Tam vận cú
Khi anh viết, tuyệt không nhìn về phía biển,
anh nhận thấy cây bút chì nơi đầu ngọn run lên —
đó là lúc mấy ngọn hải đăng sáng đèn.
— Yiannis Ritsos
Tam vận cú
Khi anh viết, tuyệt không nhìn về phía biển,
anh nhận thấy cây bút chì nơi đầu ngọn run lên —
đó là lúc mấy ngọn hải đăng sáng đèn.
— Yiannis Ritsos
Rạp xiếc
Rạp xiếc đêm, bao ánh đèn, cùng tiếng nhạc,
nhiều xe lấp lánh dọc suốt chiều dài đại lộ.
Khi đèn tắt cả khu phố này,
khi nốt nhạc cuối rớt xuống tựa chiếc lá khô,
bề mặt tiền rạp xiếc tuồng như
một bộ răng giả khổng lồ. Lúc ấy
mấy cây kèn đồng ngủ yên trong hộp,
mấy con thú ta nghe đương gầm vang trên trời đô thị,
con hổ kia trong chuồng dán mắt vào bóng mình không thôi,
tay dạy thú trút bỏ bộ đồ rồi làm một điếu thuốc.
Và khu phố lại sáng đèn lúc này lúc nọ
khi đôi mắt sư tử loé lên sau các chấn song.
— Yiannis Ritsos
Lydia Davis
Egg
Từ dành cho ‘trứng’ trong tiếng Hà-lan là ei. Trong tiếng Đức nó là Ei, trong tiếng Yiddish là ey, trong tiếng Anh Cổ là ey. Từ dành cho trứng trong tiếng Na-uy là egg, trong tiếng Iceland nó là egg, trong tiếng Faroe là egg, trong tiếng Thuỵ-điển là ägg, trong tiếng Đan-mạch là æg. Trong tiếng Bắc Âu Cổ từ đó là egg, trong tiếng Anh Trung đại là egge. (Trong tiếng Pháp nó là oeuf.) (Trong tiếng Gaelic xứ Scotland nó là ugh.)
Hai em bé người Mĩ, cách đây đã lâu, đang tập nói – chúng đang tập tiếng Anh, chúng không có chọn lựa nào. Chúng sắp mười tám tháng tuổi, một đứa lớn hơn đứa kia một tuần. Đôi khi chúng giành nhau đồ chơi, lúc khác chúng tự mình chơi trong thầm lặng trong cùng một phòng.
Ở sàn phòng khách, hôm nay, một bé thấy một thứ trắng tròn trên thảm lót sàn. Nó đứng dậy, có chút khó khăn, và đi lẫm chẫm đến vật ấy. Nó nói “Eck?” Nghe thế, đứa còn lại ngẩng lên, thấy hứng thú, đứng dậy, cũng có chút khó khăn, đi lẫm chẫm lại để xem, và nói “Ack!” Chúng đang học từ này, chúng gần như có được từ đó. Chuyện chẳng hề quan trọng gì khi cái vật trắng tròn đó không phải quả trứng mà là quả bóng bàn. Theo thời gian thì chúng cũng sẽ học được thứ này thôi.
Lydia Davis
Một khoảnh khắc xa xưa: Nhiếp ảnh gia lưu động
Một nhiếp ảnh gia lưu động vừa sắp đặt máy ảnh, mấy cây đèn và một cái ghế ở một tiệm tạp hoá nọ. Cảnh này từng xuất hiện cách đây nhiều năm. Tôi đã ở đó, bản thân tôi đã thấy cảnh này. Lúc này một cô bé nhỏ xíu đang ngồi trên ghế, một em bé không hơn. Anh ta đang khổ sở với con bé. Con bé không cười. Con bé nghiêm nghị nhìn anh. Sau rốt, trong tuyệt vọng, anh ta cầm lên con hươu cao cổ màu cam, bước một bước tới con bé, và vẫy con thú cách dữ dội trước mặt con bé. Thấy thế, con bé há miệng to, để lộ ra hai răng hàm dưới, hai răng duy nhất, rồi oà lên khóc.
Bài học thiên văn
Tiếng cười lặng thinh đó
Của tinh tú
Ở bầu trời đêm
Nói ra hết
Cái ta cần biết.
— Charles Simic
Lydia Davis
Bức thư gửi cha
Celan, khi nói về Kafka, nói rằng: “Một bài thơ luôn là một
bức thư gửi cha.”
