Những màu xa băng
Đọc thơ Nguyễn-thụy-Đan in hoc tempore
[Poetry] is the most concentrated form of verbal expression.
([Thơ] là hình thức có độ kết tập cao nhất của sự biểu hiện ngôn từ.)
— Ezra Pound
[M]ỗi âm có một tình ý riêng, mỗi thanh có một tứ lạ gửi vào tình ý nọ,
và âm thanh chế biến vô cùng để diễn tả muôn vàn ý niệm.
— Đoàn Phú Tứ
Trời hoàng hôn ám đạm, một con chim đa đa chạy lủi vào bụi cây. Thơ chẳng phải thứ nằm ở trang giấy, thơ thật nó trượt vào áng hoàng hôn kia rồi. Tôi tưởng bà Emily D., giả như bắt gặp cảnh tượng kia, ắt sẽ nói ra như thế.
Tập thơ 'in illo tempore' của Nguyễn-thụy-Đan tiên sinh là một xuất hiện lạ, lạ từ cái nhan, cái bìa hồng màu thịt da cho đến cái chữ cái nghĩa bên trong, như thể bước ra từ các "nẻo bụi mù ký-vãng". Dầu vậy mặc lòng, đầu hết cái ấn tượng khi đọc thơ anh không phải ở lối dụng chữ thật phu, mà ở các phân mảnh rải khắp, ngắt ra bằng các chấm. Đương nghe âm văng vẳng. Những mạch ngầm xưa. Hốt nhiên phải trở lại. Nhìn đời đứt đoạn. Từng khúc. Và thấy
vui buồn tan cuộc giữa dòng buồn vui.
(di-chúc i)
Trong những rời rạc ấy
dù hiện-hữu tan rã thành dáng vẻ
của vô-biên. trong quạnh quẽ thần-kinh
vẫn chưa nguôi ám-ảnh hồi chung-kết.
Cõi hiện hữu rồi sẽ phân rã và hoà tan vào cõi vô biên quanh nó, và dầu biết thế thì trí óc ta vẫn cứ mãi nghĩ khôn ngớt về hồi cáo chung của thân tâm. Nghĩ tới cõi đời tan biến để thấy vạn sự vạn vật bỗng chốc vô nghĩa lí, và khi ấy hoặc ta chịu khuất phục rồi sa vào cảnh tuyệt vọng hoặc ta cần có một cú nhảy đức tin, hay đúng hơn là cú nhảy vào đức tin, để vượt qua. Vũ trụ quan phái Stoa cứ như đang hội cùng triết lí hiện sinh nơi Kierkegaard để bày ra tình trạng của kẻ-nói:
tôi nói sảng. trong ma-cảnh sốt rét
vì tiếng người dường đã hết lung linh
chúa úa vàng giữa trang kinh nguyện cũ.
tôi đã nghe. lẫn ngọn gió chiều đổ
nỗi cuồng-điên vò võ của loài muông
sẫm đói khát và trần truồng kinh-hãi.
Sau cuối, như chu kì thế giới xoay vần trong vũ trụ quan Stoa, kẻ ấy rốt cuộc
đã nghe. bước chân người trở lại.
Bài 'hiển-linh' này là bài gây thích thú với tôi hơn cả, không chỉ vì các tầng ý nghĩa mà còn ở những chữ gợi ảnh tượng mãnh liệt: "trí nhớ băng huyết" liền theo sau là "tuyên-tín bệ-vệ", "ma-cảnh sốt rét" cùng "chúa úa vàng", "cuồng-điên vò-võ" lẫn trong "ngọn gió chiều đổ".
Chen vào giữa những bài thể tự do trong tập là số ít bài theo thể truyền thống, ngân nga rỉ rả lai rai, tựa những doành quyên lọt giữa khung cảnh thâm u.
Trăng cố-quốc ngỡ miền trời bể
ghế công-viên kể khẽ hưng-vong
nhắc thầm buổi anh-hùng rơi lệ
những đời người quạnh quẽ xuôi đông.
(dạ-thoại)
tôi tìm mãi những tia sự thật
lẫn sáo-ngôn tươm tất hư-không
đôi khi. đồng vọng mông-lung
giọng ai cách-tuyệt trùng-trùng bụi tro.
(đối-ca chờ sáng)
Khi biết thơ anh chuẩn bị xuất bản, tôi có nói đùa với mấy bạn hữu rằng, có khi thầy Đan viết cả tập này bằng thứ tiếng Việt thời Nguyễn Trãi cũng nên. May thay không phải vậy, dù rằng có đó đôi chữ từ thuở xưa lắm được anh tuồn vào.
chuông rền mây sớm nẻo tàn-thu
(ad matutinas)
Chữ ‘nẻo’ hiện ra tại đây quả là một ngẫu nhĩ li kì đối với tôi. Ngay trước lúc đọc tập thơ này ít ngày, tôi phát hiện rằng 'nẻo' trong Việt ngữ thời vãng khứ còn mang nét nghĩa trỏ thì gian, như ở dòng sau trong một văn bản rất quen thuộc với chúng ta: "hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca" (Chinh phụ ngâm). Chữ 'nẻo' thì gian được khôi phục, được trao sức sống trong văn bản hiện đại như thế này là lần thứ nhất tôi được thấy, sau bao nhiêu lâu bị vùi lấp.
