Adam Zagajewski
Trong thư viện
Tôi đang ở trong một thư viện lớn. Tôi nhướng mắt lên khỏi một tập thư từ của Keats và quan sát những người kế cận, những độc giả khác. Họ chủ yếu là sinh viên, thuộc cả hai giới tính. (Vì tôi đã bốn mươi tuổi, nên đối với tôi họ trông như đám trẻ con; và tới phiên tôi thì tôi trong mắt họ là một ông già, một công dân lớn tuổi.)
Các cô đôi lúc lại mở hộp phấn sáp bỏ túi ra và nhìn mặt mũi mình trong gương, như thể xem coi liệu rằng sự tiếp xúc với văn hoá có làm nước da của họ tàn tạ đi không. Thư viện nằm ở Paris; nhiều người mang theo chai nhựa đựng đầy nước khoáng – Evian, hay Volvic, hay Vichy – nhãn sau cuối có những mối liên hệ lịch sử đối với dân ngoại quốc.
Các bạn sinh viên khom người trên mấy quyển sách và sao chép các trích dẫn dài, bất tận từ sách. Bên dưới cái ngòi bút bi, các tờ giấy trong mấy quyển vở lớn bắt đầu quăn lại một chút, như thể bị lửa táp phải. Quả tình là chúng ta sống trong kỉ nguyên máy tính, nhưng những sinh viên này vẫn dời chuyển các trích dẫn dài sang các trang giấy trong quyển vở, cứ như thể họ đương sống ở thời Trung-đại.
Các trích dẫn dài. Tôi nhìn qua vai người nọ. “Chủ nghĩa hậu hiện đại.” “Một tiếp cận theo lối phúng thích, nỗi hiềm nghi vốn không bao giờ rời bỏ vị trí của nó.” “Một thái độ giễu nhại đối với quá khứ”. Hoặc, khác chút. “Lịch sử, ở vai trò đề mục và kẻ độc tài vô hình của phong vị, ngôn ngữ và tính nhạy cảm, đã chiếm lĩnh các bộ óc của châu Âu; chức vị đại thần đầu tiên của nó được đảm nhiệm bởi Giambattista Vico, bạn của Hölderlin là Hegel, và một gã xấc xược nọ người đảo Corse, người sinh ra ở một hòn đảo và chết trên một hòn đảo.” Trong một quyển vở khác nữa, tôi thấy những lời sau: “Thơ chỉ sống trong ngôn ngữ; tác phẩm thơ là một tác phẩm ngôn ngữ thuộc hàng ưu việt. Ta không thể hình dung một bài thơ vượt ra ngoài phương tiện của ngôn ngữ, giống như ta không thể nghe tiếng chim sơn ca ở Boston. Ngôn ngữ không chỉ đơn giản là phương tiện chuyên chở dành cho thơ, giống như một chiếc xe đạp không đơn thuần là phương tiện chuyên chở cho chính xe đạp đó.”
Và thêm một quyển vở khác uốn gập dưới sức nặng của câu sau: “Những tầng lớp có của sản xuất không chỉ bơ và súng, mà còn làm ra các sáng tạo tinh thần ngày càng hoàn mĩ hơn. Sau rốt, thậm chí họ sẵn sàng tạo ra sự phê phán hung bạo đối với chính họ; mọi thứ vốn có thể đem bán sẽ xuất hiện ở thị trường, bao gồm những vẻ khinh khi và thái độ khinh bỉ dành cho chính mình.”
Bất thần, tôi nhận ra tôi là chứng nhân cho một sự kiện quan trọng. Các ý tưởng, được biểu đạt trong sách, trong thư viện này chúng được liên kết với tâm trí của các độc giả.
Các ý tưởng, được biểu đạt trong sách! Kì cùng tôi biết tác giả của các quyển sách – tôi gặp họ ở mấy kì đại hội và hội thảo. Tôi biết rõ họ (kì cùng, bản thân tôi có viết sách mà). Những tác giả này thường là những người khá rụt rè, lòng luôn chất chứa nghi hoặc, kinh qua những đợt dài ngày trong im lặng, ưu uất, trống rỗng. Khi họ có trách nhiệm phải lên tiếng nói ở một dịp đại hội quốc tế, họ thường không chắc chắn về các quan điểm của mình; nhiều người họ lắp bắp, phạm sai sót, nói vòng vo. Họ mong chờ các cuộc thảo luận, các phản ứng; họ sẵn sàng đổi ý bất kì khi nào họ gặp phải sự kháng cự hoặc phê phán. Họ linh hoạt; hôm này họ nói phải, hôm khác họ nói không, và một hôm khác nữa họ công nhận đây là một biện chứng tinh hảo.
Họ yêu thích các nghịch lí, họ yêu thích việc gây sốc cho người nghe. Dĩ nhiên, về cơ bản thì họ đang mưu cầu sự thật, nhưng nếu trên đường đến sự thật họ lại đụng phải một nghịch lí choáng cả đầu, họ sẽ quên đi cái mục đích khiến họ phiêu bạc bấy nay. Họ tự nhốt mình trong thư phòng, và từ cái khối tư duy và ấn tượng vốn lắc lư và dễ biến động, họ dọn ra các sách, vốn là thứ ngay lập tức trở thành thứ chung tất, không thể trừ đi, như thể sương giá đã chặt hạ các bông hoa.
Tuy vậy, các sinh viên không biết gì về những ngờ vực nó kéo giật các tác giả sách; tựa hồ những người chép sách thời Trung-đại, tất cả những gì các bạn sinh viên làm là chuyển dời quan điểm của các cây bút vào mấy quyển vở bài tập được chấm điểm. Và đây là một thời khắc đặc biệt: chính lúc này đây các ý tưởng, được biểu đạt cách tự do, liều lĩnh, mê loạn, đảm lấy các thuộc tính của pháp luật.
Tôi nhìn vào mấy cái đầu cúi xuống của các sinh viên nam lẫn nữ. Tôi nhìn vào mấy cây bút chì, bút mực và bút bi đang dịch di thật nhanh, ghi lại các ý tưởng. Tôi thấy rằng các sinh viên có một niềm tin bao la vào sách. Các ý tưởng trở thành nhà tù. Chúng đảm nhận một quyền lực pháp lí, có tính ràng buộc như các sắc lệnh của Lenin. Và không phải chữ in mà chính cái khung cảnh chao nghiêng của các dòng mực đen mực xanh là thứ phú cho các ý tưởng một sức mạnh siêu nhân. Niềm tin của các sinh viên, câu hỏi của các chủ khảo.
Tôi nhìn những sinh viên ấy. Tôi nghĩ về các quyển sách cùng tác giả của chúng. Tôi tự do.
Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn của Lillian Vallee
Nguồn:
Adam Zagajewski; In the Library; Two Cities: On Exile, History, and the Imagination (bản dịch Anh văn của Lillian Vallee); The University of Georgia Press, 2002.
No comments:
Post a Comment