Tuesday, December 31, 2024

Yiannis Ritsos - Tam vận cú

Tam vận cú

Khi anh viết, tuyệt không nhìn về phía biển,
anh nhận thấy cây bút chì nơi đầu ngọn run lên —
đó là lúc mấy ngọn hải đăng sáng đèn.

— Yiannis Ritsos

Monday, December 30, 2024

Yiannis Ritsos - Rạp xiếc

Rạp xiếc

Rạp xiếc đêm, bao ánh đèn, cùng tiếng nhạc,
nhiều xe lấp lánh dọc suốt chiều dài đại lộ.
Khi đèn tắt cả khu phố này,
khi nốt nhạc cuối rớt xuống tựa chiếc lá khô,
bề mặt tiền rạp xiếc tuồng như
một bộ răng giả khổng lồ. Lúc ấy
mấy cây kèn đồng ngủ yên trong hộp,
mấy con thú ta nghe đương gầm vang trên trời đô thị,
con hổ kia trong chuồng dán mắt vào bóng mình không thôi,
tay dạy thú trút bỏ bộ đồ rồi làm một điếu thuốc.

Và khu phố lại sáng đèn lúc này lúc nọ
khi đôi mắt sư tử loé lên sau các chấn song.

— Yiannis Ritsos

Lydia Davis - Egg


Lydia Davis

Egg

Từ dành cho ‘trứng’ trong tiếng Hà-lan là ei. Trong tiếng Đức nó là Ei, trong tiếng Yiddish là ey, trong tiếng Anh Cổ là ey. Từ dành cho trứng trong tiếng Na-uy là egg, trong tiếng Iceland nó là egg, trong tiếng Faroe là egg, trong tiếng Thuỵ-điển là ägg, trong tiếng Đan-mạch là æg. Trong tiếng Bắc Âu Cổ từ đó là egg, trong tiếng Anh Trung đại là egge. (Trong tiếng Pháp nó là oeuf.) (Trong tiếng Gaelic xứ Scotland nó là ugh.)

Hai em bé người Mĩ, cách đây đã lâu, đang tập nói – chúng đang tập tiếng Anh, chúng không có chọn lựa nào. Chúng sắp mười tám tháng tuổi, một đứa lớn hơn đứa kia một tuần. Đôi khi chúng giành nhau đồ chơi, lúc khác chúng tự mình chơi trong thầm lặng trong cùng một phòng.

Ở sàn phòng khách, hôm nay, một bé thấy một thứ trắng tròn trên thảm lót sàn. Nó đứng dậy, có chút khó khăn, và đi lẫm chẫm đến vật ấy. Nó nói “Eck?” Nghe thế, đứa còn lại ngẩng lên, thấy hứng thú, đứng dậy, cũng có chút khó khăn, đi lẫm chẫm lại để xem, và nói “Ack!” Chúng đang học từ này, chúng gần như có được từ đó. Chuyện chẳng hề quan trọng gì khi cái vật trắng tròn đó không phải quả trứng mà là quả bóng bàn. Theo thời gian thì chúng cũng sẽ học được thứ này thôi.

Sunday, December 29, 2024

Lydia Davis - Một khoảnh khắc xa xưa: Nhiếp ảnh gia lưu động


Lydia Davis

Một khoảnh khắc xa xưa: Nhiếp ảnh gia lưu động

Một nhiếp ảnh gia lưu động vừa sắp đặt máy ảnh, mấy cây đèn và một cái ghế ở một tiệm tạp hoá nọ. Cảnh này từng xuất hiện cách đây nhiều năm. Tôi đã ở đó, bản thân tôi đã thấy cảnh này. Lúc này một cô bé nhỏ xíu đang ngồi trên ghế, một em bé không hơn. Anh ta đang khổ sở với con bé. Con bé không cười. Con bé nghiêm nghị nhìn anh. Sau rốt, trong tuyệt vọng, anh ta cầm lên con hươu cao cổ màu cam, bước một bước tới con bé, và vẫy con thú cách dữ dội trước mặt con bé. Thấy thế, con bé há miệng to, để lộ ra hai răng hàm dưới, hai răng duy nhất, rồi oà lên khóc.

Wednesday, December 25, 2024

Charles Simic - Bài học thiên văn

Bài học thiên văn 

Tiếng cười lặng thinh đó
Của tinh tú
Ở bầu trời đêm
Nói ra hết
Cái ta cần biết.

— Charles Simic

Lydia Davis - Bức thư gửi cha


Lydia Davis

Bức thư gửi cha

 

Celan, khi nói về Kafka, nói rằng: “Một bài thơ luôn là một bức thư gửi cha.”
Tôi kể điều này cho một người bạn thi sĩ nghe.
Người bạn thi sĩ đáp lời:
“Celan hẳn là có một người cha khác với người cha tôi từng có.”
Anh ngừng lại nghĩ ngợt và sau đó hỏi, “Khác với người cha tôi có? . . . “
Cha anh đã mất.
“Tôi có một người cha, hay tôi từng có một người cha?”
Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy.

Lydia Davis - Một mẩu tin ngắn cách đây đã lâu


Lydia Davis

Một mẩu tin ngắn cách đây đã lâu


Chúng tôi nghe được câu chuyện này cách đây nhiều năm ở chương trình tin tức buổi tối: một cặp cô dâu và chú rể vào đêm đám cưới của họ đã uống say sưa cùng bạn hữu và sau đó lên xe của cô dâu và lái đi mất. Ở con đường cụt gần một cầu vượt, họ ngừng xe, tắt máy, và bắt đầu cãi nhau ầm ĩ. Tiếng cãi nhau có thể nghe thấy ở mấy căn nhà gần đó và tiếp tục như thế một đỗi thật lâu đến mức những người khu lân cận bắt đầu lắng nghe. Một hồi sau, chú rể quát lên với cô dâu: “Được rồi, vậy cán tôi đi”. Tới lúc này, mấy người khu đó cũng đang trông ra từ cửa sổ. Anh chàng bước ra khỏi xe, đóng sầm cửa lại, và nằm xuống ngay trước bánh xe trước bên phía ghế hành khách. Cô dâu nổ máy xe và lái chiếc xe nặng 1800 kí-lô cán qua anh chàng. Anh ta chết ngay tức khắc. Cuộc hôn nhân của họ chỉ thọ có mấy tiếng. Vào lúc chết, anh chàng vẫn còn đang mặc bộ tuxedo.

Sunday, December 22, 2024

João Cabral de Melo Neto - Những con sông không lời

Những con sông không lời 

Khi con sông cắt ra, nó cắt ra hẳn
lời lẽ của sông nước nó đang cất tiếng;
cắt ra, con nước đứt ra từng khoảnh,
thành các vũng nước, con nước tê liệt.
Đặt trong một vũng, con nước tựa hồ
con chữ đặt trong quyển từ điển:
đơn độc, đứng trong một vũng chính nó,
và, bởi nó đang đứng, nó tù đọng.
Bởi nó đang đứng, nó lặng câm,
và lặng câm bởi nó không qua lại với điều chi,
bởi kết cấu sông nay bị cắt rời.
còn đâu dòng nước cho sông chảy trôi. 

Dòng chảy của con sông, cái mạch lời sông đó,
hiếm khi nào nối lại được ngay;
con sông cần dòng nước nồ nà
hầu tái tạo mạch chảy đã tạo nên nó.
Trừ phi có tiếng khuếch khoác ầm ĩ của con lũ
đặt một ngôn ngữ khác vào, tạm lưu,
chứ con sông cần thật nhiều dòng nước
cho các vũng được nhóm lại tỏ bày -
được nối lại, từ vũng này sang vũng kia
làm thành những đoạn ngắn, rồi đoạn với đoạn,
đến khi dòng sông câu chữ của một mạch lời duy nhất
trong đó nó có thể cất tiếng, sẽ kháng lại cảnh hạn khô. 

— João Cabral de Melo Neto

Saturday, December 21, 2024

Yiannis Ritsos - Bất thần

Bất thần

Đêm lặng. Lặng. Và mi đã ngừng
Đợi chờ. Cảnh gần như bình yên.
Và bất thần chạm trên mặt mi, thật rõ rệt,
là một người vắng bóng. Y sẽ tới. Đoạn
tiếng đôi cửa chớp tự mình vỗ đập.
Lúc này gió đã nổi. Và ở xa xa, biển khơi
đương chìm trong chính giọng của nó.

— Yiannis Ritsos

Wednesday, December 18, 2024

Philip Larkin - Bình minh

Bình minh

Tỉnh giấc, và tiếng gà gáy
Vẳng nghe từ một chốn xa xôi,
Mở ra tấm màn cửa đó
Và thấy mây xê ngang trời –
Lạ lùng biết mấy
Lòng này lại vô tình, và lạnh lẽo tựa hồ thức mây.

— Philip Larkin

Philip Larkin - Những con cóc

Những con cóc

Cớ sao tôi để việc con cóc
     Ngồi xổm lên đời mình?
Lấy trí lự làm cây chĩa mà chẳng thể
     Xua đi thứ gớm ấy sao?

Sáu ngày trong tuần nó gây nhuốc nhơ
     Bằng chất độc bịnh hoạn của nó -
Chỉ để trả mấy tờ hoá đơn!
     Chuyện thật kì khôi quá đỗi.

Biết bao kẻ sống nhờ trí lự:
     Lão sư, kẻ líu lưỡi,
Hạng lông bông, lố lăng, lầy lội -
     Họ đâu chịu cảnh khốn cùng.

Biết bao kẻ sống ở lề đường
     Nhóm lửa ở trong xô,
Ăn trái rụng và cá mòi hộp -
     Chừng như họ ưng vậy.

Đám nhóc con họ đi chân trần,
     Mấy bà vợ không nói nên lời
Thân gầy như loài chó săn - ấy vậy
     Đời họ đói khát chẳng một ai.

A, liệu can đảm tôi đủ chăng
     Để gào Mớ tiền hưu dẹp đi!
Nhưng tôi biết, quá rõ rệt, cái mớ đó
     Nó làm nên giấc mơ:

Bởi một thứ nào kia tựa hồ con cóc
     Cũng ngồi xổm trong tôi;
Nó ngồi đó gây nặng lòng như ách vận,
     Và lạnh như băng,

Và không hề cho tôi có lời phỉnh tiếng phờ
     Hầu tự mình có được
Danh vọng và tình nhân và tiền tài
     Trong tay cùng một lúc.

