Wednesday, April 2, 2025

Adam Zagajewski - Đêm, biển

Đêm, biển

Buổi đêm biển tăm tối, u thảm,
và nói lời thầm thì khốc khô
Nên ta nhận ra nó
có nỗi kín thẹn lòng: sáng soi
nhờ ánh phản chiếu
buổi đêm, nó bần hèn như ta vậy,
tối đen, bị ruồng bỏ;
nó nhẫn nhịn đợi chờ vầng dương quay lại

— Adam Zagajewski

Monday, March 31, 2025

Clarice Lispector - Câu chuyện thứ năm

Clarice Lispector

Câu chuyện thứ năm

 

Câu chuyện này có thể mang tên 'Những bức tượng'. Một cái tên khả dĩ khác là 'Cuộc mưu sát'. Và còn có thể là 'Cách giết bọn gián'. Vậy nên tôi sẽ kể ít nhất ba câu chuyện, thảy đều thật vì lẽ chúng không mâu thuẫn nhau. Mặc dù là một câu chuyện đơn nhất, chúng hẳn sẽ là một nghìn lẻ một câu chuyện, nếu tôi có được một nghìn lẻ một đêm.

Câu chuyện đầu tiên, 'Cách giết bọn gián', bắt đầu thế này: ngày nọ tôi than phiền về việc có gián. Cô kia nghe lỏm được. Cô đưa cho tôi công thức làm ra món giết chúng. Tôi sẽ trộn đường, bột mì và thạch cao với tỉ lệ bằng nhau. Bột mì và đường sẽ thu hút chúng, thạch cao sẽ làm khô cứng chúng từ bên trong. Tôi làm như vậy. Chúng chết queo.

Câu chuyện khác thực ra lại là câu chuyện đầu tiên và có tên 'Cuộc mưu sát'. Nó bắt đầu thế này: ngày nọ tôi than phiền về việc có gián. Cô kia nghe lỏm được. Công thức xuất hiện tiếp sau đó. Và rồi đến chuyện giết gián. Sự thật là tôi chỉ than phiền về lũ gián một cách chung chung thôi, bởi chúng thậm chí đâu phải của tôi: chúng thuộc về tầng trệt và chúng sẽ leo lên đường ống nước toà nhà tới nhà chúng tôi. Chỉ ở thời điểm tôi sửa soạn cái hỗn hợp đó thì chúng mới thuộc về tôi. Khi ấy, nhân danh chúng tôi, tôi bắt đầu cân đong các thành phần bằng sự tập trung có phần mãnh liệt. Một cơn bực tức mô hồ phát sinh trong tôi, một cảm giác phẫn nộ. Ban ngày bọn gián vô hình và không ai tin rằng có thứ tai vạ bí mật đương gặm nhắm căn hộ bình an dường này. Nhưng nếu chúng, tựa như các thứ tai vạ bí mật, ngủ vào buổi ban ngày, thì tôi sẽ ở đó sửa soạn độc dược cho buổi tối. Tỉ mỉ, hăng hái, tôi pha chế thức linh dược gây nên cái chết dằng dai. Một nỗi sợ trong hào hứng và cái tai vạ bí mật của riêng tôi đã đưa lối dẫn đường cho tôi. Giờ đây lòng lạnh băng tôi chỉ muốn một điều: giết mọi con gián trên đời này. Bọn gián cứ leo lên các đường ống trong lúc chúng tôi, người mỏi mệt, đang nằm mộng. Và nhìn xem, bài thuốc đã sẵn sàng, trắng muốt. Như thể dành cho bọn gián khôn như tôi, tôi khéo léo rắc thứ bột đó đến khi nó trông như một thứ thuộc về tự nhiên vậy. Từ giường mình, trong cảnh lặng im của căn hộ, tôi hình dung chúng bò từng con một lên chỗ phòng giặt đồ, ở đó màn đêm đương ngủ, chỉ mỗi chiếc khăn cảnh giác trên dây phơi đồ. Mấy tiếng sau tôi thức giấc, giật mình khi nhận ra trễ quá rồi. Trời đã bừng sáng. Tôi băng qua phòng bếp. Ở đàng kia là bọn chúng nằm trên sàn phòng giặt, cứng đơ, to tướng. Tôi đã giết chóc trong đêm. Nhân danh chúng tôi, ngày đã tỏ rạng. Ở khu nhà lụp xụp trên kia, con gà trống gáy.

