Thursday, December 20, 2018

Mario Vargas Llosa - Niềm khoái cảm trống không của bóng đá


Mấy năm trước, tôi nghe nói nhà nhân học Brasil Roberto da Matta có một bài giảng xuất sắc trong đó ông giải thích rằng tính phổ biến đại chúng của bóng đá – mà ngày nay vẫn còn mãnh liệt như nào giờ – biểu thị khát vọng thiên bẩm của con người ta về tính hợp pháp, tính bình đẳng và tự do.

Lập luận của ông khôn khéo và thú vị. Theo ông, công chúng xem môn bóng đá như là biểu tượng cho một xã hội kiểu mẫu, được cai quản bằng những luật lệ rõ rệt và giản đơn, là những thứ mà ai cũng hiểu và tuân theo và là những thứ, nếu chúng bị vi phạm, sẽ dẫn khởi ngay hình phạt cho bên phạm lỗi. Ngoại trừ việc là một vũ đài công bình, sân bóng đá là một không gian bình quyền vốn loại trừ tất cả sự ưu ái và đặc quyền. Tại đây, trên bãi cỏ được đánh dấu bằng những vạch kẻ trắng, mọi người đều được trọng thị bởi chính con người anh ta, bởi kĩ năng, lòng cống hiến, sự sáng tạo và tính hiệu quả của anh ta. Tên tuổi, tiền bạc và sức ảnh hưởng không hệ trọng gì khi ta xét đến chuyện ghi bàn và được nhận tràng vỗ tay hay tràng huýt sáo từ trên khán đài. Hơn nữa, cầu thủ bóng đá thực thi hình thức tự do duy nhất mà xã hội có thể cho phép các thành viên của mình nếu nó không tan rã: được làm bất kì việc gì họ thấy vừa ý miễn là việc đó không bị cấm đoán một cách tường minh bởi những điều lệ mọi người đã chấp nhận.

Sau cùng, đây là cái khuấy động nên những cơn nhiệt cuồng của đám đông, ở khắp thế giới, đổ xô vào sân, dõi theo bằng sự chú tâm hết mực những trận đấu trên truyền hình và tranh cãi đủ chuyện về những thần tượng bóng đá: lòng đố kị thầm kín, lòng hoài niệm trong vô thức về một thế giới—khác với cái thế giới họ sống vốn dĩ đầy sự bất công, bất bình đẳng và nhũng lạm, bị kìm kẹp trong tình cảnh vô pháp và bạo lực—thay vào đó sẽ mang đến một thế giới hài hoà, có pháp luật và bình đẳng.

Liệu cái lí thuyết tươi đẹp này là thật? Ước chi nó vậy, bởi lẽ rõ ràng lí thuyết này là thứ mê hoặc và không điều gì có thể tạo niềm lạc quan cho tương lai nhân loại hơn chuyện để những xúc cảm văn minh đó rúc mình trong những cõi bản năng thâm thiết nơi đám đông. Nhưng điều dễ xảy ra là rằng, như luôn luôn, thực tại thường vượt qua lí thuyết, chứng tỏ lí thuyết là thứ bất toàn. Bởi vì lí thuyết luôn duy lí, hợp luận lí, trí tuệ – thậm chí cả những lí thuyết đề xuất sự vô lí và sự điên rồ – và trong xã hội và trong hành vi cá nhân, phi lí trí, cái vô thức và tính tự phát thuần tuý sẽ luôn thủ một vai trò nhất định. Chúng là thứ vừa không thể tránh né vừa không thể đo lường.

Thursday, April 12, 2018

Voltaire – Đối thoại thứ chín. Về cảnh huống nô lệ của tinh thần


B
Nếu ông chấp nhận cảnh nô lệ thể xác, thì ít ra ông sẽ không tán thành cảnh nộ lệ của tinh thần, đúng chứ?