Tôi kể điều này cho một người bạn thi sĩ nghe.
Người bạn thi sĩ đáp lời:
“Celan hẳn là có một người cha khác với người cha tôi từng có.”
Anh ngừng lại nghĩ ngợt và sau đó hỏi, “Khác với người cha tôi có? . . . “
Cha anh đã mất.
“Tôi có một người cha, hay tôi từng có một người cha?”
Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy.
Lydia Davis
Một mẩu tin ngắn cách đây đã lâu
Chúng tôi nghe được câu chuyện này cách đây nhiều năm ở chương trình tin tức buổi tối: một cặp cô dâu và chú rể vào đêm đám cưới của họ đã uống say sưa cùng bạn hữu và sau đó lên xe của cô dâu và lái đi mất. Ở con đường cụt gần một cầu vượt, họ ngừng xe, tắt máy, và bắt đầu cãi nhau ầm ĩ. Tiếng cãi nhau có thể nghe thấy ở mấy căn nhà gần đó và tiếp tục như thế một đỗi thật lâu đến mức những người khu lân cận bắt đầu lắng nghe. Một hồi sau, chú rể quát lên với cô dâu: “Được rồi, vậy cán tôi đi”. Tới lúc này, mấy người khu đó cũng đang trông ra từ cửa sổ. Anh chàng bước ra khỏi xe, đóng sầm cửa lại, và nằm xuống ngay trước bánh xe trước bên phía ghế hành khách. Cô dâu nổ máy xe và lái chiếc xe nặng 1800 kí-lô cán qua anh chàng. Anh ta chết ngay tức khắc. Cuộc hôn nhân của họ chỉ thọ có mấy tiếng. Vào lúc chết, anh chàng vẫn còn đang mặc bộ tuxedo.
Những con sông không lời
Khi con sông cắt ra, nó cắt ra hẳn
lời lẽ của sông nước nó đang cất
tiếng;
cắt ra, con nước đứt ra từng khoảnh,
thành các vũng nước, con nước tê
liệt.
Đặt trong một vũng, con nước tựa hồ
con chữ đặt trong quyển từ điển:
đơn độc, đứng trong một vũng chính
nó,
và, bởi nó đang đứng, nó tù đọng.
Bởi nó đang đứng, nó lặng câm,
và lặng câm bởi nó không qua lại với
điều chi,
bởi kết cấu sông nay bị cắt rời.
còn đâu dòng nước cho sông chảy
trôi.
*
Dòng chảy của con sông, cái mạch lời
sông đó,
hiếm khi nào nối lại được ngay;
con sông cần dòng nước nồ nà
hầu tái tạo mạch chảy đã tạo nên
nó.
Trừ phi có tiếng khuếch khoác ầm ĩ
của con lũ
đặt một ngôn ngữ khác vào, tạm
lưu,
chứ con sông cần thật nhiều dòng
nước
cho các vũng được nhóm lại tỏ bày
-
được nối lại, từ vũng này sang
vũng kia
làm thành những đoạn ngắn, rồi đoạn
với đoạn,
đến khi dòng sông câu chữ của một
mạch lời duy nhất
trong đó nó có thể cất tiếng, sẽ
kháng lại cảnh hạn khô.
— João Cabral de Melo Neto
Bất thần
Đêm lặng. Lặng. Và mi đã ngừng
Đợi chờ. Cảnh gần như bình yên.
Và bất thần chạm trên mặt mi, thật rõ rệt,
là một người vắng bóng. Y sẽ tới. Đoạn
tiếng đôi cửa chớp tự mình vỗ đập.
Lúc này gió đã nổi. Và ở xa xa, biển khơi
đương chìm trong chính giọng của nó.
— Yiannis Ritsos
Bình minh
Tỉnh giấc, và tiếng gà gáy
Vẳng nghe từ một chốn xa xôi,
Mở ra tấm màn cửa đó
Và thấy mây xê ngang trời –
Lạ lùng biết mấy
Lòng này lại vô tình, và lạnh lẽo tựa hồ thức mây.
— Philip Larkin
Những con cóc
Cớ sao tôi để việc con cóc
Ngồi xổm lên đời mình?
Lấy trí lự làm cây chĩa mà chẳng thể
Xua đi thứ gớm ấy sao?
Sáu ngày trong tuần nó gây nhuốc nhơ
Bằng chất độc bịnh hoạn của nó -
Chỉ để trả mấy tờ hoá đơn!