Saturday, March 22, 2025

Zbigniew Herbert - Tôi hứa một lời

Tôi hứa một lời

Ngày ấy tôi còn trẻ
và lẽ thường khuyên tôi rằng
đừng đưa ra lời hứa

Tôi đánh bạo mà nói được
tôi sẽ nghĩ ngợi chút ít
chuyện có gấp chi đâu
đây nào phải lịch tàu chạy

Tôi sẽ hứa một lời
sau kì thi tốt nghiệp
sau thời hạn quân dịch
sau khi dựng được mái nhà

nhưng thời gian bùng nổ
chẳng còn thời trước
chẳng còn thời sau
trong hiện tại loá mắt
mi đành phải lựa chọn thôi
nên tôi hứa một lời

một lời –
một thòng lọng quanh cổ
một lời sau cuối

vào mấy lúc hiếm hoi
khi mọi thứ nhẹ bổng
và trở nên sáng rõ
tôi tự nhủ lòng
"lời thế ấy
tôi muốn làm sao
rút lại lời mình từng thốt"

lúc ấy thiệt vắn vủn
trục thế giới rít kêu
bao người đi qua
bao cảnh trí
bao vòng thời gian nhuốm màu
mà lời tôi trao hứa
kẹt đó nơi cổ họng

— Zbigniew Herbert

Sunday, March 16, 2025

Adam Zagajewski - Biên giới

 Biên giới 

Mùi của những con dế mang hơi xăng

VLADIMIR HOLAN

 

Người nghèo chờ bên đường biên giới
và gửi ánh nhìn hi vọng về phía bên kia
Mùi của những con dế mang hơi xăng
sơn ca hót
bản rút gọn một bài thánh ca

Hai phía biên giới nhìn sang hướng đông
Bắc là hướng đông
Và nam là hướng đông

Ô-tô nọ chở quả địa cầu to
chỉ bày ra đại dương

Một bé gái ngồi trên chiếc Fiat 125 cũ xưa
làm bài cách cẩn trọng

trong quyển tập kẻ dòng xanh lục—
nơi nơi đều có đường biên giới

— Adam Zagajewski

Thursday, March 13, 2025

Novica Tadić - Một con chim bắt đầu hót

Một con chim bắt đầu hót

 

Một con chim bắt đầu hót
vào một ngày sáng trong
bên trên giá treo cổ

Một nhành cây lay động
trong một cánh rừng nhỏ
bên đóm lửa ỉm im

Một dòng suối róc rách
bên trên thân xác
của những người gục ngã

Gió thổi cuốn tàn tro
rồi rắc rải
lên đám tro tàn khác

— Novica Tadić

Tuesday, March 11, 2025

Novica Tadić - Các thứ tăm tối

Các thứ tăm tối

Các thứ tăm tối mở mắt tôi,
nâng bàn tay, thắt chặt các ngón.

Chúng vừa gần vừa xa xuôi,
ở chốn an toàn khuất lánh
bên kia dãy chín đồi.

Chúng lấy đêm làm vương quốc,
và ánh sáng ngày, vừa tỏ rạng,
làm nên tấm áo choàng.

Không lực nào tiêu trừ được chúng,
gỡ gút được chúng, cắt nghĩa được chúng.

Chúng ở yên vị chỗ mình,
trong ngực ta,
khuấy rộn trong tim ta.

— Novica Tadić

Monday, March 10, 2025

Adam Zagajewski - Núi

Núi

Khi đêm gần kề
núi trong trẻo và tinh khôi
— tựa hồ một sinh viên triết
trước kì thi.

Mây tháp tùng vầng dương tối
đến cuối đại lộ khuất nẻo đàng kia
rồi chầm chậm rời chốn ấy,
nhưng nào có ai kêu.

Nhìn, nhìn ngấu nghiến vào,
khi trời nhá nhem dần loang,
nhìn lòng đừng mãn ý
nhìn không sợ điều chi.

— Adam Zagajewski

Sunday, March 9, 2025

Branko Miljković - Biển không thi nhân

Biển không thi nhân

Mi đợi chờ thời điểm thích hợp
Hầu chỉnh mình hợp điệu ngữ ngôn
Nhưng chẳng có một thi nhân nào
Hay chữ nào tự do hết mực
Ôi biển đui mù oan phẫn
Luyến ái nạn đắm tàu

