António Lobo Antunes
Ngợi ca những vùng ngoại ô
Tôi lớn lên ở vùng ngoại vi Lisboa, ở Benfica, một vùng vào thời điểm ấy chỉ có những khu vườn be bé, những con đường nhỏ, những căn nhà thấp, và lúc hoàng hôn lại nghe các bà mẹ kêu vang
– Vííííííítor
to đến mức, từ con đường Rua Ernesto da Silva, tiếng kêu đó vọng đến chỗ đám cò đậu trên các ngọn cây cao thật cao và nhận chìm đám công ở cái hồ bên dưới mấy cây dương. Tôi lớn lên ở cạnh một thành luỹ nhỏ mang tên Portas de Benfica, vốn là cái tách chúng tôi ra khỏi một mặt là khu vực Venda Nova và mặt khác là đường Estrada Militar, ở một vùng đất có các trạm thuộc khu giáp ranh là hiệu dược phẩm của senhor [ông] Jardim, tiệm tạp hoá của Careca, tiệm bánh của senhor Madureira và tiệm thuốc lá của senhor Silvino. Tôi hay lượn lờ vào buổi chiều khi đi ngang qua chỗ ông thợ sửa giày, senhor Florindo, người cứ hì hục sửa mấy cái đế giày trong một căn phòng nhỏ tối tăm, vây quanh là những người mù ngồi ở những hàng ghế thấp họ toả ra cái mùi của da giày và mùi nghèo khó, vốn luôn là cái mùi thiêng liêng duy nhất tôi biết được. Dona (Bà) Maria Salgado, dáng người nhỏ ốm và thường xuyên than khóc, mang một cái hộp chứa Thánh Gia đi từ nhà này đến nhà kia, và trong quãng thời gian hai tuần ông bà tôi sẽ đón nhận vào phòng khách ba nhân vật đất sét ấy bên dưới mái vòm thuỷ tinh mờ đục mà những người hầu gái sẽ thắp sáng lên bằng mấy cây đèn dầu bé tí. Tôi lớn lên với senhor Paulo người khâu lại cánh chim sẻ bằng sợi chỉ và những mẩu sậy, cùng gia đình Ferra-O-Bico có người cô bỏ nhà đi với một tay du mục và kết cuộc sống ở bãi biển, xem bói cho thiên hạ và quấn quanh người bộ đồ đen tựa hồ quả phụ của một người thuỷ thủ không bao giờ quay trở về bờ. Mấy đứa bạn của tôi có những cái họ vang rền
(Lafayette, Jaurès)
và sống ở mấy căn hộ tầng hầm có cửa sổ ngang với vỉa hè và qua đó ta có thể thấy mấy cái máy thu thanh thật to, mấy cái chậu cây húng quế và mấy bà mẹ đỡ đầu mang dép đi qua lại. Tiếng sủa của con chó gác xưởng thuộc da nó ửng lên màu phốt-pho trong buổi đêm tháng Bảy, như phấn hoa keo trút xuống mí mắt tôi, và tôi, yêu mê mệt bà vợ của Sandokan, phát hiện thấy bản thân mình là một loài kì lân trong lúc bị nhốt trong toilet trường, và Chuẩn tướng Maia, đội mũ bê-rê xứ Basque, bước những sải dài tới quán rượu trong vùng – quán Adega dos Ossos – ra sức chửi chế độ. Những ngày ấy khi tôi mười bảy tuổi và lần đầu chơi hockey trên băng ở câu lạc bộ bóng đá Benfica, tay thủ môn, mang đệm chân và mặc đồ bảo hộ như một vị nam tước thời trung đại, chỉ tay vào tôi cho mấy đứa bạn kinh ngạc của nó thấy
– Thằng tóc vàng đó có ba là bác sĩ
và đây hoá ra vừa là vinh quang thể thao đầu tiên vừa là trách nhiệm ghê gớm đầu tiên của tôi, từ cái thời điểm mà huấn luyện viên, sau khi liếc nhìn cơ bắp của tôi ra chiều tán thưởng, đã nói bằng giọng hồ nghi
– Nào, xem thử cậu làm được gì nào, nhóc tóc vàng, vì ba cậu quả tình có mấy nắm đấm khiếp lắm.