Chuyện thật kì khôi quá đỗi.
Biết bao kẻ sống nhờ trí lự:
Lão sư, kẻ líu lưỡi,
Hạng lông bông, lố lăng, lầy lội -
Họ đâu chịu cảnh khốn cùng.
Biết bao kẻ sống ở lề đường
Nhóm lửa ở trong xô,
Ăn trái rụng và cá mòi hộp -
Chừng như họ ưng vậy.
Đám nhóc con họ đi chân trần,
Mấy bà vợ không nói nên lời
Thân gầy như loài chó săn - ấy vậy
Đời họ đói khát chẳng một ai.
A, liệu can đảm tôi đủ chăng
Để gào Mớ tiền hưu dẹp đi!
Nhưng tôi biết, quá rõ rệt, cái mớ đó
Nó làm nên giấc mơ:
Bởi một thứ nào kia tựa hồ con cóc
Cũng ngồi xổm trong tôi;
Nó ngồi đó gây nặng lòng như ách vận,
Và lạnh như băng,
Và không hề cho tôi có lời phỉnh tiếng phờ
Hầu tự mình có được
Danh vọng và tình nhân và tiền tài
Trong tay cùng một lúc.
Tôi không nghĩ, con này gây nên hình hài
Lẽ thật thuộc linh của con nọ;
Nhưng tôi nghĩ bỏ một con thật khó thay,
Khi ta có cả hai.
— Philip Larkin
César Aira
Con chó
Hôm ấy tôi ở trên xe buýt, ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra ngoài đường. Bất thần, một con chó bắt đầu sủa ầm ĩ gần đó. Tôi rán nhìn xem nó ở đâu. Mấy hành khách khác cũng nhìn như tôi. Xe buýt không quá đông: tất cả ghế đều có người ngồi, chỉ vài người đứng; họ có cơ hội tốt nhất để thấy con chó, vì họ nhìn từ vị trí cao hơn và nhìn được ra cả hai bên. Ngay cả với người đang ngồi như tôi, xe buýt cũng cho tầm nhìn cao, giống như loài ngựa đối với tổ tiên ta: la perspective cavalière [viễn cận kị sĩ]. Đó là lí do tôi thích xe buýt hơn xe hơi, vì xe hơi chở bạn ở vị trí thấp, sát mặt đất. Tiếng sủa phát ra từ bên tôi ngồi, phía vỉa hè, điều đó hợp lẽ. Tuy vậy, tôi vẫn không thấy được con chó, và do xe đang chạy nhanh, tôi nghĩ quá muộn rồi; chúng tôi hẳn đã bỏ lại nó đằng sau. Con chó đã khơi dậy một chút hiếu kì vốn luôn có mặt xung quanh một sự cố hoặc một tai nạn, nhưng ở trường hợp này, ngoài âm lượng của tiếng sủa, gần như không gì cho thấy có điều gì đã xảy ra: mấy con chó người ta dắt đi trong thành phố hiếm khi sủa, trừ phi sủa những con chó khác. Vậy là sự chú ý của các hành khách bắt đầu phai đi . . . rồi bất thần người ta tập trung trở lại: tiếng sủa vang lên lần nữa, lớn hơn trước. Lúc đó tôi thấy con chó. Nó chạy dọc vỉa hè và sủa vào xe buýt, đuổi theo xe, phóng thật nhanh hòng bắt kịp xe. Điều này thật lạ. Ngày xưa, ở các thị trấn miền quê và các khu ngoại vi thành phố, chó thường chạy theo xe, sủa vào bánh xe; đó là điều tôi nhớ rõ từ thời thơ ấu ở Pringles. Nhưng giờ ta không còn thấy điều đó nữa; như thể chó đã tiến hoá và trở nên quen với sự hiện diện của xe. Và hơn nữa, con chó này không sủa vào bánh xe buýt mà sủa vào nguyên chiếc xe, ngẩng đầu lên, nhìn chăm chăm cửa sổ. Tất cả hành khách đều nhìn ra. Có lẽ chủ của con chó đã lên xe, quên mất nó hoặc bỏ rơi nó? Hoặc có lẽ ai đó đã tấn công người chủ hoặc cướp đồ của người chủ? Nhưng không, xe buýt nãy giờ đang chạy dọc theo phố Avenida Directorio liên tục không dừng qua mấy dãy nhà , và chỉ đến dãy nhà hiện thời thì con chó mới bắt đầu đuổi theo. Những giả thuyết phức tạp hơn – chẳng hạn như xe buýt đã cán qua chủ con chó hoặc một con chó khác – có thể gạt ra được rồi, vì không có chuyện như vậy. Hôm đó là chiều Chủ nhật và đường phố tương đối trống trải: một vụ tai nạn xảy ra thì ắt là người ta sẽ biết.
