Friday, April 28, 2023

Margaret Atwood - Sát nhân trong tối

Margaret Atwood

Sát nhân trong tối


Đây là trò chơi mà tôi chơi chỉ mới hai lần. Lần đầu hồi tôi lớp năm, tôi chơi trò này ở một tầng hầm, tầng hầm của một căn nhà lớn thuộc về cha mẹ của một cô bé tên là Louise. Có bàn bi-da lỗ dưới tầng hầm đó nhưng chẳng ai trong số chúng tôi biết gì về món bi-da lỗ này. Còn có một cây dương cầm loại tự động. Sau một hồi thì chúng tôi phát chán cái việc cứ bỏ mấy cuộn phiếu đục lỗ vào cây đàn rồi xem mấy phím đàn tự chúng nâng lên hạ xuống, giống như một thứ trong một cuốn phim chiếu lúc đêm muộn ngay trước khi bạn thấy người chết. Tôi phải lòng yêu một thằng nhỏ tên là Bill, thằng này thì phải lòng yêu Louise. Thằng nhỏ kia, tôi chẳng tài nào nhớ tên nổi, thì lại phải lòng yêu tôi. Chẳng ai biết được Louise phải lòng yêu ai.

Vậy lại chúng tôi tắt đèn dưới tầng hầm và chơi trò “Sát nhân trong tối”, một trò khiến đám con trai vui thú vì có thể đặt tay quanh cổ bọn con gái và khiến đám con gái vui thú vì được la hét. Niềm hào hứng gần như vượt quá cái chúng tôi có thể kham nổi, nhưng may thay cha mẹ Louise về nhà và hỏi bọn tôi là bọn tôi đang nghĩ mình đang làm cái trò gì đó.

Lần thứ nhì tôi chơi trò này là chơi với người lớn; lần đó không vui bằng, dù phức tạp hơn về mặt nghĩ ngợi này kia.

Tôi nghe nói rằng ở một căn nhà nghỉ mát mùa hè thì một nhóm sáu người bình thường và một nhà thơ đã từng chơi trò này, và tay nhà thơ thực sự tìm cách giết một người nọ. Cái duy nhất cản hắn lại chính là sự can thiệp của một con chó, vốn chẳng thể nào phân biệt nổi giữa tưởng tượng và thực tại. Điều quan trọng trong trò này là bạn phải biết lúc nào nên dừng lại.

Đây là cách chơi:

Bạn gấp lại mấy miếng giấy rồi đặt chúng vào trong một cái mũ, cái tô hoặc đặt ở giữa bàn. Mỗi người chọn một mẩu giấy. Người nhận được kí hiệu x sẽ là thám tử, người nhận dấu chấm đen là kẻ sát nhân. Thám tử rời khỏi phòng, tắt đèn. Mọi người mò mẫm quanh trong tối đến khi kẻ sát nhân chọn được nạn nhân. Hắn có thể thì thầm, “Ngươi chết rồi”, hoặc hắn có thể luồn tay quanh cổ họng và thực hiện một pha bóp cổ đùa giỡn mà dứt khoát. Nạn nhân la lên rồi ngã xuống. Mọi người giờ đây phải dừng di chuyển ngoại trừ tay sát nhân, và tay này dĩ nhiên không muốn bị người ta thấy đứng gần cái xác. Thám tử đếm đến mười, bật đèn lên rồi vào phòng. Giờ đây tay thám tử có thể tra hỏi bất kì ai ngoại trừ nạn nhân, vốn không được phép trả lời, đang nằm chết. Trừ tay sát nhân ra thì mọi người buộc phải nói sự thật. Tay sát nhân phải nói dối.

Nếu thích thì bạn có thể chơi mấy trò cùng với trò này. Bạn có thể nói: tay sát nhân là nhà văn, thám tử là độc giả, nạn nhân là cuốn sách. Hoặc có lẽ tay sát nhân là nhà văn, thám tử là nhà phê bình còn nạn nhân là độc giả. Trong trường hợp đó cuốn sách sẽ là một phông cảnh hoàn chỉnh, bao gồm cái đèn bị vô tình đẩy rớt và gãy vỡ. Nhưng thực sự thì chơi mỗi trò ban đầu thôi là vui hơn rồi.

Trường hợp nào đi nữa thì đó là tôi trong tối. Tôi có mấy ý đồ với bạn, tôi đang mưu tính tội ác nham hiểm của mình, đôi tay tôi đang tiến đến cổ bạn hoặc có lẽ là đùi bạn, do vô ý thôi. Bạn có thể nghe tiếng bước chân tôi tiến gần, tôi mang đôi giày ống và cầm một con dao, hoặc có lẽ đó là một khẩu súng lục có báng súng nạm ngọc trai, dù gì đi nữa tôi cũng mang giày ống có đế mềm, bạn có thể thấy ánh sáng lờ mờ y như trong xi-nê phát ra từ điếu thuốc lá của tôi, ửng lên rồi mờ đi trong màn sương của căn phòng, con phố, căn phòng, dẫu cho tôi không hút thuốc. Cứ nhớ điều này, khi tiếng hét ngưng lại và bạn bật đèn lên: theo luật của trò chơi, tôi phải luôn luôn nói dối.

Bây giờ: bạn có tin tôi không?

Đoàn Duy chuyển ngữ


Nguồn:
Margaret Atwood; Murder in the Dark; Murder in the Dark: Short Fictions and Prose Poems; Texas Bookman, 1983.

No comments:

Post a Comment