Bài mộ chí của thi nhân
Anh hát đến khi lìa đời
hát đặng nhắm đôi mắt mình
trước đời ngay thật, cái đời thực toàn điều dối;
và để mà nhớ cho đến chết
đời này dối dường bao, cái đời không thực toàn điều ngay.
— Octavio Paz
Bài mộ chí của thi nhân
Anh hát đến khi lìa đời
hát đặng nhắm đôi mắt mình
trước đời ngay thật, cái đời thực toàn điều dối;
và để mà nhớ cho đến chết
đời này dối dường bao, cái đời không thực toàn điều ngay.
— Octavio Paz
Hai thân thể
Hai thân thể mặt đối mặt
đôi lúc là hai con sóng
còn đêm là đại dương.
Hai thân thể mặt đối mặt
đôi lúc là hai hòn đá
còn đêm là vùng hoang địa.
Hai thân thể mặt đối mặt
đôi lúc là hai con dao
còn đêm đánh lên tia lửa.
Hai thân thể mặt đối mặt
đôi lúc là hai cội rễ
còn đêm là đất.
Hai thân thể mặt đối mặt
là hai vì sao sa
trên bầu trời trống vắng.
9 tháng Mười Một, 1968
Tôi chưa bao giờ hiểu nổi các giấc mơ, nhưng có lần tôi ghi lại một giấc mơ dường như đang cố nói với tôi một điều chi đó, dù tôi chẳng rõ đó là gì.
Tôi đóng cửa lại sau lưng khi rời khỏi nhà, nhưng lúc quay về, tôi thấy cái cửa nhập chung vào tường, các viền cửa đã mất dạng. Giữa hai lựa chọn hoặc là lần dò trên bức tường trơ trụi hoàn toàn lúc này hoặc là đào lấy một lối vào khác, lựa chọn sau có vẻ dễ hơn đối với tôi. Đó là điều tôi làm, gắng sức tạo ra một lỗ hổng đi vào. Tuy vậy, ngay khi làm được việc đó thì tôi nhận ra đây là lần đầu tiên có người vào căn hộ theo lối đó. Đây là cái cửa đầu tiên. Và mặc dù lối vào hẹp này mở vào cùng một căn hộ, nhưng tôi thấy nó như thể trước đây chưa từng thấy nó vậy. Và phòng ngủ của tôi tựa hồ nằm bên trong một khối lập phương. Đến khi ấy tôi mới hiểu ra rằng mình nào giờ đang sống bên trong một khối lập phương.
Tôi thức giấc người ướt đẫm mồ hôi, như thể mới trải qua một cơn mộng dữ, bởi lẽ, mặc cho giấc mơ ấy có bầu không khí chừng như yên bình, nhưng nó lại là cơn mộng dữ. Tôi không biết nó biểu trưng điều chi. Nhưng tôi thấy ý tưởng về "cái cửa đầu tiên" là cái làm tôi vừa thất kinh vừa thích thú đến mức tự nó làm nên cơn mộng dữ.
10 tháng Hai 1968
Đó là một giấc mơ dữ dội đến mức tôi tin nó có thật trong mấy phút. Tôi mơ bữa đó là ngày đầu năm mới. Và khi tôi mở mắt ra, tôi còn nói: Chúc năm mới vui!
Tôi không hiểu các giấc mơ, nhưng giấc mơ này đối với tôi có vẻ như bày ra một khát vọng sâu thẳm muốn có một thay đổi trong đời tôi. Tôi thậm chí không cần vui. Tôi chỉ cần năm mới thôi. Thật quá khó để thay đổi. Đôi khi máu sẽ đổ.
25 tháng Tư 1970
Một trong hai thằng con tôi nói với tôi: “Tại sao thỉnh thoảng mẹ lại viết về chuyện cá nhân?” Tôi bảo nó rằng, trước tiên, mẹ không bao giờ viết về thứ gì thật sự cá nhân, mẹ thực tế là một người rất kín. Và ngay cả với bạn hữu, tôi cũng có chừng mực nhất định. Ở cột báo xuất hiện mỗi thứ Bảy, bạn không tránh được việc kết cuộc phải bình luận về những thứ xảy ra trong cuộc sống thường nhật chúng ta và cuộc sống lạ kì của chúng ta. Tôi từng hỏi một cronista trứ danh chính xác chuyện này, lo rằng tôi đang tỏ ra quá cá nhân, mặc dù không quyển nào trong số mười một quyển sách tôi đã xuất bản có tôi xuất hiện ở vai trò một nhân vật. Ông trả lời rằng không thoát được chuyện đó trong bài crônica. Rồi thằng con tôi nói: “Tại sao mẹ không viết về vietcongue?” Thấy mình bé mọn và đê hạ, tôi nghĩ: Làm sao một người đàn bà yếu ớt như tôi có thể nói về những cái chết chẳng hề vẻ vang như thế, những sinh mạng trẻ tuổi bị cắt lìa đi ngay thời tráng niên của họ, đó là chưa nói đến những cuộc tàn sát, và hết thảy nhân danh cái gì? À, chúng ta biết đó là gì, và cảm thấy ghê rợn. Tôi bảo nó rằng tôi để mấy thứ đó cho Antonio Callado viết. Vậy mà bất chợt tôi cảm thấy bất lực, tay buông thõng hai bên. Bởi tất cả những gì tôi đã làm về vietcongue là thấy ghê rợn trước những cuộc tàn sát và thấy hoang mang. Đây là điều mà đa số chúng ta làm: cảm thấy bất lực trong căm phẫn và thấy buồn. Cuộc chiến đó làm chúng ta thấy nhục nhã.
6 tháng Sáu 1970
Tôi sẽ không bao giờ quên lần tiếp xúc đau lòng, kịch tính đầu tiên của mình với vĩnh hằng.
Hồi tôi còn nhỏ xíu, tôi vẫn chưa từng thử qua món kẹo gum, và món kẹo này cũng không ai nói đến nhiều ngay cả ở Recife. Tôi không biết nó là cái chi. Ngoài ra, tôi không có đủ số tiền cần thiết để mua một cái, dù với cùng số tiền đó, tôi có thể mua kẹo bình thường bao nhiêu cái cũng được.
Sau rốt, chị tôi để dành đủ tiền mua một ít kẹo gum, khi chúng tôi trên đường đi học, chị nói:
“Giờ hãy cẩn thận đừng làm mất nó nha, vì đây là loại kẹo không bao giờ hết. Nó kéo dài cả đời luôn.”
“Chị nói ‘không bao giờ hết” ý là sao vậy?” tôi dừng lại một chút trên đường, lòng hoang mang.
“Ý chị là nó không bao giờ hết đó.”
Tôi sửng người ra: tôi cảm thấy như thể mình đang được chuyển tới vùng đất của các câu chuyện thần tiên và các hoàng tử. Tôi lấy cái kẹo thơm hồng hồng nho nhỏ tượng trưng cho loại linh dược mang tới niềm hoan khoái vĩnh hằng. Tôi dò xét nó, gần như không thể tin nổi vào phép nhiệm mầu ấy. Tôi, một đứa như bao đứa trẻ khác, thi thoảng cũng sẽ lấy một cục kẹo vẫn còn nguyên ra khỏi miệng để dành mút sau đó và do đó làm cho cục kẹo còn đó lâu hơn. Và ở trên đường đó tôi đang cầm cái thứ hồng hồng tưởng chừng vô hại ấy, biến cái thế giới không thể kia, mà tôi mới vừa biết đến, thành có thể.
Sau rốt, tôi hết sức nhẹ nhàng cẩn thận bỏ miếng kẹo gum vào miệng.