Tôi không nghĩ, con này gây nên hình hài
     Lẽ thật thuộc linh của con nọ;
Nhưng tôi nghĩ bỏ một con thật khó thay,
     Khi ta có cả hai.     

— Philip Larkin

Monday, December 16, 2024

César Aira - Con chó


César Aira

Con chó

Hôm ấy tôi ở trên xe buýt, ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra ngoài đường. Bất thần, một con chó bắt đầu sủa ầm ĩ gần đó. Tôi rán nhìn xem nó ở đâu. Mấy hành khách khác cũng nhìn như tôi. Xe buýt không quá đông: tất cả ghế đều có người ngồi, chỉ vài người đứng; họ có cơ hội tốt nhất để thấy con chó, vì họ nhìn từ vị trí cao hơn và nhìn được ra cả hai bên. Ngay cả với người đang ngồi như tôi, xe buýt cũng cho tầm nhìn cao, giống như loài ngựa đối với tổ tiên ta: la perspective cavalière [viễn cận kị sĩ]. Đó là lí do tôi thích xe buýt hơn xe hơi, vì xe hơi chở bạn ở vị trí thấp, sát mặt đất. Tiếng sủa phát ra từ bên tôi ngồi, phía vỉa hè, điều đó hợp lẽ. Tuy vậy, tôi vẫn không thấy được con chó, và do xe đang chạy nhanh, tôi nghĩ quá muộn rồi; chúng tôi hẳn đã bỏ lại nó đằng sau. Con chó đã khơi dậy một chút hiếu kì vốn luôn có mặt xung quanh một sự cố hoặc một tai nạn, nhưng ở trường hợp này, ngoài âm lượng của tiếng sủa, gần như không gì cho thấy có điều gì đã xảy ra: mấy con chó người ta dắt đi trong thành phố hiếm khi sủa, trừ phi sủa những con chó khác. Vậy là sự chú ý của các hành khách bắt đầu phai đi . . . rồi bất thần người ta tập trung trở lại: tiếng sủa vang lên lần nữa, lớn hơn trước. Lúc đó tôi thấy con chó. Nó chạy dọc vỉa hè và sủa vào xe buýt, đuổi theo xe, phóng thật nhanh hòng bắt kịp xe. Điều này thật lạ. Ngày xưa, ở các thị trấn miền quê và các khu ngoại vi thành phố, chó thường chạy theo xe, sủa vào bánh xe; đó là điều tôi nhớ rõ từ thời thơ ấu ở Pringles. Nhưng giờ ta không còn thấy điều đó nữa; như thể chó đã tiến hoá và trở nên quen với sự hiện diện của xe. Và hơn nữa, con chó này không sủa vào bánh xe buýt mà sủa vào nguyên chiếc xe, ngẩng đầu lên, nhìn chăm chăm cửa sổ. Tất cả hành khách đều nhìn ra. Có lẽ chủ của con chó đã lên xe, quên mất nó hoặc bỏ rơi nó? Hoặc có lẽ ai đó đã tấn công người chủ hoặc cướp đồ của người chủ? Nhưng không, xe buýt nãy giờ đang chạy dọc theo phố Avenida Directorio liên tục không dừng qua mấy dãy nhà , và chỉ đến dãy nhà hiện thời thì con chó mới bắt đầu đuổi theo. Những giả thuyết phức tạp hơn – chẳng hạn như xe buýt đã cán qua chủ con chó hoặc một con chó khác – có thể gạt ra được rồi, vì không có chuyện như vậy. Hôm đó là chiều Chủ nhật và đường phố tương đối trống trải: một vụ tai nạn xảy ra thì ắt là người ta sẽ biết.

Sunday, December 8, 2024

Philip Larkin - Đám cây

Đám cây

Đám cây kia đương sắp sửa ra lá
Tựa một điều gần như được nói ra;
Đám chồi non buông lơi và giăng trải,
Màu xanh xanh chính là nỗi bi ai.

Phải chăng chúng được sinh ra trở lại
Còn ta già đi? Đâu, chúng cũng chết.
Trò trở mình tươi mới diễn hằng năm
Được ghi vào mấy vòng gỗ thân này.

Dù vậy mấy thành trì xôn xao vùng vẫy
Mỗi tháng Năm lúc thân cao tán rợp.
Năm rồi đã chết, chúng nói dường vậy,
Tươi mới trở lại, trở lại, trở lại.

— Philip Larkin

Tuesday, December 3, 2024

Edvard Kocbek - Hình thù trên vỏ cây

Hình thù trên vỏ cây

Và vào ngày thứ ba tôi thu mình trong tịch lặng,
dưới trời xám vướng lại trong mảng sáng nhặt thưa,
và lạc mất mình trong nỗi đau không đáy
như kẻ nô lệ mê mải một vọng cầu xa xuôi,
trong một khắc ập đến tôi khoảng xanh um tráng lệ,
tháo bỏ đi tấm màn che mắt che tai,
tôi làm ván cược mới trong ánh dương tinh nghịch,
trở nên kẻ khổng lồ trong cảnh đời tháng Sáu.

Và tôi lại bước vào một vũ trụ mới
tựa quỷ lùn trung trinh trong cõi chân lí hư huyễn,
thoáng cái thấy mình được bao bọc giữa đất trời
hoang dã, vội mơ mòng và mang hi vọng rồ điên.
Và nhìn đi, những ý nghĩ dịu ngọt lẻn tìm đến tôi
và tôi khắc con tim ở trên vỏ thân cây nọ.
Mười năm trôi làm nó nhăn lại thành một quắc nhìn ghê sợ,
một đài kỉ niệm quái dạng cho con người tôi đây.

— Edvard Kocbek

Edvard Kocbek - Nghi thức đêm

Nghi thức đêm

Ngôi nhà nghiêng bên dưới vòm cây,
ngọn gió quỳ ngay trước cửa,
nỗi sợ nó cụp đuôi,
các vì sao tự xếp thành hàng lối,
các thiên sứ bày ra buổi đêm
để thờ phượng.

Đất là bình hương,
bóng đêm là than hồng,
và con người là hương trầm.
Tôi sa vào lửa than,
giữa đám cháy tàn dịu ngọt,
tôi trở thành hương thơm.

— Edvard Kocbek

Monday, December 2, 2024

António Lobo Antunes - Hôm qua, lúc ba giờ chiều


António Lobo Antunes 

Hôm qua, lúc ba giờ chiều

Tôi quen Pedro cũng lâu như tôi quen chính mình vậy. Hai đứa tôi từng sống ở Travessa dos Arneiros, ở Benfica, tôi dưới đây, giữa chỗ ông thợ sửa giày senhor Florindo và cửa hàng bán than họ bán than bánh và vang đỏ và sống tại đó còn có con quạ cánh cụt nó cứ tuôn lời sỉ vả thế giới này từ cái sàn đầy mùn cưa, còn Pedro và người bà, sống gần nghĩa địa, trong một căn nhà nhỏ có mấy con Bambi sứ trên kệ và một cây sơn trà mọc áp sát tường.

Hai đứa tôi cùng đi học ở trường của senhor André, bọn tôi cùng nhau sưu tầm thẻ hình cầu thủ bóng đá và ảnh chụp các minh tinh điện ảnh thường hay nhét vào mấy gói kẹo cao su, bọn tôi đi gom tiền cho Santo Atónio ở Largo Ernesto da Silva và đọc tờ Ecos de Pombal mà bà của Pedro đặt mua dài hạn, đặc biệt hay đọc mục cáo phó đầy những câu chữ bất ngờ. Tôi nhớ một bản cáo phó thông báo cái chết đúng lúc ở Brasil của Trung tá Ernesto da Conceição Borges, “người chú của đồng nghiệp thân thương của chúng tôi Carlos Alberto Borges”. Cá nhân tôi thì tôi hi vọng không bao giờ chết đúng lúc vậy để một thằng cháu nào đó được nhờ.

Thursday, November 28, 2024

Charles Simic - Những sáng mùa đông

Những sáng mùa đông

Đàng kia từng có dãy rạp chiếu bóng một thời
Nằm ở lô những cao ốc vừa xây,
Nơi kẻ không nhà vào tìm hơi ấm,
Các bà vợ bẵng quên chồng mình,
Mấy thằng bé bỏ trường không tới lớp,

Xem cao-bồi và quỷ hút máu,
Mấy cô múa hát và đám cướp nhà băng
Tất bật làm chuyện cần làm thường nhật,
Để rồi tê cứng trên màn hình
Mắt trân dạ rối nhìn vào khoảng xa

Nào xe chữa lửa nào xe cảnh sát
Phát còi hụ vang vang cả con đường,
Một hồi sau tiếng mưa tuyết nghe rơi,
Quật vào bao con người vội vàng đi công sở
Và để lại vệt dài ướt đẫm các vết chân.

— Charles Simic

Monday, November 25, 2024

Charles Simic - Tôi trông theo cơn gió

Tôi trông theo cơn gió

Lần giở trang này đến trang kia
Một quyển bách khoa toàn thư dày dịch
Vứt cùng mớ rác đây,
Ra chiều hối hả đặng tìm câu trả lời.

— Charles Simic

Charles Simic - Mộng mị hay tỉnh thức

Mộng mị hay tỉnh thức?

Người đàn ông nọ rượt theo tôi trên con phố
Chào mời tôi mua một chiếc đồng hồ đeo tay.
Y giống kẻ truyền giảng ngày quá vãng,
Nhợt nhạt như ma và vận đồ đen.

Đồng hồ treo nơi nhà ga tàu hoả
Đã dừng kim lúc mười một giờ thiếu năm.
Còn cái ở ngân hàng tiết kiệm nọ
Thề rằng lúc ấy sắp ba giờ rồi

Khi y gạ gẫm tôi bằng cái đồng hồ đây
Không thấy kim cũng chẳng thấy số nào
Y muốn tôi ngẫm nghĩ và nhìn nó mê say
Rồi tôi hả họng khi nghe y ra giá.

