Monday, June 17, 2013

Tanizaki Jun'ichirō – Chuyện nhà vệ sinh Nhật-bản

Cứ mỗi lần tôi được người ta cho xem một nhà vệ sinh cũ kĩ, được chiếu sáng lờ mờ, và phải nói thêm, sạch đến mức hoàn hảo, ở một ngôi đền tại Nara hoặc Kyoto, tôi lại ấn tượng với những phẩm tính nổi bật của kiến trúc Nhật-bản. Phòng khách có thể có những nét duyên dáng của mình, nhưng nhà vệ sinh Nhật thực sự là nơi an tịnh tinh thần. Nó luôn nằm ở vị trí tách biệt với khu nhà chính, ở cuối hành lang, trong một bụi cây thơm ngát mùi lá và rêu. Không có từ nào có thể diễn tả được cảm giác đó khi ta ngồi trong vùng sáng lờ mờ, đắm mình trong ánh sáng yếu ớt được phản chiếu từ shoji [cánh cửa], chìm trong trầm tư mặc tưởng hay nhìn chăm chăm ra khu vườn. Tiểu thuyết gia Natsume Soseki xem những chuyến đi vào buổi sáng đến nhà vệ sinh là một lạc thú tuyệt vời, “một khoái cảm sinh lí” như cách ông gọi. Và hẳn nhiên không thể có nơi nào tận hưởng lạc thú này tốt hơn một nhà vệ sinh Nhật-bản mà tại đó, bao quanh là những bức tường trầm lặng và tấm gỗ có những lớp vân thanh mảnh, ta nhìn ra bầu trời xanh lam và những chiếc lá xanh lục.

Như tôi đã nói, có những điều kiện tiên quyết nhất định: mức độ lờ mờ, sự sạch sẽ tuyệt đối, và yên tĩnh hoàn toàn đến mức ta có thể nghe tiếng muỗi vo ve. Từ một nhà vệ sinh như thế tôi thích việc lắng nghe tiếng mưa rơi dịu dàng, đặc biệt nếu nó là nhà vệ sinh của thời Kanto, với những cửa sổ dài, hẹp nằm ngang mặt sàn; ở đó với cảm giác thân mật như thế ta có thể lắng nghe những giọt mưa rơi từ mấy chiếc lá và những ngọn cây, thấm vào đất khi chúng chảy qua bệ của cái lồng đèn bằng đá và làm sạch đám rêu xung quanh những phiến đá lót đường. Và nhà vệ sinh là nơi hoàn hảo để lắng nghe tiếng rúc rích của bọn côn trùng hay tiếng chim hót, để nhìn lên mặt trăng, hay để hưởng lấy bất kì khoảnh khắc xúc động nào trong số những khoảnh khắc đánh dấu thời điểm giao mùa. Tôi hồ nghi đây là nơi các thi sĩ haiku suốt bao thế hệ đã bắt gặp được vô vàn ý tưởng cho mình. Quả thực, theo lẽ nào đó ta có thể khẳng định rằng trong tất thảy các yếu tố kiến trúc Nhật-bản, nhà vệ sinh là nơi mang tính thẩm mĩ nhất. Tổ tiên của chúng tôi, vốn làm thơ về mọi thứ trong đời, đã chuyển hoá cái mà đúng ra hẳn là căn phòng bẩn thỉu nhất trong nhà để trở thành nơi tao nhã hơn bất kì chỗ nào khác, ngập tràn những mối liên hệ trìu mến với vẻ đẹp tự nhiên. So với những người Tây phương, vốn xem nhà vệ sinh là nơi hoàn toàn dơ bẩn và tránh cả việc đề cập nó trong những cuộc đàm luận trang trọng, chúng tôi hiểu biết hơn nhiều và chắc chắn có được phẩm vị tinh tế hơn. Tôi phải thừa nhận nhà vệ sinh Nhật có chút bất tiện khi muốn đi vào đó lúc nửa đêm, nó được thiết lập tách khỏi khu nhà chính như nào giờ, và vào mùa đông thì ta luôn có nguy cơ bị nhiễm lạnh. Song, như thi sĩ Saito Ryoku đã nói “phong nhã là thứ giá lạnh”. Tốt hơn là nơi đó nên lạnh lẽo như ở ngoài trời; hệ thống sưởi hơi nước của nhà vệ sinh kiểu Tây phương trong khách sạn là thứ khó chịu nhất.