Đám cây
Đám cây kia đương sắp sửa ra lá
Tựa một điều gần như được nói ra;
Đám chồi non buông lơi và giăng trải,
Màu xanh xanh chính là nỗi bi ai.
Phải chăng chúng được sinh ra trở lại
Còn ta già đi? Đâu, chúng cũng chết.
Trò trở mình tươi mới diễn hằng năm
Được ghi vào mấy vòng gỗ thân này.
Dù vậy mấy thành trì xôn xao vùng vẫy
Mỗi tháng Năm lúc thân cao tán rợp.
Năm rồi đã chết, chúng nói dường vậy,
Tươi mới trở lại, trở lại, trở lại.
— Philip Larkin
Hình thù trên vỏ cây
Và vào ngày thứ ba tôi thu mình trong tịch lặng,
dưới trời xám vướng lại trong mảng sáng nhặt thưa,
và lạc mất mình trong nỗi đau không đáy
như kẻ nô lệ mê mải một vọng cầu xa xuôi,
trong một khắc ập đến tôi khoảng xanh um tráng lệ,
tháo bỏ đi tấm màn che mắt che tai,
tôi làm ván cược mới trong ánh dương tinh nghịch,
trở nên kẻ khổng lồ trong cảnh đời tháng Sáu.
Và tôi lại bước vào một vũ trụ mới
tựa quỷ lùn trung trinh trong cõi chân lí hư huyễn,
thoáng cái thấy mình được bao bọc giữa đất trời
hoang dã, vội mơ mòng và mang hi vọng rồ điên.
Và nhìn đi, những ý nghĩ dịu ngọt lẻn tìm đến tôi
và tôi khắc con tim ở trên vỏ thân cây nọ.
Mười năm trôi làm nó nhăn lại thành một quắc nhìn ghê sợ,
một đài kỉ niệm quái dạng cho con người tôi đây.
— Edvard Kocbek
Nghi thức đêm
Ngôi nhà nghiêng bên dưới vòm cây,
ngọn gió quỳ ngay trước cửa,
nỗi sợ nó cụp đuôi,
các vì sao tự xếp thành hàng lối,
các thiên sứ bày ra buổi đêm
để thờ phượng.
Đất là bình hương,
bóng đêm là than hồng,
và con người là hương trầm.
Tôi sa vào lửa than,
giữa đám cháy tàn dịu ngọt,
tôi trở thành hương thơm.
— Edvard Kocbek
António Lobo Antunes
Hôm qua, lúc ba giờ chiều
Tôi quen Pedro cũng lâu như tôi quen chính mình vậy. Hai đứa tôi từng sống ở Travessa dos Arneiros, ở Benfica, tôi dưới đây, giữa chỗ ông thợ sửa giày senhor Florindo và cửa hàng bán than họ bán than bánh và vang đỏ và sống tại đó còn có con quạ cánh cụt nó cứ tuôn lời sỉ vả thế giới này từ cái sàn đầy mùn cưa, còn Pedro và người bà, sống gần nghĩa địa, trong một căn nhà nhỏ có mấy con Bambi sứ trên kệ và một cây sơn trà mọc áp sát tường.
Hai đứa tôi cùng đi học ở trường của senhor André, bọn tôi cùng nhau sưu tầm thẻ hình cầu thủ bóng đá và ảnh chụp các minh tinh điện ảnh thường hay nhét vào mấy gói kẹo cao su, bọn tôi đi gom tiền cho Santo Atónio ở Largo Ernesto da Silva và đọc tờ Ecos de Pombal mà bà của Pedro đặt mua dài hạn, đặc biệt hay đọc mục cáo phó đầy những câu chữ bất ngờ. Tôi nhớ một bản cáo phó thông báo cái chết đúng lúc ở Brasil của Trung tá Ernesto da Conceição Borges, “người chú của đồng nghiệp thân thương của chúng tôi Carlos Alberto Borges”. Cá nhân tôi thì tôi hi vọng không bao giờ chết đúng lúc vậy để một thằng cháu nào đó được nhờ.