A
Xin đừng hiểu lầm nhau. Tôi không chấp nhận cảnh nô lệ thể xác nếu xét đó như một phần của các nguyên tắc trong xã hội. Tôi chỉ bảo rằng thà người bại trận bị bắt làm nô lệ còn hơn bị giết, ở trường hợp y chuộng mạng sống hơn tự do.
Tôi bảo rằng kẻ da đen bán mình là một kẻ dại, bảo rằng người cha da đen bán đi đứa con của mình là một kẻ rợ, nhưng bảo rằng tôi là một người rất hiểu lẽ đời khi mua anh da đen kia và cho anh ta làm việc ở đồn điền mía đường của tôi. Cái tôi bận lòng đến là anh ta phải khoẻ mạnh để có thể làm việc. Tôi sẽ lấy lòng nhân mà đối đãi với anh ta, và tôi sẽ đòi hỏi lòng cảm kích từ anh ta y như từ con ngựa của tôi, mà đối với nó tôi có bổn phận cho ăn yến mạch nếu tôi muốn nó có ích dụng gì đối với tôi. Tôi ở vào vị thế đối với con ngựa của mình cũng tương tợ như Chúa trời đối với con người vậy. Nếu Chúa trời cho con người sống đôi ba phút ở cái chuồng thế gian này, thì rõ ràng ngài cần chu cấp thức ăn cho con người, bởi lẽ thật phi lí nếu ngài ban cho con người cái tài cảm thấy đói và một cái bao tử, rồi lại quên cho con người ăn.

Monday, February 5, 2018

Lydia Davis - Bọn chuột

Bọn chuột sống giữa bốn bức tường nhà chúng tôi nhưng không quấy rầy nhà bếp. Chúng tôi lấy làm hài lòng nhưng không thể hiểu nổi tại sao chúng không vào bếp nhà chúng tôi, nơi chúng tôi đã đặt bẫy, như chúng vào bếp nhà hàng xóm. Mặc dù chúng tôi lấy làm hài lòng, nhưng chúng tôi cũng bực, bởi bọn chuột cư xử như thể có gì đó bất ổn ở bếp nhà chúng tôi. Điều làm cho việc này còn rối trí hơn nữa chính là chuyện nhà chúng tôi kém ngăn nắp hơn nhiều so với mấy căn nhà hàng xóm. Có nhiều thức ăn nằm đây đó trong bếp, nhiều mẩu vụn trên các kệ bếp và mấy mảnh hành tây bẩn thỉu bám vào chân tủ bếp. Thực tế có quá nhiều thức ăn rơi vãi trong bếp đến mức tôi chỉ có thể nghĩ rằng chính bọn chuột sẽ bị điều đó hạ gục. Trong một căn bếp ngăn nắp, quả là thách thức cho chúng để có thể tìm đủ thức ăn đêm này qua đêm nọ để sống cho đến lúc xuân về. Chúng kiên nhẫn săn lùng và nhấm nháp giờ này qua giờ nọ đến khi thoả ý. Tuy vậy, trong bếp nhà chúng tôi, chúng lại đối diện với một thứ quá ư vượt tầm mức so với kinh nghiệm của chúng đến nỗi chúng không thể đương đầu chuyện đó. Chúng có thể đánh bạo ra ngoài một mấy bước, nhưng rồi cảnh tượng và mùi bao trùm nhanh chóng khiến chúng chạy trở lại vào mấy cái hốc, lòng thấy khó chịu và lúng túng trước sự tình rằng chúng không thể bới tìm thức ăn như việc cần phải làm.

Đoàn Duy chuyển ngữ
Sài-gòn,
2018.02.05
Nguồn:
Davis, Lydia. (2001). Mice. Almost No Memory. Picador.


Friday, February 2, 2018

Christopher Goscha – Historical Dictionary of the Indochina War (1945-1954) – Các hiệp định Genève