Mật độ chữ Hán-Việt trong tập thơ là một ấn tượng có lẽ trội bật hơn thảy, đến mức tôi tưởng không ít người sẽ tự nhủ, liệu có cần đến vậy không. Riêng tôi cảm giác anh tận dụng hết sức kho chữ Hán-Việt hoặc xưa hoặc hiếm gặp hầu có được cái thanh cái âm mình muốn, hơn là muốn tô vẽ chữ nghĩa. Bởi lẽ phi cách tận dụng cái vựng từ ngữ ấy, âm điệu khó lòng toại ý.
mộng dõi đường hôm hồi vãng-nhật
(ad matutinas)
"mộng dõi" mở dòng, lướt qua loạt âm vần bằng, rồi kết lại là "vãng-nhật". Chỉ riêng nghĩa thì từ Hán-Việt cuối dòng ấy đã cho thấy một cảnh xa vắng rồi, nhưng nó lại càng xa xuôi hơn nữa với cái âm vang lạ lẫm của từ đó. Một trường hợp khác, tuy không thuộc loại 'chữ xưa hoặc hiếm gặp', nhưng cũng cho thấy lối chọn chữ ảnh hưởng thanh âm:
rồi đây biệt dạng thầy u
(di-chúc ii)
Nếu đổi ra 'biệt dạng má ba' hay 'biệt dạng mẹ cha' thì dòng thơ chẳng thể tuyền một thanh âm trầm lắng ra chiều u tịch như vậy. “rồi đây”. “thầy u”. Tuy nhiên, mấy chỗ tôi thấy thấm thía nhất là những chỗ anh dùng chữ Việt nôm, tức những chữ phi Hán-Việt.
[lửa thịnh-hạ] ráo hoảnh tương-tư
(de profundis)
trên môi hiu hắt tiếng ngày qua
(giờ nguyện)
hỏi phiến đá hợp tan mấy độ
đêm im lặng lạnh vỡ không-gian.
(dạ-thoại)
trong tôi cằn cỗi lòng tin
(ai giang-nam i)
loay hoay chữ nghĩa neo đơn
(vãn-ca của những vì sao)
cứ thế. người sẽ thêm tuổi. chuyện trò với ma.
(những phiến-đoạn cho con iv)
[.,.] những tàn-tích tha ma
của mộng-tưởng cha ông. vọt ra giữa
thác-loạn. rồi quẳng vào thùng rác nhà
nghỉ theo giờ. không một lời lìa xa.
(in illo tempore)
Mấy dòng thấm thía len lỏi vào như để lôi ta vọt về thực tại, rồi bỗng thấy trong ta "cằn cỗi lòng tin", thấy bản thân ta cứ "loay hoay chữ nghĩa". Lối đặt chữ của anh, tôi thấy, dễ gây ấn tượng rằng anh quá gắng gổ đóng tiếng ghép vần cho hợp âm trúng điệu. Song, tôi cũng thấy nhờ cái sự “quá” ấy về đường thanh âm mà trong lời thơ nghe chừng có tiếng xưa đồng vọng đâu đây. Tiếng xưa hợp quyện cùng tiếng nay, hơi xưa phảng phất trong tâm trí con người hiện thời. Có lẽ trong anh
bằn bặt ý-niệm ngày giờ
chuyện phù-thế. cùng một màu xa băng.
(de profundis)
Ở đôi dòng này, cùng những chỗ khác rắc rải khắp cả tập, ta thấy bóng những "kẻ đã chết" khi tỏ khi mờ đằng sau, và, mượn lời W. H. Auden, "Chữ của kẻ đã chết / Được mô-đi-phê trong ruột gan của kẻ đương sống".* Những con chữ này có cũ có xưa, có kì có lạ, có chữ nằm trong từ điển quá lâu như xác ướp dễ khiến người ta nhăn nhó khi gặp phải, nhưng qua lối thi ca thì âm thanh của chúng sẽ làm nên tình nên ý mà người đọc có thể cảm được mặc dầu cái nghĩa nó ở đâu đâu. Còn riêng tôi, lời thơ kì đặc của anh một mặt tựa hồ "ngón cầm khiển hứng, nước cờ giải mê", mặt khác cho thấy khả năng của tiếng Việt là đến dường nào. Ở đây, "kẻ đương sống" thụy-Đan chẳng khác chi một tín sứ đương mang đến những màu xa băng cho độc giả thì hiện tại. Sau rốt
chỉ còn xanh xanh trời bể trinh-nguyên
Đoàn Duy
Sài-gòn, 2024.10.15
---
* Nguyên văn của Auden: "The words of a dead man / Are modified in the guts of the living."
No comments:
Post a Comment