— Charles Simic

Wednesday, November 20, 2024

António Lobo Antunes - Ngợi ca những vùng ngoại ô


António Lobo Antunes

Ngợi ca những vùng ngoại ô

Tôi lớn lên ở vùng ngoại vi Lisboa, ở Benfica, một vùng vào thời điểm ấy chỉ có những khu vườn be bé, những con đường nhỏ, những căn nhà thấp, và lúc hoàng hôn lại nghe các bà mẹ kêu vang

– Vííííííítor

to đến mức, từ con đường Rua Ernesto da Silva, tiếng kêu đó vọng đến chỗ đám cò đậu trên các ngọn cây cao thật cao và nhận chìm đám công ở cái hồ bên dưới mấy cây dương. Tôi lớn lên ở cạnh một thành luỹ nhỏ mang tên Portas de Benfica, vốn là cái tách chúng tôi ra khỏi một mặt là khu vực Venda Nova và mặt khác là đường Estrada Militar, ở một vùng đất có các trạm thuộc khu giáp ranh là hiệu dược phẩm của senhor [ông] Jardim, tiệm tạp hoá của Careca, tiệm bánh của senhor Madureira và tiệm thuốc lá của senhor Silvino. Tôi hay lượn lờ vào buổi chiều khi đi ngang qua chỗ ông thợ sửa giày, senhor Florindo, người cứ hì hục sửa mấy cái đế giày trong một căn phòng nhỏ tối tăm, vây quanh là những người mù ngồi ở những hàng ghế thấp họ toả ra cái mùi của da giày và mùi nghèo khó, vốn luôn là cái mùi thiêng liêng duy nhất tôi biết được. Dona (Bà) Maria Salgado, dáng người nhỏ ốm và thường xuyên than khóc, mang một cái hộp chứa Thánh Gia đi từ nhà này đến nhà kia, và trong quãng thời gian hai tuần ông bà tôi sẽ đón nhận vào phòng khách ba nhân vật đất sét ấy bên dưới mái vòm thuỷ tinh mờ đục mà những người hầu gái sẽ thắp sáng lên bằng mấy cây đèn dầu bé tí. Tôi lớn lên với senhor Paulo người khâu lại cánh chim sẻ bằng sợi chỉ và những mẩu sậy, cùng gia đình Ferra-O-Bico có người cô bỏ nhà đi với một tay du mục và kết cuộc sống ở bãi biển, xem bói cho thiên hạ và quấn quanh người bộ đồ đen tựa hồ quả phụ của một người thuỷ thủ không bao giờ quay trở về bờ. Mấy đứa bạn của tôi có những cái họ vang rền

(Lafayette, Jaurès)

Sunday, November 17, 2024

António Lobo Antunes - Những ngày Chủ nhật của tôi

António Lobo Antunes

Những ngày Chủ nhật của tôi

Vào những ngày Chủ nhật sau bữa ăn trưa, tôi mặc bộ đồ thể thao tía-và-xanh-lục và mang đôi sneaker xanh lam, Fernanda mặc bộ đồ thể thao tía-và-xanh-lục và mang đôi giày cao gót mà cô nàng từng mặc ở đám cưới bọn tôi. Tôi kéo dây kéo áo khoác lên tới cổ, với dây chuyền vàng và một cái mề-đay ở ngoài, Fernanda kéo dây kéo áo khoác lên tới cổ, với hai dây chuyền vàng và một cái mề-đay bên ngoài, cộng với vòng đeo cổ mà bà mẹ đỡ đầu của cô nàng tặng cho, và chúng tôi ẵm Roberto Carlos ra khỏi giường cũi, đeo cái nơ vải satin trắng lên tóc nó, lái xe đi khỏi Alverca, đón hai ông bà nhạc ở Santa Iria de Azóla, và dành cả ngày Chủ nhật ở trung tâm thương mại.

Saturday, November 16, 2024

Adélia Prado - Cơn sầu quyến rủ nó nháy mắt với tôi

Cơn sầu quyến rủ nó nháy mắt với tôi

Tôi đang kiếm thứ sầu nhất đời, thứ một khi tìm ra
sẽ chẳng bao giờ lạc mất, bởi nó sẽ theo tôi
trung thành hơn một con chó, bóng ma
của một con chó, cơn sầu không lời tả xiết.
Tôi có ba lựa chọn: đầu hết một người đàn ông,
hãy còn sống, gọi tôi đến bên giường
và cất giọng dịu êm mà rằng: 'Cầu nguyện cho anh được ngủ, nhé em?'
Hoặc, tôi mộng thấy mình đánh một thằng nhỏ. Tôi đánh và cứ đánh nó
đến khi rã cánh tay và nó thân bầm tím. Tôi đánh nó thêm nữa
rồi nó cười thành tiếng, không oán hờn, nó cười với tôi kẻ đánh nó.
Ở lựa chọn sau cuối (và tôi tự tạo ra nỗi ghê rợn này),
một nữ nhân ngư rít lên, gọi một người đàn ông đã chết
và rít xuyên đêm đến khi hừng sáng và y chẳng quay về
và ả cứ kêu đòi và giọng ả là của con người.
Nếu thế còn chưa đủ, thử xem cảnh này:
tôi nhắc thằng con lên, tay nắm chỗ nhạy cảm
và nó hôn lên má tôi.

— Adélia Prado

Friday, November 15, 2024

Adélia Prado - Những cái chết liên tiếp

Những cái chết liên tiếp

Khi chị tôi chết, tôi khóc thật nhiều
và nhanh nguôi ngoai. Tôi có váy mới
và bụi cây ngoài sân nơi tôi tồn tại.
Khi mẹ tôi chết, tôi nguôi ngoai lâu hơn.
Tôi phát hiện lòng mình rối bời:
bộ ngực tôi mang hình hai ngọn đồi nhỏ
và cả người tôi loã lồ,
tôi chéo hai tay ở ngực mỗi khi khóc.
Khi cha tôi chết, tôi chẳng thể nguôi ngoai trở lại.
Tôi lùng tìm mấy tấm ảnh cũ, ghé mấy người quen,
mấy người bà con, họ làm tôi nhớ đến cảnh ông nói chuyện,
cái cách ông bĩu môi ra và tỏ vẻ đoan chắc.
Tôi bắt chước theo tư thế ông
trong giấc ngủ sau cuối và lặp lại những lời
ông nói khi tôi chạm vào chân ông:
'Kệ đi, rồi sẽ ổn mà.'
Ai sẽ vỗ về tôi nguôi ngoai đây?
Bộ ngực tôi đã trọn vẹn
và bụi cây nơi tôi tồn tại
chính là bụi cây kí ức bập bùng lửa chân phương.

— Adélia Prado

Wednesday, November 13, 2024

Charles Simic - Gần như vô hình

Gần như vô hình

Ruồi yếu nhợt, đi từng bước, chậm nhọc nhằn
Trên bờ tường-chắn-mái hẹp và cao,
Băng ngang một dãy bao song cửa lớn
Hướng nhìn ra phía đường chân trời răng cưa

Rồi mặt trời lặn xa xa đàng đó
Dửng dưng trước cảnh khốn mi đương,
Xoay sang đâu cầu trợ khi cơn gió
Ào xộc tới từ con sông Hudson

Hăm hở quét qua làm mi ngã nhào
Khiến mi phải bò chẳng thể bay
Trên mặt đường mờ tỏ đàng dưới kia
Cùng bao kẻ sa cơ lâm vào vận rủi.

— Charles Simic

Wednesday, November 6, 2024

G. K. Chesterton - Lãng mạn trong mưa

G. K. Chesterton

Lãng mạn trong mưa


Các giai cấp trung lưu của nước Anh hiện đại hết sức mê cuồng việc giặt giũ, và thường rất nhiệt thành chống rượu. Do đó tôi không thể hiểu tại sao họ lại có chuyện họ công nhiên tỏ ra một điều thực bí ẩn là không ưa trời mưa. Mưa, điều gợi hứng và đầy vui thích ấy, chắc chắn kết hợp được những phẩm tính của hai lí tưởng này bằng một sự toàn bích lạ kì. Các nhà từ thiện háo hức lập nên nhà tắm công cộng ở mọi nơi. Mưa rõ ràng là một nhà tắm công cộng; nó gần như có thể được coi là hoạt động tắm chung nhiều người. Bề ngoài của những người xuất hiện tươi mới từ cơn thanh lọc tự nhiên này có lẽ không được đánh bóng hoặc không mang vẻ trang trọng; nhưng xét về chuyện đó, mấy ai có vẻ trang trọng khi ra khỏi nhà tắm. Nhưng kế lược của cơn mưa tự nó là một kế lược về hoạt động gột rửa rộng khắp. Nó hiện thực hoá giấc mộng của một chuyên viên vệ sinh bị loạn trí: nó cọ sạch bầu trời. Chổi và giẻ lau khổng lồ của nó dường như tới được phần nóc nhà đầy sao và những góc vũ trụ không-trăng-không-sao; nó là một hoạt động lau chùi mỗi độ xuân về và mang tầm vũ trụ.

Nếu một người Anh thực sự mê tắm nước lạnh, y không được càu nhàu chuyện khí hậu xứ Anh như một nhà tắm nước lạnh. Trong những ngày này ta thường xuyên được bảo rằng ta nên từ bỏ mấy thứ nho nhỏ của riêng ta và hoà mình hưởng lấy những thiết chế xã hội chung và một cơ chế xã hội chung. Tôi đề xuất mưa là một thiết chế theo lối Xã hội chủ nghĩa hoàn toàn. Nó mặc kệ cái kiểu thanh nhã phôi pha nó đến nay đã xui khiến từng quý ông đi tắm vòi sen ở chốn riêng tư. Nó là màn tắm vòi sen tốt lành hơn, bởi lẽ nó công cộng và hướng cộng đồng, và, hay nhất là bởi lẽ người khác sẽ làm cái việc giật dây.

Sunday, November 3, 2024

Emily Dickinson - [Vừa vặn tầm tay tôi!]

