João Guimarães Rosa
Bờ thứ ba của con sông
Cha tôi là người có ý thức trách nhiệm, nề nếp và bộc trực; và đã có cái tính như vậy từ hồi mới lớn hoặc ngay từ lúc bé thơ, theo như lời mấy người đáng tin cậy mà tôi dò hỏi được. Theo kí ức chính tôi, ông không kì quái hơn cũng chẳng sầu muộn hơn những người quen khác. Chỉ trầm lặng hơn. Chính mẹ tôi mới là người cai quản ngôi nhà, là người la mắng chúng tôi hằng ngày – chị tôi, anh tôi, và tôi. Nhưng ngày nọ cha tôi bỗng đặt người ta làm một chiếc xuồng.
Ông nghiêm túc ghê lắm. Ông đặt làm một chiếc xuồng đặc biệt, bằng gỗ cây vinhático, nhỏ, chỉ vừa đủ chỗ cho người chèo. Nhưng toàn bộ chiếc xuồng phải được đóng kĩ càng, đủ cứng cáp ở mũi xuồng, sao cho ở được trên sông suốt hai mươi hay ba mươi năm. Mẹ tôi càu nhàu vụ này không thôi. Phải chăng chồng bà, một người chưa từng học đòi mấy món này, giờ đây dự tính đi đánh cá và đi săn bắt? Cha không nói gì hết. Nhà chúng tôi khi ấy vẫn còn gần con sông, cách con sông cỡ một cây số: con sông trải ra ở đó, lớn, sâu và tĩnh mịch. Rộng đến mức chúng tôi không thể nhìn sang bờ bên kia. Và nếu có một điều tôi không tài nào quên cho được, thì đó là cái ngày chiếc xuồng được giao đến.
Không vui cũng chẳng tỏ vẻ gì, cha ụp chiếc nón lên đầu rồi chào tạm biệt chúng tôi, như một sự đã định từ trước. Ông tịnh không thốt ra lời nào khác, không mang theo gói lương thực và quần áo, không khuyên nhủ điều chi. Chúng tôi tưởng mẹ sẽ la lên, nhưng bà chỉ đứng đó trông nhợt nhạt, giận căm căm, tự cắn môi mình rồi buông tiếng gầm gừ: — “Nếu ông đi, thì đi luôn đi. Đừng bao giờ quay về!” Cha nín lặng không đáp. Ông nhìn tôi với vẻ dịu dàng, vẫy tay ra hiệu bảo tôi đi cùng ông một chút. Tôi sợ cơn thịnh nộ của mẹ, tuy vậy vẫn theo lời cha. Hướng đi của mọi sự tuồng như khích lệ tôi, khiến tôi mạnh dạn hỏi: — “Cha ơi, cha cho con lên xuồng luôn nha?” Ông chỉ nhìn tôi, làm động tác ban phúc lành cho tôi, ra dấu bảo tôi quay về. Tôi vờ như đi về, tôi xoay người lại lần nữa, ở chỗ con mương trong rừng, để xem chuyện gì xảy ra. Cha lên xuồng và chèo đi. Và chiếc xuồng lướt đi – cùng với cái bóng của nó, tựa hồ một con cá sấu, dài thật dài.
Cha không trở về. Ông cũng chẳng đi đâu hết. Ông chỉ thực hiện cái ý tưởng trong ông là lưu lại ở khoảng không của con sông, đoạn giữa lưng chừng, luôn ở trên xuồng, không rời khỏi nó, không một lần nào. Ai nấy đều thất kinh trước sự thật lạ lùng ấy. Điều chưa bao giờ xảy ra, lại đang diễn ra. Họ hàng, hàng xóm, và những người quen của nhà tôi tề tựu lại và ngồi bàn luận chuyện này.
Mẹ tôi, lòng ngượng ngùng, đã cư xử rất thận trọng; do vậy, những ý nghĩ của mọi người về cha đi đến một nguyên do mà không ai muốn nói ra: cha hoá điên. Tuy thế, vài người nghĩ rằng cha có thể đang thực hiện lời thề nào đó; hoặc có lẽ cha mắc phải chứng bệnh kinh khủng nào đó, có lẽ là bệnh phong, và ông tự đày mình đi để cho đời ông có một vận mệnh khác, ở gần mà vẫn cách xa gia đình. Có những tin đồn từ nhiều người – những người đi ngang sông, những người sống ở bờ sông, và cả những người sống tít ở bờ bên kia – kể rằng cha chưa bao giờ cho xuồng vào bờ, ở bất kì ngóc ngách nào, dù ngày hay đêm, rằng ông chỉ chèo vòng vòng con sông, giạt trôi chỉ một mình. Vậy nên, khi ấy cả mẹ và họ hàng nhà tôi đồng ý rằng: thực phẩm mà ông chắc hẳn có giấu trên xuồng rồi sẽ sớm hết; và ông sẽ phải lên bờ và khởi sự chuyến đi của ông, một điều ít nhất cũng trông hợp lẽ hơn, hoặc ông sẽ từ bỏ ý tưởng của mình luôn và về nhà.