— Branko Miljković

Adam Zagajewski - Thuần phác và kinh nghiệm

Adam Zagajewski

Thuần phác và kinh nghiệm


Ta mang ơn William Blake về hai tập thơ trứ danh Songs of InnocenceSongs of Experience. Theo bản năng ta có khuynh hướng đọc theo thứ tự thời gian các bài thơ của Blake: đầu tiên là thuần phác, rồi sau đó, bù lại bằng đau khổ, kinh nghiệm. Thực sự cần phải thế? Liệu thuần phác có thực sự là thứ ta mất đi, như tuổi thơ, một lần và mãi mãi? Phải chăng không thể có chuyện kinh nghiệm cũng có thể bị mất đi? Kinh nghiệm là một dạng tri thức, và không thứ gì tan rã dễ như tri thức. Điều này cũng đúng với tri thức luân lí, tức là sự khôn ngoan. Một người sống sót từ trại tập trung, phẩm giá và cảm thức đạo đức còn nguyên vẹn, sau đó vẫn có thể thay đổi thành một kẻ vị kỉ tự phụ, có thể gây tổn thương một đứa trẻ. Nếu y nhận ra điều này và bắt đầu hối tiếc, y sẽ trở về trạng thái thuần phác.

Đó là nguyên do tại sao để kinh nghiệm ở sau cuối có thể không phải là điều đúng. Thuần phác theo sau kinh nghiệm, không phải lối ngược lại. Thuần phác phong phú hơn về kinh nghiệm, nhưng nghèo nàn hơn về lòng tự tin. Ta biết rất ít chuyện. Ta hiểu một điều gì đó trong một lúc rồi quên nó đi, hoặc ta phụ bạc cái thời khắc hiểu biết đó. Sau cùng tồn tại sự thuần phác, sự thuần phác cay đắng của vô tri, của tuyệt vọng, của lòng hiếu kì.

Saturday, March 8, 2025

Adam Zagajewski - Từ thế giới khác

Adam Zagajewski

Từ thế giới khác


Các bài thơ đến từ thế giới khác. Từ thế giới nào? Từ thế giới nơi đời sống nội tâm nó sống. Thế giới ấy ở đâu? Tôi không biết nổi. Các ý tưởng, các ẩn dụ và các tâm cảnh đến từ thế giới khác. Đôi khi chúng chất ngất niềm tin cao kì, lúc khác chúng toát ra sự khinh miệt hay mỉa mai. Chúng xuất hiện ở những thời điểm lạ lùng, không ai mời, không ai báo trước. Ấy thế khi chúng được kêu gọi, chúng lại muốn tránh đi không lộ diện.

Trên các con phố Paris, các diễn viên kịch câm hay xuất hiện làm trò tiêu khiển cho đám đông xem bằng cách bắt chước dáng đi của một người qua đường nghiêm trang nào đó đang hối hảo đến sở làm, mang cái cặp nặng trịch trên tay và những ý nghĩ nặng trịch trong đầu. Họ sẽ đi theo người đó, bắt chước đến từng chi tiết trong lối di chuyển, khuôn mặt, dáng đi đứng, vẻ nghiêm trang, vẻ hối hảo, vẻ miệt mài của người đó. Vào cái giây phút người qua đường đó nhận thấy rằng đi theo y là một con khỉ di động đương nhại y, cuộc vui kết thúc, mọi người cười phá lên, còn nạn nhân của trò đùa sẽ nhanh bước chân và lẩn vào một con đường nhỏ; người diễn viên ấy sau đó cúi chào và thu tiền.

Cuộc sống của tinh thần làm trò khỉ bắt chước thế giới nghiêm trang của chính trị, lịch sử và kinh tế theo cùng lối như vậy. Nó đi ngay đằng sau thế giới đó, từng bước một, lúc buồn lúc vui. Nó đi theo thế giới thực như một thần hộ mệnh tóc đỏ rồ điên rồi kêu la hoặc phá lên cười, chơi vĩ cầm hoặc đọc thơ ra tiếng. Khi thực tại cuối cùng nhận thấy nó không một mình, thì cái bóng ma kia cúi chào công chúng rồi mất dạng.

Các  bài thơ đến từ thế giới khác. Từ đâu? Tôi không biết.

Friday, March 7, 2025

Adam Zagajewski - Trong thư viện


Adam Zagajewski

Trong thư viện


Tôi đang ở trong một thư viện lớn. Tôi nhướng mắt lên khỏi một tập thư từ của Keats và quan sát những người kế cận, những độc giả khác. Họ chủ yếu là sinh viên, thuộc cả hai giới tính. (Vì tôi đã bốn mươi tuổi, nên đối với tôi họ trông như đám trẻ con; và tới phiên tôi thì tôi trong mắt họ là một ông già, một công dân lớn tuổi.)