Vừa vặn tầm tay tôi!
Chăng hay tôi chạm tới!
Thử sức cách ấy rồi!
Thung thăng qua làng mạc—
Khẽ thung thăng rời xa!
Vạt đổng thảo giấu mình
Âm thầm trong nội cỏ—
Tay gắng gỏi quá muộn
Một giờ trước, qua đây!

— Emily Dickinson

     Bản Việt dịch của Hồ Thị Ngọc Trang

Thursday, October 31, 2024

Francisco A. de Icaza - Vàng óng

Vàng óng

Bên dưới sắc vàng ạnh trời chiều,
phía trên đồng lúa mì vàng óng,
cối xay gió chầm chậm quay
mấy cánh quạt lởm chởm.

Phía trên đồng lúa mì vàng óng
nó xúc lên rồi đổ
từ trời cao xuống đời
cả bãi chiều minh mông.

— Francisco A. de Icaza

Friday, October 25, 2024

António Lobo Antunes - Hai người chúng ta ở đây lắng nghe mưa

António Lobo Antunes

Hai người chúng ta ở đây lắng nghe mưa

 

Tháng Mười Một là một tháng khó chịu: đó là tháng mà mẹ em chết và chúng ta mất đi con chó. Với mẹ em thì chúng ta cũng đã trông chờ chuyện đó ít nhiều, khi nhìn đến tuổi và bệnh tiểu đường của bà. Bác sĩ bảo chúng ta rằng

- Nhớ giữ cho bà cụ luôn ấm

Thursday, October 24, 2024

Vasko Popa - Kẻ quyến dụ

Kẻ quyến dụ

Kẻ nọ vuốt ve chân một chiếc ghế
Đến khi ghế nó động đậy
Và dùng chân mình làm dấu tình ái trao lại cho y

Kẻ khác hôn lên lỗ khoá kia
Hôn nó ôi nụ hôn thật ngọt
Đến khi lỗ khoá hôn đáp lại y

Kẻ thứ ba đứng một bên
Đăm đăm nhìn hai kẻ đó
Đầu y lắc qua rồi lắc lại

Đến khi nó rơi ra

— Vasko Popa

Wednesday, October 23, 2024

Edvard Kocbek - Gấp hai lần

Gấp hai lần

Như thể thình lình bước
từ tiếng động đi vào lặng thinh,
trước mặt tôi trải ra
miền bình nguyên bát ngát, mang hơi thở hiền hoà,
một quý bà sắc nước hương trời,
đất thuần hoá tận thời thượng cổ,
nào lò sưởi, vườn tược, nào mả mộ.

Tôi nhắm mắt
ở điểm giao hai thế giới,
cõi mơ và cõi thực,
cõi vui và cõi sầu;
rồi cất lời thì thầm:
Ới Antigone,
khi đi săn trở về
ta sẽ quỳ trước nàng
cam lòng phụng sự!

Mấy tiếng nói đứt đoạn đáp lời tôi
từ miền bình nguyên ấy:
hai lần vang tiếng đập quần áo giặt bên sông,
hai lần vang tiếng rền vó ngựa phi,
hai lần vang tiếng sủa bầy chó,
hai lần vang tiếng khóc đám trẻ con,
hai lần vang tiếng chuông đồng vọng.
Tôi nghe lòng chấn động:
đời này đứt đoạn,
thế giới tách lìa
thành đôi
và chẳng thể ráp với nhau trở lại.
Thế giới đã có quả chín muồi,
giờ khắc tối đen đã đến.
Thình lình gió nổi,
làm tôi tóc rối,
rồi vút vào chốn thẳm.
Tôi buộc lòng níu chặt
thân cây gân guốc kia.

— Edvard Kocbek

Tuesday, October 22, 2024

Milan Rúfus - Những tình nhân của Rodin

Những tình nhân của Rodin

Vậy đây là ái tình:
cây đục của Điêu khắc gia.

Và khối đá, suốt cả đời mình
chẳng thốt lấy một lời,

thình lình hát lên.

— Milan Rúfus

Sunday, October 20, 2024

Durs Grünbein - Một hộp màu bạc

Một hộp màu bạc

đựng cá mòi, bị cán bẹp
nằm giữa đường ray &
nước xốt đỏ

rỉ ra hai bên
màu như mấy bình ga propane
                                      (& gần như

không có ý nghĩa gì) mỗi nó thôi,
lọt thỏm giữa bao mớ rác trôt giạt
sâu trong đất liền, nắm giữ được

cái mà buổi sáng này hứa hẹn
           qua ngõ vào cái đẹp.

— Durs Grünbein

Friday, October 18, 2024

Edvard Kocbek - Đôi bàn tay

Đôi bàn tay

Tôi đã sống bấy nay giữa đôi bàn tay này
như là giữa hai tên đạo tặc,
chẳng bên nào hay
bên kia đã làm gì.
Tay trái xuẩn dại do con tim dẫn lối,
tay phải khôn lanh nhờ tài khéo đưa đường,
bên này lấy, bên kia mất,
chúng trốn tránh lẫn nhau
rồi mọi thứ thảy đều dang dở.

Hôm nay tôi chạy trốn tử thần
rồi ngã quỵ rồi đứng dậy rồi ngã quỵ
rồi bò lê giữa đám bụi gai sỏi đá
cả hai bàn tay đều lầm máu.
Tay tôi dang ra tựa hai nhánh hình thập giá
từ một giá-đỡ-nến lớn trong thánh đường,
làm chứng bằng cùng lòng nhiệt tâm.
Tin và không-tin cháy chung một ngọn lửa,
phừng bốc lên cao.

— Edvard Kocbek

Thursday, October 17, 2024

Milan Djordjević - Bánh mì

Bánh mì

Nó mang hình hài nhân hậu.
Thật an tĩnh nó nằm
trên tấm thớt kia.

Sướng vui chờ phán quyết lẹ làng,
con dao lạng ở lưng
hay từng khoanh mà xé.

Cả thế gian là ổ bánh mì.
Cắn một miếng vào
như thể nó là mình Chúa con.

Hãy cứ cắn vào,
làm vỏ bánh vỡ
rồi lặng thinh rơi ra.

Lặng thinh của khởi thuỷ,
A, lặng thinh bừng cháy
hồi chung kết thế gian.

— Milan Djordjević

Tuesday, October 15, 2024

Những màu xa băng: đọc thơ Nguyễn-thụy-Đan


Những màu xa băng
Đọc thơ Nguyễn-thụy-Đan in hoc tempore


[Poetry] is the most concentrated form of verbal expression.
([Thơ] là hình thức có độ kết tập cao nhất của sự biểu hiện ngôn từ.)
— Ezra Pound

[M]ỗi âm có một tình ý riêng, mỗi thanh có một tứ lạ gửi vào tình ý nọ,
và âm thanh chế biến vô cùng để diễn tả muôn vàn ý niệm.
— Đoàn Phú Tứ


Trời hoàng hôn ám đạm, một con chim đa đa chạy lủi vào bụi cây. Thơ chẳng phải thứ nằm ở trang giấy, thơ thật nó trượt vào áng hoàng hôn kia rồi. Tôi tưởng bà Emily D., giả như bắt gặp cảnh tượng kia, ắt sẽ nói ra như thế.

Tập thơ 'in illo tempore' của Nguyễn-thụy-Đan tiên sinh là một xuất hiện lạ, lạ từ cái nhan, cái bìa hồng màu thịt da cho đến cái chữ cái nghĩa bên trong, như thể bước ra từ các "nẻo bụi mù ký-vãng". Dầu vậy mặc lòng, đầu hết cái ấn tượng khi đọc thơ anh không phải ở lối dụng chữ thật phu, mà ở các phân mảnh rải khắp, ngắt ra bằng các chấm. Đương nghe âm văng vẳng. Những mạch ngầm xưa. Hốt nhiên phải trở lại. Nhìn đời đứt đoạn. Từng khúc. Và thấy

vui buồn tan cuộc giữa dòng buồn vui.
(di-chúc i)

Trong những rời rạc ấy

dù hiện-hữu tan rã thành dáng vẻ
của vô-biên. trong quạnh quẽ thần-kinh
vẫn chưa nguôi ám-ảnh hồi chung-kết.
(hiển-linh)

Milan Djordjević - Giấc mộng

Giấc mộng

Khi tôi đến chỗ rìa sắc lẻm của nó,
cái cạnh rìa mà tôi có thể để mình cứa phải,
như cách tôi cứa ngón cái ở tờ giấy trắng,
như cách tôi thấm máu mình lên rìa giấy,
khi tôi đứng đó, nhìn xuống, tôi thấy một cơn mộng,
còn dễ sợ hơn cơn này đây,
một cơn mộng trong đó người ta mộng về tôi
mười năm sau khi tôi chết cách bất thần và dữ dội.
Tôi biết thảy mọi giấc mộng của mình sẽ chết vào ngày
tử thần đưa tôi đến một chốn ở đó đường phố
không có tên, nhà không số không địa chỉ.
Tôi biết thảy mọi ngày của minh như mảnh vụn và bụi mịn
bên dưới cái giường xứ sở nơi tôi nằm mộng mị.
Thảy mọi ngày của tôi sẽ là một hàng các thùng đựng sữa
và các xô chứa đầy thứ chất lỏng nửa đêm
đen đặc còn hơn hắc ín tan chảy
sao cho sau rốt mọi thùng mọi xô sẽ bị đổ tràn ra
và mọi thứ đen trắng trong tôi sẽ được trộn lẫn nhau.

— Milan Djordjević

Monday, October 14, 2024

Alejandra Pizarnik - Đồng hồ

Đồng hồ

Một quý cô tí hon
ngụ ngay trong tim một loài chim nọ
ra ngoài buổi sớm mai thốt lên mỗi một âm tiết:
                                                                     KHÔNG

— Alejandra Pizarnik

Saturday, October 12, 2024

Margaret Atwood - Cơn giận

Cơn giận

Cơn giận màu đỏ
Màu của máu đổ

Toàn bộ anh là cơn giận,
Kẻ mà mi rán thương lấy

Mi mở ra cánh cửa
Và tử thần đương sẵn đứng

Tử thần đỏ, cơn giận đỏ
Giận nhắm vào mi

Bởi mi toát bừng sức sống
Và cơn sợ chẳng tiêu triệt nổi mi

Anh muốn gì? mi cất tiếng
Đỏ chính là lời đáp.