Quả là ý nghĩ sai lầm. Tôi chính là người tự lãnh lấy trách nhiệm hằng ngày đưa cho ông một ít thức ăn mà tôi có thể tuồn ra: tôi có ý tưởng này vào ngay cái đêm đầu tiên ấy, lúc mà tất cả chúng tôi bắt đầu thắp lửa bên bờ sông, rồi trong ánh lửa mọi người cầu nguyện và gọi ông. Sau đó, ngày hôm sau, tôi tới con sông với vài cục đường thô, một ổ bánh mì ngô và một nải chuối. Tôi thấy cha sau một hồi lâu đợi chờ hơn cả tiếng mà tôi tưởng chừng mình không trụ nổi: không có gì khác xung quanh ngoài ông ra, ngồi đằng xa xa, ở phía đuôi xuồng, lênh đênh trên mặt sông phẳng lặng. Ông thấy tôi, nhưng ông không chèo cho xuồng hướng đến tôi, cũng không ra dấu hiệu gì. Tôi cho ông thấy đồ ăn, đặt nó vào một hốc đá bên bờ sông, tránh được mấy con vật chạm vào và khô ráo không bị ướt mưa ướt sương. Việc đó, tôi làm lần này, rồi làm lại lần khác, thường xuyên, suốt một thời gian dài. Sau đó có một điều làm tôi ngạc nhiên: mẹ biết hết toàn bộ chuyện mà tôi làm, có điều bà vờ như không biết; bản thân bà sẽ để phần đồ ăn thừa ở một chỗ cho tôi lấy dễ hơn. Mẹ không phải dạng người biểu lộ nhiều xúc cảm.
Bà nhờ cậu tôi, em trai bà, đến giúp chuyện nông trại và mấy công việc làm ăn. Bà mời thầy đến, để dạy bọn trẻ chúng tôi. Bà yêu cầu một linh mục một ngày nọ vận bộ lễ phục, tới rìa bờ sông, để làm phép trừ tà và kêu gọi cha hãy làm điều đúng và từ bỏ cái việc cố chấp não sầu đó. Lần khác bà thu xếp cho hai người lính đến, hầu đe doạ ông. Thảy đều vô ích. Cha sẽ tránh xa, lúc thấy lúc không, cứ chèo xuồng tới lui, không để ai tới gần đụng ông hoặc nói chuyện. Ngay cả các nhà báo cũng không, hồi cách đây ít lâu, khi họ mang xuồng máy tới và tìm cách chụp ảnh ông, nhưng ông không để họ thắng thế: cha biến mất hẳn phía bờ bên kia, chèo xuồng lẩn vào khu đầm lầy, dài hàng dặm, xung quanh toàn sậy và bụi cây, và chỉ mỗi ông biết lối, rõ như lòng bàn tay trong màn tối phủ khắp nơi này.
Chúng tôi phải quen với chuyện này. Ngặt thay, chuyện như thế này chúng tôi không quen được, thực lòng mà nói. Phần mình, dù là ở chuyện tôi có thích hoặc không thích, tôi nghĩ tôi vẫn bên cha hết mình: một điều làm cho những suy nghĩ trong tôi trở đi trở lại.Về việc ông khổ làm sao, không thể hiểu được, dù theo lối nào, rằng ông có thể kham chịu chuyện này ra sao. Dù ngày dù đêm, dẫu mưa hay nắng, lúc trời nóng, lúc sương đêm, và trong cơn giá lạnh ghê gớm giữa năm, không có trong tay thứ gì, chỉ cái nón cũ trên đầu, suốt bao tuần, bao tháng, bao năm – và không bận tâm gì đến sự đời đang trôi đi. Ông không bao giờ cập bờ dù bên này hay bên kia, cũng không ghé vào mấy hòn đảo hay bãi cạn giữa sông, và cũng không đặt chân lên lại mặt đất hay bãi cỏ. Ít ra, để chắc chắn có thể ngủ được, ông sẽ cột chiếc xuồng vào một mũi đảo nằm lẩn khuất đâu đó. Những ông không đốt lửa trên bãi sông, không cho mình thứ ánh sáng nào, cũng không bao giờ quẹt một que diêm nào nữa. Ông ăn toàn những thứ không đâu; ngay cả khi lấy những món mà chúng tôi giấu ở giữa các rễ cây sung hoặc trong hốc đá ở bờ sông, ông cũng lấy rất ít, gần như không đủ, Ông có bị bệnh không? Và chuyện ra sao khi ông gắng gổ không ngừng, gồng đôi cánh tay ra sức điều khiển con xuồng, chống chọi lúc nước lũ dâng lên chảy xiết, lúc ở ngay giữa dòng nước nồ nà cuốn theo bao thứ hiểm nguy, xác động vật và thân cây xô tới - lòng hãi sợ trước việc đâm phải chúng? Và ông tịnh không nói một lời nào khác, không nói với bất kì ai. Và chúng tôi cũng không nói đến ông nữa. Chúng tôi chỉ nghĩ về ông. Không, cha không hề bị quên đi; và trong lúc nào đó, nếu chúng tôi chừng như quên đi, cũng là để bùng lên lại, bất thần, cùng với kí ức về ông, sau một cơn chấn động nào đó khác.