Các cô đôi lúc lại mở hộp phấn sáp bỏ túi ra và nhìn mặt mũi mình trong gương, như thể xem coi liệu rằng sự tiếp xúc với văn hoá có làm nước da của họ tàn tạ đi không. Thư viện nằm ở Paris; nhiều người mang theo chai nhựa đựng đầy nước khoáng – Evian, hay Volvic, hay Vichy – nhãn sau cuối có những mối liên hệ lịch sử đối với dân ngoại quốc.

Các bạn sinh viên khom người trên mấy quyển sách và sao chép các trích dẫn dài, bất tận từ sách. Bên dưới cái ngòi bút bi, các tờ giấy trong mấy quyển vở lớn bắt đầu quăn lại một chút, như thể bị lửa táp phải. Quả tình là chúng ta sống trong kỉ nguyên máy tính, nhưng những sinh viên này vẫn dời chuyển các trích dẫn dài sang các trang giấy trong quyển vở, cứ như thể họ đương sống ở thời Trung-đại.

Thursday, March 6, 2025

Adam Zagajewski - Kẻ phiêu bạc

Kẻ phiêu bạc

Tôi tiến vào phòng chờ trong một nhà ga.
Không một làn hơi.
             Tôi mang một quyển sách trong túi,
mấy vần thơ của ai đó, các vết của linh hứng.
Ở cổng vào, trên mấy băng ghế, hai kẻ lang thang và một kẻ say
(hoặc hai kẻ say và một kẻ lang thang).
Cuối phòng đàng kia, một cặp vợ chồng già, thanh lịch rất mực, ngồi
nhìn chăm chú đâu đó trên đầu, hướng đến Ý và bầu trời.
Chúng ta luôn chịu chia cắt. Nhân loại, các dân tộc,
các phòng chờ.
      Tôi dừng lại một lát,
lòng do dự nỗi khổ đau nào tôi nên
tham gia.
        Sau rốt, tôi chọn chỗ ngồi ở khoảng giữa
rồi bắt đầu đọc sách. Tôi một mình nhưng chẳng cô đơn.
Một kẻ phiêu bạc không phiêu bạc.
           Sự mặc khải
bập bùng rồi tan biến. Những ngọn núi hơi thở, những thung lũng
hẹp. Chia cắt vẫn tiếp diễn.

— Adam Zagajewski

Wednesday, March 5, 2025

Tomaž Šalamun - Dân ca

Dân ca

Thi nhân thực thụ tuyền là thứ quái vật.
Y huỷ hoại giọng nói và cả người đời.
Tiếng y hát cất dựng nên kĩ nghệ thứ sẽ huỷ hoại
trái đất để sâu bọ không ăn mất ta.
Kẻ nghiện rượu bán áo choàng.
Kẻ vô lại bán đi mẹ mình.
Duy mỗi thi nhân bán đi linh hồn
hòng tách nó khỏi thân thể y hằng mến yêu.

— Tomaž Šalamun

Monday, March 3, 2025

Ryszard Krynicki - Mạnh hơn nỗi sợ

Mạnh hơn nỗi sợ


        Thơ là gì mà chẳng cứu lấy dân tộc hay người đời?
        – Czesław Miłosz


Thơ là thứ gì, nó cứu được điều chi?
Chỉ là những cái tên, những bóng hình
của người và sự vật?

Nó có thể là gì nữa, ngoại trừ một tiếng nói bồn chồn
như nhịp tim người,
mạnh hơn nỗi sợ về sự nghèo và sự chết,
một tiếng nói

của lương tâm mà dân tộc hay người đời,
chiến tranh tàn khốc, các cuộc đồ sát,
chẳng thể giết đi

hay khuất phục?

— Ryszard Krynicki

     Đoàn Duy chuyển ngữ từ bản Anh văn của Clare Cavanagh



















Nguồn:
Ryszard Krynicki; Stronger Than Fear; Magnetic Point: Selected Poems 1968–2014 (bản dịch Anh văn của Clare Cavanagh); New Directions, 2017.


Ryszard Krynicki - Yên lặng

Yên lặng


Yên lặng, suỵt, con mọt gỗ:
tay kiểm duyệt đương viết

về ngôn luận tự do

— Ryszard Krynicki

Ryszard Krynicki - Như một cơn mộng

Như một cơn mộng


Quả tình, đời mi như một cơn mộng,
một hành trình hoả xa, một cú tản bộ dọc một đại lộ sần sẹo:

nó đi tiếp không ai nhận thấy, thay đổi cách mập mờ:
nó càng thêm dài và dài ra và, chạy dọc
mấy con đường chỉ nó mới rõ,

nó một mực chuyển vận bạn
đến chỗ lạc lõng của buổi chiều

hay của thế hệ

— Ryszard Krynicki

Ryszard Krynicki - [những bình minh, những rạng đông, những mật hiệu]

những bình minh, những rạng đông, những mật hiệu,
một lữ trình tựa như đọc một quyển ngoại văn
về những chốn quen,
giật mình từ cơn ngủ tỉnh thức trên trang sách đời không đánh số,
lữ trình này tôi đọc trở lui bằng một thứ tiếng lạ

