Đây không chỉ là thời khắc của sự tồn tại được vén mở: đây là một sự kiện tinh thần. Sappho tiến nhập cơn tê mê (ecstasy). “Xanh tươi hơn cỏ là tôi...”, bà nói, đặt làm vị từ cho cái Là của chính bà là một thuộc tính chỉ quan sát được từ bên ngoài thân thể của chính bà. Đây là trạng huống gọi là ekstasis, nghĩa đen là “đứng bên ngoài chính ta”, một trạng huống được người Hi-lạp xem là điển hình của kẻ điên, kẻ thiên tài và kẻ luyến ái, và được Aristotle quy cho các thi nhân.

Tê mê làm đổi thay Sappho và đổi thay bài thơ của bà. Bản thân bà, bà nói, gần như đã chết. Bài thơ của bà xuất hiện để tàn hoại và kết thúc. Nhưng rồi, có thể cho là, cả hai lại trỗi lên. Tôi nói “có thể cho là” bởi dòng cuối bài thơ có một lịch sử làm người ta rối trí và một số học giả mang lòng hồ nghi về nó, mặc dù nó xuất hiện trong bản văn của Longinus và được chứng thực bằng một bản văn papyrus. Ta hãy gắng xem thử tính cố kết của nó với cái diễn ra đằng trước.

“Nhưng tất cả đều được khích, bởi ngay một người kiệt cùng...”, dòng thơ cuối ghi vậy. Đây là một ý nghĩ mới. Nội dung của ý nghĩ này táo bạo vô cùng. Trạng huống của ý nghĩ này là sự kiệt cùng. Tôi không muốn tạo ấn tượng rằng tôi biết dòng thơ này đang nói gì hoặc tôi thấy được bài thơ đi từ chỗ này tới đâu, tôi không có ý vậy. Nhìn chung nó khiến tôi sinh lòng nghĩ ngợi. Sappho dựng lên một kịch bản về sự ghen nhưng đó không phải cái mà bài thơ muốn nói, ghen chỉ là một từ hoa. Sappho dựng sân khấu cho một sự kiện của cơn tê mê nhưng đó cũng không phải cái mà bài thơ muốn nói, tê mê chỉ là một phương tiện để đạt cứu cánh. Không may là ta không tới được đoạn kết, bài thơ bị ngắt quãng. Nhưng ta có thấy Sappho bắt đầu chuyển hướng đến đó, đến đoạn kết không sao tới được. Ta thấy những giác quan của bà tự làm rỗng chính chúng như thể bà là cỏ hoặc bà đã chết. Tại điểm đó lòng tôi nảy ra một suy đoán: bởi đây là một bài thơ toàn nói về ái tình, liệu ta có cần tự giới hạn bản thân trong một lối đọc mang hơi sắc tình đơn thuần hoặc hơi sắc tình theo thói thường? Sau rốt, một số sử gia tin rằng Sappho không chỉ là một thi sĩ ái tình và là một người thờ phụng Aphrodite ở đảo Lesobs, mà còn là một tư tế của đạo thờ Aphrodite và là một giảng sư của các giáo lí của nữ thần. Có lẽ bài thơ của Sappho muốn dạy cho ta một thứ gì đó về siêu hình học hoặc thậm chí về thần học của ái tình. Có lẽ bà đang nêu ra không phải lời oán thán thường tình trong bản tình ca, Tại sao anh không yêu em? mà nêu ra một vấn đề tinh thần sâu xa hơn, Chuyện chi mà ái tình dám khích cái-tôi làm? Sự khích nó đi vào bài thơ trong dòng cuối khi mà Sappho dùng chữ tolmaton: “được khích”. Chữ này là một loại tính từ theo dạng động từ (verbal adjective) và biểu thị một ngữ khí về tính khả năng hoặc tính tiềm năng. Sappho nói đây là một tiềm năng tuyệt đối:

pan tolmaton: tất cả đều được khích.

Hơn nữa bà ưng thuận điều đó – hoặc có vẻ như sắp sửa ưng thuận thì bài thơ bị ngắt quãng. Tại sao bà lại ưng thuận? Lời giải thích của bà không tồn tại. Cho đến giờ, nó dẫn ta về lại trạng huống tê mê. Bởi khi một cơn tê mê được đặt ra một câu hỏi, Chuyện chi mà ái tình dám khích cái-tôi làm? thì ả sẽ đáp rằng:

Ái tình khích cái-tôi bỏ lại chính nó đằng sau, để tiến nhập cảnh kiệt cùng.


 Đoàn Duy chuyển ngữ
(Tiêu đề bản dịch do người-chuyển-ngữ tự đặt ra)



Nguồn:

Carson, Anne. (2005). Decreation: How women like Sappho, Marguerite Porete and Simone Weil tell God - Part One. Decreaton: Poetry, Essays, Opera. Alfred A. Knopf.




 

=======

 

Phụ chú của người chuyển ngữ:

Phiến đoạn trên của Sappho còn có một bản dịch khác tuyệt thú hơn xét về âm hưởng thơ, do Mary Barnard. Tên tuổi của Mary Barnard gắn liền với Ezra Pound, bởi lẽ bà là học trò của Pound, dù bà chưa từng một lần học trực tiếp mà chỉ học theo lối hàm thụ. Chuyện thư tín qua lại giữa Barnard và ông thầy Pound, rồi được ông thầy chỉ bảo mấy đường về thi ca, là một câu chuyện kì thú trong giới văn chương, nhưng đó là một câu chuyện dài khác mà một đôi dòng không thể nói hết được.

Và ngay bên dưới đây, bản dịch Anh văn của Mary Barnard:

 

He is more than a hero

 

He is a god in my eyes—
the man who is allowed
to sit beside you—he

who listens intimately
to the sweet murmur of
your voice, the enticing

laughter that makes my own
heart beat fast. If I meet
you suddenly, I can’t

speak—my tongue is broken;
a thin flame runs under
my skin; seeing nothing,

hearing only my own ears
drumming, I drip with sweat;
trembling shakes my body

and I turn paler than
dry grass. At such times
death isn’t far from me

No comments:

Post a Comment