Chị tôi lấy chồng; dầu vậy mẹ không cho chị làm tiệc. Chúng tôi tưởng đến ông khi ăn thức gì đó ngon ngon; cũng giống như lúc chúng tôi ở trong màn đêm êm ấm, còn cha thì ngoài kia giữa đêm đen trơ trọi khi trời đang mưa, lạnh lẽo, nặng hạt, mà không có gì ngoài bàn tay và quả bầu để tát nước mưa bão ra khỏi xuồng. Thi thoảng một người quen của gia đình cho là tôi càng ngày càng giống cha. Nhưng tôi biết rằng lúc ấy râu tóc của cha chắc hẳn bờm xờm lắm, còn móng tay thì dài, rằng ông bệ rạc và gầy gò, toàn thân ông đen đúa đi do ánh mặt trời cùng toàn bộ mớ lông tóc trên người ông, nhìn trông như một con thú nào đó, gần như trần truồng, mặc dù ông có vài bộ đồ mà chúng tôi đôi lúc có mang đến.
Ông thậm chí không muốn nghe gì từ phía chúng tôi; ông chẳng còn tình thương gì chăng? Nhưng cũng chính nhờ tình thương, nhờ lòng kính trọng, mà bất kì lúc nào ai đó khen tôi do tôi có lối cư xử đúng mực, thì tôi thường nói rằng: — “Chính cha ngày trước đã dạy tôi phải làm như thế đó...”; điều đó không hẳn là đúng; đó là lời dối bày tỏ một lẽ phải. Mà nếu ông không còn nhớ và không còn muốn nghe tiếng chúng tôi nữa, vậy tại sao ông không chèo ngược dòng hay xuôi dòng con sông, đến những chỗ khác, ở một nơi tít tắp không ai tìm thấy được? Chỉ mỗi ông biết tại sao. Nhưng chị tôi sinh một bé trai, và chị khăng khăng muốn cho cha thấy cháu nội ông. Tất cả chúng tôi đi xuống bờ sông, và hôm đó là một ngày đẹp trời, chị tôi mặc bộ đầm trắng, bộ đầm mà chị đã mặc vào ngày cưới, chị ẵm đứa bé trên tay, chồng chị cầm dù che cho hai mẹ con. Chúng tôi kêu cha, đợi chờ. Cha không xuất hiện. Chị khóc, tất cả chúng tôi khóc, trong vòng tay nhau.
Chị tôi chuyển đi cùng chồng, tới một nơi thật xa. Anh tôi cũng quyết định rời đi, đến thành phố. Thời gian đổi thay, dòng thời gian chậm trôi mà vút qua liền liền. Mẹ kết cuộc cũng dọn đi, đến sống những ngày còn lại cùng chị tôi, bà nay đã già. Tôi dừng lại nơi này, người duy nhất còn lại. Tôi không thể nào nghĩ đến chuyện cưới vợ. Tôi ở đó, với hành trang của đời mình. Cha cần tôi, tôi biết ông cần – trong những giạt trôi trên sông giữa chốn trọi không – và không đưa ra giải thích nào cho hành động của ông. Có lẽ rằng, khi tôi thực sự rán tìm hiểu, và tôi kiên tâm dò hỏi, thì tôi nghe nói rằng có lần nào đó cha tôi được cho là đã hé lộ lời giải thích với người đóng chiếc xuồng này. Nhưng người đó nay đã chết, và không ai còn biết hoặc nhớ về bất kì điều gì. Chỉ còn mấy chuyện đồn đại vô nghĩa lí, như cái hồi, từ những ngày ban đầu, lúc xuất hiện những cơn nước lũ đầu tiên, và mưa rơi không ngớt, và mọi người sợ hồi cáo chung thế gian là đây, và họ bảo rằng cha là người thông tuệ tựa như Noé, và do vậy ông đã chuẩn bị chiếc xuồng để đề phòng; giờ tôi lờ mờ nhớ như vậy. Tôi sẽ không miệt thị cha. Và vào lúc này những sợi tóc muối tiêu đầu tiên của tôi đã bắt đầu xuất hiện.