— Ryszard Krynicki

Thursday, February 27, 2025

Ryszard Krynicki - [Ta chẳng thể nào giúp ngươi đặng]

Bướm đêm tội nghiệp, ta chẳng thể nào giúp ngươi đặng,
ta chỉ có thể tắt đi ánh đèn.

— Ryszard Krynicki

Sunday, February 23, 2025

Andrew Motion - Một li rượu nho

Một li rượu nho

Đúng ngay khi ánh tà dương
nó sượt qua gót chân vườn

đúng ngay khi chim bồ câu nọ
đương đậu kia gắng hót lên
rốt lại cất lời kêu rên,

đúng ngay khi tiếng tách
chỗ khoá cửa tự động trên chiếc ô-tô
tan biến thành một tràng
âm dư chấn khẽ vang vang,

bàn tay đám mây thuôn thuôn
trổi ra khỏi đám đông quần tụ
tuyền dải khí hư không nương theo cơn gió
vấp phải chúng ta cả ngày luôn luôn
rồi chỉ tay lối nọ

đến chỗ rã rời
nhưng chẳng phải trước
lúc làn ánh dương sau cuối run run rót
xuống vườn loang khắp mặt sàn

thật đều đều, thật chậm,
nó cho mi hay mọi điều mi cần biết
về cái li này ta đương cầm giơ đến mi,

cái li với con mắt trắng, trơ trơ
đủ chất chứa cả một khối trời.

— Andrew Motion

Monday, February 17, 2025

Giorgio Agamben - Những điều tôi đã thấy, nghe và học - Phiến đoạn 45

Tôi đã học được gì từ thi ca? Rằng một nhiệm vụ chính trị và trạng thái mãnh liệt chính trị duy chỉ qua ngôn ngữ mới có thể truyền tải cho đặng, và rằng nhiệm vụ này — mặc dầu thường tình hết mực — không thể để bất kì ai giao phó, chỉ thi nhân mới có thể đảm lấy thay cho một nhân quần vắng mặt. Và rằng ngày nay không tồn tại thế cục chính trị khả dĩ nào khác, bởi lẽ chỉ có qua ngôn ngữ bừng phát mãnh liệt theo ngõ thi ca mà nhân quần vắng mặt ấy — trong một khắc mới hiện ra và đưa tay bang trợ.

Sunday, February 16, 2025

Jorge Luis Borges - Tự ngôn cho truyện ngắn Silvina Ocampo

Jorge Luis Borges

Tự ngôn cho truyện ngắn Silvina Ocampo


Với chút cảm giác dè dặt mà tôi viết bài tựa này. Một tình bạn xưa cũ, mà lại rất mới, đã ràng tôi với Silvina Ocampo, một tình bạn dựa trên những kí ức san sẻ chung về mấy khu dân cư ở Buenos Aires, về những buổi hoàng hôn, về những lần tản bộ đi ngang những trảng đất bất tận hoặc dọc theo con sông tĩnh lặng như trên đất liền, về những bài thơ yêu thích: hơn hết là một tình bạn dựa trên hiểu biết và lòng nhân từ, những điều mà Silvina chưa bao giờ ngừng biểu hiện cho tôi thấy. Tựa như Rossetti và Blake, Silvina đến với thi ca bằng những con đường sáng rỡ của vẽ và hội hoạ, và tính trực tiếp và tính đoan chắc của ảnh tượng thị giác vẫn cứ có đó trong các trang viết của cô.