Hội nghị Genève năm 1954 được xếp vào hàng những cuộc hội họp quốc tế quan trọng nhất trong lịch sử hệ thống quốc tế thời hậu Thế chiến II.
Cái chết của Joseph Stalin vào tháng Ba 1953 và vụ ngừng bắn tại Triều-tiên vài tháng sau đó là hai sự kiện mở đường cho mối quan hệ hữu hảo giữa Đông và Tây mà trước đó vốn rất căng bức ở khắp nơi trên địa cầu. Chiến tranh Triều-tiên nổ ra vào tháng Sáu năm 1950 đã thử thách khả năng của quân đội Liên hợp quốc do Mĩ dẫn dắt trong việc chống lại quân đội Trung-quốc và [Bắc] Triều-tiên do Xô-viết hậu thuẫn. Kể từ năm 1950, Trung-quốc và ở chừng mực ít hơn là Xô-viết đã hỗ trợ quân lực Việt-nam Dân chủ Cộng hoà chống lại quân của Liên hiệp Pháp, do Mĩ hậu thuẫn. Khi Stalin qua đời và súng ngừng bắn ở Triều-tiên, giới lãnh đạo mới trỗi lên ở Xô-viết đã tỏ bày tường minh rằng họ muốn giảm mối căng bức cả ở châu Âu lẫn châu Á để tập trung vào những vấn dề kinh tế nội bộ. Hoà hoãn là một cách để xúc tiến quá trình này. Đồng minh Trung-quốc của họ cũng có cùng quan điểm này. Chiến tranh Triều-tiên đã cho thấy Bắc-kinh bị rút cạn nguồn nguyên liệu lẫn nhân lực. Công cuộc tái cơ cấu triệt để về kinh tế và xã hội theo đường hướng cộng sản, bao gồm cuộc cải cách ruộng đất đã làm đất nước này suy kiệt. Bị Hoa-kì cô lập về đường ngoại giao, giới lãnh đạo Trung-quốc cũng cảm thấy rằng một hội nghị quyền bính lớn ở châu Á sẽ cho phép họ có kết cuộc được gia nhập dàn hợp tấu các quốc gia trên trường quốc tế. Xô-viết cũng đồng thuận với ý đó.
Người Pháp và người Anh đồng ý rằng đó là thời điểm chín muồi nhằm thuyên giảm mối căng bức trong hệ thống quốc tế. Năm 1953, tổng thống Pháp Joseph Laniel hiểu rằng Pháp không thể chu cấp cho Chiến tranh Đông-dương được nữa khi xét đến việc tạo dựng các mối cam kết quân sự với tuyến phòng thủ Tây Âu. Giữa năm 1953, Laniel điều Henri Navarre đến Đông-dương để tạo các điều kiện quân sự cần thiết nhằm hướng đến việc kết thúc trong danh dự cuộc Chiến tranh Đông-dương trên bàn đàm phán. Thuyên giảm mối căng bức với Đức là điều đầu tiên trong danh sách các chủ đề cần bàn thảo, khi những bộ trưởng ngoại giao của Pháp, Anh quốc, Xô-viết và Mĩ tề tựu ở Berlin vào đầu năm 1954. Tuy nhiên, tại Berlin, họ đã quyết định rằng cuộc họp kế tiếp, tổ chức ở thủ đô Genève của Thuỵ-sĩ, sẽ bàn thảo về hai điểm nóng toàn cầu trong hệ thống quốc tế, đều nằm ở châu Á—Triều-tiên và Đông-dương.

Friday, January 26, 2018

Ursula K. Le Guin - Những thư viện của tôi

Bài nói chuyện vào năm 1997 ở buổi ăn mừng việc trùng tu Thư viện Hạt Multnomah của Portland.

 

Một thư viện là một tâm điểm, một chốn thiêng đối với một cộng đồng; và tính thiêng của nó nằm ở chỗ ai cũng vào được, ở chỗ nó công cộng. Đó là chốn của mọi người. Tôi nhớ đến một số thư viện, một cách sống động và đầy hân hoan, như là thư viện của tôi vậy – những thành tố làm nên đoạn đường đời đẹp nhất của tôi.

Thư viện đầu tiên tôi biết rõ là cái nằm ở Saint Helena, California, thuở ấy còn là một thị trấn nhỏ, an bình và đậm chất Ý. Thư viện đó là loại thư viện nhỏ thuộc quỹ Carnegie, trát vữa trắng, lạnh mát và im lìm vào những buổi chiều tháng Tám đổ lửa lúc mẹ tôi để anh trai tôi và tôi ở đó trong khi bà ghé qua tiệm Guigni và tiệm Tosetti. Karl và tôi đi khắp căn phòng cho trẻ em, tựa như những quả phi đạn tầm chữ vậy. Sau khi anh em chúng tôi đọc hết mọi thứ, bao gồm cả mười ba quyển truyện phiêu lưu của một cậu bé thám tử mập, thì chúng tôi phải được phép đi vào Phía Người lớn. Việc đó thật khó đối với mấy vị thủ thư. Họ cảm thấy như họ đang lôi bọn nhóc tì chúng tôi vào một căn phòng đầy dục tình, chết chóc và đám người lớn quái lạ như Heathcliff và nhà Joad; và thực tế là họ đúng quái lạ. Bọn tôi hàm ơn rất mực.