Tôi là một người chứa toàn những lời lẽ sầu buồn. Vì chuyện chi mà tôi nghe lòng mình mang thật nhiều, nhiều tội lỗi? Đàng kia là cha tôi, luôn vắng bóng: và con sông-sông-sông, con sông ấy – cứ mãi thả dòng nước trôi. Giờ đây tôi đang kinh qua đoạn đầu của tuổi già – đời này của tôi nó cứ lây lất. Tôi cũng mang bệnh trong người, mang lòng ưu tư, thấy người mỏi mệt, thân đau vì thấp khớp. Còn ông thì sao? Tại sao? Ông hẳn là khổ đau lắm. Ở tuổi ông, chẳng phải rồi sớm muộn gì sức lực cũng cạn, rồi ông sẽ để xuồng lật nhào, hoặc cứ để trôi vô hồn theo dòng sông, xuôi dòng hàng mấy giờ rồi lao vào dòng nước lũ, tới con thác gầm gào rồi lao vào cơn sục sôi chí tử? Tim tôi thắt lại. Ông ở ngoài kia, không còn yên bình và yên ổn cho tôi. Tôi thấy có lỗi về một chuyện tôi chẳng biết là gì, về nỗi đau phơi mở trần trụi, sâu trong lòng mình. Phải mà tôi biết – giá như mọi sự trở khác đi. Và tôi bắt đầu hình thành một ý tưởng.
Tôi không dành ra một ngày sửa soạn cho ý đó. Tôi đã phát điên? Không. Trong nhà chúng tôi, chúng tôi không nói đến từ ‘điên’ này, chúng tôi không bao giờ nói từ đó lần nào nữa, suốt ngần ấy năm, chưa từng có ai bị quy kết là bị điên. Không ai điên. Hoặc là mọi người đều điên. Tôi cứ đi tới đó. Với chiếc khăn tay, động tác vẫy của tôi sẽ được thấy rõ hơn. Tâm trí tôi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi chờ. Sau rốt, thoạt tiên ở đây, rồi ở đàng kia, hình bóng ông xuất hiện. Ông ở kia, ngồi ở đuôi xuồng. Ông ở kia, đủ gần để nghe tiếng gọi. Tôi kêu ông mấy lần. Và tôi nói, những điều thúc bách lòng mình, bằng lời lẽ tuyên bố trịnh trọng, tôi phải lên giọng mình: — “Cha, cha đã già rồi, cha đã xong việc của mình rồi... Giờ về thôi thưa cha, cha không cần tiếp tục vậy nữa... Về thôi thưa cha, và con, ngay lúc này, bất kì lúc nào, phù hợp cho cả hai ta, con sẽ thay chỗ cha, thưa cha, trên chiếc xuồng!...” Và khi nói vậy, tim tôi bắt đầu đập theo nhịp đều đặn hơn.
Ông nghe thấy tôi. Ông đứng dậy. Ông khua mái chèo trong nước, chèo về phía tôi, ông đã đồng ý. Và thình lình tôi run lên, khắp người: vì trước đó, ông đã giơ cánh tay lên ra dấu chào – lần đầu tiên sau rất nhiều năm trôi đi! Và tôi không thể... Lòng kinh hoảng, tóc tôi dựng đứng cả lên, tôi chạy, tháo chạy, thoát ra khỏi chỗ đó, như thể tôi bị loạn trí mất rồi. Bởi chừng như ông đến: từ phía bên kia. Và tôi đang cầu xin, cầu xin, cầu xin sự tha thứ.
Tôi cảm thấy cơn lạnh khiếp đảm, tôi lâm bệnh. Tôi biết rằng không một ai từng nghe thấy ông lần nào nữa. Tôi có phải là người không, sau một thất bại như thế? Tôi là người không bao giờ tồn tại, người sẽ luôn giữ mình câm lặng. Tôi biết giờ quá trễ rồi, và tôi sợ rút ngắn đời mình lại, ở bề nước cạn của thế gian. Nhưng, khi ấy, khi cái chết tới, ít nhất là hãy đem tôi đặt lên một chiếc xuồng nhỏ mọn, trên dòng nước trôi không ngừng, dọc hai bên là đôi bờ bất tận: và tôi, xuôi dòng sông, ra ngoài sông, vào lòng sông – là con sông.
Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn của David Treece,
có đối chiếu với bản gốc Bồ-đào-nha ngữ
Nguồn:
João Guimarães Rosa; The Third Bank of the River; The Jaguar and Other Stories (bản dịch Anh văn của David Treece; Boulevard Books, 2001.
No comments:
Post a Comment