Phạm vi mà tinh thần của cô bao phủ nó lớn hơn hẳn so với của tôi. Những niềm hoan vui dẫn khởi do nhạc và màu sắc, những thiên đường đóng kín đối với kí ức cũng như lòng hiếu kì của tôi, là những cái quen thuộc với cô. Tôi sẽ nói điều tương tự về các sự vật thuộc tự nhiên: các bông hoa, những cái tên lờ mờ khi tôi tình cờ gặp phải chúng trong những vần thơ Latin và Ba-tư, sẽ biểu đạt một thứ chuẩn xác đối với Silvina, một thứ chuẩn xác và dấu yêu. Vũ trụ mà tôi sống là thứ mờ đục vì lẽ nó thuần tuý bằng ngôn từ; trong vũ trụ của cô, các giác quan tham dự vào toàn bộ muôn vàn thức dạng nhu hoà của chúng. Những thiên ái văn chương của chúng tôi không phải lúc nào cũng trùng nhau. Tôi xúc động trước sử thi, cô xúc động trước những áng trữ tình và ai vãn; trước thi phẩm Chanson de Roland và những saga gai góc của xứ Iceland thì cô không thấy hấp dẫn bằng Baudelaire, một thi sĩ tôi tôn sùng thuở hoa niên, cũng không bằng các khúc điền viên khoái lạc của Theocritus. Cô cũng thích tiểu thuyết tâm lí, một thể loại có nhịp đi chậm mà tôi khước từ do biếng nhác.

Friday, February 14, 2025

Silvina Ocampo - Mộ chí cho một kẻ đắm tàu

Mộ chí cho một kẻ đắm tàu

Mộng đắm tàu đây là lần thứ nhất,
tôi sẽ không bao giờ quên đặng. Tăm tối
là mặt bể trong mộng, lạnh và cứng cỏi.
Ngày mai tôi nghe lòng sợ các điềm báo.

— Silvina Ocampo

Thursday, February 13, 2025

Clarice Lispector - Trăm năm thứ tha


Clarice Lispector

Một trăm năm thứ tha

Những ai chưa từng ăn trộm sẽ không hiểu được tôi. Và bất kì ai chưa từng ăn trộm hoa hồng sẽ không bao giờ có thể hiểu được tôi. Khi tôi còn nhỏ, tôi từng ăn trộm hoa hồng.

Ở Recife đường sá nhiều vô kể, những con đường của người giàu, xếp thành hàng hai bên là mấy căn biệt thự đặt ở giữa các khu vườn rộng lớn. Cô bạn tôi và tôi thích chơi trò quyết định xem căn biệt thự này kia này thuộc về ai. “Cái trắng này của tớ.” “Không, tớ đã bảo những căn màu trắng của tớ hết.” “Nhưng cái này có trắng toàn bộ đâu. Nó có cửa sổ màu xanh lá cây mà.”Đôi khi bọn tôi đứng rất lâu, tựa mặt vào hàng rào, nhìn chằm chằm.

Charles Simic - Trên con đường này

Trên con đường này

Mẹ tôi bế bồng tôi trên đôi tay bà
Ra khỏi toà nhà đương cháy nọ
Và đặt tôi xuống trên vệ đường đây
Như búp-bê quấn trong mớ giẻ rách,
Nơi tôi đứng lúc này sau nhiều năm
Nói chuyện với con chó không nhà,
Giấu nửa mình sau một ô-tô đỗ lại,
Đôi mắt ấp chứa hi vọng
Khi nó nhích tới lòng sẵn sàng đón điều gớm ghê.

— Charles Simic

Charles Simic - Tháng Mười một

Tháng Mười một

Những thập giá mà thảy các ông các bà
Phải gánh mang suốt đời
Thậm chí còn hiển hiện
Vào buổi đêm tối mưa rơi này.

— Charles Simic

Friday, January 31, 2025

João Guimarães Rosa - Bờ thứ ba của con sông


João Guimarães Rosa

Bờ thứ ba của con sông


Cha tôi là người có ý thức trách nhiệm, nề nếp và bộc trực; và đã có cái tính như vậy từ hồi mới lớn hoặc ngay từ lúc bé thơ, theo như lời mấy người đáng tin cậy mà tôi dò hỏi được. Theo kí ức chính tôi, ông không kì quái hơn cũng chẳng sầu muộn hơn những người quen khác. Chỉ trầm lặng hơn. Chính mẹ tôi mới là người cai quản ngôi nhà, là người la mắng chúng tôi hằng ngày – chị tôi, anh tôi, và tôi. Nhưng ngày nọ cha tôi bỗng đặt người ta làm một chiếc xuồng.

Ông nghiêm túc ghê lắm. Ông đặt làm một chiếc xuồng đặc biệt, bằng gỗ cây vinhático, nhỏ, chỉ vừa đủ chỗ cho người chèo. Nhưng toàn bộ chiếc xuồng phải được đóng kĩ càng, đủ cứng cáp ở mũi xuồng, sao cho ở được trên sông suốt hai mươi hay ba mươi năm. Mẹ tôi càu nhàu vụ này không thôi. Phải chăng chồng bà, một người chưa từng học đòi mấy món này, giờ đây dự tính đi đánh cá và đi săn bắt? Cha không nói gì hết. Nhà chúng tôi khi ấy vẫn còn gần con sông, cách con sông cỡ một cây số: con sông trải ra ở đó, lớn, sâu và tĩnh mịch. Rộng đến mức chúng tôi không thể nhìn sang bờ bên kia. Và nếu có một điều tôi không tài nào quên cho được, thì đó là cái ngày chiếc xuồng được giao đến.