— Margaret Atwood

Wednesday, October 2, 2024

Emily Dickinson - [Có một Ánh sáng Xuân]

Có một Ánh sáng Xuân
Biến mất dạng trong Năm
Tuyệt không lúc nào khác —
Chờ tháng Ba ghé thăm

Sắc màu làm bừng sáng
Cả Cánh đồng Quạnh hiu
Khoa học đành bất lực
Trước Tính năng Con Người.

Sáng chùng chình trên cỏ,
Phơi bày Cây tít tắp
Trên Dốc xa không tưởng
Sáng như nói cùng ta.

Khi Chân trời dời bước
Hay Ngọ đã khuất ngàn
Không âm vang Tín hiệu
Sáng chuyển, ta vẫn đây—

Âm sắc của mất mát
Gặm nhấm Hạnh phúc ta
Như Phàm sự bất chợt
Xâm phạm Bí Tích thiêng.

— Emily Dickinson

    Bản Việt dịch của Hồ Thị Ngọc Trang

Friday, September 27, 2024

Charles Simic - Gió đã lặng ngừng

Gió đã lặng ngừng

Thuyền nhỏ ta ơi,
Bảo trọng.

Đàng kia đó
Nào có thấy đất liền.

— Charles Simic

Thursday, September 26, 2024

Michalēs Gkanas - Chim hoét đen & Chim hoét đen 2

Chim hoét đen

Hạnh vận là đây khi
nó không thấy màu đen dường bao
đương vây quanh nó

---

Chim hoét đen 2

Dù tuyết dù mưa
màu đen nó cứ mặc lấy.
Mà chẳng tỏ bi ai.

— Michalēs Gkanas

Carl Spitteler - Người ăn mày

Người ăn mày

Y là kẻ tôi thù, và chẳng là bạn của ai.
Mới hôm qua thôi tôi hay tin y chết, mà không chút xao lòng.
Và đêm rồi, tôi thấy y trong cơn mơ
Đi vẩn vơ băng ngang bãi truông hoang vu cằn cỗi
Chỉ mỗi mình mình, và cái bát của y kêu rôn rổn,
Y đến chỗ tôi và nói, cái bát cứ rôn rổn kêu:—
"Một kẻ trơ vơ không nhà cửa, đã chết và mang thân khốn nạn
Giờ đây chẳng thể làm gì hại cho ai,
Y tìm ông đó, bởi món nợ cũ kia cần trả —
Hãy thả một ý nghĩ lành, thưa ông, vào bát đây, rồi tôi nguyện cầu."

— Carl Spitteler

Wednesday, September 18, 2024

Eugénio de Andrade - Những tình nhân không tiền không bạc

Những tình nhân không tiền không bạc

Họ có những khuôn mặt mở đón nhận bất kì ai ngang qua.
Họ có truyền thuyết và thần thoại
và lạnh lẽo trong tim.
Họ có những khu vườn nơi trăng dạo bước
tay trong tay với mặt nước.
Họ có vị thiên thần bằng đá làm anh em.

Như bao người họ có
phép mầu chốn thường nhật
nhỉ nhỏ từ các mái nhà;
và những đôi mắt vàng kim
bừng lên cơn mơ hoang dã.

Họ đói họ khát như muôn thú,
và một khúc lặng
quanh họ dưới các bước chân.
Nhưng ở mỗi cử chỉ họ thể hiện,
một con chim sinh ra từ các ngón tay
và, bị loá mắt, tan biến vào không gian.

— Eugénio de Andrade

Tuesday, September 17, 2024

Michalēs Gkanas - Về thi ca 2

Về thi ca 2

Những con chữ này đây không phải đinh
cũng không phải lá.
Và trước cây búa chúng ra sức kháng lại
và trước gió cũng vậy.

Những con chữ này đây tựa hồ đạn bắn.
Có cái trúng ngay đích nhắm
Có cái đích nhắm trật đi.
Nào phải lỗi của kẻ-săn này luôn luôn.

— Michalēs Gkanas

Wednesday, August 28, 2024

Gabriela Mistral - Hai thiên thần

Hai thiên thần

Thiên thần với đôi cánh sẽ run,
không chỉ một mà hai
lắc lư thân tôi này
tựa như hai bờ lắc lư mặt biển:
bên này trao hoan vui,
bên kia gây niềm thống thiết.
Một bên đôi cánh giũ rung rung,
bên kia đôi cánh cứ yên vị.

Nhờ ánh sớm mai tôi hay rằng
bên nào sẽ định đặt hôm nay,
một bên mang màu tàn tro,
một bên mang màu lửa cháy.
Và tôi nhượng đôi đàng, lòng tự hối,
tựa rong biển trước sóng bể khơi.

Duy một lần hai bên cùng bay
hợp nhất hai đôi cánh này:
đó là ngày tình ái,
đó là ngày Hiển lộ.
Hai đôi cánh khắc xung
hiệp lại theo một lối,
họ kết lại thành mối
ràng đường sinh ngả tử.

— Gabriela Mistral

Friday, August 23, 2024

Gabriela Mistral - Đưa tay mi đây

Đưa tay mi đây

Đưa tay mi đây và đưa lòng thương mi nữa,
đưa tay mi đây và cùng nhau ta múa ca.
Chỉ như một đoá hoa, và chẳng còn chi khác,
chỉ như một đoá hoa, ta chỉ chừng đó thôi.

Theo cùng nhau nhịp nhảy với vũ điệu đôi mình,
theo một khúc ca này ta cùng nhau hát vang,
như ngọn cỏ gió đùa, và chẳng còn chi khác,
như ngọn cỏ gió đùa, ta chỉ chừng đó thôi.

Ta gọi tên là Vọng và mi gọi rằng Hồng;
tên gì mặc nó đi, đôi ta sẽ tự tại,
vũ điệu trên đồi núi, và chẳng còn chi khác,
vũ điệu trên đồi núi, ta chỉ chừng đó thôi.

— Gabriela Mistral

Tuesday, August 20, 2024

Gabriela Mistral - Bài ca của tôi

Bài ca của tôi

Bài ca mà tôi đã hát
cho đám trẻ u sầu,
nó thương xót
nó hát cho tôi nghe.

Bài ca mà tôi đã ngâm nga
cho đám trẻ thương đau,
giờ lòng tôi như cắt,
nó hát cho tôi nghe.

Ánh sáng nghiệt ác đâm đôi mắt tôi
và mọi tiếng động làm tôi phiền não.
Bài ca ru bé cùng nhịp đu đưa,
nó hát cho tôi nghe.

Khi tôi ngồi đan chúng
mềm mại mềm như lông chồn,
tôi nào biết rằng hồn mọn tôi đây
tựa như đứa trẻ.

Bài ca mà tôi đã hát
cho đám trẻ u sầu,
nó thương xót
nó hát cho tôi nghe.

— Gabriela Mistral

Monday, August 19, 2024

Adonis - [Cơn mất ngủ khổ đắng]

Cơn mất ngủ khổ đắng nó tới thắp sáng mấy ngọn nến

Tôi có nên chăng đem mấy bức thư tình trả về lại nước mực?
Tôi có nên chăng xé mấy tấm ảnh này?

Tôi giờ đây đọc thân thể mình
và lấy nỗi sầu lấp đầy cây nến của đêm dài hôm nay

Tuesday, August 13, 2024

Adonis - [Tôi hình dung ái tình của tôi]

 Tôi hình dung ái tình của tôi
thở bằng những buồng phổi trong vạn vật
và nó tới chỗ tôi
như thơ
của bông hồng hay cát bụi

nói sẽ với mọi vật
và thì thầm cho vũ trụ hay tin
theo cách mà gió và mặt trời thường làm
khi chúng chia tách bầu ngực của tự nhiên
hoặc rót dòng mực của ngày
lên quyển sách của đất

Adonis - [Đoá hồng rời khỏi luống hoa]

 Đoá hồng rời khỏi luống hoa
để gặp nàng
Mặt trời trần trụi
vào mùa thu, không gì ngoài một sợi mây quanh eo nàng

Đây là cách ái tình đi tới
khu làng này nơi tôi sinh ra

Thursday, August 1, 2024

Raymond Carver - Uống bia khi đang lái xe

Uống bia khi đang lái xe

Giờ là tháng Tám và tôi không
đọc quyển sách nào sáu tháng qua
ngoại trừ cái có nhan Triệt thoái khỏi Moskva
do Caulaincourt.
Dẫu vậy, tôi mang lòng vui
khi lái xe cùng thằng em trai
và uống một vại bia Old Crow.
Chúng tôi không nghĩ gì về chỗ cần tới,
chúng tôi cứ lái thôi.
Nếu tôi nhắm mắt lại một chút
tôi ắt sẽ lạc lối, ấy vậy
tôi có thể hân hoan nằm xuống và ngủ vĩnh viễn
bên cạnh đường này.
Thằng em hích nhẹ tôi.
Sắp sửa lúc này đây, có chuyện sẽ xảy đến.

Raymond Carver - Cái lưới

Cái lưới

Chiều hôm dần buông, cơn gió xoay đổi. Thuyền
mấy chiếc vẫn ngoài vịnh
hướng vào bờ. Ông kia chỉ có một tay
ngồi trên sống đáy của con tàu
đương mục rữa, xoay xở ở tấm lưới le lói.
Y nhướng mắt lên. Kéo lấy một thứ
bằng hàm răng, và cắn dữ dội.
Tôi đi qua tịnh không một lời.
Lòng đọng lại cơn rối bời
do cảnh biến thiên nơi tiết trời,
do tâm nhiễu sự rầy rà. Tôi cứ
đi tiếp. Khi tôi quay lại để nhìn
tôi đã đứng xa một đỗi
đủ để thấy người kia kẹt trong lưới.

