Thursday, May 2, 2024

Clarice Lispector - Nỗi sợ cái vĩnh hằng

6 tháng Sáu 1970

Tôi sẽ không bao giờ quên lần tiếp xúc đau lòng, kịch tính đầu tiên của mình với vĩnh hằng.

Hồi tôi còn nhỏ xíu, tôi vẫn chưa từng thử qua món kẹo gum, và món kẹo này cũng không ai nói đến nhiều ngay cả ở Recife. Tôi không biết nó là cái chi. Ngoài ra, tôi không có đủ số tiền cần thiết để mua một cái, dù với cùng số tiền đó, tôi có thể mua kẹo bình thường bao nhiêu cái cũng được.

Sau rốt, chị tôi để dành đủ tiền mua một ít kẹo gum, khi chúng tôi trên đường đi học, chị nói:

“Giờ hãy cẩn thận đừng làm mất nó nha, vì đây là loại kẹo không bao giờ hết. Nó kéo dài cả đời luôn.”

“Chị nói ‘không bao giờ hết” ý là sao vậy?” tôi dừng lại một chút trên đường, lòng hoang mang.

“Ý chị là nó không bao giờ hết đó.”

Tôi sửng người ra: tôi cảm thấy như thể mình đang được chuyển tới vùng đất của các câu chuyện thần tiên và các hoàng tử. Tôi lấy cái kẹo thơm hồng hồng nho nhỏ tượng trưng cho loại linh dược mang tới niềm hoan khoái vĩnh hằng. Tôi dò xét nó, gần như không thể tin nổi vào phép nhiệm mầu ấy. Tôi, một đứa như bao đứa trẻ khác, thi thoảng cũng sẽ lấy một cục kẹo vẫn còn nguyên ra khỏi miệng để dành mút sau đó và do đó làm cho cục kẹo còn đó lâu hơn. Và ở trên đường đó tôi đang cầm cái thứ hồng hồng tưởng chừng vô hại ấy, biến cái thế giới không thể kia, mà tôi mới vừa biết đến, thành có thể.

Sau rốt, tôi hết sức nhẹ nhàng cẩn thận bỏ miếng kẹo gum vào miệng.

“Giờ em làm gì đây?” tôi hỏi, sợ là mình không thực hiện được đúng cái nghi lễ cần phải làm.

“Mút nó và hưởng cái vị ngọt đó đi, và chỉ khi nào hết ngọt thì hãy bắt đầu nhai. Và sau đó em có thể nhai đến hết đời luôn. Nếu em không làm mất nó, thì sẽ vậy, còn chị đã làm mất nhiều cái rồi.”

Đánh mất vĩnh hằng à? Không bao giờ.

Miếng kẹo ngọt khá được, nhưng chẳng có gì đặc biệt. Trong khi tôi hãy còn hoang mang trong lòng, hai chị em tôi cùng nhau tới trường.

“Bớt ngọt chút rồi. Giờ thì sao?”

“Em cứ tiếp tục nhai và nhai hoài hoài đi.”

Tôi thấy sợ, mặc dù chẳng thể nói được tại sao sợ. Tôi bắt đầu nhai và chẳng mấy chốc cái tôi có trong miệng là một miếng dai nhách nhạt nhẽo, xám màu chẳng có vị gì cả. Tôi nhai rồi nhai. Nhưng tôi thực sự có cảm giác tự ý thức. Tôi không thích vị này chút nào. Và cái suy nghĩ rằng thứ này kéo dài vĩnh hằng làm lòng tôi tuyền một nỗi hãi hùng tự nhiên mà tất cả chúng ta sẽ cảm thấy được trước ý tưởng về vĩnh hằng hoặc vô cùng.

Tôi không muốn thừa nhận rằng tôi chỉ là không sẵn sàng cho sự vĩnh hằng. Rằng chính cái ý tưởng đó làm lòng tôi tuyền một nỗi tuyệt vọng. Trong khi đó, tôi cứ tiếp tục nhai bằng lòng tuân phục, không ngừng nghỉ.

Cho đến lúc tôi không còn chịu nổi nó nữa, và, khi chúng tôi đi qua các cổng trường, tôi xoay xở được cách nhổ miếng kẹo gum đang nhai đó xuống sân cát nọ.

“Úi, không, xem kìa!” tôi nói, vờ thấy khiếp sợ và thất kinh. “Em không nhai nó thêm được nữa. Nó mất tiêu rồi!”

“Chị nói rồi mà”, chị tôi bảo, “nó không bao giờ hết, nhưng thỉnh thoảng em sẽ làm mất nó. Người ta có thể tiếp tục nhai cả ngày cho đến giờ đi ngủ buổi đêm, nhưng sau đó, để cho họ không nuốt phải nó lúc đang ngủ, họ dính nó vào một thanh giường. Đừng có lo, hôm khác chị sẽ cho em miếng nữa, và em đừng có làm mất miếng đó đấy.”

Lòng tốt của chị làm tôi thấy xấu hổ, xấu hổ vì tôi đã nói dối, bảo rằng tôi đã vô tình làm rớt miếng kẹo gum.

Nhưng cũng thấy nhẹ nhõm nữa. Không còn phải chất trong lòng mình cái sức nặng của vĩnh hằng.

Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn,
có tham khảo nguyên văn Bồ-đào-nha


Nguồn:

Clarice Lispector; (2023); Fear of Eternity; Too Much of Life (bản dịch Anh văn của Margaret Jull Costa & Robin Patterson); Penguin Books.



No comments:

Post a Comment