Không vui cũng chẳng tỏ vẻ gì, cha ụp chiếc nón lên đầu rồi chào tạm biệt chúng tôi, như một sự đã định từ trước. Ông tịnh không thốt ra lời nào khác, không mang theo gói lương thực và quần áo, không khuyên nhủ điều chi. Chúng tôi tưởng mẹ sẽ la lên, nhưng bà chỉ đứng đó trông nhợt nhạt, giận căm căm, tự cắn môi mình rồi buông tiếng gầm gừ: — “Nếu ông đi, thì đi luôn đi. Đừng bao giờ quay về!” Cha nín lặng không đáp. Ông nhìn tôi với vẻ dịu dàng, vẫy tay ra hiệu bảo tôi đi cùng ông một chút. Tôi sợ cơn thịnh nộ của mẹ, tuy vậy vẫn theo lời cha. Hướng đi của mọi sự tuồng như khích lệ tôi, khiến tôi mạnh dạn hỏi: — “Cha ơi, cha cho con lên xuồng luôn nha?” Ông chỉ nhìn tôi, làm động tác ban phúc lành cho tôi, ra dấu bảo tôi quay về. Tôi vờ như đi về, tôi xoay người lại lần nữa, ở chỗ con mương trong rừng, để xem chuyện gì xảy ra. Cha lên xuồng và chèo đi. Và chiếc xuồng lướt đi – cùng với cái bóng của nó, tựa hồ một con cá sấu, dài thật dài.

Wednesday, January 15, 2025

Silvina Ocampo - Kí thuật về thiên đàng và địa ngục


Silvina Ocampo

Kí thuật về Thiên đàng và Địa ngục


Theo hình mẫu của các nhà đấu giá lớn, Thiên đàng và Địa ngục có những phòng triển lãm chứa đầy các đồ vật vốn không làm ai ngạc nhiên hết, bởi chúng cũng là các thứ thường thấy đầy trong các ngôi nhà ở trần thế. Nhưng chỉ nói đến các đồ vật thì chưa đủ:  trong những sảnh đó còn có các thành phố, các thị trấn, các khu vườn, các ngọn núi, các thung lũng, các mặt trời, các mặt trăng, các ngọn gió, các vì sao, các ánh phản chiếu, các nhiệt độ, các mùi vị, các hương thơm và các âm thanh, đời đời cho ta đủ loại cảnh quan và cảm giác.

Nếu ngọn gió gầm lên như con hổ, hoặc chim bồ câu tựa thiên thần, và nhìn bạn bằng đôi mắt của linh cẩu; nếu một gã giàu băng ngang đường vận bộ đồ tả tơi dâm dật; nếu đoá hồng, với các danh hiệu cao quý kèm theo, mà người ta trao cho bạn lại lợt lạt đi và trông tầm thường, ít gây chú ý hơn cả một con chim sẻ; nếu gương mặt vợ bạn là một thanh gỗ trơ trọi phẫn tức, thì chính đôi mắt bạn, không phải Chúa trời, đã khiến chúng thành ra thế đó.

Khi bạn chết, ác quỷ và thiên thần đều mang lòng hào hứng như nhau, biết rằng bạn đang ngủ, vẫn còn trong thế giới này và phần nào trong thế giới kia, và sẽ đội lốt nguỵ trang rồi tìm đến giường bạn, vuốt ve đầu bạn, và kêu bạn hãy chọn những thứ bạn thích trong đời. Trước tiên, họ sẽ cho bạn thấy những thứ giản dị, như thể đang mở ra một quyển trưng bày mẫu vật. Nếu họ cho bạn thấy mặt trời, mặt trăng hoặc các vì sao, bạn sẽ thấy chúng trong một quả cầu pha lê có hình hoạ, và bạn sẽ nghĩ quả cầu pha lê này chính là thế giới; nếu họ cho bạn thấy biển hoặc núi, bạn sẽ thấy chúng trên một tảng đá và bạn sẽ nghĩ tảng đá chính là biển hoặc núi; nếu họ cho bạn thấy một con ngựa, nó sẽ là một tượng thú tí hon, nhưng bạn sẽ nghĩ con ngựa tí hon đó là một con ngựa thực thụ. Các thiên thần và ác quỷ sẽ làm rối trí bạn bằng mấy bức ảnh về các bông hoa, trái cây bóng loáng và mấy viên kẹo. Làm cho bạn nghĩ mình vẫn còn là một đứa trẻ, họ sẽ đặt bạn ngồi ở một cái ghế kiệu được gọi là ghế nữ vương, hoặc ở một cái ghế vàng kim, và bằng cách này họ sẽ dẫn bạn, với đôi tay nắm chặt, đi qua những hành lang ấy đến trung tâm của đời bạn, nơi giấu những món ưa thích của bạn. Hãy cẩn trọng. Nếu bạn chọn nhiều thứ từ Địa ngục hơn từ Thiên đàng, bạn có thể bị đưa tới Thiên đàng; trái lại, nếu bạn chọn nhiều thứ từ Thiên đàng hơn từ Địa ngục, bạn có nguy cơ tới Địa ngục, vì lẽ niềm yêu thích các món thiên thượng có thể là dấu hiệu của lòng tham.