Wednesday, July 31, 2024

Raymond Carver - Phòng khám nghiệm tử thi

 Phòng khám nghiệm tử thi

Thuở ấy tôi còn trẻ, khoẻ bằng cả mười người.
Chuyện gì cũng xong, tôi từng nghĩ vậy. Dẫu một phần việc
tôi làm buổi đêm là dọn phòng khám nghiệm tử thi
sau khi vị chuyên viên đã xong việc. Nhưng một đôi khi
họ ngưng việc thật sớm, hoặc thật trễ muộn.
Bởi, tin tôi đi, họ để lại mấy thứ
trên cái bàn chuyên dụng của mình. Một em bé,
an tĩnh như đá tảng và tuyết lạnh. Một lần nọ,
một gã đen to có bộ tóc trắng với bộ ngực
được mở phanh ra. Thảy mọi cơ quan chính yếu của y
nằm trong cái hộp cạnh đầu y. Vòi nước
thì đang chảy, đèn trên đầu thì sáng chói.
Và lần kia có một cẳng chân, chân của đàn bà,
ở trên bàn. Một cẳng chân tái nhợt và đẹp thon.
Tôi nhận ra nó rõ rệt. Tôi đã thấy chúng trước đây.
Vậy mà, làn hơi thở như muốn đứt đoạn.

Khi tôi về nhà buổi đêm, vợ tôi nói rằng,
"Cục đường ơi, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Ta sẽ đổi trả
đời này để có được đời khác." Nhưng chuyện đâu
dễ dàng thế. Nàng cầm bàn tay tôi giữa hai tay nàng
và nắm thật chặt, còn tôi ngả lưng trên sofa
và khép đôi mắt lại. Đầu nghĩ ngợi ... chi đó.
Tôi chẳng biết chi. Nhưng tôi để cho nàng mang
tay tôi tới ngực nàng. Vào lúc đó
tôi mở mắt ra và nhìn trân lên trần nhà, hoặc là
sàn nhà. Rồi mấy ngón tay tôi lần sang cẳng chân nàng.
Vốn ấm áp và đẹp thon, sẵn sàng run lên
và nhấc sẽ lên, trước cái chạm se sẽ.
Nhưng đầu óc tôi lu lờ và lắc lư. Không gì
xảy ra hết. Mọi thứ đang xảy ra. Đời
là đá tảng, dần mài mòn và sắc cạnh hơn.

Sunday, July 28, 2024

W. H. Auden - Bài mộ chí cho kẻ bạo chúa

Bài mộ chí cho kẻ bạo chúa

Hoàn mĩ, dạng thế này đây, là cái y truy cầu,
Và áng thi ca đó mà y tự đặt ra thật dễ hiểu dễ thông;
Y rõ như mu bàn tay bao xuẩn ngốc nơi người đời,
Và rất mực hào hứng với các binh đoàn các thuyền đội;
Lúc y bật cười, mấy ông bà nghị khả kính cũng tuôn tiếng cười;
Và lúc y khóc, đám trẻ nhỏ chết lũ lượt ngoài đường kia.

Tuesday, July 23, 2024

Herman Melville - Nghệ thuật

Trong giờ phút bình lặng yên lòng ta mơ đến
Bao trù hoạch tráng lệ dáng dấp chưa định nên.
Song để gây hình hài, để mạch đời sinh khởi,
Những điều biệt khác cần hội nhau và quyện phối:
Lửa làm tan chảy – gió gây cứng đông;
Nhẫn nại sầu buồn – sinh khí bừng vui;
Khiêm cung khiêm nhường – mà kiêu mà khinh;
Bản năng và nghiền ngẫm; yêu và căm;
Tính cả gan  lòng tôn kính. Cần quyện phối nhau hết thảy,
Và hoà cùng con tim thần bí nơi Jacob,
Hòng so cự với thiên sứ kia  Nghệ thuật.

Monday, July 22, 2024

Alfred Lord Tennyson - Kraken

Kraken

Bên dưới thượng tầng bể sâu âm vang rền rĩ,
Tít, tít tận cùng đáy biển thẳm mang mang,
Là giấc ngủ ngàn xưa, không mộng, không chút rầy
Kraken đương ngủ: không một ánh trời thấp thoáng
Quanh các bề bóng phủ; đằng trên y phình lên
Bao bọt biển to tướng trương ra hàng ức đời;
Xa xa đằng kia vào trong vệt sáng nhợt nhạt,
Từ biết bao nhiêu là hang kì là động mật
Bầy bạch tuộc khổng lồ vô số chốn đàng kia
Vươn cánh tay lớn sàng sảy khối xanh im lìm.
Y nằm đó nhiều niên nhiều kỉ, và sẽ nằm
Sống nhờ đám sâu biển to trong giấc ngủ dài,
Đến khi trận hoả sau cuối nung nóng bể sâu;
Rồi một lần trước mắt người phàm và thiên sứ,
Vang tiếng gầm y trỗi dậy và chết trên mặt bể khơi.

Thursday, July 11, 2024

Christina Rossetti - [Ai đã nhìn thấy gió?]

Ai đã nhìn thấy gió?
Không ta cũng chẳng mi:
Mà khi lá treo cành rung động,
Gió đương đi qua đây.

Ai đã nhìn thấy gió?
Không mi cũng chẳng ta:
Mà khi cây khấu đầu nhất loạt,
Gió đương đi ngang qua. 

Wednesday, July 10, 2024

Emily Dickinson - 1472 - [Nhìn lên thấy bầu Trời Hạ]

Nhìn lên thấy bầu Trời Hạ
Chính thị Thi Ca, dẫu nằm trong Sách nó chưa từng –
Thơ thật đã chạy mất –

Saturday, July 6, 2024

G. K. Chesterton - Triolet

Tôi ước chi mình là con sứa kia
Ngã bực thang không thể nào:
Trong muôn điều tôi ao ước muốn ước
Tôi ước chi mình là con sứa kia
Chẳng mảy may bận tâm gì,
Và còn chẳng phải mang niềm ao ước
'Tôi ước chi mình là con sứa kia
Ngã bực thang không thể nào.'

Friday, June 28, 2024

Salvatore Quasimodo - Trên mấy cành liễu

Trên mấy cành liễu

Và cách chi ta có thể hát ca
với bàn chân lạ lẫm trên tim mình,
giữa bao kẻ chết bị ruồng bỏ ở các quảng trường
trên mặt cỏ cứng rướm băng lạnh, trước tiếng đám cừu của bọn nhỏ
chúng rền rĩ, trước tiếng rú đen
của bà mẹ trên đường đi gặp đứa con trai
bị đóng đanh trên cột dây truyền tin?
Trên mấy cành liễu, do lòng thệ nguyện,
ta treo lên cả mấy cây đàn lia,
nhè nhẹ chúng đu đưa theo hơi gió sầu.

— Salvatore Quasimodo

Monday, June 24, 2024

Giuseppe Ungaretti - Làn yên lặng muôn sao

Làn yên lặng muôn sao

Và bao cây cối và buổi đêm
Chẳng còn động đậy chi nữa
Ngoại trừ trong các tổ.

— Giuseppe Ungaretti

Friday, June 21, 2024

Giuseppe Ungaretti - Vĩnh hằng

Vĩnh hằng

Từ lúc đoá hoa này được ngắt đi đến lúc đoá kia được trao

một hư không chẳng thể tỏ bày

— Giuseppe Ungaretti

Sunday, June 16, 2024

Vasko Popa - Trước cuộc chơi

Trước cuộc chơi

Nhắm một mắt rồi con mắt kia
Trộm nhìn mọi góc trong chính mình
Đoan rằng không có đinh hay trên trộm nào
Không có trứng chim cu nào
Rồi nhắm con mắt kia lại
Ngồi xổm rồi nhảy lên
Nhảy cao cao thật cao
Lên trên bản thân mình
Rồi ngã bằng cả sức nặng của mình
Ngã ngày qua ngày sâu thật sâu
Đến tận cùng trong rãnh nứt của mi
Ai không tan tành ra nhiều mảnh
Ai còn nguyên đó và đứng dậy còn nguyên
Thì hãy chơi

— Vasko Popa

Charles Simic - Radio tắt ngúm

Liệu người ta còn tức tối về chuyện Nam-tư thua Brazil ở World Cup 1950? Có lẽ không, nhưng tôi thì còn. Hồi ấy tôi mười hai tuổi, nhưng đã là rất cuồng bộ môn banh tròn. Lúc đó tôi đọc các trang thể thao của các tờ báo và các tờ tạp chí ra hằng tuần, nghe các trận đấu qua radio, đi gặp một ông chú nào đó, nói chuyện không ngớt về môn banh tròn với dám bạn, và để biết mấy câu chuyện từng trải hơn thì tôi ngồi ở một tiệm hớt tóc khu tôi ở đặng mà nghe mấy ông già ở đó hồi tưởng về quá khứ huy hoàng của chúng tôi. Tôi nghe nói thuở thập niên 1920 có một cầu thủ Serbia có thể sút rất mạnh đến nỗi ông ấy hạ sát mấy ông thủ môn khi họ tìm cách ngăn trái banh. Mỗi lần ông ấy bước lên chuẩn bị đá phạt thì họ sẽ phải nhanh nhanh đi lấy cho mình một cỗ quan tài. Rốt cuộc liên đoàn bóng đá cho ông ấy một lựa chọn: để bác sĩ lấy ra bớt mấy bắp thịt ở chân hoặc là nghỉ chơi banh. Tôi quên mất chuyện gì xảy ra kế tiếp theo lời người ta kể.

Thursday, June 13, 2024

Salvatore Quasimodo - Và thình lình trời sẩm tối

Và thình lình trời sẩm tối

Mỗi người ai cũng đơn độc ở tâm trái đất,
bị xiên trên một tia nắng mặt trời:
và thình lình trời sẩm tối.

Monday, June 10, 2024

Guido Gezelle - [Tim tôi tựa hồ đoá hoa mong manh]

Tim tôi tựa hồ đoá hoa mong manh,
Dẫu đương nụ hay đã đâm bông,
Vẫn thường hoan khoái trong ngày nắng,
Rồi gãy thân rũ dáng tự khi nào.

Tim tôi tựa hồ lá cỏ xanh non
Hít lấy bao giọt sương buổi sớm:
Rồi ngày tàn tà huy bóng đổ,
Nó héo don giữa những bụi những sầu.