Chủ Nhà thuốc União cầm gậy tập mấy thế võ; vợ của chủ Nhà thuốc Marques là một người đàn bà khêu gợi dáng dấp kiểu Hi-lạp có cặp hông giống cái vò amphora cùng đôi mắt nháng lửa, mà khi tôi gặp bà vào ngày Chủ nhật lúc bà đang trên đường tới nhà thờ thì bà là người làm tôi quên đi hẳn bà vợ của Sandokan; người kéo chuông, hay được người ta kêu bằng cái tên Zé Búa-tạ, và là người chơi bản nhạc ‘Con vẹt vàng’ (Papagaio Loiro) trong giờ Tôn vinh Thánh Thể của thánh lễ misa buổi trưa thay vì bản nhạc tôn kính và bắt buộc ‘Mười ba tháng Năm’, là người sở hữu một nhà tang lễ có tờ bướm bắt đầu bằng câu “Cớ gì lại sống tiếp khi mà với 100 escudo các vị có thể có được một đám tang thật bảnh?” Khi không chơi hockey, tôi ngồi viết thơ, và lén hút thuốc lá – một nửa trong tôi chạm đến siêu sao hockey Jesus Correia còn nửa kia là Camões – và tôi nghe lòng mình vui một cách khiếm nhã.
Giờ, nếu đến Benfica, tôi không thể tìm ra Benfica. Mấy con công đã im tiếng và chẳng còn con cò nào trên ngọn cây cọ bên ngoài bưu điện
(không có cây cọ nào bên ngoài bưu điện, còn căn nhà thuộc sở hữu của gia đình Lobo Antunes đã bị bán đi)
Senhor Silvino, senhor Florindo và senhor Jardim đều đã qua đời, những toà nhà cao được xây lên ở chỗ mấy căn nhà đó, nhưng tôi ngờ rằng bên dưới mấy khối nhà cao năm sáu bảy tám chín tầng đó, nơi nào đó bên dưới các mái hiên và các chi nhánh ngân hàng, senhor Paulo vẫn còn dùng chỉ và các mẩu sậy để khâu lại mấy cánh chim sẻ bị gãy, dona Maria Salgado vẫn còn đi từ nhà này qua nhà nọ tay cầm hộp thuỷ tinh chứa Thánh Gia, Lafayette và Jaurès đang chơi mấy trò của chúng trên đường Calçada do Tojal, xung quanh là mấy chậu cây húng quế và mấy bà mẹ đỡ đầu mang dép đi qua lại. Không có công cũng chẳng có cò, vậy mà cây keo ở nơi từng là khu vườn của ba mẹ tôi lại cứ nhất quyết sống tiếp. Có lẽ chỉ cây keo mới sống tiếp nổi, có lẽ chỉ mỗi nó sót lại từ những ngày ấy, tựa hồ cột buồm của một con tàu bị chìm, nhô lên trên khỏi mặt sóng. Cây keo là đủ đối với tôi. Các cửa tiệm và các khoảnh sân đã bị san phẳng, không còn ai chơi bản ‘Con vẹt vàng’ bằng tiếng chuông nhà thờ, nhưng cây keo vẫn sống tiếp. Nó sống tiếp. Và tôi biết rằng nếu tôi đứng kế bên nó, nhắm mắt lại và áp tai mình vào thân cây, tôi sẽ nghe tiếng mẹ tôi kêu
– Antóóóóóóóónio
và một thằng bé tóc vàng sẽ chạy băng qua sân, với cái bịch chứa các viên bi ở trong túi, và đi ngang qua thậm chí không nhìn thấy tôi và sẽ đi lên lầu biến mất vào phòng nó, để mơ đến bà vợ của Sandokan, người không bao giờ buộc nó phải ăn khoai tây nghiền hay xúp củ cải trong cơn khổ sở của bữa ăn tối.
Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn của Margaret Jull Costa
No comments:
Post a Comment