Luật lệ của Thiên đàng và Địa ngục thường linh động. Chuyện bạn được đưa tới nơi này hay nơi kia nó tuỳ thuộc vào chi tiết nhỏ nhoi nào đó. Tôi có biết những người tới Địa ngục vì một cái chìa khoá gãy hoặc vì một cái chuồng chim bằng liễu gai, và những người đến Thiên đàng vì một trang báo hoặc một li sữa.

Tuesday, January 14, 2025

Adélia Prado - Hạn định

Hạn định

Chúa trời thì đẹp hơn tôi đây.
Và Người chẳng còn trẻ.
Đó quả tình là niềm an uỷ.

— Adélia Prado

Saturday, January 11, 2025

Lydia Davis - Jane và cây ba-toong


Lydia Davis

Jane và cây ba-toong

Bà mẹ không tìm ra ba-toong của bà. Bà có một ba-toong, nhưng bà không thể tìm ra ba-toong đặc biệt của bà. Ba-toong đặc biệt của bà chỗ tay cầm là đầu một con chó. Đoạn bà nhớ ra: Jane có ba-toong của bà. Jane ghé thăm hồi ấy, Jane cần ba-toong để trở về nhà. Chuyện ấy cách đây hai năm. Bà mẹ gọi Jane. Bà bảo Jane bà cần ba-toong của bà. Jane ghé cầm theo một ba-toong. Khi Jane ghé, bà mẹ đang mệt. Bà nằm trên giường. Bà không nhìn cây ba-toong. Jane đi về nhà. Bà mẹ ra khỏi giường. Bà nhìn cây ba-toong. Bà thấy đây không phải ba-toong đó. Đây là một ba-toong trơn. Bà gọi Jane và bảo rằng: đây không phải ba-toong đó. Nhưng Jane đang mệt. Cô quá mệt để mà nói chuyện. Cô sắp vào giường. Sáng hôm sau cô ghé cầm theo cây ba-toong. Bà mẹ ra khỏi giường. Bà nhìn cây ba-toong. Đây đúng là ba-toong đó. Nó có đầu một con chó phía trên, màu nâu trắng. Jane về nhà cầm theo ba-toong kia, cây ba-toong trơn. Sau khi Jane đi, bà mẹ càm ràm, bà càm ràm trên điện thoại: Tại sao Jane không đem ba-toong đó trở lại? Tại sao Jane đem sai ba-toong? Bà mẹ đang mệt. Ôi, bà mẹ thấy mệt mỏi với Jane và cây ba-toong.

Wednesday, January 1, 2025

Durs Grünbein - Chán chết

Chán chết

Prenzlauer Berg ngày Chủ nhật trời oi ả
                                    chếnh choáng nơi đường phố
ken kẹt cộ xe. Một cậu trai vận jean

ơ thờ ve vuốt cô bạn gái lúc đang
                        nói chuyện trong buồng điện thoại
một mảnh kính vỡ ngay trước lối vào. Cậu nói
                                    “Có gì đâu” rồi ngảnh mặt
sang hướng kia nơi phát ra
                          tiếng hét của
                        một đứa nhỏ gặp nạn

nằm sóng sượt vài mét cách
                        một quả bóng rúm bẹp.

Durs Grünbein

Charles Simic - Thành phố của tôi

Thành phố của tôi 

Với những phố ánh đèn mờ
Tuồng như cuốn phim trắng đen,
Như cuốn truyện huyền hoặc phế phẩm,
Và bao người bần khốn
Run rẩy ở những lối vào ra.

— Charles Simic