Tim tôi tựa hồ trái cây chín mọng
Cứ lớn cứ muồi dưới ánh dương:
Rồi hơi thu tới xộc vào gốc rễ
Rút kiệt cùng nhựa sống trong cây.

Tim tôi tựa hồ một ngôi sao băng,
Nháng lên ngang qua nền trời cao thẳm,
Và vút đi xa khuất khỏi nẻo nhìn,
Hơi thở ra chẳng kịp đường sao.

Tim tôi tựa hồ cầu vồng rực sáng,
Giăng ngang những khung trời đó đây,
Thoáng chốc đã lợt phai dải sắc màu,
Tan đi trước mắt phàm nhân.

Tim tôi, tim tôi ốm yếu hao mòn,
Và xuôi lòng tỏ niềm mừng vui,
Song, bởi một đỗi tê mê nọ,
Lại cam chịu những ngày sầu âu.

Guido Gezelle - Ba nỗi nặng lòng

Ba nỗi nặng lòng

Ba nỗi làm lòng tôi trở nặng;
Đầu hết chuyện người đến cửa tử.
Chuyện nhì còn làm tôi nặng thêm hơn:
Tôi đâu biết ngày tử độ khi nào.
Chuyện ba gây não người hơn thảy;
Rằng tôi nào biết điều chi
Sẽ giáng xuống về sau nữa!

Monday, June 3, 2024

Franz Kafka - Cách ngôn 73

Y ngấu nghiến mấy mẩu thức ăn thừa rớt xuống từ bàn của y; mặc dù làm vậy sẽ giúp y no bụng hơn những kẻ khác trong một lúc, nhưng y quên đi cách ăn ở trên bàn; việc này còn làm cho các mẩu thừa đó ngưng rơi xuống.

Franz Kafka - Cách ngôn 47

Họ được cho quyền chọn lựa hoặc trở thành vua hoặc trở thành tín sứ của các vị vua. Theo lối trẻ con, tất cả đều muốn trở thành tín sứ. Và vậy là chỉ có tín sứ. Họ chạy tốc khắp thế giới và, do không có vua, họ gào cho nhau nghe những thông điệp giờ đây đã thành vô nghĩa. Họ hẳn sẽ vui lòng liễu kết cái đời khốn nạn của mình, nhưng lại không dám bởi lẽ họ đã phát thệ cho việc phụng sự này rồi.

Tuesday, May 28, 2024

Octavio Paz - Bài mộ chí của thi nhân

Bài mộ chí của thi nhân

Anh hát đến khi lìa đời
hát đặng nhắm đôi mắt mình
trước đời ngay thật, cái đời thực toàn điều dối;
và để mà nhớ cho đến chết
đời này dối dường bao, cái đời không thực toàn điều ngay.

— Octavio Paz

Sunday, May 26, 2024

Octavio Paz - Hai thân thể

Hai thân thể

Hai thân thể mặt đối mặt
đôi lúc là hai con sóng
còn đêm là đại dương.

Hai thân thể mặt đối mặt
đôi lúc là hai hòn đá
còn đêm là vùng hoang địa.

Hai thân thể mặt đối mặt
đôi lúc là hai con dao
còn đêm đánh lên tia lửa.

Hai thân thể mặt đối mặt
đôi lúc là hai cội rễ
còn đêm là đất.

Hai thân thể mặt đối mặt
là hai vì sao sa
trên bầu trời trống vắng.

Sunday, May 12, 2024

Clarice Lispector - Giấc mơ

 9 tháng Mười Một, 1968

Tôi chưa bao giờ hiểu nổi các giấc mơ, nhưng có lần tôi ghi lại một giấc mơ dường như đang cố nói với tôi một điều chi đó, dù tôi chẳng rõ đó là gì.

Tôi đóng cửa lại sau lưng khi rời khỏi nhà, nhưng lúc quay về, tôi thấy cái cửa nhập chung vào tường, các viền cửa đã mất dạng. Giữa hai lựa chọn hoặc là lần dò trên bức tường trơ trụi hoàn toàn lúc này hoặc là đào lấy một lối vào khác, lựa chọn sau có vẻ dễ hơn đối với tôi. Đó là điều tôi làm, gắng sức tạo ra một lỗ hổng đi vào. Tuy vậy, ngay khi làm được việc đó thì tôi nhận ra đây là lần đầu tiên có người vào căn hộ theo lối đó. Đây là cái cửa đầu tiên. Và mặc dù lối vào hẹp này mở vào cùng một căn hộ, nhưng tôi thấy nó như thể trước đây chưa từng thấy nó vậy. Và phòng ngủ của tôi tựa hồ nằm bên trong một khối lập phương. Đến khi ấy tôi mới hiểu ra rằng mình nào giờ đang sống bên trong một khối lập phương.

Tôi thức giấc người ướt đẫm mồ hôi, như thể mới trải qua một cơn mộng dữ, bởi lẽ, mặc cho giấc mơ ấy có bầu không khí chừng như yên bình, nhưng nó lại là cơn mộng dữ. Tôi không biết nó biểu trưng điều chi. Nhưng tôi thấy ý tưởng về "cái cửa đầu tiên" là cái làm tôi vừa thất kinh vừa thích thú đến mức tự nó làm nên cơn mộng dữ.

Thursday, May 2, 2024

Clarice Lispector - Một giấc mơ

10 tháng Hai 1968

Đó là một giấc mơ dữ dội đến mức tôi tin nó có thật trong mấy phút. Tôi mơ bữa đó là ngày đầu năm mới. Và khi tôi mở mắt ra, tôi còn nói: Chúc năm mới vui!

Tôi không hiểu các giấc mơ, nhưng giấc mơ này đối với tôi có vẻ như bày ra một khát vọng sâu thẳm muốn có một thay đổi trong đời tôi. Tôi thậm chí không cần vui. Tôi chỉ cần năm mới thôi. Thật quá khó để thay đổi. Đôi khi máu sẽ đổ.

Clarice Lispector - Vietcongue

25 tháng Tư 1970

Một trong hai thằng con tôi nói với tôi: “Tại sao thỉnh thoảng mẹ lại viết về chuyện cá nhân?” Tôi bảo nó rằng, trước tiên, mẹ không bao giờ viết về thứ gì thật sự cá nhân, mẹ thực tế là một người rất kín. Và ngay cả với bạn hữu, tôi cũng có chừng mực nhất định. Ở cột báo xuất hiện mỗi thứ Bảy, bạn không tránh được việc kết cuộc phải bình luận về những thứ xảy ra trong cuộc sống thường nhật chúng ta và cuộc sống lạ kì của chúng ta. Tôi từng hỏi một cronista trứ danh chính xác chuyện này, lo rằng tôi đang tỏ ra quá cá nhân, mặc dù không quyển nào trong số mười một quyển sách tôi đã xuất bản có tôi xuất hiện ở vai trò một nhân vật. Ông trả lời rằng không thoát được chuyện đó trong bài crônica. Rồi thằng con tôi nói: “Tại sao mẹ không viết về vietcongue?” Thấy mình bé mọn và đê hạ, tôi nghĩ: Làm sao một người đàn bà yếu ớt như tôi có thể nói về những cái chết chẳng hề vẻ vang như thế, những sinh mạng trẻ tuổi bị cắt lìa đi ngay thời tráng niên của họ, đó là chưa nói đến những cuộc tàn sát, và hết thảy nhân danh cái gì? À, chúng ta biết đó là gì, và cảm thấy ghê rợn. Tôi bảo nó rằng tôi để mấy thứ đó cho Antonio Callado viết. Vậy mà bất chợt tôi cảm thấy bất lực, tay buông thõng hai bên. Bởi tất cả những gì tôi đã làm về vietcongue là thấy ghê rợn trước những cuộc tàn sát và thấy hoang mang. Đây là điều mà đa số chúng ta làm: cảm thấy bất lực trong căm phẫn và thấy buồn. Cuộc chiến đó làm chúng ta thấy nhục nhã.

Clarice Lispector - Nỗi sợ cái vĩnh hằng

6 tháng Sáu 1970

Tôi sẽ không bao giờ quên lần tiếp xúc đau lòng, kịch tính đầu tiên của mình với vĩnh hằng.

Hồi tôi còn nhỏ xíu, tôi vẫn chưa từng thử qua món kẹo gum, và món kẹo này cũng không ai nói đến nhiều ngay cả ở Recife. Tôi không biết nó là cái chi. Ngoài ra, tôi không có đủ số tiền cần thiết để mua một cái, dù với cùng số tiền đó, tôi có thể mua kẹo bình thường bao nhiêu cái cũng được.

Sau rốt, chị tôi để dành đủ tiền mua một ít kẹo gum, khi chúng tôi trên đường đi học, chị nói:

“Giờ hãy cẩn thận đừng làm mất nó nha, vì đây là loại kẹo không bao giờ hết. Nó kéo dài cả đời luôn.”

“Chị nói ‘không bao giờ hết” ý là sao vậy?” tôi dừng lại một chút trên đường, lòng hoang mang.

“Ý chị là nó không bao giờ hết đó.”

Tôi sửng người ra: tôi cảm thấy như thể mình đang được chuyển tới vùng đất của các câu chuyện thần tiên và các hoàng tử. Tôi lấy cái kẹo thơm hồng hồng nho nhỏ tượng trưng cho loại linh dược mang tới niềm hoan khoái vĩnh hằng. Tôi dò xét nó, gần như không thể tin nổi vào phép nhiệm mầu ấy. Tôi, một đứa như bao đứa trẻ khác, thi thoảng cũng sẽ lấy một cục kẹo vẫn còn nguyên ra khỏi miệng để dành mút sau đó và do đó làm cho cục kẹo còn đó lâu hơn. Và ở trên đường đó tôi đang cầm cái thứ hồng hồng tưởng chừng vô hại ấy, biến cái thế giới không thể kia, mà tôi mới vừa biết đến, thành có thể.

Sau rốt, tôi hết sức nhẹ nhàng cẩn thận bỏ miếng kẹo gum vào miệng.