Sunday, June 16, 2013

Shawn McHale - In ấn và quyền lực: Những tranh luận Việt nam về địa vị của đàn bà trong xã hội, 1918–1934

Những người nghiên cứu về lịch sử Việt nam quen thuộc với sáo ngữ rằng đàn bà Việt hưởng quyền lực nhiều hơn những người tương ứng Trung quốc của họ. Tuy nhiên, các học giả đã ít phân tích những văn bản viết về hoặc do đàn bà trong thời kì thuộc địa và sản xuất ra ít bản nghiên cứu lịch sử về đàn bà Việt. Tiểu luận của tôi xem xét cung cách mà đàn ông và đàn bà thuộc giới ưu tú bắt đầu tưởng tượng lại địa vị của đàn bà trong xã hội, và cứu xét vai trò mà một nền văn hoá in ấn hiện xuất đảm nhiệm trong sự tái quan niệm này. Tôi tập trung vào những tranh luận về sự bình đẳng của đàn bà và sự giải phóng của đàn bà đã xảy ra giữa hai cuộc thế chiến.[1]

Trọng tâm bài tiểu luận của tôi sẽ là một sự so sánh của một tập hợp những văn viết xuất hiện trên tờ Nữ giới chung [Tiếng chuông cho đàn bà] vào năm 1918 cùng với một tập hợp khác được công bố trên tờ Phụ nữ tân văn [Báo đàn bà] trong đầu thập niên 1930. Năm 1918, những người viết trên Nữ giới chung đã đề cập tới nam nữ bình quyền trong khuôn khổ của sự hợp tác Pháp-Việt. Tới thập niên 1930, những người viết báo thuộcPhụ nữ tân văn đã theo một lập trường mang tính hoạt động xã hội hơn và dấn thân vào những cuộc tranh luận sôi nổi về việc giải phóng phụ nữ. Họ bác bỏ một thái độ hợp tác dễ dãi và đôi lúc chất vấn những định chế cơ bản, như gia đình, và những giá trị Nho giáo mà qua đó những định chế này đã được hiểu. Sự xuất hiện của mỗi tập hợp các bài báo bị phân cách khoảng mười lăm năm, tuy vậy một thay đổi lớn lao thì hiển nhiên trong những tri giác của giới ưu tú về vai trò của đàn bà trong xã hội.

Friday, June 14, 2013

David G. Marr - Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Nói về mặt chính trị, Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc trước đám đông ở Hà-nội vào ngày 2/9/1945 là một trong những văn bản quan trọng nhất trong lịch sử Việt-nam thời hiện đại. Đối với nhiều người thì nó biểu trưng cho hồi cáo chung của sự cai trị ngoại quốc, mặc dù chuyện này còn cần đến chín năm thử thách bằng máu lửa. Chắc chắn nó đánh dấu việc thành lập nước Việt-nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH), tiền thân của hệ thống nhà nước ngày nay, mặc dù ông Hồ đã cẩn trọng gọi tên chính quyền của mình là lâm thời, đợi tổng tuyển cử cả nước và ban hành hiến pháp.

Cơ bản hơn thì bản Tuyên ngôn chứa đựng một thế giới quan đầy kịch tính, một lịch sử cô đặc, một vài khẳng định táo bạo, những cụm từ sinh động, và hình tượng đầy cảm xúc – tất thảy những điều này nhằm cố gắng thu hút trí tưởng tượng của trước tiên là những khán thính giả trực tiếp trong số hàng mấy trăm ngàn người, và sau đó là của hàng triệu người Việt-nam khi họ nghe lại bài đọc đó hoặc đọc nó trên báo chí. Cùng với hình ảnh trực quan của một quý ông mảnh khảnh  lúc tuyên bố độc lập cho Việt-nam sau tám mươi năm chịu ách nô dịch, những điều Hồ Chí Minh nói với người dân ngày ấy đã giúp tiếp nhiên liệu tranh đấu sau đó chống trước tiên là việc quay lại của người Pháp, và tiếp sau là người Mĩ. Mỉa mai thay, tuy những phần then chốt trong bản Tuyên ngôn không nhắm trực tiếp đến người Việt mà nhắm đến người nước ngoài nhưng lại bị phần lớn những thành phần được nhắm tới đó làm lơ đi.