Tuesday, April 30, 2024

Tacitus - Agricola 30

Biết bao bận ta xét đến duyên do cuộc chiến này và cảnh quẫn bách của chúng ta, ta đều mang lòng tin chắc rằng ngày này và lòng hiệp nhất giữa các ngươi sẽ là khởi điểm của tự do cho toàn thể xứ Britannia. Tất thảy chúng ta đều chưa nếm trải cảnh nô dịch, và không có vùng đất nào phía bên kia chúng ta, và ngay cả biển cũng không an toàn trước một đội binh thuyền La-mã đang uy hiếp chúng ta. Do đó chiến trận và khí giới, những thứ mà người dũng cảm lấy làm danh giá, cũng là thứ an toàn nhất hạng cho kẻ hèn nhát. Những cuộc chiến chống người La-mã trước đây, thắng có bại có, đã để lại hi vọng và trợ giúp trong tay chúng ta, bởi vì chúng ta, hạng cao quý nhất toàn xứ Britannia, những người trú ngụ ở những nơi sâu tận bên trong, không nhìn sang bờ biển của những kẻ chịu ách nô dịch, giữ cho đôi mắt chúng ta tránh bị vẩn đục trước cảnh chuyên quyền. Tại đây ở nơi tận cùng của xứ sở và của tự do, chính sự cách biệt của vùng đất mà người ta chỉ biết qua lời đồn đại là cái đã bảo vệ chúng ta đến ngày nay. Giờ đây biên cương xa thẳm nhất xứ Britannia mở toang ra, mọi thứ bí ẩn được cho là diệu kì, nhưng không còn ai ngoài kia, không còn gì ngoài sóng và đá, và trí mạng hơn nữa là đám người La-mã, những kẻ với lòng ngạo mạn mà các ngươi có trốn tránh bằng sự tuân mệnh và quy phục thì cũng vô ích thôi. Là những kẻ cướp bóc thế giới này, sau khi chúng tàn hại mọi thứ và không còn vùng đất nào cho chúng, chúng sục sạo dưới biển; nếu kẻ địch của chúng là xứ phú túc, thì chúng sẽ sinh lòng tham, còn nếu họ nghèo, chúng cầu vọng cảnh vinh quang; và miền đông và miền tây đều không làm chúng mãn ý; chúng là những kẻ duy nhất mang cùng một lòng hăm hở thèm muốn cảnh nhiêu phú lẫn cảnh cơ cùng. Cướp bóc, giết chóc, cưỡng đoạt rồi chúng gọi đó bằng cái tên trí trá là cai trị, và chúng gây cảnh hoang lương, gọi đó là hoà bình.

Sunday, April 14, 2024

W. G. Sebald - [Thật khó làm sao]

Thật khó làm sao
để hiểu cảnh sắc này
khi mi đi tàu suốt lướt ngang
từ đây sang đó
và nó lặng thinh
trông theo mi tan biến mất

— W. G. Sebald

Saturday, April 6, 2024

W. G. Sebald - Đâu đó

Đâu đó

Đằng sau Türkenfeld
một vườn ươm vân sam
một ao nước ở bãi
truông trên đó
băng tháng Ba
chầm chậm tan

Tuesday, March 19, 2024

Seamus Heaney - Giải thoát

Giải thoát

Trôi trác trong cơn ngủ bỗng thấy em
Vùi sâu ngang hông trong tuyết.
Đôi cánh tay em vươn: ta đi tới
Như nước trong giấc mơ băng tan.

Thursday, March 14, 2024

Siegfried Sassoon - Người đời xướng hát

Người đời xướng hát

Người đời hốt nhiên oà lên xướng hát;
Và tôi đây niềm hoan khoái ắp đầy
Như đám chim ngục tù bỗng thấy mình tự tại,
Lượn bay mê mải ngang các vườn cây
Trắng bạch cùng bao cánh đồng thẫm xanh; đó - đó - rồi chẳng thấy đâu.

Người đời giọng họ hốt nhiên trổi cao;
Nghe chừng mĩ lệ tà dương khác gì:
Lòng tôi rung rinh theo nước mắt; và rợn ghê nào
Cũng giạt trôi đi . . . Ôi, nhưng Người đời
Thảy là chim; còn bài ca chẳng lấy một lời; xướng hát còn đó không bao giờ thôi.

Friday, March 1, 2024

Robert Frost - Canis Major

 Canis Major

Lừng lững kia thượng khuyển
Con vật ngự trời cao
Một đốm sao treo bên mắt
Nhảy bổng lên ở miền đông

Thẳng đứng người như múa
Như chồm lao tới miền tây
Hai chân trước cứ thế
Không hạ nghỉ luôn luôn

Ta khốn khổ thân hạ khuyển
Song tối này vẫn sủa vang
Hợp cùng ngài thượng khuyển
Huyên náo xuyên màn đêm.

— Robert Frost

Thursday, February 29, 2024

Vasko Popa - Trốn tìm

 

Trốn tìm

Một người đi trốn một người
Trốn dưới lưỡi anh ta
Người kia ngóng tìm anh ta dưới lòng đất

Anh ta trốn trên trán anh ta
Người kia ngóng tìm anh ta ở thiên đàng

Anh ta trốn trong lãng quên của anh ta
Người kia ngóng tìm anh ta ở bãi cỏ

Ngóng tìm anh ta ngóng tìm
Không chỗ nào mà anh không ngóng
Và ngóng thấy anh mất chính mình

Friday, February 23, 2024

Anne Carson - Bài nói ngắn về các hi vọng

Tôi hi vọng ngay chuyện sống trong một ngôi nhà cao su toàn bộ. Nghĩ thử tôi có thể từ phòng này sang phòng nọ nhanh đến dường nào! Một cú nảy bật ngon lành và bạn sẽ tới đó. Tôi có một người bạn với đôi bàn tay nát tan do một lựu đạn lửa trong chiến tranh. Giờ đây, một lần nữa, anh sẽ học cách chuyền bánh mì ở bàn ăn. Học là cuộc sống. Tôi hi vọng mời anh tới nhà được buổi tối này. Học là một màu giống y cuộc sống. Anh nói những điều như thế.

Wednesday, February 21, 2024

Julia Hartwig - Có những bài thơ


    Có những bài thơ

    Có những bài thơ đẹp, và được trau chuốt thật đẹp.
    Nhưng ta biết những nhà thơ làm ta mê li bằng tiếng nói không chút điểm tô mà cao quý, một trần trụi mà không gây ấn tượng trần trụi.
    Quá đỗi tự nhiên đến mức nó có thể tản bộ giữa bao người khoác áo mà không hút lấy ánh nhìn vào chính nó.
    Cái trần trụi của Mickiewicz. Cái trần trụi của Dante.

Friday, February 16, 2024

Mark Strand - Người ở trên cây

Người ở trên cây

Ta ngồi giữa lạnh lẽo mấy cành cây.
Ta chẳng bận đồ và cơn gió thổi thốc qua.
Bên dưới mi đứng đó bận áo choàng dày,
áo choàng mi đương bận ấy.

Và lúc mi mở áo, phơi trần bộ ngực,
bầy bướm trắng bay ra, và thảy mọi điều mi nói
giây phút đó êm rơi lên trên mặt đất này,
mặt đất ngay chân mi.

Tuyết dập dềnh từ mây xuống lọt vào trong tai ta.
Bầy bướm từ áo mi bay vào trong tuyết.
Và cơn gió khi chuyển di dưới cánh tay ta, bên dưới cằm ta,
nó kêu rên như trẻ nít.

Ta sẽ chẳng hề biết tại sao
đời chúng ta rẽ ngả bậy xằng đi, mi cũng chẳng.
Mây sa đâm vào đôi cánh tay ta và tay ta nhấc lên.
Chúng đang nhấc lên giờ đây.

Ta lắc lư trong làn hơi trắng mùa đông
và nằm xuống làn da ta tiếng kêu của sáo.
Một trảng dương xỉ phủ lấy kính ta; ta lau sạch chúng
đặng mà thấy được nhà mi.

Ta xoay và cây xoay cùng với ta.
Muôn vật nào phải chúng mà thôi trong ánh sáng này.
Mi nhắm đôi mắt và áo choàng
rơi khỏi đôi vai mi,

cây nó rụt lại như bàn tay,
cơn gió hoà lẫn hơi ta thở, dù vậy nào có gì xác thực.
Bài thơ nó đoạt mất những lời này khỏi miệng ta
ắt hẳn không phải bài này.

Sunday, February 4, 2024

William Wordsworth - [Tim nhảy bổng lên khi tôi nhìn ngắm]

Tim nhảy bổng lên khi tôi nhìn ngắm
        Dải cầu vồng trên trời cao:
Từng như vậy khi đời tôi bắt đầu;
Giờ cũng vậy khi đã là đàn ông;
Rồi sẽ vậy khi tôi già đi,
            Hoặc để tôi chết!
Đứa trẻ là cha của người đàn ông;
Và tôi ước sao những ngày đời mình
Buộc ràng với nhau được bằng lòng sùng mộ tự nhiên.

Tuesday, January 30, 2024

Charles Simic - Con gián

Khi tôi thấy một con gián,
Tôi không phát nộ như bạn
Tôi dừng như gặp một lời chào hữu nghị
Vừa đi qua bọn tôi.

*

Con gián này tôi thấy thật quen thuộc.
Bọn tôi đã gặp nhau đó đây,
Trong căn bếp lúc trời nửa khuya
Và trên gối tôi lúc này.

*

Tôi thấy được nó có một đôi
Sợi tóc đen của tôi
Lòi ra khỏi đầu nó,
Và ai biết còn chi nữa?

*

Nó mang tấm hộ chiếu giả—
Đừng hỏi sao tôi biết vậy.
Hộ chiếu giả, phải đó,
Có ảnh tôi thuở bé con.

Friday, January 5, 2024

Muriel Rukeyser - Dọc theo lịch sử

Dọc theo lịch sử, hằng luôn 
                đàn bà nọ đương múa, 
                làm nên các hình trên không khí;
                hằng luôn một đàn ông
                cưỡi một con ngựa tốt,
                yên vị trên con ngựa ô,
                dương vật cương lên cùng
                                                cơn huyễn tưởng